BBT trân trọng giới thiệu bài viết của TS. Carolus Wimmer, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Vê-nê-xu-ê-la về tác phẩm của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bài viết đăng trên Tạp chí Cộng sản.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi nhân dân tại thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên _Ảnh: TTXVN |
Với bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã giới thiệu cho chúng ta một công trình có giá trị to lớn, không chỉ đối với Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam, mà còn thể hiện giá trị khoa học, góp phần cho cuộc đấu tranh giai cấp trên toàn thế giới.
Ngay từ đầu bài viết của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra 4 câu hỏi mấu chốt để người đọc có thể hiểu được thực trạng của tiến trình cách mạng Việt Nam và lần lượt giải đáp chúng xuyên suốt bài viết của mình. Đó là các câu hỏi:
- Chủ nghĩa xã hội là gì?
- Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa?
- Cách thức xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam?
- Thực tiễn của công cuộc đổi mới và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua có ý nghĩa như thế nào và đặt ra những vấn đề gì?
Bằng phương pháp của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, từ “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” (C. Mác và Ph. Ăng-ghen, năm 1848) cho đến nay, những câu hỏi này chứa đựng những khái niệm lý luận chung về chủ nghĩa xã hội, là mục tiêu đấu tranh của các tầng lớp lao động ở tất cả các quốc gia; đồng thời, cũng bao hàm trách nhiệm của mỗi đảng cộng sản và công nhân theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong việc tìm kiếm những cách thức phù hợp để giành chính quyền và xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, xã hội cộng sản ở nước mình.
Với khu vực Mỹ La-tinh, mối quan hệ biện chứng giữa các quy luật của chủ nghĩa xã hội khoa học và ứng dụng vào thực tiễn tại mỗi quốc gia đã được nhà mác-xít José Carlos Mariátegui, người sáng lập Đảng Cộng sản Pê-ru, nêu bật vào năm 1928, như sau: Chúng ta chắc chắn không muốn chủ nghĩa xã hội chỉ là một bản sao. Đó phải là sự sáng tạo anh hùng. Chúng ta cống hiến cuộc sống, với nỗ lực và bằng nhiệt huyết của chúng ta, cho chủ nghĩa xã hội. Đây là một sứ mệnh đúng đắn của một thế hệ mới.
Trình bày tường tận quá trình phát triển của mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa là một nhiệm vụ khó khăn nhưng cần thiết, nhất là khi các yếu tố xác định trong lịch sử vẫn chưa thống nhất, trong khi mô hình này vẫn tiếp tục có những sự bổ sung cần thiết trong thời đại bùng nổ của khoa học - công nghệ như hiện nay.
Đó là vấn đề của cuộc đấu tranh giai cấp ở mọi thời đại và dưới mọi hình thức phổ biến. Và đương nhiên, đó là trường hợp của chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam mà đồng chí Nguyễn Phú Trọng trình bày với chúng ta, với những suy nghĩ và định hướng của mình, trong một tác phẩm ấn tượng và có tính gợi mở về quá trình chuyển biến chính trị của một dân tộc có điểm xuất phát thấp về kinh tế, lại phải trải qua những cuộc đấu tranh trường kỳ chống thực dân, đế quốc xâm lược; qua đó, đã thể hiện khát vọng của nhân dân Việt Nam, quyết tâm đấu tranh giành độc lập, chủ quyền, vì một tương lai tươi sáng.
Trong tiến trình cách mạng, đặc biệt là từ năm 1986, với việc Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua đường lối đổi mới, đã khơi dậy niềm tin trong toàn Đảng và dân tộc Việt Nam vào những đổi thay mang tính cách mạng. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa V tại Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Thái độ của Đảng ta trong việc đánh giá tình hình là nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật. Cùng với việc đánh giá đúng những thành tích đạt được, ở Đại hội này, chúng ta chú trọng kiểm điểm những mặt yếu kém, phân tích sâu sắc những sai lầm và khuyết điểm, vạch rõ nguyên nhân, nêu ra biện pháp khắc phục, xác định nhiệm vụ và mục tiêu phấn đấu cho những năm còn lại của chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ”.
Trở lại vấn đề, tác phẩm của đồng chí Nguyễn Phú Trọng có một đặc điểm tuyệt vời, không chỉ đơn thuần nêu ra các giai đoạn hình thành, mà còn khơi dậy sự suy ngẫm của người đọc bằng cách đi sâu vào những yếu tố tạo nên cấu trúc và sức mạnh của cách mạng Việt Nam, với các nội dung được xây dựng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh từ thực tiễn cách mạng Việt Nam; vì thế, tác phẩm này là tài liệu tham khảo cho tất cả các dân tộc trên thế giới đang phải gánh chịu hậu quả của chủ nghĩa bá quyền về chính trị và kinh tế, sự chối bỏ cội nguồn, tự do, nhân phẩm và phẩm giá quốc gia.
Giả định rằng, quá trình tiến lên chủ nghĩa xã hội ngày càng nhanh khi phong trào bắt đầu đạt được một số mục tiêu và khơi dậy được cảm xúc của những người bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp bởi hiện thực, tác phẩm này đã phản ánh sự khởi đầu, nguồn gốc thực sự của tiến trình; đồng thời, chỉ rõ những thế lực không muốn từ bỏ không gian quyền lực của chúng.
Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội còn nhiều chông gai, nhưng đó là con đường khả dĩ duy nhất của loài người. Tháng 3-1850, C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã khẳng định trong Lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương gửi Liên đoàn những người cộng sản: “Đối với chúng ta, vấn đề không phải là làm thay đổi chế độ tư hữu, mà là thủ tiêu chế độ đó, không phải là xóa nhòa các mâu thuẫn giai cấp, mà là thủ tiêu các giai cấp, không phải là hoàn thiện xã hội hiện tồn, mà là xây dựng một xã hội mới”.
Theo đó, có thể thấy, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu từ điểm mà những người theo chủ nghĩa Mác nên tập trung, đó là phân tích nền móng kinh tế tư bản và nghiên cứu chủ nghĩa tư bản. Điều này chắc chắn dẫn chúng ta đến một kết luận khoa học rằng, bên trong chủ nghĩa tư bản vốn được xây dựng với những đặc quyền dành cho tầng lớp tư sản, không có giải pháp nào cho các vấn đề, nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân lao động, cả ở thành thị và nông thôn. “Cùng với khủng hoảng kinh tế - tài chính là khủng hoảng năng lượng, lương thực, sự cạn kiệt của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sự suy thoái của môi trường sinh thái... đang đặt ra những thách thức vô cùng lớn cho sự tồn tại và phát triển của nhân loại. Đó là hậu quả của một quá trình phát triển kinh tế - xã hội lấy lợi nhuận làm mục tiêu tối thượng, coi chiếm hữu của cải và tiêu dùng vật chất ngày càng tăng làm thước đo văn minh, lấy lợi ích cá nhân làm trụ cột của xã hội”(1).
Là một nhà mác-xít uyên thâm, đồng chí Nguyễn Phú Trọng lý giải những đặc trưng cơ bản của phương thức sản xuất và tiêu dùng tư bản chủ nghĩa trên cơ sở chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Đặc biệt là việc chủ nghĩa tư bản đề cao lợi nhuận cá nhân làm mục tiêu của cuộc sống, “coi chiếm hữu của cải và tiêu dùng vật chất ngày càng tăng làm thước đo văn minh, lấy lợi ích cá nhân làm trụ cột của xã hội”(2).
Với cuộc khủng hoảng chung của chủ nghĩa tư bản, đồng thời bị ảnh hưởng bởi đại dịch, rõ ràng hệ thống này không còn bền vững, cả về kinh tế, xã hội và sinh thái. Đó là một chân lý, đã được nữ cộng sản người Đức Rosa Luxemburg trình bày trong tác phẩm “Chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa man rợ?”.
Với chính sách đổi mới, Việt Nam đã cho thấy, dù trong những hoàn cảnh hết sức bất lợi, nhưng với quyết tâm và có chính sách đúng đắn, cũng có thể xây dựng được một đất nước thịnh vượng của dân, do dân và vì dân - yếu tố cốt lõi nhất của một nền dân chủ thực sự, chỉ có thể tồn tại trong chủ nghĩa xã hội.
Trong số những điểm mạnh tuyệt vời của bài viết, tôi muốn làm nổi bật bốn chủ đề chính:
1- Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đánh giá chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là phương pháp khoa học duy nhất để giải quyết những thách thức của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, bất chấp sự tấn công trên nhiều phương diện của kẻ thù - giai cấp tư sản - và những khó khăn của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở một số nước, bên cạnh những chiến thắng tạm thời của kẻ thù giai cấp ở những nước khác. Đồng chí chỉ rõ, chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh phải được củng cố vững chắc, bổ sung và phát triển trên cơ sở lý luận khoa học, cách mạng và thực tiễn của giai cấp công nhân và quần chúng lao động.
Điều đó là bởi: “Tính khoa học và cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những giá trị bền vững, đã và đang được những người cách mạng theo đuổi và thực hiện. Nó sẽ còn tiếp tục phát triển và có sức sống trong thực tiễn cách mạng cũng như trong thực tiễn phát triển của khoa học. Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống”(3).
2- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ một cách chân thành với những thông tin chính xác tuyệt đối để phân tích rằng, đường lối đổi mới của Việt Nam đã tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực kinh tế và xã hội; và cách mà Việt Nam đối mặt với những thách thức cả về lý luận và thực tiễn hiện nay, với những đặc điểm sai lầm, thành công và cả những rủi ro.
Đồng chí giải thích, đường lối đổi mới thể hiện một bước đột phá lý luận hết sức sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, khi phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, gắn phát triển kinh tế với phát triển xã hội, gắn chính sách kinh tế với chính sách xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế song hành với thực hiện công bằng xã hội trong suốt quá trình phát triển; nhấn mạnh rằng không nên chờ đợi đến khi nền kinh tế đạt được trình độ phát triển cao thì mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không nên “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để theo đuổi tăng trưởng kinh tế như là mục tiêu cao nhất.
Ngược lại, về mặt biện chứng, mỗi chính sách kinh tế phải định hướng cho mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội cần hướng tới tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển; khích lệ làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, quan tâm giúp đỡ những người có công với đất nước và những người có hoàn cảnh khó khăn. Đây là điều kiện tiên quyết để bảo đảm sự phát triển của đất nước lành mạnh, bền vững và theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thể hiện bản chất của chế độ.
Đồng thời, bài viết cũng cảnh báo rằng: “Ý thức được nguy cơ đối với đảng cầm quyền là tham nhũng, quan liêu, thoái hóa..., nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường, Đảng Cộng sản Việt Nam đặt ra yêu cầu phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, thoái hóa,... trong nội bộ Đảng và trong toàn bộ hệ thống chính trị”(4).
3- Một điểm quan trọng nữa của bài viết là đã nhấn mạnh, để quá độ thành công lên chủ nghĩa xã hội thì vai trò tiên phong của Đảng Cộng sản Việt Nam theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin là hết sức cần thiết: “Nhận thức sâu sắc sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới và bảo đảm cho đất nước phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa”(5).
Trên cơ sở quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, chúng tôi nhấn mạnh rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam. Từ thực tiễn hoạt động, như một hệ quả lô-gíc, có thể thấy rằng Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tồn tại và phát triển vì lợi ích của giai cấp công nhân, của quần chúng nhân dân lao động và toàn thể dân tộc Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền được toàn thể nhân dân công nhận là đội tiên phong, vì vậy, Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và toàn thể dân tộc Việt Nam.
Trong bài viết của đồng chí Nguyễn Phú Trọng có đoạn: “Đảng ta nhận thức rằng, hiện nay Việt Nam đang trong quá trình xây dựng, quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Trong thời kỳ quá độ, các nhân tố xã hội chủ nghĩa được hình thành, xác lập và phát triển đan xen, cạnh tranh với các nhân tố phi xã hội chủ nghĩa, gồm cả các nhân tố tư bản chủ nghĩa trên một số lĩnh vực. Sự đan xen, cạnh tranh này càng phức tạp và quyết liệt trong điều kiện cơ chế thị trường và mở cửa, hội nhập quốc tế. Bên cạnh các mặt thành tựu, tích cực, sẽ luôn có những mặt tiêu cực, thách thức cần được xem xét một cách tỉnh táo và xử lý một cách kịp thời, hiệu quả. Đó là cuộc đấu tranh rất gay go, gian khổ, đòi hỏi phải có tầm nhìn mới, bản lĩnh mới và sức sáng tạo mới. Đi lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa là một quá trình không ngừng củng cố, tăng cường, phát huy các nhân tố xã hội chủ nghĩa để các nhân tố đó ngày càng chi phối, áp đảo và chiến thắng. Thành công hay thất bại là phụ thuộc trước hết vào sự đúng đắn của đường lối, bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”(6).
4- Xuyên suốt bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng toát lên tinh thần lạc quan vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, tin tưởng vào sự đúng đắn của con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhớ lại những năm chiến tranh liên miên khiến đất nước Việt Nam bị tàn phá nặng nề. Mười năm sau ngày chiến thắng là thời điểm khó khăn và cam go nhất của Việt Nam, với hậu quả nặng nề của chiến tranh kéo dài, việc thiếu kinh nghiệm quản lý kinh tế và những khó khăn xuất phát từ chính cơ chế quản lý kinh tế tại thời điểm đó. Chỉ riêng việc giữ vững nền kinh tế đất nước trong những ngày tháng đó đã là chiến công không thể phủ nhận của cả một dân tộc có bản lĩnh sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy, xây dựng chủ nghĩa xã hội là kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất, hoàn toàn không hề đơn giản, dễ dàng. Đây là cả một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn, một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng đích lâu dài, không thể nóng vội. Vì vậy, bên cạnh việc xác định chủ trương, đường lối đúng, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, phải phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân. Nhân dân tiếp nhận, ủng hộ và nhiệt tình tham gia thực hiện đường lối của Đảng vì thấy đường lối đó đáp ứng đúng yêu cầu, nguyện vọng của mình. Sức mạnh nhân dân là cội nguồn sâu xa của thắng lợi, của phát triển”(7)./.
TS CAROLUS WIMMER
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Vê-nê-xu-ê-la
----------------
(1), (2) Nguyễn Phú Trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản số 966, tháng 5-2021, tr. 5
(3), (4), (5) Nguyễn Phú Trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tlđd, tr. 14, 10, 10
(6), (7) Nguyễn Phú Trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tlđd, tr. 13, 14