Chủ tịch Hồ Chí Minh - ngọn cờ tất thắng, linh hồn của sự nghiệp kháng chiến

Tháng 8/1945, với tư duy chính trị cực kỳ nhạy cảm và sắc bén, dự báo chính xác, phân tích kịp thời và thấu đáo tình hình trong nước và quốc tế, nhận rõ thời cơ cách mạng đã chín muồi, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu quyết tâm "Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho kỳ được độc lập dân tộc".
 

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam; kết thúc hơn hơn 80 năm nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Ảnh: Tư liệu - TTXVN

Đại hội lần thứ IV của Đảng đã nhận định: Thắng lợi to lớn của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước cũng như những trang sử chói lọi của cách mạng Việt Nam ngót nửa thế kỷ qua mãi mãi gắn liền với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh... Người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cho sự nghiệp của Đảng, của dân tộc, làm rạng rỡ non sông đất nước ta, để lại cho chúng ta và các thế hệ mai sau những di sản bất diệt. 

"Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta"

Với lòng yêu nước thiết tha và ý chí, khát vọng cháy bỏng giải phóng dân tộc, ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh rời Cảng Sài Gòn, bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước.

 

 Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Hội đồng Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra mắt sau phiên họp đầu tiên, sáng 3/9/1945. Tại phiên họp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề về sự cần thiết phải có một bản Hiến pháp dân chủ cho nước Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Sau gần 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài, ngày 28/1/1941, Bác trở về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Người chủ trì Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941), quyết định chuyển hướng chiến lược cách mạng phù hợp với sự thay đổi mau lẹ của tình hình quốc tế và trong nước, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, tổ chức vận động, tập hợp lực lượng toàn dân tộc; thành lập Mặt trận Việt Minh; tiến hành xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa, tạo nên các cao trào cách mạng sôi nổi, mạnh mẽ trên phạm vi cả nước.

 

Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo ở châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy, trực tiếp tham gia chiến đấu bên cạnh các cơ sở, lực lượng dân quân ở các địa phương, đóng vai trò nòng cốt, quyết định sự thành công của Cách mạng Tháng Tám. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Tháng 8/1945, với tư duy chính trị cực kỳ nhạy cảm và sắc bén, dự báo chính xác, phân tích kịp thời và thấu đáo tình hình trong nước và quốc tế, nhận rõ thời cơ cách mạng đã chín muồi, Người nêu quyết tâm "Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho kỳ được độc lập dân tộc", "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta". Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc ta đã vùng lên phá tan gông xiềng nô lệ hơn 80 năm của chế độ thực dân, xoá bỏ chế độ phong kiến kéo dài hàng nghìn năm, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra một thời đại mới rực rỡ nhất trong lịch sử quang vinh của dân tộc - Thời đại Hồ Chí Minh.

 

 Ngày 19/8/1945, cả Thủ đô ngập tràn cờ đỏ sao vàng. Hàng chục vạn người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận theo các ngả đường kéo về quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội dự cuộc mít tinh lớn chưa từng có của quần chúng cách mạng, hưởng ứng cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ảnh Tư liệu TTXVN

"Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ"

Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ở nước ta, thù trong, giặc ngoài mưu toan lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ, hòng áp đặt ách cai trị nước ta một lần nữa. Trước tình thế hiểm nghèo, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân cùng một lúc chống cả 3 thứ giặc: "giặc đói", "giặc dốt" và "giặc ngoại xâm". Với sách lược khôn khéo, linh hoạt, Người đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi thác ghềnh, hiểm nguy, trong tình thế "ngàn cân treo sợi tóc", vừa tranh thủ thời gian xây dựng lực lượng về mọi mặt, vừa ra sức bảo vệ, củng cố chính quyền cách mạng mới được xác lập, còn rất non trẻ.

 

 “Bình dân học vụ” là phong trào xóa nạn mù chữ trong toàn dân, được Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát động ngày 8/9/1945, ngay sau khi Việt Nam giành được độc lập, nhằm giải quyết "giặc dốt" - một trong các vấn đề cấp bách nhất của đất nước thời gian đó. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Trước dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, hiệu triệu toàn dân tộc đồng lòng, chung sức tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, với ý chí sắt đá: "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ". Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, theo ngọn cờ "kháng chiến, kiến quốc" Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các kế hoạch quân sự của kẻ thù mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

 

Tháng 12/1946, trước dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động toàn quốc kháng chiến, kêu gọi toàn dân tộc Việt Nam nhất tề đứng lên kháng chiến với quyết tâm “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Ảnh: Nguyễn Bá Khoản/Tư liệu TTXVN

Kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, nhân dân ta bước vào thời kỳ cách mạng mới, cùng một lúc thực hiện cả hai nhiệm vụ chiến lược là: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiếp tục đấu tranh hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.

"Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà"

Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là tâm nguyện cháy bỏng, là nỗi trăn trở khôn nguôi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người từng nói: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý đó không bao giờ thay đổi!"; "Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi".

 

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong ảnh: Xe tăng quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975, ghi dấu mốc lịch sử kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thống nhất hoàn toàn đất nước. Ảnh: Trần Mai Hưởng/TTXVN

Trước lúc đi xa, Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta bản Di chúc lịch sử trong đó khẳng định một ý chí mãnh liệt, một quyết tâm sắt đá và một niềm tin tất thắng: "Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà".

Thực hiện di huấn của Người, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, làm nên thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông về một mối, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử nước ta - kỷ nguyên độc lập, thống nhất, hòa bình, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Mỗi thắng lợi và mỗi bước đi lên của cách mạng Việt Nam đều gắn liền với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự soi đường, dẫn dắt của tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong sự nghiệp đổi mới, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, với những khó khăn ở trong nước, Đảng ta luôn kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng và phát triển sáng tạo vào thực tiễn đất nước và đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Từ một nước nghèo và lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước đang phát triển, có thu nhập trung bình. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay; có thêm nhiều điều kiện, tiền đề thuận lợi để vững bước trên con đường mà Đảng ta, nhân dân ta và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn. Thành tựu của hơn 30 năm đổi mới đã khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại.

Từ những ngày mùa Thu tháng Tám năm 1945, dân tộc Việt Nam đã chiến thắng trên từng chặng đường khó khăn gian khổ, để có được đất nước độc lập, tự do như ngày hôm nay. Thời gian càng lùi xa, thắng lợi của Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám càng thêm chói lọi. Đó là thành công từ sự lãnh đạo tài tình của Đảng, của Bác Hồ; thành công của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, của bản lĩnh, trí tuệ, ý chí quật cường của một dân tộc quyết không chịu làm nô lệ.

Theo Phương Dung/TTXVN

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều