Cơ chế liên kết xã hội thông qua tương tác biểu tượng

(Mặt trận) - Cán cân biểu trưng cho công lý. Trái tim biểu trưng cho tình yêu. Chim bồ câu biểu trưng cho hòa bình… Tất cả những ý niệm đó được hình thành dựa trên hệ thống các biểu tượng được thừa nhận chung. Sức mạnh của biểu tượng vượt lên trên các rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, sắc tộc, năng lực và trình độ. Chúng trở thành công cụ cho quá trình xã hội hóa cá nhân và các phương thức liên kết cộng đồng.

Tượng Merlion được nhiều người biết đến như là một biểu tượng quảng bá du lịch Singapore. Ảnh minh họa

1. Tương tác biểu tượng là gì?

Tiền đề lý luận về Tương tác biểu tượng có nguồn gốc lâu đời, gắn trực tiếp với sự phát triển của tư duy nhận thức và hệ giá trị của con người, ở cả phương Đông và phương Tây.

Trong Dịch thuyết cương lĩnh của Chu Hy (1130 – 1200), nhà triết học đời Tống giải thích "Tượng là lấy hình này để tỏ nghĩa kia" tức là dùng cái "có thể hiểu biết" để nói lên cái điều "khó có thể hiểu biết", hay dùng cái cụ thể để nói cái trừu tượng, dùng cái tĩnh để nói cái động, dùng cái hữu hình để nói cái vô hình. [1]

Charler Sanders Peirce (1839 – 1914), triết gia người Hoa Kỳ đã nhận định: "Chỉ có thể nghiên cứu hoạt động tinh thần của con người bằng những "khách thể đối ứng" ở bên ngoài. Những khách thể đối ứng này mang tính chất thay thế, đại diện cho hoạt động tư duy cho nên mang tính chất ký hiệu”. [2]

Claude Lévi-Strauss (1908 – 2009, nhà nhân chủng học và dân tộc học, triết gia người Pháp), cho rằng: "Mọi nền văn hoá đều có thể xem như một tập hợp các hệ thống biểu tượng, trong đó xếp hàng đầu là ngữ ngôn, các quy tắc hôn nhân, các quan hệ kinh tế, nghệ thuật, khoa học, tôn giáo”. [3]

Như vậy, quan điểm về biểu tưởng, trước tiên, được đặt trong các liên kết về văn hóa. Do đó, “Toàn thư quốc tế về phát triển văn hoá” (International Thesaurus On Cultural Development, Mexico, 1982) của UNESCO đã đưa ra định nghĩa: "Văn hoá là tập hợp các hệ thống biểu tượng, nó quy định thế ứng xử của con người và làm cho một số đông người có thể giao tiếp với nhau, liên kết họ thành một cộng đồng riêng biệt". [4]

Như vậy, trên cơ sở những thức nhận của các nhà tương tác luận biểu tượng, dựa trên năng lực “biểu tượng hóa”, con người thực hiện những tương tác xã hội và hành động xã hội. Cơ chế tương tác dựa vào biểu tượng trở thành tiền đề cho các liên kết xã hội đa dạng phong phú.

2. Nguyên lý sử dụng biểu tượng trong các quan hệ xã hội

Việc sử dụng biểu tượng vào lý giải các quan hệ xã hội được các nhà xã hội học của trường phái Chicago (Chicago School) đề cập trong học thuyết về Tương tác luận biểu tượng. Ba luận điểm gốc của Thuyết tương tác biểu tượng được Geogre Herbert Mead (1863-1931) đưa ra như sau: Thứ nhất, con người đối xử với sự vật trên cơ sở những ý nghĩa mà sự vật đem lại cho họ. Thứ hai, ý nghĩa của sự vật nảy sinh từ tương tác xã hội giữa các cá nhân. Thứ ba, ý nghĩa của sự vật được nắm bắt và được điều chỉnh thông qua cơ chế lý giải mà cá nhân sử dụng khi tiếp cận sự vật. [5]

Herbert Blumer (1900 – 1987) nhấn mạnh, những sự vật không tự mình mà có nghĩa. Đúng hơn, các nghĩa của sự vật phái sinh thông qua sự tương tác xã hội. Con người biết được các sự vật có nghĩa gì khi họ tương tác với nhau. Khi làm như vậy, họ đặt nặng vào ngôn ngữ và các quá trình giao tiếp mà nó tạo điều kiện thuận lợi. Qua các quá trình này, con người học được cách làm thế nào để xác định và hành động hướng tới những đối tượng, những sự kiện, và những kinh nghiệm tạo thành môi trường của họ. Về thực chất, họ học cách để xem và phản ứng lại những thực tại được trung giới một cách biểu trưng – những thực tại được cấu tạo về mặt xã hội.

Như vậy, để hình thành tương tác biểu tượng trong các quan hệ xã hội, trước tiên, mỗi cá nhân con người cần tự thúc đẩy khả năng nắm bắt và sử dụng các hình ảnh đại diện thông qua quá trình xã hội hóa. Tiến trình tương tác xã hội giúp hình thành nhân cách của cá nhân (xã hội hóa). Từ cái bắt tay thân mật, cái hôn, cái nháy mắt, và trận đấu tay đôi cho đến buổi tiệc bia, trò chơi đá bóng, và sự gầy dựng lại niềm tin tôn giáo. Mỗi khi con người ta hướng mình đến với những người khác và những hành động của họ, không nghĩ đến việc có phải họ đang cố gắng làm tổn thương người khác, giúp đỡ người khác, làm biến đổi hay hủy diệt người khác hay không, là họ tiến hành một hành vi xã hội. Các cá nhân cố gắng làm cho những cách xử sự của mình tương xứng và phù hợp với người khác. Khi làm như vậy, họ có thể hành động như là những cá nhân hay như là những đại diện của một nhóm hay một tổ chức như nhà thờ, trường đại học, tập đoàn, hay chính quyền [6]. Quá trình này, về bản chất, là sự phát triển năng lực tư duy về cái tôi. Trong lúc tư duy, con người nhào nặn ra nghĩa của những đối tượng, bằng cách chấp nhận, bác bỏ, hay thay đổi chúng cho phù hợp với những định nghĩa ấy và những hành vi theo sau.

Bên cạnh đó, nghĩa của biểu tượng còn phụ thuộc vào hoàn cảnh. Con người kiến tạo hành vi dựa trên nghĩa mà họ gán cho hoàn cảnh và từ những tương tác với người khác. Điều này dẫn đến một đặc điểm, biểu tượng có thể thay đổi theo từng thời kỳ phát triển của xã hội. Biểu tượng biến đổi về nghĩa và cách thức tác động lên đời sống xã hội trên cơ sở sự suy luận của cá nhân về hoàn cảnh. Con người luôn có xu hướng kiểm nghiệm các dạng hành động khả dĩ, định giá các thuận lợi và bất lợi tương đối và đưa ra phương án lựa chọn hợp lí. Chính mô hình hành động này được hòa trộn, đan xen vào nhau và tương tác đã tạo ra nhóm cũng như xã hội, tạo sự biến đổi xã hội [7].

3. Biểu tượng trong liên kết xã hội và hội nhập quốc tế

Trên cơ sở phân tích cơ chế liên kết xã hội thông qua tương tác biểu tượng như trên, trong phần này chúng ta sẽ cùng xem xét một số biểu tượng nổi tiếng thế giới để hiểu ý nghĩa và cách tạo ra ý nghĩa của biệu tượng phục vụ cho sự liên kết và hội nhập trên bình diện quốc tế.

Ví dụ thứ nhất, biểu tượng lá cờ Olympic: Lá cờ này được Pierre de Coubertin, chủ tịch Uỷ ban Olympic Quốc tế, đưa ra năm 1913. Năm vòng tròn (5 màu) biểu thị cho 5 châu lục (Á, Âu, Mỹ, Phi, Úc). Các vòng tròn này liên kết nhau như những mắt xích biểu thị sự đoàn kết không thể tách rời của các châu lục. Năm 1979, tờ tạp chí Olympic, Uỷ ban Olympic Quốc tế đã chính thức nêu rõ rằng dựa theo hiến chương Olympic, ý nghĩa của năm vòng tròn này là tượng trưng cho sự đoàn kết giữa năm lục địa, đồng thời tượng trưng cho tinh thần thi đua công bằng thẳng thắn và hữu nghị giữa các vận động viên toàn thể thế giới đến tập trung tại Thế vận hội Olympic [8]. Đúng với tinh thần đó, từ kỳ Olympic hiện đại đầu tiên năm 1896, các kỳ thế vận hội (cả mùa hè và mùa đông) là một đại hội thể thao không chỉ thi đấu về thể lực, mà còn mang ý nghĩa biểu trưng cho tinh thần đoàn kết, hòa bình của toàn nhân loại. Khi lá cờ Olympic tung bay, không chỉ các vận động viên, các đoàn thể thao, mà toàn thể người hâm mộ thể thao trên thế giới đều tự cảm nhận và đề cao tinh thần trung thực, fairplay trong thi đấu, tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia, các khu vực, các dân tộc, chủng tộc trên toàn thế giới.

Ví dụ thứ hai, bức ảnh “Cậu bé Syria bên bờ biển”: Bức ảnh xuất hiện đồng loạt trên truyền thông thế giới ngày 02/9/2015, chụp thi thể cậu bé Aylan Kurdi, 3 tuổi dạt vào bờ biển gần khu nghỉ dưỡng Bodrum, Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là một hình ảnh gây sốc với thế giới, và thể hiện một sự thật trần trụi về cuộc nội chiến tàn khốc ở Syria đã khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng, hàng triệu người ly tán. Bức ảnh nhanh chóng trở thành biểu tượng của cuộc khủng hoảng dân di cư từ Syria và các nước Bắc Phi vào châu Âu trong năm 2015. Một nỗi xúc động mang tính toàn cầu, với những hastag, những chia sẻ trên mạng xã hội, những chiếc áo in hình Aylan được bán ra khắp nơi, như một sự thức tỉnh lương tri của nhân loại trước một thảm họa đang diễn ra. Sức mạnh của biểu tượng này đã khiến nhiều quốc gia, trong đó có chính phủ Đức – một quốc gia vốn bảo thủ, quyết định mở cửa biên giới để đón dòng người tị nạn. Đây được coi là cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất kể từ sau thế chiến thứ hai ở Châu Âu.

Ví dụ thứ ba, ngoại giao gấu trúc: Đây là một chính sách của Trung Quốc nhằm thúc đẩy quan hệ ngoại giao thông qua việc tặng hoặc cho mượn các cá thể gấu trúc lớn cho các quốc gia trên thế giới. Chính sách này thực tế đã tồn tại từ lâu trong lịch sử Trung Quốc. Trong giai đoạn từ 1958 tới 1972, Trung Quốc đã chuyển 23 cá thể gấu trúc lớn tới 9 quốc gia trên thế giới. Điểm nhấn của chính sách này là việc chính phủ Trung Quốc gửi tặng Hoa Kỳ hai cá thể gấu trúc lớn sau chuyến thăm của tổng thống Richard Nixon năm 1972. Trên hai mươi nghìn khách tham quan chỉ trong ngày đầu tiên và tổng cộng khoảng 1,1 triệu khách tham quan trong năm đầu tiên đã tới chiêm ngưỡng cặp gấu trúc này Vườn thú quốc gia Hoa Kỳ tại thủ đô Washington D.C. Sự nổi tiếng của cặp gấu trúc là minh chứng rõ ràng cho thành công trong chính sách ngoại giao gấu trúc của Trung Quốc, cụ thể là mong muốn thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa nước này và Hoa Kỳ. [9]

Ở một diễn biến khác, năm 1961, Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Thế giới (World Wide Fund For Nature - WWF) được thành lập và đã quyết định chọn gấu trúc làm biểu tượng theo tiêu chí ấn tượng, dễ nhận diện, có thể phá vỡ mọi rào cản về ngôn ngữ. Các nhà sáng lập WWF đã nhất trí rằng loài vật to lớn và dễ thương, được nhiều người yêu mến xứng đáng để trở thành một biểu tượng tuyệt vời. Hơn nữa, loài vật mang hai màu trắng đen này trên biểu tượng khi đó cũng giúp tiết kiệm chi phí in ấn cho WWF trong các chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức công chúng về bảo vệ động vật. [10]

4. Vai trò liên kết xã hội của biểu tượng

Tầm quan trọng và ý nghĩa của Tương tác biểu tượng đối với phát triển xã hội đã được đề cập trong phần mở đầu cuốn “Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới”: “Thời đại không có biểu tượng là thời đại chết, xã hội thiếu biểu tượng là xã hội chết. Một nền văn minh không còn có biểu tượng thì sẽ chết, nó chỉ còn thuộc về lịch sử”. [11]

Lá cờ Olympic, bức ảnh “Cậu bé Syria bên bờ biển”, hình ảnh gấu trúc của WWF, hay ngoại giao gấu trúc của Trung Quốc, được sử dụng là những biểu tượng chính thức và phổ biến trong các liên kết xã hội và hợp tác quốc tế. Như vậy, biểu tượng được thể hiện dưới nhiều dạng thức, nhiều cấp độ biểu thị, từ những vật vô tri như hình tròn, hình vuông, đến hình ảnh động vật và cao nhất là hình ảnh con người. Những biểu tượng như lá cờ Olympic, Chữ thập đỏ hình thành nhờ việc người ta gán cho nó những ý nghĩa mang tính tượng trưng và được quy ước, thống nhất sử dụng. Những biểu tượng này đòi hỏi phải tư duy, giải thích mới có thể nắm bắt và truyền tải được ý nghĩa. Trong khi đó, hình ảnh gấu trúc, hay bức ảnh “Cậu bé Syria bên bờ biển” lại là những biểu tượng gây cảm xúc mạnh ngay khi vừa xuất hiện, đạt được sự thấu hiểu, đồng lòng và chia sẻ nhanh chóng do nó thuộc thế giới kinh nghiệm, hệ giá trị đạo đức, nhân văn và thẩm mĩ chung của nhân loại.

Tuy nhiên, điểm quan trọng nhất của các biểu tượng không phải là xuất hiện như thế nào, được thể hiện bằng hình thức nào, mà là ở sức mạnh tiềm ẩn phía sau, ý nghĩa, vai trò mà biểu tượng đó mang lại. Sức mạnh của biểu tượng được thể hiện qua tần suất sử dụng, tốc độ lan truyền, khả năng lan tỏa và tác dụng, ý nghĩa đối thúc đẩy cho các mục tiêu chung. Về mặt chức năng, biểu tượng không chỉ mang tính thay thế (vật môi giới) cho các đối tượng hiện thực, mà còn thay thế tất cả các quá trình, cả hình tượng, ý niệm của con người. Bên cạnh chức năng thay thế, biểu tượng còn có những thuộc tính và chức năng khác như: chức năng giáo dục, liên kết, dự báo, giao tiếp, thông tin v.v...

Trên bình diện quốc tế, các biểu tượng được sử dụng để chia sẻ hệ giá trị văn hóa, để tăng cường khả năng liên kết hội nhập, tinh thần đoàn kết giữa các cộng đồng, quốc gia và khu vực. Biểu tượng cũng tạo ra cơ chế gửi gắm, kỳ vọng vào trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia. Việc sử dụng biểu tượng một cách phù hợp và cẩn trọng sẽ thúc đẩy các mối quan hệ cả về bề rộng, lẫn chiều sâu, là cơ sở để tăng cường vốn xã hội cho các chủ thể khai thác và sử dụng. Trên cơ sở đó, tương tác biểu tượng thúc đẩy cho các mối quan hệ song phương và đa phương trong việc giải quyết các vấn đề có tính chất toàn cầu như nghèo đói, xung đột, chiến tranh, bình đẳng giới, phòng chống bệnh tật, bảo vệ môi trường, cũng như thiết lập mối quan hệ đối tác toàn cầu vì mục đích phát triển.

Khái quát lại, những nguyên tắc cơ bản của tương tác biểu trưng cho phép ta phân tích năng lực tư duy con người và các quan hệ xã hội. Ý nghĩa của các biểu tượng cho phép phát triển năng lực tuy duy, khả năng hành động nhằm tìm kiếm và thúc đẩy các mối liên kết của con người. Bên cạnh đó, con người có khả năng biến đổi ý nghĩa của các biểu tượng trên cơ sở sự diễn dịch của họ về hoàn cảnh. Cơ chế này góp phần tạo ra các dạng thức, cấp độ kết nối con người với nhau. Như vậy, tương tác biểu tượng trở thành tiền đề cho các liên kết đa dạng và hiệu quả; cho các quá trình hội nhập sâu rộng cả trên bình diện cấu trúc xã hội như các nhóm, các cộng đồng, lẫn trên bình diện cấu trúc không gian như nội địa, khu vực và quốc tế.

Nhạc Phan Linh – Phan Thu Trang – Nguyễn Phương Linh

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Nguyễn Văn Hậu, Về tính hình tượng và tính biểu tượng trong tác phẩm văn hóa - nghệ thuật, Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa - Đại học Văn hóa Hà Nội, số 2 (tháng 9-2010).

[2] Phương Lựu, Mười trường phái lý luận phê bình văn học phương Tây hiện đại, Nxb. Giáo dục, 1999, trang 139

[3] Jean Cheralier, Alain Greerbrant, Trường viết văn Nguyễn Du biên dịch, Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, Nxb. Đà Nẵng, 1997, trang XXIII

[4] Unesco, World Conference On Cultural Policies, Final Report, Soregraph, Paris, 1982.

[5] Bryan S. Turner, Đinh Hồng Phúc dịch (2006). The Cambridge Dictionary of Sociology. New York: Cambridge University Press.

[6] Bryan S. Turner, Đinh Hồng Phúc dịch (2006). The Cambridge Dictionary of Sociology. New York: Cambridge University Press.

[7] Bùi Thế Cường và cộng sự, Từ điển xã hội học Oxford, NXB.ĐHQG.Hà Nội, 2010, tr.567

[8] https://www.olympic.org/olympic-rings

[9] https://thediplomat.com/2017/11/chinas-panda-diplomacy/

[10] http://wwf.panda.org/knowledge_hub/endangered_species/giant_panda/panda/panda_evolutionary_history/

[11] Jean Cheralier, Alain Greerbrant, Trường viết văn Nguyễn Du biên dịch (1997). Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, Nxb. Đà Nẵng.

Nhạc Phan Linh – Phan Thu Trang – Nguyễn Phương Linh

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều