Công tác kiểm soát quyền lực cán bộ dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương của Đảng ta

(Mặt trận) - Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng tới việc xây dựng đội ngũ cán bộ. Tư tưởng của Người về công tác cán bộ là hệ thống những vấn đề trọng yếu, cấp thiết đối với mọi đảng cầm quyền, trong đó nổi bật lên vấn đề kiểm soát quyền lực cán bộ. Việc nhận diện những căn bệnh trong sự tha hóa quyền lực để đi đến có phương pháp kiểm soát, ngăn chặn, bài trừ sự tha hóa quyền lực là một trong những điều kiện tiên quyết củng cố và phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta trong thời kỳ mới.
Các đại biểu bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh TTXVN 

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Người nhấn mạnh, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân; quyền lực người dân trao là để bảo đảm thực thi quyền lợi của nhân dân, nhằm xây dựng Đảng liêm chính, Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Xét cho cùng, quyền lực đó cũng đều do nhân dân “ủy thác”; “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật”[1].

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ luôn được Đảng ta quán triệt, vận dụng trong quá trình lãnh đạo. Kể từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam do Người sáng lập và rèn luyện đã không ngừng quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ để đáp ứng yều cầu của từng giai đoạn cách mạng. Đảng ta xác định: “Có một đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất và năng lực xây dựng đường lối chính trị đúng đắn và tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, đó là vấn đề cốt tử của lãnh đạo, là sinh mệnh của Đảng cầm quyền”[2]; “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị”[3]; “Xây dựng đội ngũ cán bộ phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới”[4].

Trên thực tế, việc giám sát quyền lực ở Việt Nam là vấn đề khá mới vì từ năm 2013, Hiến pháp mới bổ sung thêm nội dung kiểm soát quyền lực. Trong các văn kiện Đảng trước đây cũng không nói một cách cụ thể vấn đề kiểm soát quyền lực. Mặt khác, không có một khái niệm quyền lực chung chung mà quyền lực luôn gắn với chủ thể quyền lực. Như vậy, kiểm soát quyền lực xét đến cùng là kiểm soát hành vi sử dụng quyền lực của chủ thể.

Người có quyền lực thường có thể (cả khách quan và chủ quan) vượt qua giới hạn quyền lực được giao nếu không có cơ chế kiểm soát quyền lực một cách chặt chẽ, nghiêm khắc. Từ đó có thể khẳng định, muốn không lạm quyền, lộng quyền thì phải khống chế quyền lực, lý luận và thực tiễn cũng đã chứng minh một nguyên tắc: “quyền lực tuyệt đối làm tha hóa tuyệt đối”.

Thực chất thì, “Kiểm soát là xem xét để phát hiện, ngăn chặn những gì trái với quy định”[5]; “Kiểm soát quyền lực là việc chủ thể quyền lực sử dụng các công cụ, phương tiện, biện pháp để tác động vào mối quan hệ giữa người áp đặt ý chí (người mang quyền lực) và người bị áp đặt ý chí (người phục tùng quyền lực) nhằm hạn chế xu hướng tha hóa quyền lực bằng cách phân công, phối hợp giữa các cơ quan của Đảng và Nhà nước trong việc lãnh đạo và thực hiện chức năng lập pháp, hành pháp và tư pháp”[6]. Còn theo Quy định 205-QĐ/TW: “Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác cán bộ; phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước, nhất là các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền hoặc không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những việc phải làm trên cương vị được giao trong công tác cán bộ.”

Đánh giá thực trạng công tác cán bộ hiện nay, Đảng ta cũng thẳng thắn thừa nhận: “Việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc. Tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng, "cánh hẩu" xảy ra ở một số nơi, gây bức xúc trong dư luận xã hội… Việc kiểm tra, giám sát thiếu chủ động, chưa thường xuyên, còn nặng về kiểm tra, xử lý vi phạm, thiếu giải pháp hiệu quả để phòng ngừa, ngăn chặn sai phạm”[7].

Trước tình hình đó, Nghị quyết của Đảng có riêng một mục chỉ đạo về nội dung “Kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền”. Đây được coi là bước đột phá sâu sắc về công tác cán bộ mà từ trước tới nay, Đảng ta chưa bao giờ đề cập đến trong bất kỳ nghị quyết nào. Nguyên tắc đặt ra là “Xây dựng, hoàn thiện thể chế để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn phải được ràng buộc bằng trách nhiệm[8].

Quan điểm chung của Đảng ta trong công tác cán bộ là: “Chuẩn hoá, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với xây dựng thể chế, tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, phát huy sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm minh sai phạm”[9].

“Quán triệt nguyên tắc về quan hệ giữa đường lối chính trị và đường lối cán bộ; quan điểm giai cấp và chính sách đại đoàn kết rộng rãi trong công tác cán bộ. Xử lý hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu, trong đó tiêu chuẩn là chính; giữa xây và chống, trong đó xây là nhiệm vụ chiến lược, cơ bản, lâu dài, chống là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; giữa đức và tài, trong đó đức là gốc; giữa tính phổ biến và đặc thù; giữa kế thừa, đổi mới và ổn định, phát triển; giữa thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân và tập thể”[10].

Trong thời thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội: tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, nhưng thực ra nhân dân chỉ trực tiếp thực hiện một số quyền lực nhất định như quyền ứng cử, bầu cử, thực hiện các quyền sống, quyền tự do, dân chủ, quyền học hành, đi lại…, còn những quyền chung như: quyền huy động, phân bổ mọi nguồn lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; quyền quản lý, điều hành xã hội; quyền quản lý phát triển kinh tế, văn hóa; quyền quản lý, điều hành thống nhất sự nghiệp an ninh, quốc phòng… thì nhân dân trao cho các cơ quan, tổ chức do mình lập lên, bầu lên, thậm chí nhân dân trao quyền cho một nhóm hay một cá nhân đại diện thực hiện. Các tổ chức, các nhóm người, các cá nhân được nhân dân trao quyền lực mà thực hiện đúng, thực hiện tốt thì đem lại nhiều lợi ích cho nhân dân, cho đất nước. Nhưng khi quyền lực của tổ chức, của nhóm người, thậm chí của một người, khi đã được nhân dân trao cho rồi thì rất dễ bị tha hóa. Tổ chức, nhóm người hay cá nhân khi được nhân dân trao quyền, đã không thực hiện đúng quyền lực được trao (một cách có chủ ý) dẫn đến tha hóa quyền lực. Xã hội càng văn minh thì sự tha hóa quyền lực càng tinh vi. Quyền lực bị tha hóa mà không bị kiểm soát, đẩy lùi thì sẽ gây nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội, cho nhân dân. Trao quyền lực, thực thi quyền lực cũng đồng thời với việc phải kiểm soát quyền lực.

Nguyên nhân sâu xa của sự tha hóa quyền lực là chủ nghĩa cá nhân hay “nhóm lợi ích”. Bộ máy tổ chức, một nhóm người hay một cá nhân là do nhân dân bầu ra, bổ nhiệm để trao quyền lực, ủy quyền thực hiện chức trách, nhiệm vụ vì lợi ích chung, vì lợi ích của nhân dân nhưng lại tách rời khỏi xã hội, tách rời khỏi nhân dân, đứng trên xã hội, đứng trên nhân dân, biến quyền lực nhân dân trao thành quyền lực của mình. Nguyên nhân trực tiếp là cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác tổ chức cán bộ chậm được hoàn thiện, còn nhiều sơ hở, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa nhận thức và thực hiện đúng quyền hạn của mình được giao, trình trạng vượt quyền hạn, thiếu trách nhiệm hoặc không thực hiện hết quyền hạn được giao trong thực thi nhiệm vụ; một số cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cấp trên chưa kiểm soát được việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức cấp dưới. Đặc biệt, công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về đảng cầm quyền, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta nói chung chưa đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới.

Đảng ta thẳng thắn thừa nhận: “Phân công, phân cấp, phân quyền chưa gắn với ràng buộc trách nhiệm, với tăng cường kiểm tra, giám sát và chưa có cơ chế đủ mạnh để kiểm soát chặt chẽ quyền lực. Chưa có biện pháp hữu hiệu để kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng chạy chức, chạy quyền và những tiêu cực trong công tác cán bộ. Thiếu chặt chẽ, hiệu quả trong phối hợp kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm”[11]

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng, ngày 25/6/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Kiểm soát quyền lực phải trên cơ sở kết hợp giữa xây và chống, lấy xây là chính, chống phải kiên quyết, nghiêm minh và lấy chống để xây. Kiểm soát quyền lực không có “vùng cấm”, không loại trừ bất cứ đối tượng nào, ở bất kỳ cấp nào, giữ bất kỳ cương vị nào. “Phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, pháp luật”; thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn theo nguyên tắc: Mọi quyền hạn đều cần được kiểm soát chặt chẽ, quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu thì trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao thì trách nhiệm càng lớn, ngăn ngừa tận gốc sai phạm, khuyết điểm một cách căn cơ, bài bản bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Một đảng đã có bề dày kinh nghiệm lãnh đạo dân tộc hơn 90 năm, hoàn toàn có thể đương đầu với mọi khó khăn, thử thách, trong đó, có việc sử dụng đúng quyền lực, có cơ chế hữu hiệu kiểm soát quyền lực và phòng, chống sự tha hóa quyền lực. Xét ở góc độ văn hóa, đó không chỉ là một quyết tâm chính trị cao, một phương lược cầm quyền của Đảng, mà còn là biểu hiện của một đảng “đạo đức và văn minh” trong vấn đề thực thi quyền lực chính trị, đó cũng là văn hóa đảng, văn hóa chính trị của đảng cầm quyền. Kiểm soát quyền lực phải được tiến hành trên cả ba trụ cột Đảng, Nhà nước và nhân dân nhưng không phải là ba hoạt động đơn lẻ, tách rời mà chỉ có hiệu quả tốt nhất khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa ba trụ cột ấy.

 

ThS. Nguyễn Mạnh Tiến

Khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội

 



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, t.4, tr.64-65

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2008, tr.27

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2008, tr.54

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2008, tr.55

[5] Viện ngôn ngữ học: Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, 2013, tr. 465

[6] Mai Trực: Kiểm soát quyền lực ở nước ta qua công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2019, tr.25

[7] Văn phòng Trung ương Đảng, Văn Kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa XII, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2018, tr.48-50

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2008, tr.72-73

[9] Văn phòng Trung ương Đảng, Văn Kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa XII, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2018, tr.55

[10] Văn phòng Trung ương Đảng, Văn Kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành trung ương khóa XII, Hà Nội, Nxb. CTQG,2018, tr.56

[11] Ban Tuyên giáo Trung ương, Tài liệu học tập các Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (dùng cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở), Nxb CTQG-ST, H.2018.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều