|
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại buổi làm việc với Thường trực Chính phủ, tháng 9/2021. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Trong tiến trình Đổi mới đất nước, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật gắn với công tác tổ chức thi hành pháp luật được xác định là nhiệm vụ quan trọng, đóng góp trực tiếp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội của đất nước. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với những nội hàm và yêu cầu mới nhằm tạo lập hành lang pháp lý vững chắc, huy động, khai thác hiệu quả các nguồn lực để phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thu hút đầu tư, giải phóng mọi tiềm năng phát triển của đất nước. Văn kiện Đại hội XIII khẳng định phải “đẩy mạnh việc hoàn thiện, xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, hiện đại, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, có sức cạnh tranh quốc tế, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới”1 đồng thời yêu cầu “đổi mới tổ chức, bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội theo phương châm hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư, thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội...”2. Bởi vậy, để đáp ứng yêu cầu của việc nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có vai trò phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong hoạt động xây dựng pháp luật.
Có thể thấy, cơ sở pháp lý để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện phản biện xã hội đối với hoạt động xây dựng pháp luật đã được quan tâm ngay từ những năm 90 của thế kỷ XX thông qua quyền tham gia góp ý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền3. Năm 2020, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 được sửa đổi, bổ sung đối với nội dung tại Điều 6 để chính thức quy định việc thực hiện phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Theo quy định này, trường hợp dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đã được phản biện xã hội thì hồ sơ dự án, dự thảo phải bao gồm văn bản phản biện xã hội. Đồng thời, Luật cũng quy định trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến phản biện xã hội khi chỉnh lý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Các nội dung khác liên quan đến phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 và văn bản có liên quan4.
Phản biện xã hội đối với hoạt động xây dựng pháp luật của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng trong việc góp phần bảo đảm chất lượng của hoạt động xây dựng pháp luật. Phát huy vai trò phản biện xã hội của Nhân dân nói chung và của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói riêng, góp phần phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, bảo đảm tính phù hợp, khả thi với thực tiễn đời sống xã hội của văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân và tăng cường đồng thuận xã hội.
Một số kết quả nổi bật của công tác xây dựng pháp luật và việc thực hiện phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với hoạt động xây dựng pháp luật trong giai đoạn 2016 - 2021
Ông Lê Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Ảnh: Quochoi.vn
Từ đầu năm 2016 tới hết tháng 6/2021, Quốc hội đã ban hành 80 luật, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành 3 pháp lệnh; Chính phủ đã ban hành 799 nghị định quy định chi tiết hoặc hướng dẫn thi hành hoặc tổ chức thực hiện các luật, pháp lệnh có liên quan5; các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành 3.543 thông tư, thông tư liên tịch để tổ chức thực hiện các quy định của luật, pháp lệnh6. Có thể nói, đến nay đa số các lĩnh vực kinh tế - xã hội đều đã được điều chỉnh bởi các đạo luật. Trên cơ sở đó, Chính phủ và các bộ, ngành, chính quyền địa phương đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành, góp phần sớm đưa các quy định trong các đạo luật vào thực tiễn đời sống.
Với các thành quả đổi mới trong giai đoạn 2016 - 2021, hệ thống pháp luật Việt Nam đã có bước phát triển mới, ngày càng hoàn thiện hơn cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp7. Việt Nam đã xây dựng được hệ thống quy định pháp luật bảo đảm sự vận hành thông suốt của bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, như: Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) ghi nhận Chính phủ thực hiện quyền hành pháp, đồng thời phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ với các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, đề cao trách nhiệm cá nhân, tính kỷ luật hành chính và yêu cầu minh bạch, tinh gọn bộ máy hành chính trong điều kiện hiện nay; Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) đã phân định thẩm quyền giữa trung ương, địa phương và giữa các cấp chính quyền (bằng các quy định về phân cấp, phân quyền và ủy quyền); Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Luật Viên chức năm 2010 đã được sửa đổi, bổ sung một phần vào năm 2019 để có thêm cơ sở pháp lý xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu của tình hình mới...
Các quy định pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quan tâm hoàn thiện. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục có nhiều cải thiện về chất lượng. Đến nay, nước ta đã xây dựng được hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều đặc điểm của thể chế kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế. Pháp luật về quốc phòng, an ninh và về đối ngoại tiếp tục được quan tâm hoàn thiện nhằm bảo đảm duy trì môi trường hòa bình và trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Chỉ riêng giai đoạn 2016 - 2021, hàng loạt đạo luật về quốc phòng, an ninh đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, bảo vệ Tổ quốc, duy trì ổn định chính trị, đấu tranh chống các loại tội phạm; cụ thể hóa các yêu cầu về xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ngày càng đáp ứng yêu cầu giữ vững an ninh quốc gia, tham gia vào các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình thế giới và khu vực trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Bên cạnh đó, quy trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được đổi mới một bước khá cơ bản8 theo hướng tách bạch quy trình xây dựng chính sách với quy trình soạn thảo bảo đảm sự phù hợp của luật, pháp lệnh với đường lối, chủ trương của Đảng, nâng cao tính công khai, minh bạch trong xây dựng chính sách, tăng cường, phát huy sự tham gia của xã hội vào quy trình xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Những kết quả nêu trên có sự đóng góp của nhiều chủ thể khác nhau, trong đó có sự tham gia góp ý, thực hiện phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đối với đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Có thể thấy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã nỗ lực phát huy vai trò của mình trong việc góp ý, phản biện xã hội vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật quan trọng của đất nước, trong đó chủ yếu là những dự án luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và về tổ chức bộ máy nhà nước9. Nhiều nội dung phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được các cơ quan soạn thảo tiếp thu, đánh giá cao và có ý kiến phản hồi tích cực. Hoạt động phản biện xã hội ngày càng là một kênh thông tin quan trọng để Nhà nước tham khảo khi xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước. Đánh giá chung, Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (tháng 9/2019) khẳng định hoạt động phản biện xã hội đã tạo điều kiện để các tầng lớp Nhân dân phát huy quyền làm chủ tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật, các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước10.
Bên cạnh những ưu điểm đã đạt được, việc phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với hoạt động xây dựng pháp luật còn có những bất cập nhất định. Việc thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn chậm, cơ chế pháp lý cho hoạt động phản biện còn chưa thực sự đồng bộ. Phương thức tham gia phản biện còn chậm được đổi mới, chưa thu hút được các chuyên gia, các nhà khoa học tham gia vào hoạt động phản biện. Các cuộc phản biện xã hội do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện cho đến nay còn chưa nhiều. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa quan tâm vận dụng tốt 3 hình thức phản biện cho phù hợp với từng nội dung phản biện; chưa quan tâm hình thức phản biện theo hình thức đối thoại trực tiếp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với cơ quan, tổ chức có dự thảo văn bản được phản biện xã hội, chưa thu hút được sự quan tâm, tham gia của Nhân dân11. Chất lượng tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội còn chưa đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu của hoạt động phản biện xã hội. Đội ngũ cán bộ của các tổ chức này còn nhiều hạn chế, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt và đội ngũ cán bộ cấp cơ sở.
Một số đề xuất nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hoạt động xây dựng pháp luật
Xuất phát từ định hướng, yêu cầu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, thời gian tới cần thực hiện tốt các quy định về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hoạt động xây dựng pháp luật đã được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần quan tâm ưu tiên bố trí nguồn nhân lực, nguồn lực tài chính và các điều kiện đảm bảo khác phục vụ hiệu quả công tác phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hoạt động xây dựng pháp luật. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân cần tiếp tục tăng cường giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, nhất là trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật; tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho các tầng lớp Nhân dân12. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định, quy chế trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo hướng quy định chi tiết hơn quy trình phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật cũng như mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các chủ thể khác trong quy trình phản biện xã hội. Cần phân định rõ hơn phạm vi phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của các tổ chức chính trị - xã hội khác, phát huy sự tham gia của các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp và người dân vào phản biện xã hội; có cơ chế thu hút, khuyến khích các chuyên gia, nhà khoa học, người hoạt động thực tiễn có trình độ, kinh nghiệm chuyên sâu tham gia thực chất, hiệu quả trong công tác này. Bên cạnh đó, phản biện xã hội là hoạt động đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 và một số văn bản khác. Tuy nhiên, chưa có văn bản quy định pháp luật nào điều chỉnh một cách trực tiếp và toàn diện về phản biện xã hội. Bởi vậy, nên chăng việc xây dựng một đạo luật riêng về phản biện xã hội cũng cần được quan tâm nghiên cứu. Điều này sẽ tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng để phản biện xã hội nói chung và của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói riêng phát huy được những mặt tích cực của nó đối với đời sống chính trị - xã hội của đất nước, đặc biệt là đối với hoạt động xây dựng pháp luật.
Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập I, tr. 51.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tlđd, tập I, tr. 43.
3. Điều 3, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996, sửa đổi, bổ sung năm 2002; Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008; Điều 6 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
4. Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15/6/2017 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
5. Kết quả tra cứu văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở dữ liệu: https://thuvienphapluat.vn/.
6. Kết quả tra cứu văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở dữ liệu: https://thuvienphapluat.vn/.
7. Bộ Tư pháp, Báo cáo Chuyên đề Những kết quả nổi bật của công tác xây dựng và thực thi pháp luật giai đoạn 2016-2021 (theo Công văn số 2904/BTP-KHPL ngày 10/8/2020), tr.1-8.
8. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2020.
9. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện phản biện xã hội trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả công tác thi hành pháp luật - Thực trạng và giải pháp, Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật, Thành phố Hà Nội, ngày 24/11/2020.
10. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chuyên đề Hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về giám sát, phản biện xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Hà Nội, 2021.
11. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện phản biện xã hội trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả công tác thi hành pháp luật - Thực trạng và giải pháp, tlđd.
12. Bộ Tư pháp, Tổng quan về công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật giai đoạn 2016 - 2020, Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật, Thành phố Hà Nội, ngày 24/11/2020.
Lê Thành Long
TS, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp