Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài cùng các đại biểu dự Triển lãm sách Kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. (Ảnh minh họa).
1. Hoạt động xuất bản ở nước ta hiện nay đã và đang chuyển đổi mô hình hoạt động, có nhà xuất bản (NXB) hoạt động theo mô hình doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện; có NXB hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp có thu. Ngoài ra, một số NXB chuyển sang mô hình tổ chức hoạt động không nằm trong sự điều chỉnh của Luật Xuất bản như Công ty mẹ - Công ty con (NXB Giáo dục Việt Nam) hoặc chuyển đổi sang Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn Nhà nước đối với tất cả các NXB thuộc loại hình doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp.
Trên thực tế, đã có thời điểm tình trạng hoạt động liên kết xuất bản đang vượt khỏi tầm kiểm soát của chính các NXB cũng như của cơ quan quản lý nhà nước. Đó là tình trạng yếu về tài chính, nhân lực để tổ chức bản thảo, mua bản quyền, đặc biệt là các NXB rất khó khăn trong khâu đầu ra, ngược lại các đối tác liên kết lại rất mạnh về những mặt này. Một số đối tác liên kết lạm dụng sự buông lỏng của NXB đã tự tung tự tác, không nghiêm túc thực hiện đúng các điều khoản cam kết trong hợp đồng với NXB như: tự tăng số lượng in, không nộp lưu chiểu, thậm chí thay đổi tên và nội dung bản thảo dẫn đến tình trạng còn có không ít xuất bản phẩm kém chất lượng và sai phạm về nội dung vẫn được xuất bản. Theo thống kê, đại đa số các NXB có thực hiện liên kết, có NXB liên kết xuất bản đến 90% trong tổng số xuất bản phẩm của mình và các vi phạm các quy định của Luật Xuất bản trong thời gian vừa qua đều tập trung ở xuất bản phẩm liên kết. Như vậy, trong quá trình thực hiện liên kết đối tác đã chiếm thế chủ động và chi phối cả đầu vào và đầu ra, trong khi quyền xuất bản và phát hành từng xuất bản phẩm lại thuộc quyết định của nhà xuất bản. Như vậy, vô hình trung các NXB đã trở thành “người làm thuê”, làm “dịch vụ” cho đối tác liên kết.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, các thế lực thù địch đang tìm mọi cách, tác động toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, cả hạ tầng cơ sở và kiến trúc thượng tầng, nhằm tạo ra sự “tự diễn biến” từ bên trong để chuyển biến chế độ, xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Một trong những phương thức của chúng là lợi dụng hoạt động xuất bản, như: ra sức thúc đẩy thành lập NXB tư nhân làm cơ quan ngôn luận cho “lực lượng dân chủ”; triệt để lợi dụng công nghệ thông tin, mạng Internet, blog... để “công bố” rộng rãi các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung xấu, phản động; truyền bá thông tin, quan điểm sai trái, thù địch và khuyến khích nhiều người lên mạng để “trao đổi”, “thu nhận” thông tin; dùng báo mạng làm “nóng” các vấn đề của đất nước, đổi trắng thay đen, tạo bức xúc, nghi ngờ, bất bình trong công chúng, kích động gây rối, bạo loạn lật đổ. Kích động văn nghệ sĩ đòi tự do sáng tác, tự do công bố các tác phẩm văn học nghệ thuật, phản đối sự kiểm duyệt của cơ quan nhà nước, đòi được công khai, đánh giá lại các sự kiện, nhân vật lịch sử theo quan điểm của Phương Tây, từng bước thoát ly sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hoá, văn nghệ. Một bộ phận văn nghệ sĩ đã và đang có khuynh hướng sáng tác phức tạp nhằm “giải thiêng” các giá trị vốn đã được khẳng định của dân tộc...
Để nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất bản phát triển, bảo đảm tính chính trị, tư tưởng trong hoạt động xuất bản, Ban Bí thư khóa X đã ban hành Quyết định số 281, 282, 283-QĐ/TW ngày 26-1-2010 về chỉ đạo, quản lý xuất bản. Quốc hội đã ban hành Luật Xuất bản năm 2012; Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII ban hành Thông báo số 19-TB/TW ngày 29-12-2016 thông báo kết luận của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư khóa IX về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản… Trong Thông báo số 19-TB/TW, Ban Bí thư đã yêu cầu cần sắp xếp lại hệ thống các NXB bảo đảm phù hợp, hiệu quả; kiên quyết giải thể các NXB hoạt động yếu kém, có nhiều sai phạm. Đồng thời, tiếp tục xây dựng các chính sách ưu đãi về thuế, tiền thuê nhà đất thuộc sở hữu nhà nước, đầu tư và bổ sung vốn cho các NXB, sách đặt hàng hằng năm, sách cho đồng bào dân tộc thiểu số, sách phục vụ thông tin đối ngoại, hỗ trợ mua bản thảo chất lượng cao, hỗ trợ hoạt động triển lãm, quảng bá sách trong và ngoài nước… để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý đối với hoạt động xuất bản.
Theo tinh thần đó, lãnh đạo các cơ quan chủ quản đã chủ động định hướng chính trị, tư tưởng cho hoạt động xuất bản và quản lý hoạt động xuất bản, bảo đảm hoạt động đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Định kỳ tổ chức việc giao ban cơ quan chủ quản NXB để tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quản lý hoạt động xuất bản; kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp mới đang tác động tiêu cực đến hoạt động xuất bản; lập lại kỷ cương, trật tự trong ngành xuất bản, tạo bước phát triển mới của ngành.
Nhờ làm tốt công tác tư tưởng, chúng ta đã đấu tranh với âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch trên lĩnh vực xuất bản, uốn nắn những quan điểm lệch lạc, phê phán những tư tưởng sai lầm, phản động, góp phần vào việc xây dựng nền tảng tư tưởng của cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới. Kiên quyết xử lý, thậm chí có cả xử lý hình sự đối với các xuất bản phẩm có nội dung trái với những quan điểm cơ bản đã được Đảng khẳng định, không phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước và tình hình thế giới.
|
Công tác định hướng tư tưởng trong quản lý hoạt động xuất bản hiện nay còn được thể hiện rõ qua việc đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực, với “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong hoạt động xuất bản. Cơ chế thị trường có những mặt tích cực là thúc đẩy sự phát triển để cạnh tranh, phá bỏ độc quyền, tạo nguồn sản phẩm xuất bản dồi dào cho xã hội mà đối tượng hưởng lợi chính là người đọc. Để xuất bản phẩm đưa ra thị trường vừa đảm bảo nhiệm vụ tuyên truyền đúng định hướng tư tưởng, đáp ứng nhu cầu người đọc vừa đạt mục tiêu lợi nhuận để tồn tại và duy trì hoạt động, công tác định hướng tư tưởng cần nhằm vào các giải pháp mạnh, đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực trong xuất bản và quản lý hoạt động xuất bản, nhất là trong hoạt động liên kết xuất bản. Đồng thời, về quản lý cần có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ hoạt động xuất bản phẩm, tạo điều kiện cho các NXB hoạt động. Chú trọng công tác kiểm tra trong hoạt động xuất bản; phòng, chống in lậu bằng nhiều giải pháp. Ứng dụng công nghệ vào quản lý hoạt động xuất bản, xây dựng phần mềm phục vụ cho công tác kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu và hỗ trợ cho công tác biên tập của nhà xuất bản.
Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin Truyền thông đã có nhiều biện pháp tăng cường chỉ đạo hoạt động xuất bản, nhất là những cuốn sách trong việc tổ chức đời sống văn hóa cộng đồng. Các hoạt động triển khai Chương trình Sách Quốc gia, phát triển các tủ sách trọng điểm; Giải thưởng Sách Quốc gia hàng năm theo hướng thu hút xã hội, Hội sách trực tuyến... đều nhận được sự quan tâm của xã hội, công chúng. Các cơ quan lãnh đạo, quản lý đã chỉ đạo các cơ quan báo chí giới thiệu sách hay, sách giá trị đến công chúng, nhằm góp phần làm cho cuộc sống tinh thần xã hội thêm phong phú, lành mạnh, giàu ý nghĩa. Qua các cuộc thi sách, triển lãm sách, hội chợ sách, phong trào đọc sách... đời sống văn hóa xã hội trở nên đa dạng, nhiều màu sắc, hiệu quả xã hội tốt hơn.
2. Tuy đã có nhiều tiến bộ nhưng vai trò định hướng chính trị, tư tưởng của tổ chức đảng tại các cơ quan chủ quản các NXB, nhất là tại các đơn vị phát hành sách và các công ty in đã cổ phần hóa vẫn chưa được làm rõ, hiệu quả phát huy rất hạn chế. Mặt khác, trong phối hợp xử lý các vi phạm về chính trị, tư tưởng còn lúng túng, bị động trong theo dõi và giải quyết, chậm trễ trong phối hợp xử lý giữa cơ quan tham mưu cho cấp ủy Đảng và cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản.
Ngoài ra, hiện tượng làm nhái, xuất bản “lậu” của một số tổ chức, cá nhân đã thu lợi nhuận bất chính khổng lồ từ hành vi vi phạm pháp luật bằng cách in số lượng lớn sách mà không phải trả tiền bản quyền, không giấy phép xuất bản, không mất phí biên tập vẫn là vấn nạn nhức nhối cho ngành xuất bản. Tốc độ, quy mô làm nhái, làm giả hiện tại nhanh hơn trước rất nhiều. Lợi dụng những tiện ích của kỹ thuật số, các nhà in lậu đã nhanh chóng sao chép và phát tán số lượng lớn sách giống hệt sách nguyên bản và chất lượng không kém so với sách gốc. Theo báo cáo tổng kết về hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản hằng năm của Cục Xuất bản, in và phát hành, thì trong nhiều năm qua tình trạng làm nhái, in “lậu” vẫn diễn ra tràn lan, khó kiểm soát, kể cả sách vi phạm bản quyền của các NXB nước ngoài. Các nhà sách tư nhân hay nhà nước, quầy sách vỉa hè, hiệu sách trong trường đại học, tiệm photocopy... đều bán sách lậu. 90% số sách dạy và học tiếng Anh là sách vi phạm, phổ biến nhất ở các trung tâm ngoại ngữ và trường đại học. Vì sự chạy theo lợi nhuận, thiếu sự tôn trọng bản quyền mà nhiều cá nhân, tổ chức ấy đã không ngần ngại in lậu dưới nhiều hình thức.
Vẫn còn những cuốn sách đan xen giữa nội dung lý luận đúng là những liên hệ, đánh giá sai trái, thiếu quan điểm lịch sử cụ thể làm cho người đọc mơ hồ, lẫn lộn, không có lợi cho nhận thức của độc giả, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Có những sách đã tập hợp nhiều bài viết có quan điểm khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, tranh luận về những vấn đề mang tính nguyên tắc, chiến lược đối với sự phát triển đất nước nhưng thực chất thể hiện khuynh hướng cổ suý quan điểm trái với đường lối, chủ trương đã được Đảng khẳng định. Có nơi cho xuất bản sách đề cập đến các sự kiện, nhân vật nhạy cảm trong lịch sử, lịch sử hiện đại như cải cách ruộng đất, nhân văn giai phẩm, cải tạo tư bản tư doanh, giải phóng miền Nam, các vấn đề về chủ quyền đất liền hải đảo... nhưng không phân tích đầy đủ, khách quan, không đủ tầm để giải thích các sự kiện, lập luận lý giải phiến diện, thiếu logic, có chỗ sai lầm về khoa học và chính trị, có chỗ ám chỉ, khiên cưỡng, định kiến, gây hiểu lầm cho người đọc. Tái bản sách của một số tác giả xuất bản tại miền Nam trước 1975 không qua thẩm định, nội dung gây nhiều hiểu lầm, tranh cãi không có lợi...
3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng định hướng tư tưởng trong hoạt động xuất bản cần được quan tâm thực hiện là:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trong hoạt động xuất bản. Trong đó, Ban Tuyên giáo của cấp ủy các cấp cần nghiên cứu, xây dựng Chiến lược xuất bản trong thời kỳ mới, có định hướng và khẳng định rõ vai trò của công tác tư tưởng, của đường lối, chủ trương, chính sách đối với lĩnh vực xuất bản. Giám sát, định hướng và chịu trách nhiệm chính về độ chính xác, đúng quan điểm của Đảng, Nhà nước và công tác lý luận, phê bình đối với các nội dung xuất bản phẩm; phối hợp chặt chẽ và phát huy các kết quả điều tra của cơ quan điều tra dư luận xã hội để chủ động nắm bắt, xử lý các vấn đề phát sinh và định hướng dư luận. Xây dựng quy hoạch các chức danh chủ chốt của hệ thống xuất bản trong cả nước; đồng thời chịu trách nhiệm tổ chức việc bồi dưỡng, đào tạo kiến thức về chính trị, chuyên môn cho các đối tượng được quy hoạch. Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các cơ quan quản lý nhà nước về vai trò, vị trí của hoạt động xuất bản.
Thứ hai, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể trong các cơ quan xuất bản. Tập trung và coi trọng, chăm lo xây dựng Đảng trong các cơ quan xuất bản. Đề cao trách nhiệm của biên tập viên, người làm công tác xuất bản, nhất là người giữ cương vị lãnh đạo, quản lý. Thường xuyên kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng, đảng viên ở các cơ quan xuất bản, cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý xuất bản về thi hành Điều lệ Đảng, các quy định của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động xuất bản. Xây dựng quy chế để thường xuyên làm tốt việc định hướng trong công tác xuất bản, nhất là đối với những vấn đề quan trọng, nhạy cảm.
Thứ ba, tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế quản lý, quy chế hoạt động, quy trình nghiệp vụ chuyên môn; tăng cường tính công khai, minh bạch, phát huy dân chủ, xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của từng vị trí công tác, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.
Hoàn thiện các văn bản quy định thẩm quyền, trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chỉ đạo xuất bản của Đảng, cơ quan quản lý xuất bản của Nhà nước, Hội Xuất bản và cơ quan chủ quản xuất bản đối với cơ quan xuất bản và biên tập viên xuất bản; xây dựng chế tài đủ mạnh, xử lý dứt điểm, kịp thời, nghiêm minh các sai phạm trong hoạt động xuất bản.
|
Thứ tư, triển khai đồng bộ, thiết thực và có hiệu quả chính sách phát triển sự nghiệp xuất bản của Nhà nước. Khẩn trương xây dựng và ban hành trên thực tế chính sách khuyến khích, tạo điều kiện xây dựng ngành xuất bản trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật phát triển toàn diện. Nhà nước nâng đỡ bằng chính sách đặt hàng đối với xuất bản phẩm về lý luận, chính trị; xuất bản phẩm phục vụ thiếu niên, nhi đồng, đồng bào dân tộc thiểu số, người khiếm thị; xuất bản phẩm cần phổ biến rộng rãi nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội trọng yếu và thông tin đối ngoại; trợ cước vận chuyển đối với xuất bản phẩm cho vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; xuất bản phẩm phục vụ nhiệm vụ thông tin đối ngoại; xuất bản phẩm phục vụ đồng bào miền núi, hải đảo; mua bản thảo đối với những tác phẩm có giá trị nhưng thời điểm xuất bản chưa thích hợp hoặc đối tượng sử dụng hạn chế; hỗ trợ mua bản quyền đối với tác phẩm trong nước và nước ngoài có giá trị phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội./.
Theo ThS. Phạm Thị Vui/Tạp chí Tuyên giáo