Phát huy vai trò “đi trước, mở đường”, ngay sau Đại hội XIII của Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương tích cực, chủ động tham mưu trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 01-CT/TW về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, kịp thời tham mưu xây dựng, ban hành Kế hoạch, Hướng dẫn nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết. Đồng thời, nhận thức sâu sắc đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, cần thực hiện một cách cẩn trọng, nghiêm túc, bài bản trong suốt cả nhiệm kỳ, nhằm biến những quyết định của Đại hội nhanh chóng trở thành hiện thực sinh động.
Do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn cả nước, Ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ động tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị chủ trương tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng theo hình thức trực tuyến, bảo đảm yêu cầu thiết thực, hiệu quả, thực chất. Tại Hội nghị này, Ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ động tham mưu, đề xuất mời các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư khóa XIII tham gia truyền đạt nên sức lôi cuốn, sức thuyết phục, hiệu quả quán triệt, tuyên truyền rất cao.
Hình thức trực tuyến cũng được áp dụng rộng rãi trong các hội nghị khác của Đảng, Nhà nước, các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương trong việc triển khai nghiên cứu, học tập, cụ thể hóa, thực thi Nghị quyết Đại hội XIII, như Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác xây dựng,chỉnh đốn Đảng, Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026, Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp; Hội nghị trực tuyến các chính đảng Nga-ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và các chính đảng trên thế giới...
Trong đó, đồng chí Tổng Bí thư trực tiếp chủ trì một số hội nghị, thể hiện sự đổi mới học trong nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII chuyên sâu theo các lĩnh vực, đúng theo tinh thần: “Trên dưới đồng lòng" và "Dọc ngang thông suốt"(1).
Hình thức trực tuyến cho phép việc tổ chức hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết diễn ra cùng một thời điểm, phạm vi rộng, số lượng đại biểu tham dự lớn, tính thời sự cao, tiết kiệm thời gian, kinh phí. Việc đôn đốc, kiểm tra, nắm bắt tình hình quán triệt, triển khai học tập nghị quyết của cấp ủy cấp trên đối với cấp ủy cấp dưới thuận tiện. Báo chí được định hướng trực tiếp, kịp thời.
Sau hội nghị trực tuyến, có thể gửi video bài giảng để cung cấp cho các địa phương, đơn vị tiếp tục phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đến nay, tuy trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hết sức phức tạp, gây nhiều khó khăn, trở ngại đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội song việc tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII đã được cấp ủy đảng, các cấp, các ngành chủ động, linh hoạt, kịp thời triển khai một cách hiệu quả bằng nhiều hình thức sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế.
Theo kết quả điều tra của Viện Dư luận xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao các hình thức tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đã chỉ đạo biên soạn các tài liệu theo tinh thần đổi mới, nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả. Ngay sau khi Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII kết thúc, Ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ động chỉ đạo biên soạn các tài liệu nghiên cứu, học tập quán triệt nghị quyết theo hướng ngắn gọn, phù hợp với từng đối tượng: Tài liệu nghiên cứu (dùng cho cán bộ chủ chốt và báo cáo viên); Tài liệu học tập (dùng cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở); Tài liệu hỏi - đáp (dùng cho đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội và tuyên truyền trong nhân dân).
Việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảnglà nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, cần thực hiện một cách cẩn trọng,nghiêm túc,bài bản trong suốt cả nhiệm kỳ, nhằm biến những quyết định của Đại hội nhanh chóng trở thành hiện thực sinh động.
|
Công tác tuyên truyền nghị quyết được tiến hành thường xuyên, sáng tạo, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Nội dung tuyên truyền tập trung nêu bật thành công của Đại hội XIII của Đảng; Hội nghị Trung ương 4, khoá XIII, những nội dung cốt lõi, những vấn đề mới trong các văn kiện Đại hội; phản ánh đầy đủ, kịp thời, toàn diện, từng bước triển khai nghị quyết tới các tầng lớp nhân dân.
Để đảm bảo tính liên tục, thông suốt, công tác tuyên truyền, phổ biến nghị quyết cần được triển khai bằng nhiều phương thức, phương tiện như: các kênh thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương (cổng thông tin điện tử, báo chí, tạp chí…), mạng xã hội, hoạt động sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt của các tổ chức chính trị - xã hội, các hội thi tìm hiểu, thi báo cáo viên giỏi,… Trong quá trình tuyên truyền, phải kịp thời lý giải những băn khoăn, vướng mắc của cán bộ, đảng viên và nhân dân về nội dung Nghị quyết; kịp thời uốn nắn những nhận thức chưa đúng; chủ động định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận tích cực trong xã hội; kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc.
Để khắc phục tình trạng “chỉ đạo và tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu” mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra, ngay sau đợt nghiên cứu, học tập, quán triệt, các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương tập trung xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng theo phương châm “kế hoạch 10 phần thì biện pháp phải 20 phần và quyết tâm 30 phần”(2); tập trung lựa chọn những nội dung trọng tâm, giải pháp đột phá, những vấn đề nổi cộm, bức xúc để chỉ đạo giải quyết hiệu quả. Chương trình hành động của tập thể phải được thực hiện thông qua các kế hoạch công tác, các đề án, dự án, kế hoạch dài hạn, trung hạn và ngắn hạn (hằng năm). Lấy kết quả thực hiện chương trình hành động là cơ sở quan trọng để kiểm điểm, đánh giá tập thể cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị hằng năm và cả nhiệm kỳ.
Vai trò của cấp uỷ, tổ chức đảng và người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc nghiên cứu, học tập, quán triệt và xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết được phát huy. Đó là, nghiên cứu, ban hành tiêu chí cụ thể, phù hợp để đánh giá chất lượng học tập của cán bộ, đảng viên sau mỗi đợt học tập, quán triệt; có cơ chế giám sát, quản lý học viên nghiêm túc, chặt chẽ; phân công cấp ủy phụ trách, thành lập các tổ công tác theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết ở từng cơ quan, đơn vị trực thuộc. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai Nghị quyết để kịp thời phát hiện, khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích trong nghiên cứu, học tập, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ở các cấp, khắc phục triệt để bệnh hình thức, qua loa, đại khái.
Cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả thực tế việc cụ thể hóa, đưa nghị quyết vào thực tiễn của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.Rà soát, đôn đốc việc ban hành, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án của các cấp, các ngành để thực hiện đúng tiến độ, lộ trình đề ra. Quá trình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề cao tính sáng tạo, đưa ra những cách làm mới, không rập khuôn, cứng nhắc, cục bộ.
|
MỘT SỐ KINH NGHIỆM
Từ việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:
Một là, luôn quán triệt sâu sắc các quan điểm chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo theo hướng khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn; thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể, trách nhiệm cá nhân, bản lĩnh, quyết đoán, thận trọng nhưng cũng rất khẩn trương, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị; tăng cường phân công, phân cấp, uỷ quyền, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo - coi đây là thước đo năng lực lãnh đạo, chất lượng tổ chức đảng.
Hai là, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp chủ động xây dựng kế hoạch quán triệt Nghị quyết bảo đảm chặt chẽ, khoa học và cụ thể; mặt khác, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, phải chủ động có những cách làm sáng tạo; ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin để nghiên cứu học tập như: tổ chức hội nghị, hội thi, lớp học trực tuyến, truyền hình trực tiếp, lồng ghép trong hoạt động của cấp ủy, chi bộ, sinh hoạt của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; cung cấp, hướng dẫn khai thác tài liệu trên các trang thông tin điện tử, báo chí, video bài giảng để phát huy tinh thần, ý thức tự học, tự nghiên cứu của cán bộ, đảng viên.
Ba là, việc triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết đại hội Đảng các cấp phải gắn với nhiệm vụ của từng cấp, từng ngành, từng địa phương, đơn vị để khai thác được tiềm năng, lợi thế riêng, có các giải pháp đột phá, sáng tạo, sát với yêu cầu thực tiễn. Các địa phương, đơn vị cần tiếp thu những ý kiến đóng góp xác đáng của các cán bộ quản lý, nhà khoa học và các tầng lớp nhân dân để đảm bảo hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể của Nghị quyết. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật. Đối với những vấn đề phát sinh, chưa có tiền lệ, cần giải quyết ngay thì vừa làm vừa rút kinh nghiệm, kịp thời điều chỉnh những bất cập, vướng mắc.
Bốn là, phát huy dân chủ trong quá trình học tập cũng như xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, tạo sự thống nhất từ nhận thức, tư tưởng đến hành động của cán bộ, đảng viên. Quyết liệt trong lãnh đạo để cụ thể hóa Nghị quyết thành các chương trình công tác trọng tâm của địa phương, đơn vị và các kế hoạch, đề án, nghị quyết chuyên đề. Thực hiện tốt việc lấy ý kiến góp ý, phản biện của Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong quá trình xây dựng Chương trình hành động, các chương trình, đề án, kế hoạch để cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Nghị quyết. Phát huy vai trò của cấp uỷ các cấp và người đứng đầu, phân công, phân cấp các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Uỷ viên Ban Chấp hành bám sát các địa bàn, kịp thời chỉ đạo giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc tại cơ sở.
Năm là, trong tổ chức thực hiện nghị quyết, cần chủ động nhìn nhận, phân tích, đánh giá tổng thể và quyết định chọn hướng đột phá từ những việc còn khó khăn, vướng mắc, tồn tại để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện mang lại kết quả cụ thể. Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, thường xuyên, kịp thời đôn đốc việc triển khai thực hiện; biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tốt, đồng thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm vi phạm.
NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI
Nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết Hội nghị Trung ương khoá XIII trong thời gian tới, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp như sau:
Thứ nhất, các cấp ủy Đảng, trước hết là đồng chí bí thư cấp ủy, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị với sự tập trung cao; cụ thể hóa việc thực hiện bằng những giải pháp phù hợp, khả thi. Nêu cao tinh thần, trách nhiệm tiên phong, gương mẫu; phát huy tinh thần tự học tập, nghiên cứu Nghị quyết của cán bộ, đảng viên. Việc tổ chức thực hiện Nghị quyết phải kết hợp chặt chẽ với thực hiện toàn diện nhiệm vụ chính trị, đặc biệt là thực hiện mục tiêu kép, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế, vừa chủ động phòng, chống dịch bệnh.
Thứ hai, tiếp tục duy trì hình thức tổ chức hội nghị trực tuyến kết hợp với hình thức trực tiếp, lấy trực tuyến là cơ bản để nhanh chóng truyền tải nghị quyết của Đảng kịp thời tới cán bộ, đảng viên, nhất là trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 hiện nay. Phát huy hình thức trao đổi, tương tác giữa đại biểu ở các điểm cầu với báo cáo viên ở các hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết theo hình thức trực tuyến. Nâng cấp thiết bị, đường truyền trực tuyến để đảm bảo chất lượng âm thanh, hình ảnh trong suốt thời gian học tập, giúp cán bộ đảng viên theo dõi, nghiên cứu, học tập được thuận lợi.
Thứ ba, từng bước xây dựng tài liệu nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết các Hội nghị Trung ương khoá XIII theo hướng chuyên đề chuyên sâu, phù hợp với từng nhóm đối tượng, cấp phát tới chi bộ để cán bộ, đảng viên dễ học tập, nghiên cứu và tuyên truyền. Thí điểm xuất bản các tài liệu học tập nghị quyết của Đảng bằng hình thức sách điện tử để tiết kiệm chi phí in ấn, giúp cán bộ, đảng viên tiếp cận nhanh hơn các loại tài liệu để học tập, nghiên cứu ở mọi lúc, mọi nơi.
Thứ tư, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, quán triệt nghị quyết theo hướng đổi mới, tích cực, hiệu quả; phát huy ưu thế ứng dụng công nghệ thông tin, Internet, mạng xã hội để tuyên truyền về Nghị quyết và kết quả thực hiện Nghị quyết, đấu tranh chống các quan điểm chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Thường xuyên chỉ đạo sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, kịp thời phát hiện, cổ vũ và nhân rộng những cách làm hay, nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong quá trình thực hiện; biểu dương những tổ chức đảng, đảng viên gương mẫu thực hiện nghiêm, chấp hành tốt việc học tập; phê bình nghiêm khắc những tổ chức, cá nhân có biểu hiện lơ là, chưa nghiêm túc,...
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương đã xây dựng và ban hành Chương trình hành động số 08-CTr/BTGTW, ngày 7/7/2021 thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với 12 đề án trọng tâm và 37 chương trình, đề án để triển khai thực hiện.
|
Thứ năm, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả thực tế việc cụ thể hóa, đưa nghị quyết vào thực tiễn của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Rà soát, đôn đốc việc ban hành, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án của các cấp, các ngành để thực hiện đúng tiến độ, lộ trình đề ra. Quá trình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề cao tính sáng tạo, đưa ra những cách làm mới, không rập khuôn, cứng nhắc, cục bộ.
Thứ sáu, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện nghị quyết; phát huy ưu điểm, chỉ rõ những thiếu sót, khuyết điểm cần khắc phục, bổ sung nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình thực tế. Thường xuyên phát huy vai trò giám sát, phản biện, góp ý của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong quá trình xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án để cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp. Lấy kết quả nghiên cứu, học tập, triển khai thực hiện Nghị quyết là cơ sở quan trọng để kiểm điểm, đánh giá tập thể cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên hằng năm và cả nhiệm kỳ./.
Theo TS. Đoàn Văn Báu/Tạp chí Tuyên giáo
-----------------------
(1) Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.14, tr. 485.