GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị phản biện xã hội (lần 2) đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tháng 4/2023.
Phương thức, được hiểu là phương pháp, cách thức hành động của một chủ thể nào đó. Theo đó, phương thức tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là phương pháp, cách thức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham gia vào việc xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả. Vì vậy, đổi mới phương thức tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước sao cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước đạt được kết quả tốt nhất, đóng góp được nhiều công sức, trí tuệ vào công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Theo nội dung Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 quy định, thì đổi mới phương thức tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp là đổi mới cách thức và phương pháp sau đây:
Đổi mới cách thức và phương pháp tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội
Bằng nhiều phương pháp và cách thức khác nhau, các hình thức tập hợp, như: mời các thành phần dân cư, cá nhân có uy tín, tiêu biểu tham gia Ủy ban, Ban chấp hành, Hội đồng tư vấn; các hình thức tập hợp của Mặt trận, đoàn thể nhằm phát huy uy tín, tri thức, kinh nghiệm của các giới, thành phần, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài vào mục đích phát triển đất nước. Ví dụ: Trong đại dịch Covid-19, phát huy vai trò của các tổ “Covid cộng đồng” với tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”; phát huy hiệu quả việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hàng năm (18/11); phát huy truyền thống của các tổ chức gắn với các sự kiện lịch sử của đất nước; góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, củng cố tình làng, nghĩa xóm; phát huy sức mạnh của cộng đồng, niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, tạo sự gắn bó, liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, cán bộ Đảng viên với Nhân dân.
Đổi mới cách thức và phương pháp tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thực hành dân chủ tăng cường đồng thuận, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước
Đổi mới nội dung và cách thức tuyên truyền, vận động Nhân dân như phối hợp chặt chẽ với các phương tiện truyền thông của Nhà nước, phối hợp thống nhất hành động với các tổ chức thành viên tăng cường tuyên truyền, vận động, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân. Đổi mới cách thức tập hợp bằng sự kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, vận động, phát triển tổ chức với cổ vũ lôi cuốn đông đảo Nhân dân tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Ứng dụng thành tựu công nghệ thông tin vào việc tuyên truyền, thuyết phục, thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật. Bằng việc triển khai các đợt sinh hoạt chính trị, diễn đàn nhân dân, sinh hoạt chi bộ, chi đoàn… mà Mặt trận tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng. Với các hình thức, cách thức hoạt động đa dạng và sáng tạo, như: nắm bắt tình hình, tập hợp ý kiến, nguyện vọng, hiến kế của Nhân dân, phản ánh kịp thời đến cơ quan Đảng và Nhà nước. Đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động, tập hợp đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài; phát huy vai trò của tổ chức Hội hữu nghị, Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài.
Đổi mới cách thức và phương pháp tham gia công tác bầu cử, tham gia xây dựng pháp luật; tham gia tuyển chọn thẩm phán, kiểm sát viên và giới thiệu Hội thẩm nhân dân; phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội; đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tiếp công dân, tham gia công tác khiếu nại, tố cáo, đặc xá, cử bào chữa viên nhân dân
Thứ nhất, vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội; đại biểu Hội đồng nhân dân là rất to lớn. Vì vậy, cần đổi mới cách thức và phương pháp tham gia vào công tác bầu cử trên các mặt: Tham gia xây dựng ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai công tác bầu cử; tham gia vào các tổ chức bầu cử; tổ chức các hội nghị cử tri nơi công tác và nơi cư trú thật sự thực chất, tránh hình thức; tổ chức các hoạt động giám sát quá trình triển khai cuộc bầu cử nhằm đảm bảo cho các cuộc bầu cử diễn ra thật sự dân chủ, công bằng, khách quan và đúng pháp luật.
Thứ hai, tham gia công tác xây dựng pháp luật. Đổi mới cách thức và phương pháp góp ý vào các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các văn bản liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân. Đổi mới cách thức và phương pháp phản biện xã hội đối với các văn bản của Đảng và Nhà nước khi có yêu cầu theo hướng nâng cao chất lượng của các cuộc phản biện, tập hợp được đông đảo các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn và các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự án Luật tham gia phản biện xã hội.
Thứ ba, tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Hưởng ứng quyết tâm chính trị của Đảng về tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, kiên quyết phòng, chống lãng phí, tiêu cực, đòi hỏi Mặt trận Tổ quốc các cấp phải đổi mới cách thức và phương pháp tham gia vào cuộc đấu tranh phòng chống này. Ví dụ, đổi mới việc tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh ý kiến của Nhân dân về tiêu cực, tham nhũng, lãng phí một cách kịp thời; đổi mới các phương pháp truyền thông để phản ảnh kịp thời việc xử lý các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực; đổi mới công tác giám sát các vụ việc tham nhũng, tiêu cực.
Thứ tư, đổi mới công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đổi mới công tác tiếp công dân xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; công tác phối hợp với các cơ quan hữu quan như thanh tra, tư pháp, Hội luật gia… trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở.
Đổi mới cách thức và phương pháp hoạt động giám sát và phản biện xã hội
Để giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc đạt được kết quả một cách thực chất cần đổi mới các hoạt động sau đây:
- Đổi mới cách thức và phương pháp lựa chọn nội dung giám sát và phản biện xã hội một cách thiết thực, trọng tâm, trọng điểm hướng vào những lĩnh vực mà cử tri và Nhân dân quan tâm. Từ đó, hình thành kế hoạch giám sát và phản biện xã hội.
- Đổi mới công tác tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát và phản biện xã hội từ việc phối hợp với các tổ chức thành viên, đến việc mời chuyên gia, nhà khoa học, phối hợp với các cơ quan dân cử để tiến hành giám sát và phản biện có hiệu quả và chất lượng cao.
- Đổi mới công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kỹ năng và nghiệp vụ giám sát, phản biện xã hội.
- Xây dựng tiêu chí đánh giá, kết quả giám sát và phản biện xã hội cũng như khung tiêu chí lựa chọn vấn đề để giám sát và phản biện xã hội.
Đổi mới cách thức và phương pháp tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của Nhân dân, của cử tri để phản ảnh và kiến nghị với Đảng và Nhà nước
Đổi mới quy chế phối hợp giữa Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc các cấp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chính phủ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp để thực hiện các nhiệm vụ được pháp luật quy định. Mặt trận Tổ quốc các cấp cần xây dựng quy chế phối hợp với đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân đổi mới kế hoạch, thành phần tham gia, thông báo công khai ý kiến kiến nghị của cử tri… phản ảnh đầy đủ, trung thực ý kiến, kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền. Đa dạng hóa các hình thức tiếp xúc cử tri.
Đổi mới cách thức tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân ở địa phương gửi Quốc hội, Hội đồng nhân dân để không chỉ phản ánh ý kiến tại các buổi tiếp xúc cử tri, mà còn phải phản ánh các ý kiến khác qua các hoạt động của Ủy ban Mặt trận, các thành viên của Mặt trận.
Đổi mới nâng cao chất lượng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân trước các kỳ họp Quốc hội, kỳ họp Hội đồng nhân dân các cấp.
Đổi mới việc theo dõi giám sát việc thực hiện ý kiến kiến nghị của cử tri.
Đổi mới công tác thực hiện dân chủ ở cơ sở, xây dựng cấp chính quyền xã, phường, thị trấn trong sạch, vững mạnh
Một là, đổi mới việc phối hợp giữa Mặt trận cấp xã, phường với chính quyền cùng cấp trong việc vận động và bảo đảm điều kiện để nhận diện thực hiện, thực hành dân chủ trực tiếp ở cơ sở; đồng thời tạo môi trường để Nhân dân phát huy quyền làm chủ, bày tỏ ý kiến, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền các cấp.
Hai là, đổi mới cách thức và phương pháp vận động Nhân dân thực hiện và giám sát thực hiện việc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, thực hiện cơ chế, chính sách, pháp luật hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, thực hiện chính sách đối với người có công, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, giải phóng mặt bằng, tái định cư,…
Ba là, đổi mới công tác hướng dẫn, tập huấn phát huy vai trò của các Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.
Bốn là, chú trọng đổi mới công tác nghiên cứu, đề xuất việc tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về thực hiện và phát huy dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện để Nhân dân tham gia ngày càng rộng rãi, thực chất hơn vào quản lý xã hội ở cơ sở.
GS.TS. Trần Ngọc Đường
Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam