Phiên thảo luận “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới” trong khuôn khổ Hội thảo quốc gia về xây dựng các hệ giá trị_Ảnh: dangcongsan.vn
1. Giá trị
Giá trị là một khái niệm của nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau như: toán học, xã hội học, triết học, kinh tế chính trị học, nghệ thuật học, văn hóa học… Trong mỗi lĩnh vực khoa học, khái niệm này mang những hàm nghĩa khác nhau. Đặc biệt từ đầu thế kỷ XX đến nay, khi giá trị học tách ra thành một ngành khoa học độc lập thì khái niệm giá trị trở thành trung tâm của giá trị học.
Từ “giá trị” bắt nguồn từ chữ Hy Lạp là “axios”. Trong tiếng Anh, hai thuật ngữ “value” và “worth” đều có nghĩa là giá trị. Tuy nhiên, nội hàm hai khái niệm này cũng có sự khác nhau. “Value” có nghĩa là giá trị, giá cả; “worth” vừa có nghĩa như “value” vừa mang nghĩa là phẩm giá, phẩm chất. Trong các tài liệu khoa học hiện nay, thường dùng thuật ngữ “value” bao hàm cả hai thuật ngữ trên.
Ngày nay, đã có nhiều định nghĩa khác nhau về giá trị (cả trong và ngoài nước), tựu trung lại là:
- Giá trị là ý nghĩa của những sự vật, hiện tượng vật chất hay tinh thần có khả năng thỏa mãn những nhu cầu tích cực của con người, là những thành tựu góp phần vào sự phát triển xã hội.
- Giá trị được tạo nên bởi thực tế của lịch sử xã hội và thực tiễn là tiêu chuẩn của mọi giá trị.
- Giá trị mang cả thuộc tính khách quan và thuộc tính chủ quan.
- Giá trị được xác định trong mối quan hệ thực tiễn của con người, được xác định bởi sự đánh giá đúng đắn của con người, xuất phát từ thực tiễn và được kiểm nghiệm qua thực tiễn.
- Giá trị hàm ý khẳng định mặt tích cực, mặt chính diện, nghĩa là đã bao hàm quan điểm coi giá trị gắn liền với cái đúng, cái tốt, cái hay, cái đẹp….
Hình thức biểu hiện của giá trị rất phong phú, đa dạng tùy thuộc vào sự đa dạng trong nhu cầu của con người. Do đó, các giá trị được chia thành giá trị vật chất và giá trị tinh thần. Giá trị vật chất biểu hiện rõ trong đời sống kinh tế, giá trị tinh thần biểu hiện ở tư tưởng, đạo đức, văn hóa, nghệ thuật…Giá trị tinh thần được chia thành các loại cơ bản như: giá trị khoa học, giá trị đạo đức, giá trị thẩm mỹ, giá trị chính trị. Tuy nhiên, sự phân biệt này chỉ có ý nghĩa tương đối vì các giá trị này có liên hệ, tác động qua lại nhau. Một phát minh nào đó được đánh giá là có giá trị khoa học thì cũng có thể chứa đựng cả giá trị đạo đức.
Từ những quan điểm trên, có thể hiểu giá trị là một phạm trù triết học dùng để chỉ sự đánh giá những thành quả lao động sáng tạo vật chất và tinh thần của con người. Nó có tác dụng định hướng, đánh giá và điều chỉnh hoạt động của xã hội và con người, nhằm vươn tới cái đúng, cái tốt, cái đẹp, thúc đẩy sự tiến bộ xã hội.
2. Hệ giá trị và hệ giá trị quốc gia
Từ những năm 1970, đã có nhiều định nghĩa hệ giá trị theo những góc độ tiếp cận khác nhau. Chẳng hạn, xem xét giá trị gắn với hành vi, thái độ của con người trong xã hội, nhất là chức năng của hệ giá trị, Milton Rokeach (1918-1988) cho rằng: “Hệ thống giá trị là một tổ chức thông thái của các nguyên tắc và quy tắc giúp một người lựa chọn, giải quyết mâu thuẫn và đưa ra quyết định”(1). Tác giả Phạm Minh Hạc cho rằng, “Hệ giá trị là các giá trị của một tập hợp người như dân tộc, thế giới, vùng, gia đình, bản thân”(2).
Tiếp cận đặc trưng của hệ giá trị, tác giả Trần Ngọc Thêm cho rằng, “Hệ giá trị là toàn bộ các giá trị của một khách thể trong bối cảnh không gian - thời gian xác định cùng với mạng lưới các mối quan hệ của chúng”(3).
Tác giả Hồ Sỹ Quý cho rằng, “Hệ giá trị được hiểu là một thuật ngữ /khái niệm dùng để chỉ một tập hợp các giá trị, được thể hiện dưới dạng các phẩm chất, các nguyên tắc, các lý tưởng và cả các triết lý…. Định hướng cho hoạt động của một công ty, một hãng, một doanh nghiệp, một viện nghiên cứu, một trường đại học, một khách sạn, hay một ngành hoạt động… thuộc các lĩnh vực thương mại, công nghiệp, dịch vụ, sản xuất và đôi khi cả trong lĩnh vực thuộc xã hội, giáo dục, quân sự, chính trị, tôn giáo”(4).
Tác giả Lương Đình Hải cho rằng, “Hệ giá trị hay bảng giá trị của một cộng đồng được hình thành qua quá trình lịch sử lâu dài, được sàng lọc, gạt bỏ, bổ sung, tiếp biến và phát triển phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau”(5).
Để đáp ứng yêu cầu điều chỉnh ý thức và hành vi, loài người đã xây dựng các hệ giá trị, chuẩn mực khác nhau tùy theo đối tượng và phạm vi khác nhau, mỗi góc độ cho phép chúng ta nhìn ra một lớp cấu trúc nhất định. Có tác giá dựa vào sự thỏa mãn những nhu cầu ở những lĩnh vực khác nhau (vật chất, tinh thần, con người) thì hệ giá trị có ba bộ phận cơ bản là giá trị vật chất (bao gồm sự thỏa mãn những nhu cầu vật chất của con người), giá trị tinh thần (bao gồm những thỏa mãn tinh thần của con người, đó là giá trị đạo đức, giá trị khoa học, giá trị thẩm mỹ, giá trị pháp luật, giá trị tôn giáo…), giá trị con người là giá trị cao nhất trong mọi giá trị.
Trong quan hệ giữa cá nhân và xã hội, có tác giả chia thành giá trị cá nhân và giá trị xã hội.
Xem xét hệ giá trị được tạo thành bởi các giá trị của một khách thể cùng với quan hệ của chúng thì hệ giá trị bao gồm giá trị văn hóa, giá trị con người, giá trị thực tế, giá trị định hướng và giá trị cốt lõi.
Sự phân chia ở trên chỉ là tương đối vì chúng đều có quan hệ chặt chẽ với nhau, đều góp phần định hướng con người đến những điều tốt đẹp.
Trong việc xác lập các hệ giá trị, nổi bật có hệ giá trị chung, mang tính phổ quát cao được xem là hệ giá trị quốc gia (hay của liên minh quốc gia). Vậy, “hệ giá trị” quốc gia là khái niệm dùng để chỉ tập hợp các giá trị chung, mang tính phổ quát cao của một quốc gia (hay liên quốc gia) nhất định về các đối tượng cần được nhận thức, đánh giá, sắp xếp hệ thống hóa theo nguyên tắc và trình tự nhất định, đáp ứng yêu cầu nhận thức và hoạt động của chủ thể quốc gia đó.
Từ định nghĩa trên cần chú ý một số đặc trưng của hệ giá trị quốc gia như sau:
Thứ nhất, hệ giá trị quốc gia mang tính lịch sử - cụ thể. Với tư cách là một hình thái ý thức xã hội, hệ giá trị quốc gia luôn gắn liền với cơ sở kinh tế - xã hội sản sinh ra nó. Hệ giá trị quốc gia như tấm gương phản chiếu xã hội, qua các giai đoạn lịch sử. Mỗi giá trị trong hệ giá trị quốc gia tồn tại, biến đổi, phát triển luôn gắn liền với điều kiện lịch sử cụ thể, nó luôn luôn bị chi phối bởi các bối cảnh không gian, thời gian, sự phát triển của kinh tế - xã hội, lịch sử văn hóa và các mối quan hệ của khách thể.
Vì vậy, khi xem xét đánh giá và nhận diện các giá trị trong hệ giá trị quốc gia phải quán triệt quan điểm lịch sử - cụ thể, tức là phải đặt chúng vào trong bối cảnh không gian, thời gian nhất định hoặc gắn với một chủ thể xác định trong quá trình tồn tại và phát triển của nó. V.I.Lênin đã chỉ rõ, khi xem xét một vấn đề phải theo quan điểm: “một hiện tượng nhất định đã xuất hiện trong lịch sử như thế nào, hiện tượng đó đã trải qua những giai đoạn phát triển chủ yếu nào, và đứng trên quan điểm của sự phát triển đó để xét xem hiện nay nó đã trở thành như thế nào”(6).
Thứ hai, hệ giá trị quốc gia là tổ hợp các giá trị chung mang tính phổ quát cao và đã được hệ thống hóa. Mỗi giá trị chung này (có người gọi là giá trị cốt lõi) thể hiện ở các giá trị nhánh cụ thể (có tác giả gọi là nhóm giá trị quan hệ). Chẳng hạn ở Việt Nam, hệ giá trị quốc gia của Việt Nam quy tụ chín giá trị chung, mang tính phổ quát cao: “Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”(7). Ở đây, giá trị độc lập được thể hiện ở các nhóm giá trị sau: độc lập về kinh tế, độc lập về chính trị, độc lập về văn hóa, độc lập về dân tộc… Giá trị công bằng được thể hiện ở nhóm giá trị như: công bằng về “cơ hội”; công bằng trong phân phối tư liệu sản xuất; công bằng trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khoẻ của nhân dân; công bằng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo…
Thứ ba,một tổ hợp giá trị, một hệ thống giá trị nói chung được sắp xếp theo một thứ tự, một ưu tiên nhất định được gọi là thang giá trị. Một tổ hợp giá trị chung nhất, phổ quát cao của một quốc gia (hoặc liên quốc gia) được sắp xếp theo một ưu tiên nhất định được gọi là thang giá trị quốc gia. Thang giá trị quốc gia hình thành và phát triển phụ thuộc vào điều kiện lịch sử, xã hội nhất định. Từ thang giá trị quốc gia, chủ thể vận dụng nó để tạo lập một hoạt động, hành vi hay đánh giá, tự đánh giá một hiện tượng xã hội… được gọi là thước đo giá trị quốc gia.
3. Xây dựng hệ giá trị quốc gia
Trong quá trình hình thành và phát triển, hầu hết các dân tộc quốc gia trên thế giới đều xây dựng cho mình một hệ thống những giá trị đặc trưng. Và, mỗi giá trị đó là sự kết tinh năng lực, phẩm chất, tư duy mang đậm nét của cộng đồng đó, thể hiện năng lực, tính cách của mỗi dân tộc quốc gia.
Xây dựng hệ giá trị quốc gia là quá trình tác động có tính hướng đích, có tính tích cực, có mục tiêu, có kế hoạch với hình thức đa dạng, bằng nhiều con đường của chủ thể nhằm tập hợp những giá trị chung, mang tính khái quát cao, được hình thành qua quá trình lịch sử lâu dài, được sàng lọc, gạt bỏ, bổ sung, tiếp biến, phát triển và hệ thống hóa theo nguyên tắc và trình tự nhất định, đáp ứng yêu cầu nhận thức và hành động của chủ thể quốc gia đó trong điều kiện lịch sử nhất định. Xây dựng hệ giá trị quốc gia ở Việt Nam cũng không nằm ngoài cái chung đó.
Ở Việt Nam, việc xây dựng hệ giá trị quốc gia trong giai đoạn hiện nay đòi hỏi phải kế thừa các giá trị truyền thống nói chung (trong đó có các giá trị chung, có tính phổ quát cao) đã có, đồng thời phát triển lên một tầm cao mới phù hợp với điều kiện xã hội - lịch sử hiện tại. Do đó, việc xác định hệ giá trị quốc gia ở Việt Nam hiện nay cần lưu ý các nguyên tắc sau:
Một là, xác định giá trị tinh thần truyền thống dân tộc quốc gia (nhất là các giá trị chung, có tính phổ quát), lấy đó làm cơ sở để xây dựng hệ giá trị quốc gia.
Hai là, xây dựng hệ giá trị phải tuân theo quy luật kế thừa trong sự phát triển, bảo đảm thống nhất giữa truyền thống và hiện đại.
Ba là, xây dựng hệ giá trị quốc gia ở Việt Nam trên cơ sở thế giới quan, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và những quan điểm của Đảng ta về giá trị và hệ giá trị quốc gia.
Chủ thể xây dựng hệ giá trị quốc gia ở Việt Nam hiện nay bao gồm:
Đảng và Nhà nước là chủ thể quan trọng trong việc đề xuất các đường lối, chủ trương, chính sách và tổ chức lãnh đạo nhân dân thực hiện trong quá trình xây dựng hệ giá trị quốc gia.
Các cơ quan, các đoàn thể có chức năng thực thi và đóng góp tích cực các vấn đề về hệ giá trị quốc gia trong giai đoạn mới.
Các nhà khoa học có nhiệm vụ tích cực đưa các quan điểm của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn đời sống và bổ sung những vấn đề của thực tiễn về hệ giá trị quốc gia trong giai đoạn mới.
Quần chúng nhân dân là chủ thể được thụ hưởng các giá trị và là chủ thể tham gia vào quá trình xây dựng hệ giá trị quốc gia (thực thi, kiểm tra, giám sát, đóng góp các vấn đề về xây dựng hệ giá trị quốc gia, nhất là ở cơ sở, ở địa phương mình).
_________________
(1), (3) Trích theo Trần Ngọc Thêm: Một số vấn đề về giá trị và hệ giá trị Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2015, tr. 49, 51.
(2) Phạm Minh Hạc: Giá trị học, Nxb Dân trí, Hà Nội, 2012, tr. 30.
(4) Hồ Sỹ Quý: “Mấy vấn đề về hệ giá trị Việt Nam”, Tạp chí khoa học và công nghệ Việt Nam số 1, Số 5/2015, tr. 42.
(5) Lương Đình Hải: “Xây dựng hệ giá trị Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”. Tạp chí nghiên cứu của con người, Số 1/2015, tr. 10.
(6) V.I.Lênin: Toàn tập, t. 39, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 78.
(7) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 171.
PGS, TS NGUYỄN THẾ KIỆT
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Tạp chí Lý luận chính trị