Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng tổ chức tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, tháng 2-1951_Ảnh: Tư liệu TTXVN
Những chỉ dẫn về đại hội Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Từ ngày 6-1 đến ngày 7-2-1930 tại bán đảo Cửu Long thuộc Hồng Kông (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản đã triệu tập và chủ trì Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, thành một tổ chức duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị thông qua những văn kiện hết sức quan trọng, đặt nền móng cho sự trưởng thành, lớn mạnh của Đảng để đảm đương sứ mệnh lãnh đạo, chèo lái con thuyền cách mạng trong đấu tranh giành chính quyền, xây dựng nền độc lập dân tộc. Bốn văn kiện quan trọng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo đó là: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những văn kiện nói trên rất ngắn gọn, súc tích, nhưng phản ánh đầy đủ mục tiêu, yêu cầu cơ bản của dân tộc và giai cấp trong hoàn cảnh bấy giờ.
Trên cơ sở phân tích mâu thuẫn, thành phần giai cấp xã hội, Người xác định mục tiêu của cách mạng Việt Nam rất rõ ràng trong Chánh cương vắn tắt của Đảng đó là làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản: “Tư bản bản xứ không có thế lực gì ta không nên nói cho họ đi về phe đế quốc được, chỉ bọn đại địa chủ mới có thế lực và đứng hẳn về phe đế quốc chủ nghĩa nên chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”(1). Về bản chất và sứ mệnh lịch sử của Đảng, Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ: “Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp, phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng”(2). Từ thực tiễn cho thấy, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với tiến trình cách mạng Việt Nam mà Nguyễn Ái Quốc là người giữ vai trò quyết định. Sự chỉ đạo tài tình, phương pháp làm việc khoa học, hợp tình, hợp lý của Người là nhân tố quan trọng nhất dẫn đến thành công của Hội nghị, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng diễn ra từ ngày 11 đến ngày 19-2-1951 tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Tham dự Đại hội có 158 đại biểu chính thức và 53 đại biểu dự khuyết thay mặt cho 766.349 đảng viên đang sinh hoạt trong đảng bộ toàn Đông Dương. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì nhiều phiên họp hoàn thiện Báo cáo chính trị và trực tiếp chỉ đạo công tác chuẩn bị. Trong “Thư gửi Đại hội trù bị”, Người viết: “Ta nên nghiên cứu thật sâu, thảo luận thật kỹ những vấn đề chính, thì các vấn đề phụ sẽ giải quyết dễ dàng... Không nên “tầm chương trích cú” như lối ông đồ nho. Nên tìm hiểu rõ nội dung, sự phát triển và sự quan hệ giữa vấn đề này với vấn đề khác”(3) và “Đại hội ta là Đại hội kháng chiến. Nhiệm vụ chính của Đại hội ta là đẩy kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và xây dựng Đảng Lao động Việt Nam. Vậy việc thảo luận cần đặt trọng tâm vào hai việc đó”(4). Trong quá trình Đại hội, Người rất coi trọng công tác tự phê bình và phê bình, để nhìn nhận ra ưu điểm, khuyết điểm từ đó phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Đảng ta thành tích khá nhiều, nhưng khuyết điểm cũng không ít. Chúng ta cần phải thật thà tự phê bình để sửa chữa. Phải cố sửa chữa để tiến bộ”(5). Người chỉ rõ những khuyết điểm, yếu kém của cán bộ, đảng viên, từ Trung ương đến địa phương như: “Ở các cơ quan lãnh đạo các cấp, về lề lối làm việc, về chủ trương và cách lãnh đạo còn có những khuyết điểm khá phổ thông và nghiêm trọng. Ấy là những bệnh chủ quan, quan liêu, mệnh lệnh, hẹp hòi và bệnh công thần”(6). Báo cáo chính trị tại Đại hội II của Đảng đã chỉ rõ nguyên nhân của những yếu kém: “Trong Đảng có những bệnh ấy và bệnh khác. Trung ương cũng phải chịu một phần trách nhiệm. Vì Trung ương chưa chú trọng việc kiểm tra. Sự huấn luyện về chủ nghĩa tuy có, nhưng chưa được khắp, chưa được đủ. Dân chủ trong Đảng chưa được thực hiện rộng rãi. Phê bình và tự phê bình chưa thành nền nếp thường xuyên”(7). Chỉ đạo tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh những vấn đề rất quan trọng: Xác định những biến chuyển của tình hình thế giới; các giai đoạn phát triển của cách mạng Việt Nam; sửa chữa những khuyết điểm, sai lầm của Đảng; khẳng định vai trò, bản chất của Đảng; các nhân tố tạo nên sức mạnh nội lực của dân tộc. Những chỉ đạo đó của Người, cho đến nay, vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự, nhất là hiện nay chúng ta đang tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III diễn ra từ ngày 5 đến ngày 10-9-1960 tại Hà Nội. Tham dự Đại hội có 525 đại biểu chính thức và 51 đại biểu dự khuyết, thay mặt cho 500.000 đảng viên trong cả nước. Tại Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Nhiệm vụ hiện nay của cách mạng Việt Nam là: Đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước”(8), Đại hội thông qua những nhiệm vụ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, tạo nên sự đồng thuận trong Đảng, phấn khởi của toàn dân, mở đường cho cách mạng Việt Nam tiếp tục vững bước tiến lên, giành những thắng lợi mới, vĩ đại. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đại hội lần thứ II đã đưa kháng chiến đến thắng lợi. Chắc chắn rằng Đại hội lần thứ III này sẽ là nguồn ánh sáng mới, lực lượng mới cho toàn Đảng và toàn dân ta xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà”(9). Với tư duy độc lập, chủ động, sáng tạo, cách làm việc khoa học, dân chủ, dám nghĩ, dám quyết, những Đại hội Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo đã để lại cho Đảng ta nhiều kinh nghiệm quý giá. Phương pháp tổ chức và điều hành các cuộc họp của Người là một mẫu mực, kết tinh thành giá trị văn hóa chính trị, văn hóa Đảng bền vững.
Những bài học quý giá cho việc chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
Đồng chí Trần Quốc Vượng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư với các đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025_Ảnh: TTXVN
Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trên phạm vi cả nước. Đại hội lần này diễn ra trong bối cảnh nước ta đạt được những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại...; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt được nhiều thành quả quan trọng. Tuy nhiên, tình hình trong nước và thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp khó lường; các thế lực thù địch tăng cường các hoạt động chống phá Đảng, chế độ và ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra trong những tháng đầu năm 2020 tác động không nhỏ đến quá trình chuẩn bị, triển khai tổ chức đại hội. Trong bối cảnh đó, những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Đại hội Đảng vẫn còn nguyên giá trị và soi sáng cho đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng:
Một là, công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng phải toàn diện, chu đáo, thực hiện đúng phương châm, giữ vững nguyên tắc. Công tác chuẩn bị để tiến hành đại hội giữ vị trí, vai trò hết sức quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng phải phân tích đúng thực tiễn khách quan, người chủ trì cấp ủy không bao biện công việc mà phân công một số đồng chí cùng làm. Trong các cuộc họp bàn chủ trương, biện pháp tổ chức đại hội phải biết lắng nghe ý kiến thảo luận của mọi người rồi mới đưa ra kết luận cuối cùng. Gặp những vấn đề còn thiếu sự nhất trí của các đại biểu, phải đề nghị mọi người tập trung thảo luận, bàn bạc để đi đến thống nhất, không được áp đặt ý kiến cá nhân.
Quán triệt và thực hiện tốt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chỉ thị 35-CT/TW, ngày 30-5-2019, của Bộ Chính trị, “Về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” đã yêu cầu: “Công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng phải thực hiện phương châm kế thừa, ổn định, đổi mới, sáng tạo và phát triển; phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương”(10). Chuẩn bị các văn kiện đại hội phải khách quan, toàn diện, trung thực, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, chỉ rõ ưu và khuyết điểm để rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Xác định mục tiêu, chỉ tiêu, phương hướng, giải pháp gắn với tình hình thực tế, có tính khả thi; tránh hô hào, giáo điều. Công tác chuẩn bị đại hội còn có nội dung quan trọng, đó là chuẩn bị về nhân sự cấp ủy. Phải bảo đảm đúng điều lệ, nguyên tắc, dân chủ, minh bạch, lựa chọn người đủ “đức” và “tài”, đủ tiêu chuẩn, tiêu chí vào ban chấp hành. Tuyệt đối không vi phạm nguyên tắc, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ; tuyệt đối không giới thiệu, cơ cấu, đề cử vào cấp ủy những người không đủ tiêu chuẩn, cơ hội, cục bộ, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Hai là, tiến hành đại hội cần thực hiện đúng thủ tục, nguyên tắc, phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, nêu cao ý thức trách nhiệm nhằm đạt được mục đích, yêu cầu đề ra. Quá trình đại hội cần bám sát chỉ thị, hướng dẫn, tiến hành đúng thủ tục, nguyên tắc công tác Đảng. Đại hội là hội nghị quan trọng nhất của đảng viên hoặc đại biểu đảng viên, vì vậy phải tuyệt đối phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ tập thể, thảo luận sâu sắc, kỹ lưỡng các dự thảo văn kiện của đại hội, đề xuất được đường lối, chủ trương, nội dung biện pháp đúng, phù hợp, có tính khả thi cho cơ quan, đơn vị. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Trước khi thảo luận, mỗi một đồng chí phải nghiên cứu thật kỹ bản dự thảo Điều lệ Đảng. Khi thảo luận ở chi bộ thì mỗi một đồng chí phải liên hệ đúng đắn Điều lệ Đảng với công tác của chi bộ và của mình để góp đầy đủ ý kiến với Đại hội Đảng”(11). Phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ trên tinh thần đổi mới, cầu thị, trân trọng tiếp thu những ý kiến góp ý xác đáng, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, tôn trọng những ý kiến của các tầng lớp nhân dân, tạo sự thống nhất giữa ý Đảng với lòng dân ngay trong quá trình đại hội. Đối với đại hội đảng bộ các cấp, “phải thật sự mở rộng dân chủ để tất cả đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình; phải gom góp ý kiến của đảng viên để giúp đỡ Trung ương chuẩn bị Đại hội Đảng cho thật tốt”(12).
Các đại biểu biểu quyết thông qua danh sách bầu cử Ban Chấp hành Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025_Ảnh: TTXVN
Quá trình đại hội còn có nội dung rất quan trọng đó là tiến hành bầu ban chấp hành đảng bộ các cấp. Phải bảo đảm tuân thủ theo các quy định hiện hành của Đảng, đó là: Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; Quy định số 89-QĐ/TW, ngày 4-8-2017, của Ban Chấp hành Trung ương, "Về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”; Quy định số 90-QĐ/TW, 4-8-2017, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”. Đại hội kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội… Cấp ủy còn phải bảo đảm phù hợp về cơ cấu độ tuổi, giới tính, đúng quy trình nhân sự.
Ba là, sau đại hội cần tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội, triển khai thực hiện nghị quyết đại hội với tinh thần, khí thế mới. Trong “Lời kết thúc buổi ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam”, Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, nghĩa là những người thợ thuyền, dân cày và lao động trí óc kiên quyết nhất, hăng hái nhất, trong sạch nhất, tận tâm tận lực phụng sự Tổ quốc và nhân dân”(13), “chúng tôi xin hứa rằng Đảng Lao động Việt Nam quyết làm tròn nhiệm vụ của mình là đưa toàn dân đến: Kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công”(14). Học tập lời dạy của Bác, sau đại hội, cấp ủy khóa mới cần tổ chức rút kinh nghiệm, báo cáo cấp ủy cấp trên chuẩn y kết quả bầu cử, kiện toàn các chức danh lãnh đạo. Xây dựng quy chế làm việc, kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết đại hội, phân công công tác của cấp ủy viên, đưa nghị quyết vào cuộc sống với tinh thần, khí thế mới./.
------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 3, tr. 1
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 3
(3), (4), (5), (6), (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 14, 15, 32, 33, 33
(8), (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr. 673, 680
(10) Chỉ thị số 35 - CT/TW, ngày 30-5-2019, của Bộ Chính trị, về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
(11), (12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr. 543, 544
(13), (14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 50, 51.
Theo TS. PHẠM NGUYỄN NGỌC ANH/Tạp chí Cộng sản