Người dân Moskva mang theo cờ đỏ búa liềm, ảnh V.I.Lênin và các biểu ngữ đến tập trung trước Quảng trường Đỏ trong một dịp kỷ niệm. Ảnh Hanoimoi
V.I.Lênin chỉ rõ: "Muốn đưa cách mạng đến thắng lợi, Đảng phải có sự thống nhất ý chí hết sức chặt chẽ, tuyệt đối; đoàn kết là nguồn gốc, sức mạnh chủ yếu, vô tận và vô địch của Đảng"(1).
Giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng phải trên tinh thần thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ. Theo V.I.Lênin, trong chế độ xã hội do người lao động làm chủ thì tập trung dân chủ là phương thức để thực hiện quyền lực làm chủ của nhân dân, là nguồn gốc sức mạnh của quần chúng trong hoạt động cách mạng. Tầm quan trọng của nguyên tắc này thể hiện ở chỗ, cách mạng sẽ "không thể phát triển được nếu không trải qua một thời kỳ mà mọi người cùng nhau thảo luận rộng rãi về tất cả mọi vấn đề".
Tranh luận, thảo luận, theo V.I.Lênin là cần thiết để phát huy dân chủ trong Đảng. Những bất đồng, thậm chí cả bất đồng trong nội bộ BCH Trung ương đều cần thiết phải được đưa ra trước toàn Đảng để tranh luận, có như vậy mới vạch ra được một cách cụ thể thực chất và phạm vi của những bất đồng, mới chấm dứt được những lời đồn đại, xuyên tạc hay thổi phồng những sự bất đồng. Song yêu cầu của việc tranh luận, thảo luận được đặt ra là "sau những cuộc tranh luận và bàn cãi, chúng ta phải mạnh hơn khi mới bắt đầu tranh luận…". Và "một khi quyết định đã được thông qua, thì toàn Đảng phải ủng hộ nó… toàn thể đảng viên, vì nghĩa vụ đảng viên của mình, và để duy trì sự thống nhất trong chính ngay hàng ngũ của Đảng, đều phải chấp hành những quyết định của cơ quan lãnh đạo Trung ương của mình, tức là BCH Trung ương Đảng"(2).
Giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng phải trên tinh thần triệt để tuân theo kỷ luật đảng. Vấn đề kỷ luật đảng, sàng lọc đội ngũ đảng viên là vấn đề được V.I.Lênin quan tâm và thường dùng từ "thanh đảng". V.I.Lênin đã chỉ rõ: "Những người Bônsêvích sẽ không giữ vững được chính quyền, tôi không nói tới hai năm rưỡi, mà ngay cả đến hai tháng rưỡi cũng không được nữa, nếu Đảng ta không có kỷ luật hết sức nghiêm minh, kỷ luật sắt thực sự"(3).
Từ yêu cầu của nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn cách mạng mới, khi Đảng đã nắm chính quyền, mặt trận quân sự đã nhường chỗ cho mặt trận kinh tế, V.I.Lênin đã đặt ra yêu cầu phải tiến hành thanh đảng, Người viết: "Ngày nay những thành quả của cách mạng không thể nào giống với những thành quả trước kia nữa. Tất nhiên, những thành quả đó sẽ phải thay đổi tính chất, vì mặt trận quân sự đã nhường chỗ cho mặt trận kinh tế, vì chúng ta đang chuyển sang chính sách kinh tế mới, vì những điều kiện đòi hỏi chúng ta, trước nhất, phải nâng cao năng suất lao động, phải tăng cường kỷ luật lao động"(4).
Với chủ trương đúng đắn về vấn đề sàng lọc đội ngũ đảng viên và kỷ luật đảng, chú trọng việc tăng cường chất lượng đội ngũ đảng viên, đưa những người không đủ tư cách ra khỏi Đảng, V.I.Lênin đã cho chúng ta những bài học vô cùng sâu sắc về công tác xây dựng Đảng. Yêu cầu của V.I.Lênin đối với cán bộ, đảng viên của nước Nga Xôviết cũng là yêu cầu cần thiết đối với tất cả chúng ta, những đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Từ ngày thành lập, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Ðảng ta luôn luôn thấm nhuần tư tưởng của V.I.Lênin về đoàn kết, thống nhất trong Ðảng. Sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, tinh thần đoàn kết, thống nhất, hơn lúc nào hết luôn được Ðảng ta đặt lên hàng đầu. Hiện nay chúng ta đang tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, để xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trước hết, tập thể cấp ủy, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chủ chốt phải thật sự đoàn kết, thống nhất, thật sự là trung tâm quy tụ đoàn kết. Theo V.I.Lênin, trước và trong đại hội, có những ý kiến khác nhau, tranh luận, thảo luận là rất cần thiết nhưng "bất luận thế nào, thì qua đại hội này, chúng ta cũng phải làm cho sự đoàn kết nhất trí trong Đảng vững mạnh hơn, chặt chẽ hơn, chân thành hơn!"(5). V.I.Lênin viết: "… Nếu chúng ta chỉ đoàn kết nhất trí một cách hình thức… thì chưa đủ mà phải thực sự cộng tác làm sao cho đoàn kết hơn, gắn bó hơn trước kia để loại trừ hẳn những dấu vết dù nhỏ nhất của đầu óc bè phái - dù cho trước đây óc bè phái này đã biểu hiện ở đâu hoặc dưới hình thức nào cũng vậy - nhất quyết không để một dấu vết của óc bè phái tồn tại. Chỉ trong những điều kiện đó chúng ta mới hoàn thành được những nhiệm vụ vĩ đại đang đặt ra trước mắt chúng ta"(6).
Cuộc đời hoạt động và đạo đức cách mạng của V.I.Lênin là tấm gương sáng ngời. Tên tuổi của V.I.Lênin đã trở thành tượng trưng cho lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, tượng trưng cho lợi ích và nguyện vọng của giai cấp công nhân, của quần chúng lao động bị áp bức trên toàn thế giới. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Lênin là người đã thực hiện và phát triển Chủ nghĩa Mác. Là người cha của cách mạng vô sản và cách mạng dân tộc giải phóng. Là người thầy đã tạo ra những chiến sĩ cách mạng khắp thế giới, chẳng những bằng lý luận cách mạng khoa học nhất, mà còn bằng đạo đức cách mạng cao cả nhất"(7).
Nhân kỷ niệm 150 năm Ngày sinh V.I.Lênin, chúng ta ôn lại những lời căn dặn của Người và phải kiên quyết thực hiện lời dạy đó, để xây dựng Đảng ta trở thành Đảng cách mạng chân chính, là đạo đức, là văn minh, đủ bản lĩnh lãnh đạo nhân dân tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thử thách, chung sức, đồng lòng để giành thắng lợi mới, giữ trọn niềm tin của nhân dân - cội nguồn sức mạnh của Đảng. Trước thềm đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, mặc dù các thế lực thù địch, những kẻ cơ hội có nhiều âm mưu phá hoại, xuyên tạc, nói xấu Đảng ta, nhưng nếu toàn Đảng đoàn kết, nhất trí như những lời căn dặn của V.I.Lênin thì không có thế lực nào có thể phá hoại được.
---------------------------
(1). V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, M. 1993, tập 16, tr.705.
(2). V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. CTQG, H. 2006, tập 35, tr.473.
(3), (4). V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tập 41, tr.6; tập 44, tr.151.
(5), (6). V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva 1979, tập 43, tr.6.
(7). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.1995, tập 6, tr.386.
Theo Nguyễn Văn Thanh/Tạp chí Xây dựng Đảng