Góp phần phê phán những quan niệm sai lầm, lệch lạc về chủ nghĩa Mác và tư tưởng Hồ Chí Minh

Các thế lực thù địch đang cố gắng tạo ra một sự “nhận thức lại” trong tư tưởng một số ít người, nhằm dần dần lan rộng ra nhiều người, đặc biệt là những người có khả năng tư duy và trình độ nhận thức còn hạn chế, dễ hoang mang dao động.
 
Trước khi trình bày các biểu hiện cụ thể, xin nói tới những quan niệm, suy nghĩ tích cực mới nhất trên thế giới về chủ nghĩa Mác và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Như một thấu kính hội tụ khổng lồ, chủ nghĩa Mác kết tinh những ánh sáng giá trị tư tưởng tinh hoa trước đó của thế giới, là kinh tế - chính trị cổ điển Anh, triết học cổ điển Đức, chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp; là những điểm tiến bộ trong học thuyết về giá trị lao động của Adam Smith, David Ricardo, phương pháp biện chứng của Hegel, chủ nghĩa duy vật nhân bản của Feuerbach, những tư tưởng về chủ nghĩa xã hội không tưởng của Saint Simon, Robert Owen, Etienne Cabet, Charles Fourier… Để rồi chủ nghĩa Mác trở thành mặt trời tư tưởng vĩ đại của nhân loại soi đường cho các dân tộc đi lên hạnh phúc. Hiện nay trước tác của Mác được giới nghiên cứu phương Tây quan tâm, có hàng triệu độc giả chào đón, nghiên cứu, tìm hiểu. Ở thời điểm nhân loại bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập toàn cầu mạnh mẽ và sâu rộng, người ta càng thấy bộ Tư bản phát ra những ánh sáng khoa học mới mẻ đi trước thời đại gợi dẫn những quy luật, không chỉ về kinh tế, mà còn về chính trị, văn hóa, xã hội...

Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự sụp đổ của nhà nước Liên Xô chính là sự xa rời Chủ nghĩa Mác.

Từ góc nhìn “liên văn hóa” hiện đại, thế giới hôm nay thấy ở Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sự hội tụ tuyệt đẹp ba luồng văn hóa: văn hóa yêu nước Việt Nam; văn hóa hòa bình, bình đẳng, bác ái của nhân loại tiến bộ và văn hóa giải phóng con người của chủ nghĩa Mác. Cuộc Hội thảo khoa học quốc tế về Hồ Chí Minh gần đây nhất (5/10/2019) có tên Global Ho Chi Minh (Hồ Chí Minh toàn cầu) được tổ chức tại thành phố New York (Mỹ). Các chủ đề được chính những học giả Mỹ và Đại học Columbia đề xuất khi cùng đứng ra tổ chức Hội thảo đều nhấn mạnh hình ảnh Hồ Chí Minh không chỉ là vị anh hùng giải phóng dân tộc, mà còn là cầu nối giữa Việt Nam với thế giới và nhân cách của Người còn mang tầm ảnh hưởng toàn cầu. Điều này khẳng định sự tôn trọng của giới học giả thế giới đương đại với Hồ Chí Minh. Tư tưởng và những giá trị văn hoá cao đẹp của Người đang được cả nhân loại đón nhận. Tác phẩm mới nhất của GS. TS. Nguyễn Đài Trang (Việt kiều Canada) viết về Người là Hồ Chí Minh: Chủng tộc da đen và các tác phẩm chọn lọc về phân biệt chủng tộc (2/2021) in bằng tiếng Anh và tiếng Việt, được giới nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn Canada đánh giá rất cao. Tác giả đã bỏ ra một phần tư thế kỷ sưu tầm, khảo cứu, nghiên cứu để viết tác phẩm này. Trước đó bà là tác giả của Hồ Chí Minh: các tác phẩm chọn lọc về hòa bình, dân chủ và bình đẳng giới (2018, phiên bản tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Việt); Hồ Chí Minh: Nhân văn và phát triển (2013); Hồ Chí Minh: Tâm và Tài của một người yêu nước (2010)... Từ góc nhìn khoa học khách quan nhất, tác giả đã làm toát lên chủ đề với cái Tài kiệt xuất và cái Tâm yêu nước, yêu con người trong sáng nhất, Hồ Chí Minh không chỉ là vĩ nhân của Việt Nam mà còn là vĩ nhân của thế giới. Tầm vóc của Người mang tầm nhân loại, đồng hành cùng nhân loại...

Trong bài viết quan trọng mới đây “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn; chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những thành tựu, tinh hoa văn hóa nhân loại, phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mĩ ngày càng cao”.

Một trong những mũi nhọn mà các thế lực thù địch thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” là tập trung xuyên tạc, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh. Ý thức rất rõ sự ảnh hưởng to lớn của hệ tư tưởng này trong mọi lĩnh vực của đất nước, đặc biệt trong đời sống văn hoá tinh thần nên chúng tuyên bố không úp mở rằng sở dĩ chế độ cộng sản ở Việt Nam còn tồn tại được là nhờ nương tựa, núp vào cái bóng “thần tượng Hồ Chí Minh”, nên muốn thể chế chính trị ở Việt Nam sụp đổ thì một trong những mục tiêu quan trọng nhất là phải xóa bỏ bằng được “thần tượng” này. Đó là lý do những thập niên gần đây, chúng ráo riết thực hiện âm mưu hạ bệ, bôi nhọ, xuyên tạc, phủ nhận tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh nhằm làm suy giảm niềm tin và lòng tôn kính của nhân dân ta đối với lãnh tụ, với Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng đang cố gắng tạo ra một sự “nhận thức lại” trong tư tưởng một số ít người, để rồi dần dần lan rộng ra nhiều người, đặc biệt những người có khả năng tư duy và trình độ nhận thức còn hạn chế, dễ hoang mang dao động. Sự tác động này vừa trực tiếp vừa gián tiếp, vừa trước mắt vừa lâu dài, nhằm dẫn đến sự “thoát li thần tượng” góp phần làm phai nhạt tiến tới xoá bỏ sự ảnh hưởng của tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh đối với một bộ phận đảng viên và quần chúng. Các khuynh hướng sai lầm, những quan niệm, suy nghĩ lệch lạc thiếu niềm tin ấy thể hiện ở một số vấn đề sau:

a) Đã mấy chục năm nay một số tổ chức phản động người Việt ở nước ngoài tổ chức “chiến dịch” No Hochiminh! (Không Hồ Chí Minh!) để vu khống, bôi nhọ, hạ bệ thần tượng và phủ định tư tưởng Hồ Chí Minh. Bám vào sự kiện chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, họ quy kết “chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời”! Bác Hồ đưa chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam là sai lầm. Sự lựa chọn chủ nghĩa xã hội là đi vào ngõ cụt!

b) Một số “nhà nghiên cứu” cơ hội thừa nhận sự vĩ đại nhưng phủ nhận giá trị thời đại, cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin nhất thời, không có tính phổ quát. Vì là “ăn theo” nên tư tưởng Hồ Chí Minh cũng tương tự!

c) Có người cắt rời tư tưởng Hồ Chí Minh với Chủ nghĩa Mác, cho rằng chỉ có tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với Việt Nam nên không cần nói, không đề cập đến Chủ nghĩa Mác.

d) Cho rằng Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc chứ không theo chủ nghĩa cộng sản.

e) Những kẻ hời hợt, nông cạn (hoặc giả vờ) cho rằng không có hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh mà chỉ là một vài câu văn ngắn gọn. Ngược lại có người cái gì cũng quy về tư tưởng Hồ Chí Minh, coi đó là “thần thánh” nhưng thực chất lại chẳng hiểu gì về tư tưởng ấy.

Dưới đây xin được bàn luận, góp phần làm rõ.

Thứ nhất (đối với vấn đề a), trái ngược với sự xuyên tạc ác ý, như đã nói ở trên, chủ nghĩa Mác ngày càng thể hiện tầm tư tưởng vĩ đại cùng sức sống mãnh liệt. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu, vận dụng chủ nghĩa Mác một cách sáng tạo, phát triển một cách sáng tạo vào thực tiễn cách mạng Việt Nam để tạo ra một hệ tư tưởng Hồ Chí Minh, mà cho đến hôm nay thực tế đã chứng minh một cách sinh động nhất đó là sự đúng đắn của thời đại, của lịch sử. Chủ nghĩa Mác, tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam, là ngọn cờ, là điểm tựa cho cách mạng Việt Nam tiếp tục vững bước đi lên gặt hái những thành tựu mới.

Thứ hai (đối với vấn đề b), Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ tiếp thu, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác mà còn tiếp thu những tinh hoa tư tưởng khác của nhân loại. Người từng nói: “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giê su có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giê su, Mác, Tôn Dật Tiên đều mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội…Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”(1). Trên tinh thần phản biện, chọn lọc, kế thừa, ngay cả với chủ nghĩa Mác, Hồ Chí Minh tiếp thu những điểm phù hợp, vì “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”(2).

Thứ ba (đối với vấn đề c), tiếp thu tư tưởng tích cực từ truyền thống văn hóa dân tộc, tiếp thu, vận dụng phát triển sáng tạo các chủ nghĩa, học thuyết tiến bộ, đặc biệt là chủ nghĩa Mác, tư tưởng Hồ Chí Minh đậm đà bản sắc riêng: giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, quốc gia và quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Tư tưởng Hồ Chí Minh có những đóng góp lớn lao đối với sự phát triển, làm giàu có, phong phú thêm kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Vì những lẽ này, đối với cách mạng Việt Nam, chủ nghĩa Mác và tư tưởng Hồ Chí Minh là một khối thống nhất, hữu cơ, không thể tách rời.

Tư tưởng Hồ Chí Minh có những đóng góp lớn lao đối với sự phát triển, làm giàu có, phong phú thêm kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Vì vậy, đối với cách mạng Việt Nam, chủ nghĩa Mác và tư tưởng Hồ Chí Minh là một khối thống nhất, hữu cơ, không thể tách rời.

Thứ tư (đối với vấn đề d), nhiều ý kiến căn cứ vào câu nói từ năm 1924 của Nguyễn Ái Quốc: “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước”(3) để xuyên tạc Hồ Chí Minh đi theo chủ nghĩa dân tộc chứ không phải chủ nghĩa xã hội. Thủ pháp cắt xén này khá nguy hiểm vì nó gây ngộ nhận và tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác. Trong khi đó, chính Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(4), “…chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”(5)... Trên thực tế, trong hệ tư tưởng Hồ Chí Minh thì tư tưởng dân tộc hoà làm một với tư tưởng về chủ nghĩa xã hội. Đường lối Đảng ta là sự cụ thể hoá tư tưởng này khi quyết tâm “giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, nhưng kẻ xấu cố tình tách ra để nhấn mạnh Hồ Chí Minh yêu nước nhưng theo chủ nghĩa dân tộc chứ không phải chủ nghĩa xã hội.

Trong hệ tư tưởng Hồ Chí Minh thì tư tưởng dân tộc hoà làm một với tư tưởng về chủ nghĩa xã hội. Đường lối Đảng ta là sự cụ thể hoá tư tưởng này khi quyết tâm “giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.

Thứ năm (đối với vấn đề e), có nguyên nhân từ sự ngộ nhận hoặc không hiểu thấu đáo tư tưởng Hồ Chí Minh, do bệnh lười hoặc không quan tâm đến chính trị, đường lối. Họ không cần biết hoặc là xuyên tạc nội hàm định nghĩa đã được xác định một cách khoa học là: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là di sản tư tưởng và lý luận vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”(6).

Để tiếp tục khẳng định giá trị của chủ nghĩa Mác và tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới, xin đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, học sâu sắc thêm bài học của Bác Hồ về mối quan hệ thực tiễn là thước đo lý luận. Sức sống của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh được khẳng định bằng chính thực tiễn sinh động của cách mạng Việt Nam, trong đó có những thành tựu của công cuộc đổi mới vĩ đại. Đất nước ta có được cơ đồ như ngày hôm nay là nhờ Đảng ta, nhân dân ta một lòng quyết tâm đi theo ánh sáng soi đường của chủ nghĩa Mác và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Hai là, đưa việchọc tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào thực chất hơn nữa, lan toả sâu rộng hơn nữa vào mọi tầng lớp nhân dân. Đây cũng là một cách thiết thực để ngăn ngừa tác hại từ những mưu đồ xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh của Người. Là nhà cách mạng thực tiễn, nhà triết học hành động, Hồ Chí Minh ở trong dân, không ở trên dân, là người sống đúng nhất với chân lý “một tấm gương sống hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Vì thế, nếu tất cả cán bộ, đảng viên, đoàn viên... đều thật sự tự giác học, thật sự tự giác làm theo, nhất là học tính liêm chính của Người, thì không một tư tưởng phản động nào, dù được ngụy trang bằng thứ “nghệ thuật” nguy hiểm, thâm độc đến đâu, có thể làm lung lay được niềm tin của nhân dân. Tăng cường hơn nữa tuyên truyền, quảng bá những tác phẩm văn học nghệ thuật chân chính về Chủ tịch Hồ Chí Minh vì Người là một hiện tượng văn hóa mang tầm nhân loại với tầm vóc tư tưởng và nghệ thuật lớn lao để sáng tạo đến không cùng!

Ba là, tăng cường nghiên cứu một cách thiết thực, hiệu quả chủ nghĩa Mác - Lênin dưới góc độ là một trí tuệ lớn, một tài sản văn hóa tinh thần vô giá của nhân loại. Cần chứng minh sự gặp gỡ với các chủ nghĩa, các trào lưu tư tưởng lớn khác trên thế giới từ xưa đến nay, để thấy được giá trị, chiều sâu và ý nghĩa phổ quát của chủ nghĩa Mác. Cần khắc phục việc dạy và học chủ nghĩa Mác - Lênin còn đại khái, hình thức ở một số trường đại học hiện nay.

Bốn là, tăng cường chế độ kiểm tra, giám sát việc học tập lý luận, nghị quyết Đảng một cách chặt chẽ; thưởng phạt công minh, đưa vào tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của cán bộ đảng viên.

Năm là, hiện nay bộ môn “Liên văn hóa” (Intercultural) phát triển mạnh trên thế giới, có nhiệm vụ nghiên cứu sự xuyên thấm, tương tác, đối thoại lẫn nhau giữa các nền văn hóa, chú ý tới hiệu quả giao tiếp thể hiện thành các giá trị văn hóa mới. Hồ Chí Minh là một hiện tượng “Liên văn hóa” rất tiêu biểu. Các bộ môn nghiên cứu về Hồ Chí Minh ở nước ta đều có thể vận dụng hướng nghiên cứu này để làm sinh động hơn, phong phú thêm các ý nghĩa mới./.

 __________________

(1) Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, Viện Nghiên cứu tôn giáo: Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo và tín ngưỡng, Nxb. Khoa học xã hội, H, 1996, tr.152.   

(2) (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.1, tr .509-510; 511.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.30.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.289.

(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, H, 2011, tr. 88.    

Theo PGS. TS. NGUYỄN THANH TÚ/Tạp chí Tuyên giáo

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều