Tháng 5/2019, sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 35, về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã viết bài: “Chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”. Không nhắc lại những nội dung cốt lõi trong Chỉ thị 35, trong bài viết, đồng chí nhấn mạnh bốn nội dung cơ bản của đại hội, giúp các cấp ủy, tổ chức đảng nắm vững hơn, có hệ thống hơn ý nghĩa, tầm quan trọng của đại hội đảng bộ các cấp, khi cả nước đang tiến vào ngưỡng cửa của thập niên thứ ba, thế kỷ XXI; khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, mang lại những thời cơ và cả những thách thức lớn.
Trước Hội nghị Trung ương 12 (tháng 5/2020) nội dung trọng tâm bàn về công tác nhân sự, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước viết bài thứ hai về: Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng.Với tinh thần thẳng thắn, cách nhìn khách quan, toàn diện, đánh giá đúng thực trạng, bài viết thể hiện rõ sự trăn trở của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương về tình trạng kéo dài trong Đảng, đó là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những cán bộ cấp chiến lược. Đồng chí khẳng định: Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII phải là một tập thể thật sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, thống nhất cao ý chí và hành động, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có tầm nhìn chiến lược; có trí tuệ, tư duy đổi mới, sáng tạo…
Bài viết thứ ba trong hệ thống bài viết nêu trên xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, được đông đảo các tầng lớp nhân dân quan tâm và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết. Đây là bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trước thềm Đại hội các đảng bộ trực thuộc Trung ương. Từ những nội dung tổng quát mang tính chỉ đạo chiến lược, đến những mục tiêu cụ thể hướng tới những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước ta, được xem là những gợi ý rất thiết thực để các cấp ủy đảng nghiên cứu, bổ sung vào các văn kiện, chuẩn bị ý kiến tham luận và chuẩn bị nhân sự.
Tiếp thu và phát triển những bài học kinh nghiệm từ các Đại hội trước đây của Đảng ta, nhất là từ năm 1986 đến nay, Đại hội lần này có nhiệm vụ bao trùm, vừa thể hiện tầm nhìn xa trông rộng, vừa bám sát những nội dung, mục tiêu cụ thể. Đại hội không chỉ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, mà còn có cái nhìn xuyên suốt 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020. Nhìn lại, đánh giá, nói thẳng về những ưu điểm, khuyết điểm, để từ đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ phù hợp,có khả năng thực thi. Đó là những mục tiêu, nhiệm vụ mang tính định tính và định lượng, từ mục tiêu của nhiệm kỳ 2021-2026, đến mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 (kỷ niệm tròn 100 năm thành lập Đảng) và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam mới).
Tuy không nằm trong hệ thống bài viết chỉ đạo tiến hành Đại hội Đảng, nhưng mới đây, trong khuôn khổ Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 75 Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra từ ngày 22 đến 29/9/2020, tại trụ sở Liên hợp quốc, ngày 24/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có thông điệp quan trọng gửi tới hội nghị.Thông điệp này một lần nữa nói về việc chuẩn bị Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam, liên quan mật thiết đến tình hình thế giới: “Từ một đất nước nghèo nàn, lạc hậu, bị tàn phá bởi chiến tranh và chịu bao vây cấm vận, sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước đang phát triển có thu nhập trung bình và đang nỗ lực phấn đấu hướng tới mục tiêu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 (…). Với chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn phát huy quan hệ hợp tác toàn diện với Liên hợp quốc, góp phần xây dựng một thể chế đa phương toàn cầu công bằng, minh bạch và hiệu quả”.
Các bài viết, bài nói của đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã nêu lên những đánh giá khái quát, những chỉ đạo tổng quát nhất về Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vào đầu quý I năm 2021. Đặc biệt, trong bài viết: “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới”, được xem là bài viết toàn diện hơn cả. Với phương châm: Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển,từ “nhìn lại” đến “hướng đi” đều có những đánh giá khách quan, toàn diện, xác đáng về hầu hết các lĩnh vực quan trọng; từ “việc”, đến “người”; từ thành tựu, ưu điểm, đến yếu kém, khuyết điểm; từ Trung ương đến địa phương, các cấp, các ngành… Điểm mới ở đây là, khi tổng kết, đánh giá, hoặc khi đề ra các chủ trương, đường lối, cần: “Đặc biệt chú trọng xử lý tốt hơn các mối quan hệ: Giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ; giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội”. Chẳng hạn, để tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Trung ương đãtừng bước xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng, Nhà nước, nhất là trong công tác cán bộ; kiên quyết xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là các vụ án lớn, nghiêm trọng đã được phát hiện, điều tra, tiến hành khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm minh. Đúng là không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không vụ án nào bị “chìm xuồng” hoặc ngược lại là… kéo xuồng lên bờ phơi nắng. Điều đó đã có sức răn đe, cảnh báo, cảnh tỉnh, được cán bộ, đảng viên, nhân dân hoan nghênh,đồng tình ủng hộ.
Nhấn mạnh bài học quý giá của Đảng ta qua các thời kỳ cách mạng là nuôi dưỡng sức dân, coi sức dân chính là sức nước, trong tình hình hiện nay, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, luôn xác định “dân là gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kiên trì thực hiện đúng nguyên tắc: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Cái mới ở đây là “dân giám sát, dân thụ hưởng”, điều mà từ rất sớm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.
Nói về việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp cao, đồng chí Nguyễn Phú Trọng yêu cầu “trong lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, phải có quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn, thật sự năng động, sáng tạo, chú trọng tạo đột phá để phát triển”. Đồng chí nêu rõ trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chủ chốt ngay trong dịp Đại hội này - một sự kiện chính trị trọng đại, ngày hội của Đảng và cũng là ngày hội của Nhân dân:“Đại hội XIII của Đảng ta đã đến gần. Khối lượng công việc rất lớn trong khi thời gian không còn nhiều, các cấp ủy và các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng phải đề cao hơn nữa trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XII và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra”.
Các bài viết của người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước ta không chỉ là sự chỉ đạo kịp thời, làm cơ sở quan trọng cho các cấp bộ Đảng trong cả nước chuẩn bị và tiến hành đại hội, mà còn là nguồn động viên, cổ vũ to lớn đối với toàn Đảng, toàn dân ta. Sự chỉ đạo nhất quán trong các bài viết, với tư tưởng đổi mới, với những thông tin cụ thể, tin cậy thể hiện tinh thần kiên quyết, kiên trì công cuộc đổi mới, đập tan luận điệu xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch, giúp chúng ta có thêm bản lĩnh và tự tin trước những khó khăn, thách thức mới.
Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Một giai đoạn phát triển mới đang trông đợi ở niềm tin, sức mạnh, ý chí của toàn Đảng, toàn Dân, toàn Quân ta. Khi ý Đảng - lòng Dân là một, khi lợi ích của Đảng chính là lợi ích của toàn dân thì không có một trở lực nào ngăn cản nổi con đường đi lên của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trang mới của lịch sử đang mở ra, bắt đầu từ sự “chuẩn bị và tiến hành thật tốt”, như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong muốn và tin tưởng./.
Theo Hải Đường/Tạp chí Tuyên giáo