Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh tới thăm và chúc mừng Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt ngày 05/6/2020. Ảnh: Kỳ Anh
Thực tế đang đặt ra đối với báo chí
Thực tế cho thấy1, năm 2019, thời lượng trung bình mỗi ngày mà người dân Việt Nam dành cho báo chí truyền thống là 2 giờ 34 phút, cho các sản phẩm trên nền tảng kỹ thuật số là 7 giờ 12 phút (mức trung bình của thế giới tương ứng là 3 giờ 33 phút và 6 giờ 45 phút); tỷ lệ thời gian người Việt dành cho các nền tảng digital trong tổng thời gian dành cho truyền thông mỗi ngày chiếm 74%, cao nhất trong số 41 quốc gia được khảo sát. Cụ thể, theo thống kê năm 2018, mỗi ngày người Việt Nam dành 1 giờ 20 phút cho truyền hình, 30 phút cho phát thanh, 43 phút cho báo in và hơn 1 giờ đồng hồ cho máy chơi game. Người Việt khá “nghiện” điện thoại khi dành tới 3 giờ 15 phút cho smartphone trong khi dành 3 giờ 43 phút cho máy tính để bàn/máy tính bảng. Một người trưởng thành chỉ có 43 phút đọc báo in mỗi ngày nhưng dành tới 1 giờ 12 phút để đọc tin online. Ngoài ra, khi lên mạng, họ dành 1 giờ 7 phút để nghe nhạc, 2 giờ 33 phút cho mạng xã hội và 1 giờ 11 phút xem truyền hình live streaming. So với năm 2014, thời lượng người Việt dành cho mạng xã hội đã tăng gần 30 phút mỗi ngày. Trong khi đó2, có đến 45% công chúng đọc báo, xem truyền hình qua mạng xã hội, trong khi xem truyền hình qua màn hình tivi chỉ hơn 20%, đọc báo và nghe phát thanh chỉ trên dưới 10%. Ở góc nhìn khác, Việt Nam có trên 70% cư dân tham gia mạng xã hội - thuộc top đầu các quốc gia trên hành tinh; nhưng lại thuộc top 5 nước có văn hóa tham gia mạng xã hội thấp nhất.
Thực trạng trên đây, những người làm báo Việt Nam nên vui hay buồn? Câu hỏi này dành cho 209 học viên cao học học online3 trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19. Kết quả nhận được như sau: gần 45% số người được hỏi cho rằng đó là tin vui. Lý do, cư dân Việt Nam là cộng đồng dân số trẻ, ham hiểu biết, muốn tìm tòi cái mới, năng động. Trong khi đó, 55% số người được hỏi (115 người) cho rằng nhu cầu, thị hiếu công chúng xã hội đang thay đổi, nhưng báo chí chính thống chưa đáp ứng được nhu cầu thông tin đa dạng, phong phú, nhiều chiều của công chúng xã hội.
Cộng đồng người Việt luôn thể hiện ham hiểu biết, vươn tới cái mới để có thể hội nhập với thế giới phát triển4; có 48% những người được hỏi ý kiến cho biết tin tức thời sự là mối quan tâm hàng ngày; những người này thường thuộc nhóm có độ tuổi trung niên trở lên, điều kiện kinh tế khá hơn và học vấn cao hơn so với những người chỉ lướt web nói chung. Nhu cầu, thị hiếu công chúng xã hội đang thay đổi nhưng báo chí chính thống chưa đáp ứng kịp; hơn nữa, trong môi trường truyền thông số đã và đang tạo ra lớp công chúng chủ động, đây cũng là thách thức lớn đối với báo chí chính thống.
Báo chí trong môi trường truyền thông số và bối cảnh đổi mới chưa thể hiện mạnh mẽ chức năng giám sát và phản biện xã hội của báo chí. Thực tế cho thấy, một số ấn phẩm báo chí đã và đang thực thi giám sát, phản biện xã hội tốt, phản ánh nhu cầu và nguyện vọng đông đảo công chúng xã hội, góp phần tạo dựng niềm tin xã hội. Nhưng cũng không ít cơ quan báo chí trước nhiều vấn đề kinh tế - xã hội bức xúc lại ít hoặc chậm lên tiếng.
Trong môi trường truyền thông và bối cảnh mới, báo chí nhìn chung chưa tận dụng tốt các khả năng do môi trường truyền thông số tạo ra, như siêu kết nối xã hội, siêu tương tác xã hội, hệ dữ liệu lớn (Big data), hệ sinh thái truyền thông online, hay thu hút công chúng chủ động và chiếm lĩnh thị phần…
Trong bức tranh tổng thể của báo chí Việt Nam hôm nay, đã có những điểm sáng không chỉ bảo đảm tính nhanh nhạy, đa dạng, phong phú và nhiều chiều của thông tin, mà các yêu cầu và chuẩn mực về chính trị, văn hóa,… của thông tin được bảo đảm; do vậy, chất lượng chính trị, văn hóa và chuẩn mực chuyên nghiệp của báo chí được thể hiện, ngày một vươn ra chiếm lĩnh công chúng, thị phần và phát triển kinh tế. Nhưng một số biểu hiện thiếu chuyên nghiệp và cách mạng vẫn còn. Hệ quả nền kinh tế hành chính, quan liêu, bao cấp,… vẫn còn dấu ấn trong tư duy và phong cách hành nghề của một số phóng viên; một số khác lại chạy theo khuynh hướng giật gân câu view theo thị hiếu của số ít công chúng làm cho hàm lượng văn hóa, tính nhân văn của sản phẩm truyền thông chưa được tôn trọng; hoặc số khác tìm kiếm nguồn thu bằng những hoạt động nằm ngoài chuẩn mực báo chí chuyên nghiệp.
Nhận thức thêm về bản chất báo chí cách mạng
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn những người làm báo rằng, trước khi cầm bút, cần tự trả lời các câu hỏi: Viết cái gì? Viết cho ai? Viết để làm gì? Và sau cùng mới “Viết như thế nào”? Hiện, chúng ta có hơn 850 cơ quan báo chí với hàng ngàn sản phẩm báo chí - truyền thông khác nhau, báo chí cần bám sát nhu cầu, thị hiếu công chúng.
Đầu thế kỷ XX, Pablo Ruiz Picasso đã đưa ra 3 câu hỏi tạo thành bộ lọc thông tin cho nhà báo khi lựa chọn sự kiện thông tin. Một là, sự kiện có thật không? Hai là, sự kiện thật rồi, nhưng có thú vị không? Ba là, sự kiện có thật, thú vị nhưng có ích lợi gì không? Báo chí thông tin sự kiện và thông qua đấy phản ánh vấn đề thời sự, nhưng sự kiện và vấn đề ấy phải thú vị, hấp dẫn công chúng xã hội; Và cuối cùng quan trọng nhất là nó có ích lợi gì cho công chúng xã hội không?
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến tuyên truyền chính trị. Người nói, chính trị có đúng thì tờ báo mới đúng được. V.I. Lê-nin cũng khẳng định, “Đông đảo công chúng công-nông-binh đi theo những người cộng sản Bônsêvích không phải vì những người Bônsêvích tuyên truyền khéo mồm, mà là vì những người Bônsêvích nói đúng sự thật; Sự thật đẹp đẽ nhất là sự thật được nói đúng sự thật”5. Người cũng khẳng định rằng, “sự kiện, sự kiện và chỉ có sự kiện mới giúp chúng ta hiểu được những vấn đề phức tạp nhất của đời sống”6.
Từ thực tế báo chí tư sản giữa thế kỷ XIX, nhà triết học duy vật nhân văn L. Phoiơbắc cho rằng, “bản thân báo chí cần thể hiện rõ tính tư tưởng, tức là tính cách mạng; và như vậy đòi hỏi nó luôn đứng về phía nhân dân, phía tiến bộ xã hội để đấu tranh cho chiều hướng phát triển”7. C. Mác cũng cho rằng “tự do báo chí là con mắt sáng suốt của nhân dân”.
Từ những căn dặn của các lãnh tụ cộng sản, có thể thấy nổi lên mấy vấn đề sau đây về báo chí cách mạng:
Thứ nhất, báo chí cách mạng là báo chí luôn đứng về phía tiến bộ xã hội, phía chiều hướng phát triển và bảo vệ lợi ích hợp pháp và hợp lý của đông đảo nhân dân. Cho nên, chức năng tư tưởng của báo chí cũng là chức năng đấu tranh vì sự tiến bộ xã hội, vì nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam là một chính đảng cách mạng, cũng lấy lợi ích của nhân dân làm trọng và vì nhân dân. Bởi thế, C. Mác đã khẳng định rằng, “sản phẩm truyền thông là dư luận xã hội”. Muốn khơi thức dư luận xã hội thì báo chí phải phản ánh lợi ích của đông đảo nhân dân. Quyết không để báo chí đại diện hay bảo vệ cho lợi ích nhóm.
Thứ hai, bản chất nghề báo là vì sự phát triển bền vững của cộng đồng; luôn khơi thức các vấn đề xã hội, đồng thời kết nối nguồn lực xã hội để tham gia giải quyết các vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển; và “nghề báo, xét cho cùng là nghệ thuật thuyết phục”8. Và báo chí thuyết phục công chúng xã hội bằng nghệ thuật thông tin sự kiện có thật, bằng nghệ thuật dẫn dắt, phân tích, bình luận đánh giá các sự kiện và vấn đề thời sự; tức là bằng sự thật đang diễn ra liên quan đến lợi ích của công chúng xã hội… Sự kiện, vấn đề thông tin nào liên quan lợi ích công chúng thì công chúng quan tâm; nếu không, báo chí sẽ mất công chúng xã hội và như vậy sẽ không thể tuyên truyền hay thực hiện được tốt nhiệm vụ chính trị, càng không thể phát triển kinh tế báo chí.
Thứ ba, báo chí cách mạng không chỉ cần đổi mới nội dung thông tin theo hướng bám sát nhu cầu, lợi ích công chúng xã hội, mà còn đáp ứng thị hiếu tiếp nhận; tức là đổi mới hình thức và phương thức tiếp cận. Số báo đăng nguyên bài phát biểu quan trọng, chạy đầy trang báo khổ to chắc chắn công chúng xã hội không thích đọc bằng việc thể hiện những luận điểm chính của bài phát biểu trên một tin infographic. Một bài phát biểu quan trọng của lãnh đạo trên sóng truyền hình dài 15-20 phút, chắc chắn công chúng xã hội sẽ không thích xem bằng việc trích xuất các luận điểm nổi bật trong bài thành vài clip dưới 2 phút, vừa phát sóng, vừa đẩy lên mạng xã hội. Bởi thế, trong môi trường truyền thông số và hệ sinh thái truyền thông online xuất hiện khái niệm siêu thị truyền thông số, đòi hỏi kỹ năng sản xuất sản phẩm báo chí - truyền thông số để có thể có các “quầy” trong siêu thị số ấy.
Một số khuyến nghị
Có thể nói, nền báo chí cách mạng Việt Nam đang có diện mạo và sức phát triển khá tốt. Vấn đề tiếp theo, để báo chí Việt Nam tiếp tục phát triển đậm chất cách mạng và chuyên nghiệp, có thể nên lưu ý mấy vấn đề sau đây:
Một là, tiếp tục cập nhật và đổi mới nhận thức về bản chất nghề nghiệp báo chí cách mạng, nhất là đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt các cơ quan báo chí. Bởi nếu không có quan niệm đầy đủ, đúng đắn về nghề nghiệp thì khó hành xử mang tính chuyên nghiệp.
Hai là, cần chú ý công tác cán bộ đã qua hoạt động báo chí ở ngay các tòa soạn mà nhiều khi không phải tìm kiếm đâu xa; mặt khác, chú ý đào tạo cập nhật kiến thức và kỹ năng quản trị tòa soạn trong bối cảnh môi trường truyền thông thay đổi.
Ba là, trên phương diện quản lý nhà nước, cần định vị lại các dòng báo chí và có chính sách phù hợp cho sự phát triển để có thể vừa bảo đảm để báo chí đóng góp hơn nữa vào sự phát triển, đồng thời vừa phát triển kinh tế báo chí để tự chủ tài chính.
Thứ tư, nhìn trên toàn bộ hệ thống, cần đặt yêu cầu cao hơn và tạo điều kiện để đẩy mạnh chức năng giám sát, phản biện xã hội của báo chí, trên cơ sở đó chủ động thu hút công chúng vào các diễn đàn báo chí, để thuyết phục và gây ảnh hưởng tích cực cho sự phát triển công tác tư tưởng.
Nguyễn Văn Dững
PGS.TS, Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Chú thích:
1. Báo cáo của GlobalWebIndex năm 2019 về mức độ tiêu dùng sản phẩm truyền thông, dẫn lại theo Lê Quốc Minh trong Nội san TTXVN, số 2/2020.
2. Theo khảo sát công chúng 8/2019 của Tạp chí Truyền hình Việt Nam.
3. Khảo sát online qua các lớp học cao học online tháng 4, 5/2020.
4. Số liệu đã dẫn.
5. Xem V.I.Lê-nin Về vấn đề báo chí; Nxb Sự thật; H. 1972.
6. Sách đã dẫn.
7. L.Phoiơbắc. Tuyển tập các tác phẩm triết học, 2 tập, t.2. Mátxcơva, 1955, tr.480.
8. GS, TSKH, Chủ nhiệm khoa Báo chí Đại học Tổng hợp quốc gia Mát-xcơ-va mang tên Lô-mô-nô-xốp (MGU) phát biểu tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền tháng 11/2011.