Hơn 100 năm trước, năm 1917, toàn cầu chấn động với cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga, xác lập nên Nhà nước Xô viết - Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới do Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo.
V.I.Lênin - lãnh tụ của phong trào cách mạng vô sản Nga, người phát triển học thuyết của Các Mác và Ph.Ăngghen - ngay từ những năm đầu tiên cùng giai cấp công nhân, nông dân và người lao động Nga xây dựng và vận hành Nhà nước Xô viết, đã sớm chỉ ra hiện tượng quan liêu, hối lộ, tham nhũng nảy nở, tồn tại trong bộ máy chính quyền mới non trẻ.
Ngày 17-10-1921, trong báo cáo “Chính sách kinh tế mới và những nhiệm vụ của các ban giáo dục chính trị” tại Đại hội II toàn Nga các Ban giáo dục chính trị, Lênin đã thẳng thắn chỉ rõ, “hiện tượng thật sự điển hình của nước Nga là nạn hối lộ”, nạn hối lộ là một thứ “ung nhọt” và hơn thế nữa, là “một trong 3 kẻ thù chính”. “Ba kẻ thù chính ấy là: Kẻ thù thứ nhất - tính kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa; kẻ thù thứ hai - nạn mù chữ; kẻ thù thứ ba - nạn hối lộ”. Người khẳng định, “nếu còn có một hiện tượng như nạn hối lộ, nếu còn có thể hối lộ được, thì cũng không thể nói đến chính trị được”.[1]
Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, lãnh tụ kính yêu của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta; người sáng lập Đảng ta, Nhà nước ta - cũng hết sức nghiêm khắc, không dung thứ trước “giặc nội xâm” quan liêu, tham ô, lãng phí, tiêu cực.
Cũng như V.I.Lênin, Bác nhìn ra từ rất sớm những chứng tật xấu mà chính thể nào cũng cần đề phòng và phải gắng sức tiễu trừ, cũng bởi Bác hiểu rõ nguồn gốc phát sinh và những hệ lụy ghê gớm của nó.
Ngày 3-9-1945, một ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - khi nói về những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người đã chỉ rõ: Chế độ thực dân đã đầu độc dân ta với rượu và thuốc phiện; dùng mọi thủ đoạn hòng hủ hóa dân tộc chúng ta bằng những thói xấu, lười biếng, gian giảo, tham ô và những thói xấu khác.
Năm 1950, trong bối cảnh cả nước đang dồn sức người sức của cho cuộc kháng chiến chống Pháp, trước bản án xét xử Đại tá quân nhu Trần Dụ Châu - phần tử tham nhũng đầu tiên được xét xử trong lịch sử Nhà nước ta - Bác đã ký lệnh y án tử hình, thể hiện thái độ dứt khoát không dung thứ với thứ “giặc nội xâm” cực kỳ nguy hiểm này. Câu chuyện này cũng chính là chất liệu cho vở kịch “Đêm trắng” nổi tiếng của tác giả Lưu Quang Hà sau này.
Tháng 3-1952, nói chuyện nhân dịp có phong trào sản xuất và tiết kiệm, Bác nói: “Phải tẩy sạch nạn tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu (...) Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân (...) vì nó không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta (...) Muốn xây dựng một xã hội mới, một xã hội tự do, bình đẳng, một xã hội cần, kiệm, liêm, chính thì phải tẩy cho sạch hết những thói xấu của xã hội cũ”.[2]
Ngày 27-7-1963, tại Hội nghị phổ biến Nghị quyết của Bộ Chính trị về cuộc vận động “Nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu”, Bác nói thẳng, “tham ô là hành động xấu xa nhất, tội lỗi, đê tiện nhất trong xã hội. Tham ô là trộm cắp của công, chiếm của công làm của tư (...) làm hại đến sự nghiệp xây dựng nước nhà”. “Lãng phí tuy khác với tham ô ở chỗ người gây ra lãng phí không trực tiếp trộm cắp của công làm của riêng. Nhưng kết quả thì làm tổn hại rất nghiêm trọng cho Nhà nước, cho nhân dân”.[3]
Không phải đến khi gánh trọng trách đứng đầu Đảng ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới quan tâm và đặt vấn đề phát động đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Từ rất sớm, với tư cách một đảng viên, một cán bộ biên tập của Tạp chí Cộng sản, thông qua các bài viết của mình, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã cho thấy tầm mức nhận thức rất cao về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như mối lo lắng, ưu tư, trăn trở của mình trước những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, tham ô, lãng phí, tiêu cực… đã và đang diễn ra đây đó trong Đảng, trong xã hội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trong bài “Của công, của riêng” đăng trên Tạp chí Cộng sản tháng 6-1978, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã viết: “Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, việc tôn trọng, giữ gìn và bảo vệ của công không chỉ là yêu cầu của lương tâm, của đạo lý, mà còn là luật pháp của Nhà nước. Mọi người trong xã hội đều có trách nhiệm và nghĩa vụ quý trọng, bảo vệ của công, sử dụng của công vào việc công với tinh thần hết sức tiết kiệm, đấu tranh chống mọi hành động tham ô, lãng phí, làm thiệt hại đến của công”. “Hơn ai hết, cán bộ, đảng viên càng phải gương mẫu giữ gìn, bảo vệ của công, thật sự cần kiệm liêm chính, không xâm phạm tài sản của Nhà nước, của nhân dân. Tôn trọng, giữ gìn, bảo vệ của công là trách nhiệm lớn lao, là phẩm chất cao quý của mỗi cán bộ, đảng viên”.[4]
Những hiện tượng diễn ra trong thực tế đã được đồng chí Nguyễn Phú Trọng ghi nhận, chỉ rõ với nhiều nỗi lo lắng: “Đáng tiếc là đến nay, trong đội ngũ chúng ta vẫn có những cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ, đảng viên giữ những cương vị phụ trách trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước, chưa nêu cao ý thức tôn trọng, giữ gìn và bảo vệ của công, thậm chí còn có những hành vi tham ô, chiếm dụng của công. Lợi dụng cương vị, quyền hạn của mình, họ tìm mọi “mưu ma chước quỷ” để sử dụng nhập nhằng, bừa bãi của công, xoay xở, bòn vét của công, chiếm của công làm của riêng”. “Có những người lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý của Nhà nước, ăn cắp của công, xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa một cách trắng trợn (…) Một số người sống theo phương châm “của người bồ tát của ta lạt buộc”, thu vén các thứ cho riêng mình”.[5]
Lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh soi rọi, đồng chí Nguyễn Phú Trọng khẳng định, “đó là những hành động mang nặng chủ nghĩa cá nhân, rất xấu, rất đáng chê trách. Ở những mức độ khác nhau, những hành động đó đều là xâm phạm đến thành quả lao động của nhân dân, là phung phí mồ hôi và cả xương máu của những người đã sản xuất ra và bảo vệ của cải vật chất của xã hội, làm ảnh hưởng xấu đến bước phát triển của đất nước, đến việc cải thiện đời sống của nhân dân”. Và, đồng chí đặt câu hỏi - đầy trăn trở, day dứt - cho đồng chí của mình và cũng là cho chính mình: “Là những người phấn đấu theo đạo đức cách mạng, mỗi chúng ta nghĩ gì và làm gì để góp phần khắc phục những hiện tượng sai sót kể trên?”.[6]
Theo Báo Hà Nội mới