Vấn đề đại đoàn kết dân tộc giữ vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển của nước ta (Trong ảnh: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) _Ảnh: tư liệu
1- Từ xưa đến nay, trong đời sống của mỗi con người và của toàn thể loài người, lợi ích luôn giữ vai trò vô cùng quan trọng. Ngay từ thời cổ đại, ở Hy Lạp nhà triết học lỗi lạc A-ri-xtốt (384 - 322 TCN) cũng như ở Trung Hoa cổ đại, nhà triết học Hàn Phi (280 - 233 TCN), đều đã từng nói về lợi ích và vai trò thúc đẩy của lợi ích đối với mọi hoạt động trong suốt cuộc đời của mỗi con người. Nếu A-ri-xtốt cho rằng, lợi ích kích thích hành động của con người với tư cách là một động vật chính trị, thì Hàn Phi lại coi lợi ích vật chất là cơ sở của mọi hành vi của con người. Đối với Hàn Phi, từ cái thiện, từ lòng tốt cho đến cái ác, nhất là dã tâm cướp bóc của con người đã gây nên sự loạn lạc trong một nước hay những cuộc chiến tranh giành giật lãnh thổ giữa các nước với nhau, tất cả đều có liên quan đến lợi ích ở các mức độ khác nhau.
Trong chương Mười điều quấy (Thập quá) của cuốn Hàn Phi tử, Hàn Phi quả quyết rằng, “ham lợi nhỏ tức là hại đến lợi lớn”(1). Lịch sử đã đem đến nhiều bài học sâu sắc cho muôn đời sau, trong đó có bài học là chính cái lợi ích riêng tư, nhỏ mọn, xấu xa và phi đạo đức đã từng xóa sổ cả một vương triều. Suy rộng ra điều ấy cũng chứng thực rằng, dù sớm hay muộn thì mọi cái lợi phi đạo đức, đều nhất định sẽ dẫn đến những hậu quả vô cùng tai hại và tiếng xấu sẽ còn lưu lại mãi đến muôn đời sau không thể nào gột rửa cho sạch được.
Cũng trong Hàn Phi tử, ở thiên Năm bọn sâu mọt (Ngũ đố), Hàn Phi viết: “Người xưa coi khinh của cải không phải vì họ là nhân, đó là vì của cải nhiều. Người đời nay tranh giành nhau, cướp đoạt của nhau không phải vì họ là hèn hạ, đó là vì của cải ít... Ngày nay coi trọng một nắm đất không phải là kém, đó là vì quyền lợi nhiều”(2). Nếu thiếu đạo đức mà cái lợi càng nhiều thì sự tranh giành càng trở nên khốc liệt hơn, khi đó con người càng dễ dàng trở nên thủ đoạn hơn, độc ác hơn, tàn nhẫn hơn. Điều này có lẽ không chỉ đúng trong thời phong kiến như Hàn Phi đã mô tả cách đây hơn 2.300 năm, mà còn rất đúng trong tất cả các xã hội ở những trình độ phát triển khác nhau thời hiện đại.
Mấy chục thế kỷ sau, tiếp nối các nhà triết học cổ đại Hy Lạp và Trung Hoa, nhà triết học vĩ đại người Đức là Hê-ghen (1770 - 1831), trong khi nghiên cứu và giảng dạy về triết học lịch sử, cũng đã nhận rõ vai trò to lớn của lợi ích. Ông đã từng đưa ra một khẳng định mang tính chất đúc kết từ lịch sử các dân tộc rằng, “những lợi ích thúc đẩy đời sống các dân tộc và các cá nhân”(3). Tiếp sau Hê-ghen, C. Mác cũng nhận định rằng, “tất cả cái gì mà con người đấu tranh để giành lấy, đều dính liền với lợi ích của họ”(4), nhất là lợi ích vật chất. Nhìn từ lịch sử các dân tộc qua các thời đại thì quả đúng là như vậy.
Trong tất cả các giai đoạn lịch sử của xã hội loài người, lợi ích không những là cái để thỏa mãn nhu cầu sống còn của mỗi con người mà quan trọng hơn, nó còn có tác dụng thúc đẩy sự tiến bộ, sự đi lên của lịch sử. Đúng như Ph. Ăng-ghen đã viết: “cái gọi là lợi ích vật chất không bao giờ có thể xuất hiện trong lịch sử với tính cách là những mục đích độc lập, chủ đạo, nhưng bao giờ cũng phục vụ một cách tự giác hoặc không tự giác cho cái nguyên tắc đang dẫn đường cho sự tiến bộ của lịch sử”(5). Trong tiến trình lịch sử nhân loại “chính lợi ích là cái liên kết các thành viên của xã hội”(6) lại với nhau và những “con người độc lập chỉ liên hệ với người khác thông qua cái nút là lợi ích”(7). Vì vậy, nếu một xã hội bị cai trị bởi những người coi thường lợi ích chính đáng của con người, dù là lợi ích trước mắt hay lợi ích lâu dài, hoặc chỉ chú ý đến lợi ích trước mắt mà quên đi hoặc coi thường lợi ích lâu dài, thì đều phải trả giá, thậm chí là cái giá rất đắt bằng cả vận mệnh của một chế độ vì đã làm triệt tiêu động lực thúc đẩy sự phát triển.
Về điều này ngay từ năm 1861, nhà triết học và kinh tế chính trị học người Anh là J.S. Mill (1806 - 1873) đã từng nói rằng, những người chỉ chú ý đến lợi ích trước mắt mà quên đi hoặc coi thường lợi ích lâu dài như vậy là những người thiển cận. Ông viết: “Bất cứ ai cũng có lợi ích hiện tại và lợi ích lâu dài, và người thiển cận là người chăm lo cho lợi ích hiện tại mà không chăm lo cho lợi ích lâu dài”(8). Do vậy, theo J.S. Mill, “ảnh hưởng của chính thể lên an sinh của xã hội không thể được xem xét hay đánh giá bằng cách nào khác hơn là căn cứ vào toàn bộ lợi ích của con người”(9). Nếu như xã hội coi thường lợi ích chính đáng của tất cả các thành viên của mình, chỉ quan tâm bảo vệ lợi ích cho một tầng lớp thiểu số, của một nhóm người giàu có hơn hoặc có thế lực hơn, thì nhất định, dù sớm hay muộn, xã hội đó cũng sẽ xảy ra sự xung đột lợi ích nghiêm trọng và tất nhiên xã hội đó sẽ không thể nào có sự đồng lòng, sự đồng thuận và đoàn kết nhất trí để thúc đẩy sự phát triển. Trái lại, khi mọi người cùng được hưởng sự công bằng về lợi ích thì dù trong một xã hội rộng lớn hay một xã hội thu nhỏ đều sẽ có được sự đồng lòng, sự đồng thuận, sự đoàn kết nhất trí để ổn định và phát triển.
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, cùng Phó Bí thư Tỉnh uỷ Khánh Hoà Nguyễn Tấn Tuân trao đổi với đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận ở Khánh Hoà. Ảnh Đại đoàn kết.
2- Những bài học từ lịch sử cùng những luận điểm của các nhà tư tưởng vĩ đại của nhân loại về tầm quan trọng của lợi ích trong sự thúc đẩy lịch sử không những cho thấy, nếu giải quyết một cách công bằng và hài hòa các lợi ích của mọi người trong cộng đồng, trong xã hội thì sẽ liên kết được họ lại với nhau mà còn khẳng định, nếu không tạo được sự công bằng cho mọi người hoặc chỉ vì lợi ích nhỏ mọn, thiển cận của cá nhân hoặc của một nhóm nhỏ thì xung đột lợi ích trong cộng đồng, trong xã hội là điều rất khó tránh. Sự xung đột lợi ích, vì vậy, là nguyên nhân, là tiền đề quan trọng và trực tiếp dẫn đến sự xung đột xã hội dưới các hình thức và mức độ khác nhau. Chính C. Mác đã từng khẳng định, nguyên nhân của mọi xung đột xã hội, cao nhất là xung đột giai cấp, đều bắt nguồn từ những xung đột về lợi ích.
C. Mác đã từng viết rằng, “xã hội - cho dù nó có hình thức gì đi nữa...[đều] là sản phẩm của sự tác động qua lại giữa những con người”(10) thì như vậy, sự tác động qua lại đó giữa những con người có thể diễn ra trong không gian, trong phạm vi địa lý rộng hẹp hoặc trong những tổ chức, những cơ quan, công sở, những cộng đồng lớn nhỏ khác nhau. Đó cũng chính là những xã hội thu nhỏ mà các thành viên của chúng thường gắn bó với nhau thông qua quan hệ lợi ích. Một xã hội theo nghĩa rộng sẽ ổn định và phát triển bền vững nếu như các bộ phận, các tổ chức và nói chung tất cả các bộ máy hợp thành nó hoạt động hài hòa, ăn khớp với nhau, nhất là nếu không có sự xung đột dữ dội với nhau về lợi ích.
Một xã hội thu nhỏ với tư cách “là sản phẩm của sự tác động qua lại giữa những con người” như C. Mác nói, tức như là một tổ chức mà trong đó các cán bộ, công chức, viên chức cùng hoạt động, cùng thực thi các công vụ được Đảng và chính quyền nhà nước các cấp giao phó thì việc xảy ra sự xung đột, trong đó có xung đột lợi ích, ở các mức độ khác nhau là điều có thể hiểu được, nếu không nói là khó tránh khỏi. Bởi vì, trong cuộc sống thường ngày của những con người ở một tập thể có thể những sự khác biệt về tính cách, về lối sống, về mối liên hệ và quan hệ trong công việc, về trình độ, năng lực các mặt công tác, thậm chí có những cá nhân có nhiều tham vọng, hoặc sự đố kỵ, kèn cựa, ghen ghét với đồng nghiệp (về nhiều vấn đề, trong đó không loại trừ với cả sự hấp dẫn của vẻ bề ngoài)... đều có thể dẫn đến những mâu thuẫn. Những mâu thuẫn nhỏ khi tích tụ lại và chồng chất thêm lên mãi mà không được giải quyết đúng thời điểm hoặc giải quyết không thật đúng cách thì đôi khi có thể làm xuất hiện những mâu thuẫn mới lớn hơn, nặng nề hơn, nghiêm trọng hơn, xấu hơn nữa thì sẽ dẫn đến sự xung đột làm cho tập thể đó khó lòng yên ổn để thực thi các nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, so với những sự khác biệt hoặc mâu thuẫn thường gặp ấy thì sự xung đột về lợi ích trong quá trình thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức ở nước ta hiện nay mới thật sự đáng quan tâm hơn cả. Bởi vì, chính sự xung đột này nếu không được giải quyết rốt ráo thì thật sự sẽ là nguy cơ, là mối đe dọa, là nguồn gốc và là căn nguyên căn bản nhất vào một thời điểm nào đó có thể dẫn tới những sự xung đột xã hội nghiêm trọng. Nếu như sự mâu thuẫn về tính cách, về lối sống, về hành vi ứng xử hoặc về cách ăn mặc và cách trang điểm của các cá nhân,... trong một tập thể không quá khó khăn để hóa giải hoặc có thể dễ dàng giải quyết thì mâu thuẫn về lợi ích nói chung, nhất là về lợi ích kinh tế, phức tạp hơn nhiều và khó giải quyết hơn rất nhiều.
Thực tế cho thấy, nước ta chấp nhận và mới thật sự bước vào phát triển kinh tế thị trường chưa được bao lâu; ý thức tuân thủ luật pháp của công dân, công chức, viên chức còn thấp và không đồng đều. Ngay cả việc thực thi pháp luật của các cơ quan công quyền có lúc, có nơi cũng chưa đủ nghiêm khắc, chưa thật nghiêm minh, chưa thành nền nếp, trong khi đó luật pháp vẫn còn có kẽ hở và còn thiếu một số luật chuyên ngành hoặc luật đặc thù. Do vậy, tình trạng lạm quyền, cửa quyền và cậy quyền ở nước ta hiện nay cũng chủ yếu phát sinh từ đây. Đặc biệt, chính sự lạm quyền, cửa quyền và cậy quyền lại bị chi phối bởi lợi ích rốt cuộc đều dẫn đến sự xung đột lợi ích. Ở đây, xung đột lợi ích được hiểu là tình trạng mà trong đó lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn hoặc người thân thích của họ tác động hoặc sẽ tiềm ẩn tác động trái pháp luật đến việc thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm và công vụ được giao.
Tổng hợp tất cả những điều đó đã góp phần hình thành các nhóm lợi ích phi pháp và dẫn đến sự xung đột lợi ích trong một số lĩnh vực, trong quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức và viên chức. Điển hình nhất là xung đột lợi ích trong các lĩnh vực quản lý doanh nghiệp nhà nước, cấp phép và quản lý dự án đầu tư, nhất là đầu tư công, quản lý ngân sách, thu thuế và quản lý thuế, quyết định cấp đất đai, thu hồi đất đai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đai, cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai, tiếp nhận đầu tư; lĩnh vực đấu thầu, cấp phép cho các công trình chỉnh trang đô thị, sửa chữa, nâng cấp, xây dựng cơ bản và công trình giao thông, cấp phép khai thác các nguồn tài nguyên, ngân hàng, tài chính, xuất, nhập khẩu, thậm chí cả trong các lĩnh vực đầu tư trang thiết bị cho các ngành y tế, trong quản lý các nguồn vốn và nói chung là các chương trình đầu tư phục vụ xã hội, trong đào tạo và cấp văn bằng, chứng chỉ các loại,... Đặc biệt nổi cộm hơn cả trong xung đột lợi ích là hiện tượng quản lý phân bổ biên chế, tuyển chọn nhân sự, việc thành lập những doanh nghiệp sân sau của các quan chức đương nhiệm suy thoái, biến chất, hoặc người thân của họ,...
Trước thực trạng này và nhằm đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, ngày 1-7-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP về Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng với 11 chương, 89 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 15-8-2019. Theo Điều 29 của Nghị định thì 9 trường hợp những người có chức vụ, quyền hạn được xác định là có xung đột lợi ích khi bộc lộ các dấu hiệu rõ ràng sau đây: 1- Nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích khác của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình; 2- Thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ trường hợp luật có quy định khác; 3- Tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về công việc có liên quan đến bí mật Nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết; 4- Sử dụng những thông tin có được nhờ chức vụ, quyền hạn của mình để vụ lợi hoặc để phục vụ lợi ích của tổ chức hoặc cá nhân khác; 5- Bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế hoạch, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu; 6- Góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề do mình trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do mình trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước; 7- Ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột hoặc để doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham dự các gói thầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình khi được giao thực hiện các giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó; 8- Có vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột là người có lợi ích trực tiếp liên quan đến việc thực hiện các nhiệm vụ, công vụ của mình; 9- Can thiệp hoặc tác động không đúng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền vì vụ lợi.
Đối chiếu với những điểm cụ thể được ghi trong Điều 29 của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP thì thực trạng xung đột lợi ích hiện nay trong cả nước của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức rất đáng phải quan tâm. Có thể nói, mọi người đều dễ dàng chỉ ra các biểu hiện xung đột lợi ích đó trong quá trình thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương. Không ít trường hợp bộc lộ xung đột lợi ích ở một số địa phương thời gian qua đã bị báo chí phanh phui, trong đó một số cá nhân và tổ chức đã bị Đảng và Nhà nước thi hành kỷ luật. Nếu tính từ đầu nhiệm kỳ Trung ương khóa XII đến nay đã có trên 90 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị thi hành kỷ luật hoặc xử lý hình sự. Hầu như tất cả họ đều nằm trong diện vi phạm nghiêm trọng Điều 29 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP. Song, nếu nhìn nhận và đánh giá một cách thật sự khách quan thì tình trạng này hiện vẫn còn tồn tại khá phổ biến và đang làm suy giảm niềm tin của nhân dân, làm tổn hại đến uy tín của Đảng và Nhà nước, trước mắt dễ thấy nhất là làm giảm hiệu quả của công cuộc phòng, chống tham nhũng đang rất được nhân dân quan tâm và nhiệt tình ủng hộ. Do vậy, nếu thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp nêu trong Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, bao gồm giám sát, tạm đình chỉ hoặc kiên quyết đình chỉ công tác những người có xung đột lợi ích thì sẽ góp phần ngăn chặn ngay từ đầu, không để tình trạng tham nhũng phát sinh, làm xói mòn niềm tin của nhân dân và gây bất ổn trong xã hội.
Để giảm bớt, tiến tới ngăn chặn triệt để xung đột lợi ích trong quá trình thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong cả nước thì mỗi người phải tự giác xem mình có rơi vào một hay nhiều trong số chín biểu hiện ấy không. Nếu có “thì phải báo cáo bằng văn bản với người trực tiếp quản lý, sử dụng để xem xét, xử lý theo quy định” như Nghị định đã chỉ rõ. Song, quan trọng nhất là ngay từ đầu các cấp có thẩm quyền phải giám sát, phải phát hiện sớm để ngăn chặn sự xung đột có thể diễn ra. Khi phát hiện có sự xung đột lợi ích trong quá trình thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức thì tạm đình chỉ hoặc đình chỉ người vi phạm như Nghị định đã quy định. Song, kèm theo đó một giải pháp cũng rất cần thiết và quan trọng không kém là sự tự giác, tự nguyện khắc phục của người vi phạm bằng nhiều cách, nhiều mức độ, trong đó cao nhất là văn hóa từ chức.
Tóm lại, trong đời sống của một con người cũng như trong lịch sử của nhân loại, lợi ích giữ vai trò động lực quan trọng. Những lợi ích chính đáng thúc đẩy sự phát triển xã hội; trái lại, những lợi ích nhóm tiêu cực, phi pháp sẽ kìm hãm sự phát triển đó, làm ly tán lòng người, đe dọa và gây mất ổn định xã hội.
Cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Điện Biên giúp đồng bào xã Mường Toong, huyện Mường Nhé dựng nhà _Nguồn: quankhu2.vn
Có thể thấy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở nước ta có vai trò quan trọng trong sự vận hành của hệ thống chính trị, nhất là trong đại đoàn kết toàn dân tộc, đại đoàn kết xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Song, đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Vì vậy, việc giải quyết xung đột lợi ích là nhiệm vụ vừa cấp thiết, vừa lâu dài của xã hội mà đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị không thể đứng ngoài cuộc. Sự vận hành thông suốt và hiệu quả cao của hệ thống chính trị đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải biết đặt lợi ích của dân tộc, của đất nước lên trên lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm phi pháp, tiêu cực trong quá trình thực hành công vụ, hướng tới xây dựng một nền hành chính phục vụ, hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả, kỷ cương, minh bạch và liêm chính, góp phần vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước.
------------------------------
(1), (2) Hàn Phi (Phan Ngọc dịch): Hàn Phi tử, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1992, tr. 65, 444
(3) Hê-ghen: Toàn tập, Mát-xcơ-va, 1937, t. 5, tr. 9 (tiếng Nga)
(4), (5) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 1, tr. 109, 686
(6), (7) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Gia đình thần thánh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 2, tr. 183, 172
(8), (9) J.S. Mill: Chính thể đại diện, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2008, tr. 198, 64
(10) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t. 27, tr. 657. Chữ trong [ ] là của tác giả Nguyễn Trọng Chuẩn.
Theo GS, TS. NGUYỄN TRỌNG CHUẨN/ Tạp chí Cộng sản