Thủ tướng nêu rõ tầm nhìn, khát vọng xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, đa chức năng, có khả năng cạnh tranh quốc tế. Thủ tướng chỉ đạo rất cụ thể: “Phải xóa bỏ cơ chế xin - cho, không bó hẹp nông nghiệp công nghệ cao theo quy hoạch cũ trước đây. Địa phương nào và bất cứ ai làm nông nghiệp công nghệ cao đều được Chính phủ hỗ trợ tín dụng ưu đãi. Chính phủ sẽ tạo một cơ chế mở hoàn toàn cho doanh nghiệp. Chính phủ đồng ý sẽ dành ra một gói từ 50.000 - 60.000 tỉ đồng hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Tôi chỉ đạo luôn với Ngân hàng Nhà nước gói hỗ trợ này phải mở rộng 5 - 7 ngân hàng tham gia để tạo ra cơ chế thị trường minh bạch, thông thoáng, chống chỉ định bao cấp để phát sinh chi phí không chính thức”.
Việt Nam nỗ lực phấn đấu vươn lên, từng bước đứng trong nhóm các quốc gia nông nghiệp phát triển hàng đầu thế giới. Việt Nam trở thành trung tâm cung ứng sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, có vị thế quan trọng trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Từ nền tảng phát triển nông nghiệp, thúc đẩy nhiều ngành khác như công nghiệp chế biến, thực phẩm, công nghiệp sản xuất máy móc và vật tư đầu vào cho nông nghiệp, phát triển các thương hiệu sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng. Căn cứ một số đề nghị của Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao, Thủ tướng nêu rõ thông điệp: “Không phải địa phương nào được quy hoạch trong các vùng nông nghiệp công nghệ cao thì mới được phép đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Thay vào đó, cần phải bảo đảm rằng, mọi nông dân Việt Nam bất kể vùng miền nào, bất kể quy mô nào, tính chất như thế nào cũng được khuyến khích áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Bởi vì, nguyên tắc quan trọng của kinh tế thị trường là cạnh tranh, từ đó, mới nâng cao chất lượng tín dụng, chống tiêu cực, chi phí không chính thức”.
GS.TS Nguyễn Lân Dũng phát biểu tại Tọa đàm về tổ chức phong trào “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức, tháng 4/2017. Ảnh: Thành Trung
Chúng ta biết rằng, Việt Nam đứng thứ 13 trên thế giới về dân số, đứng thứ 16 về đa dạng sinh học, vậy mà GDP tính theo đầu người chỉ đứng thứ 133, năng suất lao động chỉ bằng 1/3 so với nhiều nước trong ASEAN, có tới 80% các công nghệ FDI chỉ thuộc loại trung bình.
Vấn đề thực phẩm an toàn đang nổi lên hơn lúc nào hết. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trong đợt về làm việc tại Nghệ An đã nói: “Thị trường trong nước cũng như xuất khẩu cần phải được chú ý chinh phục bằng thực phẩm sạch, an toàn… Áp lực của xuất khẩu sẽ làm người nông dân phải suy nghĩ lại về sản xuất an toàn. Nông sản có an toàn thì mới có thể xuất khẩu với giá cao được… Nói không với thực phẩm bẩn là điều cần thiết, nhưng bên cạnh đó cũng cần phải nói có với thực phẩm sạch”.
Theo số liệu của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, “Trong 5 năm gần đây, mỗi năm Việt Nam chi khoảng nửa tỷ USD để nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật”. Hàng năm, Việt Nam đã nhập về tới 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật, phần lớn thuốc được nhập từ Trung Quốc, có tới 4.100 loại khác nhau, thuộc 1.643 hoạt chất hoá học (trong khi ở Trung Quốc người ta chỉ cho phép sử dụng 630 hoạt chất mà thôi). Nhiều loại hoá chất cấm vẫn được nhập lậu như Phospho hữu cơ, Clo hữu cơ, Wofatox, Monitor, Kelthan…
Hậu quả là ô nhiễm nông sản phẩm, kể cả nông sản phẩm xuất khẩu. Tháng 10/2016, Mỹ trả lại Việt Nam 10.000 tấn gạo do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép. Tai hại hơn là có tới 35% các trường hợp ung thư có liên quan đến thực phẩm bẩn, nhất là do nhiễm thuốc bảo vệ thực vật. Bình quân mỗi năm có tới 200.000 ca ung thư mới, trong số này có tới 70.000 bệnh nhân đã tử vong vì căn bệnh nan y này. Hội các ngành Sinh học Việt Nam đã vận động thành lập các trang trại “Rau bảo đảm” với hai yêu cầu là trồng rau trong nhà lưới và không sử dụng phân đạm hoá học. Trồng trong nhà lưới thì tránh được bướm và không có bướm thì không có sâu. Sử dụng phân hữu cơ thay cho phân đạm hoá học thì tránh được việc tích luỹ nitrit (một yếu tố gây ung thư). Nhiều nhà sinh học đang phấn đấu sản xuất thuốc trừ sâu sinh học để có thể phục vụ cho các ruộng rau không có điều kiện lắp lưới. Việc chăn nuôi cũng cần đổi mới. Ít ai biết rằng với đàn lợn 28,3 triệu con hiện nay, Việt Nam đang đứng thứ 4 trên thế giới về tổng đàn và thứ 6 thế giới về sản lượng thịt lợn. Nhưng cần phải đảm bảo không được sử dụng các thuốc tạo nạc rất độc hại như Salbutamol, Clenbuterol và Ractopamine và cần nâng cao năng suất chăn nuôi. Trong khi năng suất thịt lợn ở Việt Nam là 1,7-1,8 tấn/năm thì năng suất này ở Pháp, ở Mỹ là 2,5 tấn và ở Đan Mạch là 3,0-3,2 tấn.
Việt Nam phải đối đầu với biến đổi khí hậu, vì đó là hiện tượng đang đến sớm hơn do với các suy đoán trước đây. Từ cuối năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đã làm mất đi 1 triệu tấn lương thực ở Đồng bằng sông Cửu Long và làm cho trên 1 triệu người dân thiếu nước ngọt. Những đợt lũ lụt vừa qua ở các tỉnh Nam Trung bộ đã gây thiệt hại nặng nề, tỉnh Bình Định đã có 31 người chết, trong đó 5 người chưa tìm được thi thể, nhiều nhà dân ngập rất sâu trong nước, nhiều vùng chưa đi lại được, phải vận chuyển lương khô lên các vùng đang bị chia cắt.
Đang có nhiều ý kiến phải xem xét lại cơ cấu sản xuất tại Đồng bằng sông Cửu Long, nơi có tới 18 triệu dân và đang cấp 90% lượng gạo và 60% lượng thủy sản xuất khẩu. Theo GS. Võ Tòng Xuân thì “Tư duy về nước mặn là kẻ thù, phải ngăn mặn, không còn hợp thời ngày nay nữa. Phải coi nước mặn là bạn, giúp nông dân ven biển làm giàu với tôm, cua… một cách bền vững, hài hòa với thiên nhiên. Những vùng theo hệ thống lúa-tôm của Sóc Trăng hiện nay được giàu có nhờ trồng lúa rất thành công trong mùa mưa và sau khi dứt mưa thì cũng vừa gặt lúa xong, liền cho nước mặn vào nuôi tôm. Đến mùa mưa tới, nông dân trở lại trồng lúa. Chúng ta hãy thay đổi tư duy, không buộc nông dân trồng lúa quá nhiều để họ làm giàu nhờ sản xuất các sản phẩm giá trị hơn lúa”.
Cần xem xét lại cơ cấu xuất khẩu nông sản phẩm. Năm nay lượng gạo xuất khẩu chỉ còn thu được 3,45 tỷ USD, trong khi lượng tôm xuất khẩu thu được tới 2,6 tỷ USD (hy vọng đến các năm 2025-2030 sẽ tăng lên đến 8-10 tỷ USD). Tất nhiên, còn phải đi kèm với những đổi mới về giống tôm sạch bệnh và cho năng suất cao. Về rau quả xuất khẩu, tiềm năng cũng rất lớn, năm nay đã thu về tới 2 tỷ USD (trong đó riêng về trái cây là 1,7 tỷ USD). Có tới 98,9 % trái cây xuất khẩu thuộc về 10 loại, gồm: thanh long, nhãn, dưa hấu, sầu riêng, măng cụt, vải, xoài, dừa, chuối và chanh, trong đó thanh long chiếm đến 49,9 %. Sắp tới bơ sẽ tràn ngập Tây Nguyên do đồng bào thực hiện công thức 1.000 cây cà phê có 200 cây bơ làm cây che bóng thay cho cây muồng trước đây.
Nông nghiệp sẽ thay da đổi thịt khi nông thôn thực hiện tích tụ ruộng đất để tạo nên những cánh đồng mẫu lớn. Chuyện này đã khá phổ biến ở nhiều tỉnh phía Nam nhưng là chuyện mới bắt đầu ở phía Bắc. Đáng chú ý là bốn khu nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Hà Nam, đó là Nhân Khang, Nhân Bình - Xuân Khê (Lý Nhân), An Mỹ - Đồng Du (Bình Lục) và Liêm Tiết (Thành phố Phủ Lý). Khu Nhân Khang đã tích tụ được 23,4 ha (Công ty Cổ phần An Phú Hưng nhận 21,5 ha đang đầu tư sản xuất); khu Xuân Khê 54,4 ha (đã giao cho Công ty VinEco - Tập đoàn Vingroup đầu tư sản xuất); khu Nhân Bình 11,4 ha; khu Liêm Tiết 17,9 ha. Tại xã Nhân Khang có 200 lao động được đào tạo thành những công nhân nông nghiệp. Bà con góp đất cùng canh tác để sản xuất hàng hoá nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra những sản phẩm có năng suất và chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu. Riêng tiền cho thuê đất là 21 triệu/ha/năm và có lẽ sang năm 2018 trên mỗi ha bình quân sẽ thu được khoảng 3 tỷ đồng. Về chính sách đối với các cánh đồng mẫu lớn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Việc tích tụ ruộng đất là một vấn đề hết sức bức xúc, trói buộc nền nông nghiệp Việt Nam. Cái nào thuộc về phạm vi của Chính phủ như nghị định, thông tư liên quan chúng tôi sẽ sửa ngay. Những cái thuộc về Quốc hội chúng tôi sẽ trình Quốc hội xem xét”. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thừa nhận: “Chính sách đất đai hiện nay cần phải được hoàn thiện thêm một bước nữa theo hướng nới rộng quy định về hạn điền. Tích tụ ruộng đất phải được xem là một hành động hợp quy và hợp pháp. Hiện nay đã có chủ trương điều chỉnh theo hướng này và hy vọng sớm được thực hiện. Ngành nông nghiệp cũng đã xin ý kiến của Chính phủ và được đồng ý về chủ trương sẽ giảm khoảng 700.000 ha diện tích đất lúa so với hiện nay để chuyển đổi cây trồng vật nuôi cho phù hợp theo tiêu chí giá trị kinh tế cao hơn cây lúa”. Với 7,753 triệu ha trồng lúa hiện nay, chúng ta đứng thứ 5 trên thế giới và nếu giữ được sản lượng 7,72 triệu tấn thì Việt Nam vẫn đứng thứ nhì so với các nước trồng lúa nước trên thế giới. Về cây trồng biến đổi gen đi hơi chậm so với nhiều nước khác, nhưng Chính phủ đã cho phép đưa vào sản xuất các giống ngô, đậu tương và bông chuyển gen. Hiện nay, không ai còn lo ngại về tính an toàn của cây chuyển gen khi thấy ngô chuyển gen đã chiếm 90% ở Mỹ, 98% ở Canada, 95% ở Arhentina, 81% ở Brazil và đậu tương chuyển gen đã chiếm 93% ở Mỹ, 98% ở Canada, 100% ở Arhentina và 92% ở Brazil.
Muốn có nền nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam phải đẩy mạnh việc tạo ra các công nghệ mới và tăng cường việc chuyển giao công nghệ. Trong thời gian 2013-2016, các nhà khoa học nước ta đã tạo ra được tới 149 giống cây trồng, vật nuôi đủ tiêu chuẩn áp dụng vào sản xuất. Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng đã công nhận 65 quy trình công nghệ và 35 tiến bộ kỹ thuật. Chương trình tự nguyện đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào hộ nông dân và Chương trình truyền hình “Sinh ra từ làng” đã thường xuyên giới thiệu những điển hình nông dân biết làm giàu ngay trên mảnh đất của mình. Không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà nông sản phẩm của Việt Nam đã được xuất khẩu tới 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, thu về khoảng 30 tỷ USD.
Qua 6 năm, cả nước đã huy động được 1 triệu tỷ đồng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. Trong số này, vốn Nhà nước chỉ chiếm có 11%, còn lại là từ nhân dân và doanh nghiệp. Riêng giao thông nông thôn đã vượt khối lượng tới 5 lần so với trước đây. Tuy nhiên, do nhiều địa phương quá tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng mà ít chú ý đến chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đầu tư thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nên đã xảy ra tình trạng nợ đọng khá lớn về xây dựng cơ bản. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến đầu năm 2016 số nợ đọng xây dựng nông thôn mới là hơn 15.000 tỷ đồng, trong đó 3 khu vực nợ cao nhất là đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, miền núi phía Bắc. Một số địa phương có nợ đọng lớn như Bắc Ninh trên 1.600 tỷ đồng, Thanh Hóa hơn 1.500 tỷ đồng, Thái Bình khoảng 1.200 tỷ đồng, Vĩnh Phúc hơn 900 tỷ đồng... Có đến trên 40% số xã nợ xây dựng cơ bản, bình quân mỗi xã nợ 4,2 tỷ, có những xã nợ 30-40 tỷ, lấy tiền đâu để giải quyết hết nợ? Một số địa phương dựa vào nguồn vốn từ huy động sức dân, do đó có những xã chia bình quân. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, số nợ trên do nhiều nơi muốn nhanh để đạt 19 tiêu chí nông thôn mới. Nhưng thực ra tái cơ cấu sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân mới là mục tiêu cốt lõi của chủ trương xây dựng nông thôn mới. Rút kinh nghiệm 5 năm qua, Bộ đã thiết kế lại khung 19 tiêu chí theo 2 nhóm cứng và mềm. Trong đó, phần cứng là thu nhập của nông dân ở nông thôn, miền núi; tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên diện rộng; môi trường; trật tự an toàn, ổn định hệ thống chính trị xã hội. Phần mềm là các tiêu chí như: điện, trường, đường, trạm thì căn cứ vào tình hình thực tế, khả năng huy động của địa phương và giao cho người đứng đầu địa phương ban hành để phù hợp. Ví dụ, vùng núi thì không nhất thiết đường phải rộng 3m, nhưng vùng ven đô thì đường phải rộng, nơi có đình làng rồi thì không nhất thiết cần xây dựng nhà văn hoá…
Khi làm việc tại Nghệ An, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã phân tích: “Nếu trên 50% dân số sống ở nông thôn, sản xuất nông nghiệp tạo ra 26% GDP của tỉnh thì tỷ lệ năng suất và thu nhập chung của nông dân so với thu nhập chung của tỉnh rất thấp. Thu nhập nông nghiệp như thế chỉ bằng gần ¼ thu nhập công nghiệp và dịch vụ. Đây là vấn đề của cả nước, chứ không riêng gì của Nghệ An… Hợp tác xã là mô hình cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân. Khi đó, doanh nghiệp sẽ không phải đối phó với rủi ro trong sản xuất, còn nông dân sẽ thông qua hợp tác xã kiểu mới để yên tâm sản xuất, để tăng thu nhập. Theo cơ chế thị trường, chúng ta phải tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, mà môi trường trong nông nghiệp là hợp tác xã kiểu mới”.
GS.TS Nguyễn Lân Dũng
Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Khoa học - Giáo dục - Môi trường
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam