Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước

(Mặt trận) - Trải qua 87 năm xây dựng và phát triển, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn là một bộ phận quan trọng trong hệ thống chính trị của nước ta, có vai trò phát huy truyền thống đoàn kết toàn dân tộc, tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân; cùng Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của nhân dân. Tổ chức và hoạt động của Mặt trận chính là một trong những phương thức thực thi quyền lực chính trị - xã hội của nhân dân lao động, là một kênh quan trọng trong việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Đoàn giám sát của UBTƯ MTTQ Việt Nam trong buổi làm việc tại bộ phận một cửa Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội, tháng 4/2017. Ảnh: Thành Trung

Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng khẳng định: “Tiếp tục tăng cường củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Mặt trận Tổ quốc đóng vai trò nòng cốt trong tập hợp, vận động nhân dân, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”1.

Thể chế hóa quan điểm của Đảng và cụ thể hóa tinh thần của Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 là một bước tiến lớn về lập pháp trong việc hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, tạo bước chuyển biến quan trọng nhằm nâng cao vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã tổ chức nhiều hoạt động góp ý vào các văn kiện Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tham gia chủ động, có trách nhiệm vào công tác soạn thảo một số văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc liên quan đến vấn đề xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; giám sát hoạt động của cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư... Với tinh thần phát huy dân chủ và trách nhiệm, nhiều ý kiến đóng góp của Mặt trận và các tầng lớp nhân dân đã được cấp ủy tiếp thu, góp phần vào việc hoàn thiện các văn kiện của Đảng và sự thành công của Đại hội Đảng các cấp.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thường xuyên lắng nghe và phản ánh những ý kiến, kiến nghị và nguyện vọng chính đáng của nhân dân tới các cấp ủy Đảng; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng mới ban hành tới các tầng lớp nhân dân để sớm đưa các chủ trương của Đảng vào cuộc sống.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ Trung ương tới cơ sở đã tích cực tham gia các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp. Công tác hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp của Mặt trận ngày càng thể hiện sự dân chủ. Trong quá trình hiệp thương, nhiều trường hợp dù đã được các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở cả Trung ương và địa phương giới thiệu ra ứng cử nhưng khi phát hiện vi phạm pháp luật hay không được nhân dân tín nhiệm, không đủ tiêu chuẩn về năng lực và phẩm chất đạo đức đều bị đưa ra khỏi danh sách hiệp thương.

Mặt trận Tổ quốc đã tổng hợp ý kiến cử tri để phản ánh tại các kỳ họp Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, thể hiện khá đầy đủ, toàn diện và sâu sắc những vấn đề nhân dân quan tâm, những yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Việc xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri và nhân dân ngày càng có sự đổi mới. Các ý kiến, kiến nghị đã cụ thể, sát thực, có sự trao đổi, phản hồi thông tin của các bộ, ngành được góp ý, kiến nghị; từ đó những kiến nghị sát thực, được nhân dân và cử tri cả nước đánh giá cao.

Hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chỉ đạo phối hợp với các tổ chức thành viên Mặt trận xây dựng các chương trình, kế hoạch giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nhiều tổ chức thành viên của Mặt trận, như: Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin Việt Nam, Hội Cựu Thanh niên xung phong, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Tổng hội Y học Việt Nam... đã phát huy tinh thần nỗ lực, sáng tạo, trách nhiệm cao để thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước nhằm thực hiện Quyết định số 217, Quyết định 218 của Bộ Chính trị.

Đối với hoạt động phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức góp ý, phản biện các dự thảo luật, pháp lệnh, nghị định do các cơ quan chủ trì soạn thảo gửi đến, đặc biệt là các dự thảo liên quan trực tiếp tới quyền và nghĩa vụ của người dân2. Hoạt động phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thực hiện trên cơ sở tổ chức các hội nghị góp ý kiến; tổng hợp ý kiến của các tổ chức, cá nhân, đoàn viên, hội viên và xây dựng văn bản phản biện gửi tới các cơ quan chủ trì soạn thảo. Nhiều ý kiến phản biện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận đã được các cơ quan soạn thảo tiếp thu, đánh giá cao. Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ công tác phản biện được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chú trọng như hoạt động của các hội đồng tư vấn, mở rộng các hình thức tập hợp ý kiến nhân dân trong góp ý xây dựng chính sách, pháp luật.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố đều chủ động góp ý, kiến nghị với Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân và các cơ quan nhà nước hữu quan về các đề án liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, đến trật tự, cảnh quan đô thị, đến đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hay chủ trương cổ phần hóa các cơ sở dịch vụ xã hội công... Hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở nhiều địa phương đã tạo điều kiện để nhân dân phát huy quyền làm chủ, góp phần nâng cao chất lượng các quyết sách của địa phương trước khi ban hành, tạo sự đồng thuận xã hội về nhận thức và thống nhất về hành động của các tầng lớp nhân dân.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia tích cực vào Hội đồng tuyển chọn thẩm phán quốc gia, Hội đồng tuyển chọn kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng thi tuyển kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp hiệp thương giới thiệu Hội thẩm Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Đồng thời, cử các chuyên viên tham mưu trong việc nghiên cứu hồ sơ giới thiệu những người để bổ nhiệm làm thẩm phán, kiểm sát viên đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật. Vấn đề quan trọng, đó là Mặt trận cần xin ý kiến nhận xét của nhân dân nơi người được giới thiệu làm thẩm phán, hoặc kiểm sát viên về phẩm chất, đạo đức, phong cách, lối sống và mối quan hệ của bản thân người được giới thiệu bổ nhiệm và gia đình họ với cộng đồng dân cư nơi họ và gia đình cư trú thường xuyên. Trên cơ sở đó, có nhận xét, đánh giá một cách chính xác, khách quan đối với người được đề nghị bổ nhiệm khi tham gia tuyển chọn trong Hội đồng. Khi tham gia các Hội đồng, đại diện của Mặt trận Tổ quốc thể hiện rõ chính kiến của mình trong quy trình xem xét hồ sơ, do vậy, luôn được Hội đồng tuyển chọn đánh giá cao.

Công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo tiếp tục được thực hiện và tăng cường, ngoài việc thường xuyên tiếp công dân, xử lý đơn thư, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thường xuyên theo dõi và lựa chọn một số vụ việc phức tạp, bức xúc gửi văn bản kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân; giám sát việc giải quyết khiếu nại của các cơ quan có thẩm quyền đối với một số vụ việc đã kiến nghị và chủ động lập đoàn công tác về địa phương để nắm bắt vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân, theo dõi tình hình giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền.

Để phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, cần có những giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong phát huy quyền làm chủ nhân dân, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ có thể thu được kết quả tốt khi có sự quan tâm, ủng hộ và tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc với các tổ chức thành viên Mặt trận trong hoạt động tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước nói chung và trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội nói riêng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc hoặc mỗi tổ chức thành viên rất khó có thể tiến hành các hoạt động góp ý, xây dựng chính quyền một cách đầy đủ, nhất là đối với những vấn đề quan trọng có liên quan và tác động đến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Vì vậy, rất cần thiết phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, thường xuyên và hiệu quả giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên Mặt trận trong các hoạt động này. Theo đó, những vấn đề lớn liên quan đến quyền và nghĩa vụ của đông đảo các tầng lớp nhân dân, thì Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giữ vai trò chủ trì, điều phối các tổ chức thành viên hữu quan cùng tham gia; những vấn đề chuyên biệt liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của tổ chức thành viên nào, thì tổ chức đó tiến hành hoặc đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên khác cùng tham gia. Ngoài ra, cần tiếp tục đa dạng hóa các hình thức hoạt động, phối hợp thống nhất hành động với các tổ chức thành viên, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, các cuộc vận động của các tổ chức thành viên Mặt trận, tạo ra khí thế thi đua sôi nổi trong lao động, học tập, công tác ở tất cả các giới, các giai cấp, các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.

Ba là, trong sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc nói chung và công tác tham gia phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước nói riêng, vai trò của người cán bộ Mặt trận là vô cùng quan trọng. Cán bộ Mặt trận ngoài những tiêu chuẩn chung như cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống chính trị còn đòi hỏi phải có năng lực làm công tác vận động quần chúng, luôn luôn có mối quan hệ mật thiết, gắn bó với nhân dân và có bản lĩnh làm người đại diện cho quần chúng. Vì vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần đặc biệt quan tâm tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đáp ứng với yêu cầu của tình hình mới.

Bốn là, đổi mới trong công tác tiếp công dân để phù hợp với những quy định mới của pháp luật về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo. Lựa chọn một số vụ việc phức tạp, bức xúc để nghiên cứu và có văn bản kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công dân; giám sát việc giải quyết khiếu nại của các cơ quan có thẩm quyền đối với các vụ việc đã kiến nghị.

Năm là, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã xây dựng Dự án Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết về hình thức giám sát và hình thức phản biện xã hội theo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Dự án Nghị quyết này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trong năm 2017. Nghị quyết liên tịch phải quy định rõ ràng, đầy đủ cơ chế để Mặt trận Tổ quốc thực hiện quyền giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động của Đảng và Nhà nước. Cơ chế này xác định rõ quyền, trách nhiệm, hình thức cũng như quy trình giám sát và phản biện, trong đó đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm cung cấp thông tin, tiếp thu giải trình của các đối tượng được giám sát, phản biện.

Sáu là, phát huy vai trò các cá nhân tiêu biểu, các hội đồng tư vấn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Các cá nhân tiêu biểu như là những thủ lĩnh, những người đứng đầu trong giai cấp, tầng lớp dân tộc, tôn giáo. Dựa vào đó, Mặt trận tập hợp lực lượng giúp Mặt trận đi sâu trong cộng đồng, trong các tầng lớp nhân dân. Đổi mới phương thức hoạt động của mình, tiếp tục làm tốt vai trò là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, xứng đáng là cầu nối giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước, thực sự là nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân.

--------------------------------------

1. Văn kiện đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, tr. 166.

2. Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Luật Nghĩa vụ quân sự; Luật Ngân sách nhà nước; Luật An toàn, vệ sinh lao động; Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo; Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo; Luật về Hội...

ThS. Đặng Thị Kim Ngân

Ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều