Đồng chí Đỗ Văn Chiến trao 1,5 tỷ đồng làm nhà đại đoàn kết cho người nghèo Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên.
Nghiên cứu lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, nổi lên một đặc điểm hiếm thấy ở các dân tộc khác. Đó là, một đất nước đất không rộng, người không đông, kinh tế chậm phát triển, do điều kiện địa chính trị, đi đôi với đấu tranh chống thiên nhiên khắc nghiệt, dân tộc ta đã nhiều lần phải đem sức mạnh đại đoàn kết dân tộc chống lại kẻ thù xâm lược mạnh hơn rất nhiều lần, thắng lợi cuối cùng thuộc về Nhân dân ta. Chiến thắng ấy không phải là chiến thắng của vũ khí, của kinh tế mà là chiến thắng của đạo lý, của những con người khao khát độc lập, tự do.
Từ cuộc chiến đấu của Thục Phán chống 50 vạn quân của Tần Thủy Hoàng vào năm 218 trước công nguyên, dân tộc ta đã chiến đấu chống quân xâm lược: Xiêm, Nam Hán, Nam Việt, các đế chế Tần, Hán, Đường, Tống, Nguyên - Mông, Minh, Thanh, Pháp, Nhật, rồi lại Pháp, Mỹ và bành trướng phương Bắc.
Trong những cuộc chiến đấu lâu dài và đầy hy sinh gian khổ đó, dân tộc ta đã lập nên những chiến công hiển hách "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Đó là ba lần chiến thắng Nguyên - Mông vào các năm 1.258, 1.285 và 1.288. Đó là cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta chống thực dân Pháp thắng lợi, mở đầu cho sự tan rã của chế độ thực dân trên thế giới và cuối cùng là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1975, Nhân dân ta đã "đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào", thống nhất Bắc - Nam, thu giang sơn về một mối, thực hiện trọn vẹn Di huấn của Bác Hồ kính yêu.
Lịch sử đã chứng minh: Với lòng yêu nước nồng nàn, trải qua chiến đấu lâu dài và gian khổ, dân tộc ta sớm có ý thức đoàn kết vì "Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết".
Tổng kết lịch sử đấu tranh lâu dài của dân tộc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã phát biểu tại Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941) khi quyết định thành lập Việt Minh: "Sử ta dạy ta rằng khi nào dân ta đoàn kết thì nước ta được độc lập; khi nào dân ta chia rẽ thì nước ta bị nước ngoài đô hộ".
Ngày 3/3/1951 nhân Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra khẩu hiệu nổi tiếng: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công".
Kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước và đoàn kết tốt đẹp đó, ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn coi trọng củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, coi trọng việc xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất, phát huy sức mạnh dân tộc gắn với sức mạnh quốc tế, sức mạnh truyền thống với sức mạnh thời đại nên đã giành được những thắng lợi vĩ đại trong công cuộc đấu tranh vì độc lập, thống nhất Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân.
Hiện tại, Việt Nam đang là nước được cả cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Nền kinh tế đất nước được mở cửa trong trạng thái bình thường mới, dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, tạo tiền đề quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; các hoạt động văn hóa - xã hội dần trở lại bình thường. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I/2022 đạt 562,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9%. Đến ngày 15/5/2022, giải ngân vốn đầu tư công đạt 20,27% kế hoạch; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 tháng ước đạt trên 7,71 tỷ USD, tăng 7,8%. Các nhà đầu tư có tin tưởng thì FDI mới tăng mạnh như vậy. Một đất nước ổn định, xóa đói, giảm nghèo ngoạn mục. Người khó khăn vẫn tiếp tục được hỗ trợ, chia sẻ kịp thời. Vaccine phòng Covid-19 Việt Nam chưa sản xuất được phải xin viện trợ và phải mua, nhưng việc tiêm miễn phí đã giúp cho tỷ lệ tiêm chủng của Việt Nam đến ngày 6/3/2022, trở thành một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới. Khát vọng Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, hơn lúc nào hết cần phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh đoàn kết của bạn bè quốc tế. Vận hội đang đến, đã là người Việt Nam yêu nước, dù ở trong nước hay ngoài nước, dù có chính kiến ra sao đều thể hiện tinh thần vì dân, vì nước mà siết chặt khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì một đất nước Việt Nam hùng cường.
Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: Nhân dân ta đang sống trong một thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp, tiềm ẩn những yếu tố khó lường. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; cạnh tranh, chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và quyết liệt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường kinh tế, chính trị, an ninh quốc tế, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển, nhưng đang bị thách thức bởi sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Đối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó Đông Nam Á có vị thế chiến lược quan trọng, là khu vực cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc, tiềm ẩn nhiều bất ổn. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn. Hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên biển Đông đứng trước những thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột. ASEAN có vai trò quan trọng trong duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác khu vực nhưng đang đứng trước nhiều khó khăn.
Trước bối cảnh đó, Đảng ta chủ trương: Tăng cường quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt. Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Phải coi an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân. Phải chuyển mạnh sang "chủ động phòng ngừa là chính".
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tư cách là một bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, nơi phối hợp và thống nhất hành động của thành viên.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có nhiệm vụ tập hợp, xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của Nhân dân; giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong đó, một nhiệm vụ rất quan trọng là phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc.
Thứ nhất, Mặt trận tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa các hình thức tập hợp, vận động để các tầng lớp nhân dân ở trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài nắm được chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội, xây dựng mối quan hệ máu thịt giữa Quân với Dân, thực hiện "Quân với dân một ý chí".
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để Nhân dân hiểu đúng, hiểu đầy đủ, tạo sự đồng thuận cao trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nhất là xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân.
Tạo điều kiện để mọi người dân bày tỏ chính kiến, đóng góp xây dựng Đảng, Nhà nước và đất nước trên tinh thần dân chủ; tôn trọng những ý kiến khác nhau nhưng không trái với lợi ích chung của quốc gia, dân tộc.
Chú trọng gặp gỡ, xây dựng và phát huy vai trò người uy tín tiêu biểu, già làng, trưởng bản trong các dân tộc, các chức sắc, đồng bào tôn giáo để vận động và tạo sự thống nhất nhận thức, ủng hộ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, phối hợp tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến về tình hình đất nước, quốc phòng, an ninh cho các vị già làng, trưởng bản, người uy tín tiêu biểu trong các dân tộc, các chức sắc, chức việc tôn giáo; kịp thời phát hiện, đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số; tham gia xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện để đồng bào tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, giúp nhau thoát nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo pháp luật và phù hợp truyền thống văn hóa dân tộc; đề cao cảnh giác, đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, kích động chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Vận động, tập hợp, đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài xây dựng cộng đồng vững mạnh, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, chấp hành pháp luật nước sở tại, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, gắn bó với gia đình, quê hương, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tổ chức tốt Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc hằng năm (ngày 18/11) ở tất cả các khu dân cư trên cả nước và Ngày hội Quốc phòng toàn dân, Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần tăng cường tình đoàn kết, gắn bó Quân - Dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc ngay từ cơ sở.
Thứ hai, vận động Nhân dân thi đua học tập, lao động sáng tạo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng của đất nước. Tiếp tục đẩy mạnh các cuộc vận động, các phong trào thi đua của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, góp phần vận động, cổ vũ các tầng lớp nhân dân phát huy vai trò, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, tích cực, hăng hái thi đua học tập, lao động sản xuất, kinh doanh, phát huy tài năng, sáng kiến vươn lên làm giàu chính đáng, giảm nghèo bền vững, cùng Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành vượt qua những khó khăn thách thức, nhất là những khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra, tạo đà tăng trưởng kinh tế vững chắc, cải thiện, nâng cao chất lượng toàn diện đời sống Nhân dân.
Vận động Nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, phát huy truyền thống tương thân, tương ái, thực hiện công tác đền ơn, đáp nghĩa; tham gia các hoạt động bảo đảm an sinh xã hội; triển khai các hoạt động cứu trợ, nhân đạo từ thiện, vận động giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, bị thiệt hại do thiên tai gây ra. Phát huy vai trò tự quản của Nhân dân, đoàn kết tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, gương mẫu chấp hành pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, đẩy lùi tiêu cực, tội phạm và tệ nạn xã hội.
Nâng cao hiệu quả các chương trình phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ đội Biên phòng, Bộ Công an… tạo cơ sở và nền tảng vững chắc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững mạnh từ mỗi địa bàn cơ sở, khu dân cư.
Thứ ba, thực hiện dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tăng cường giám sát và phản biện xã hội; tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và sức mạnh của Nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Vận động Nhân dân tích cực tố giác, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Tăng cường giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là giám sát hoạt động quản lý nhà nước về những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống Nhân dân.
Tổ chức tạo điều kiện để Nhân dân tham gia phản biện trong quá trình xây dựng dự thảo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tổ chức và tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân thực hiện dân chủ thông qua các cơ quan tổ chức đại diện và thực hiện dân chủ trực tiếp. Tham gia giám sát thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Tham gia xử lý và giám sát các cơ quan chính quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng động và hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Thứ tư, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại nhân dân theo phương châm "chủ động, sáng tạo, hiệu quả" tăng cường đoàn kết hữu nghị giữa Nhân dân Việt Nam và Nhân dân các nước trên thế giới, góp phần mở rộng quan hệ đối ngoại của Đảng, tăng cường ngoại giao của Nhà nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chủ trương đối ngoại của Đảng, chính sách ngoại giao của Nhà nước. Xây dựng hình ảnh đất nước và con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thân thiện và cởi mở. Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế hết sức đa dạng, thiết thực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên với tổ chức Mặt trận, các đoàn thể nhân dân các nước láng giềng, đối tác truyền thống và cộng đồng ASEAN, từng bước mở rộng hợp tác với các tổ chức tương đồng trong khu vực và trên thế giới. Tăng cường quan hệ hợp tác với các cơ quan đại diện ngoại giao, các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam... góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, vận động tạo sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, đảm bảo giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giải quyết hiệu quả những xung đột, tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, phục vụ cho mục tiêu phát triển nhanh, bền vững của đất nước.
Trên cơ sở sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được củng cố, tăng cường, tin tưởng vào những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng, Nhà nước, vào sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận cao và tích cực hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân anh hùng - những lá chắn thép của chế độ, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, Nhân dân ta nhất định vượt qua mọi khó khăn, thử thách, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vững bước trên con đường phát triển nhanh, bền vững vì mục tiêu: "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Đỗ Văn Chiến
Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam