Mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam vừa theo đúng quy luật chung, vừa phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam

Mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam là thành tựu nhận thức lý luận quan trọng của Đảng, đồng thời là kết quả đúc kết từ thực tiễn sáng tạo sinh động của nhân dân, thể hiện tư tưởng, nguyện vọng và ý chí của cả dân tộc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng một số lãnh đạo bỏ phiếu kiện toàn nhân sự tại kỳ họp 11 của Quốc hội khóa XIV. Ảnh tư liệu 
Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận, thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt vấn đề “chủ nghĩa xã hội là gì và đi lên chủ nghĩa xã hội bằng cách nào?”. Để giải đáp câu hỏi đó, đồng chí Tổng Bí thư đã trình bày một cách cơ bản và khái quát những nhận thức mới nhất của Đảng ta về những đặc trưng của chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta đang xây dựng. Để góp phần làm rõ thêm những nhận thức đó, trong bài viết này, chúng tôi xin được trao đổi một số ý kiến về những sáng tạo trong phát triển lý luận của Đảng ta để xây dựng nên một mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam “vừa theo đúng quy luật chung, vừa phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam”.

Bất cứ một cuộc cách mạng xã hội nào, việc xác định mục tiêu và chọn đường để thực hiện mục tiêu bao giờ cũng là hai yếu tố gắn bó chặt chẽ với nhau tạo nên một trong những cơ sở quyết định sự thành công hay thất bại. Đây là vấn đề có tính quy luật, không chỉ xuất phát từ những suy luận hay khái quát lý luận mà được chứng minh trong thực tiễn lịch sử.

Ở nước ta, một loạt cuộc vận động cách mạng trước khi Đảng Cộng sản ra đời đều thất bại. Nguyên nhân của sự thất bại nằm ở cả sự sai lầm trong xác định mục tiêu cũng như chọn sai con đường để thực hiện mục tiêu. Đi sang hướng đông “tầm sư học đạo” và tìm kiếm sự ủng hộ của các thế lực nước ngoài, hay khởi nghĩa vũ trang với những vũ khí thô sơ, nguồn lực nhỏ bé nhằm chống giặc ngoại xâm rồi xây dựng xã hội theo khuôn mẫu cũ với vua hiền, tôi trung, thảy đều không thắng nổi sự trấn áp của chính quyền thực dân và thế lực phong kiến. Mục tiêu đã sai thì không thể lay động, lôi cuốn nhân dân, tập hợp thành lực lượng mạnh mẽ để dành thắng lợi trong đấu tranh. Con đường và phương pháp đấu tranh quá cũ, không phù hợp với hoàn cảnh đương thời, lại bị những rào cản bởi nhận thức sai lầm về mục tiêu, nên hầu như thất bại đã được báo trước. Đối với các mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô, Đông Âu và Trung Âu, việc chọn mục tiêu chủ nghĩa xã hội là đúng đắn nhưng con đường thực hiện lại sai lầm; do buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản; lơi là cảnh giác cách mạng; quan liêu, xa rời nhân dân; bảo thủ, thiếu phát triển sáng tạo nhận thức lý luận trong điều kiện thực tế đã thay đổi, v.v.. mà dẫn tới đổ bể, cho dù đã có những thành tựu to lớn chưa từng có trong lịch sử loài người.

 Chánh cương vắn tắt, sách lược vắn tắt được thông qua trong Hội nghị hợp nhất của Đảng, 2-1930.
Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ khi ra đời đã xác định rõ ràng trong Chánh cương là: “chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Từ mục tiêu khái quát ấy, Đảng Cộng sản đề ra những mục tiêu cụ thể về các phương diện xã hội, chính trị, kinh tế hướng đến đánh đổ “đế quốc chủ nghĩa và bọn phong kiến”, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, mang lại tự do, bình đẳng cho nhân dân. Đồng thời, “Đảng liên kết với những dân tộc bị áp bức và quần chúng vô sản trên thế giới nhất là với quần chúng vô sản Pháp”. Như vậy, đường lối cách mạng dân tộc của Đảng ngay từ đầu đã gắn bó chặt chẽ giữa mục tiêu độc lập dân tộc với mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội, giữa xây dựng lực lượng trong nước kết hợp với sức mạnh của các lực lượng cách mạng trên thế giới. Đường lối ấy đã trở thành ngọn cờ tập hợp lực lượng, thành cơ sở vững chắc, ngọn nguồn quyết định cho sức mạnh dời non lấp biển của cách mạng. Trong suốt quá trình đấu tranh vì độc lập tự do của Tổ quốc, trên cơ sở nền tảng ban đầu ấy, đường lối cách mạng của Đảng ta đã không ngừng bổ sung, hoàn thiện, cụ thể hóa thành các chủ trương, chính sách, giải pháp cụ thể, để lãnh đạo nhân dân ta làm nên Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy địa cầu, Đại thắng mùa xuân 1975 làm sụp đổ hệ thống thực dân mới, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc trước những thế lực phản bội, đưa đất nước tiến vào thời kỳ mới, thời kỳ xây dựng phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, chúng ta bắt tay và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội với hành trang quá nghèo nàn và trong điều kiện khó khăn chồng chất lên khó khăn. Đất nước bị tàn phá nặng nề sau hơn 30 năm chiến tranh. Nền kinh tế nông nghiệp vốn đã lạc hậu, manh mún lại thiếu thốn về giống, phân bón, công cụ sản xuất, đất sản xuất thì ô nhiễm bom, mìn, chất độc. Công nghiệp nhỏ bé lại lâm vào khó khăn về điện, vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu máy móc, phụ tùng thay thế. Gánh nặng hậu quả chiến tranh về con người với hàng triệu bị nhiễm chất độc màu da cam, người thương tật do chiến tranh cùng sự chia rẽ phức tạp trong mối quan hệ xã hội đè năng lên cả đất nước. Bên ngoài, các thế lực đế quốc cấu kết với một số kẻ phản bội thực hiện bao vây cấm vận. Đặc biệt, sau khi chủ nghĩa hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông và Trung Âu sụp đổ, chúng ta không chỉ mất đi những nguồn hỗ trợ quan trọng về kinh tế, kỹ thuật, mà khó khăn, phức tạp hơn lại là sự suy giảm niềm tin vào chủ nghĩa xã hội.

Bằng sự kiên định mục tiêu chủ nghĩa xã hội, dựa vào thành trì nhân dân, lấy lòng dân làm cơ sở chính trị, Đảng ta đã “luôn luôn trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi” để vận dụng và phát triển sáng tạo những nguyên lý của nghĩa Mác – Lê nin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, trong bối cảnh đã thay đổi của thế giới, dần dần hoàn thiện đường lối Đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước. Trung tâm của đường lối Đổi mới là mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam đã được xác định cơ bản từ Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991) và được bổ sung, hoàn thiện thêm trong Cương lĩnh năm 2011.

 

Theo Cương lĩnh 2011, mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam được xác định theo ba mảng nội dung:

Thứ nhất, mục tiêu chung, khái quát của chủ nghĩa xã hội Việt Nam là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đó là 5 giá trị căn cốt, quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau, tạo nên nền tảng và sự bảo đảm bền vững cho hạnh phúc của nhân dân, hạnh phúc của con người. Đó là sự tiếp thu chọn lọc những giá trị tiến bộ nhất của những cuộc cách mạng trên thế giới kết hợp với khát vọng ngàn đời của dân tộc ta. Đó cũng là mục đích cao cả, tối thượng của chủ nghĩa xã hội và của cuộc cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thứ hai, nội dung “nội trị” hay đường lối đối nội. Đó là một chế độ xã hội “do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo”. Những đặc trưng “nội trị” trên phản ánh sự nhận thức đúng đắn của Đảng ta về những quy luật chung của lịch sử phát triển xã hội loài người, nhất là những thay đổi mạnh mẽ và những vấn đề lớn đang đặt ra trong thế giới đương đại. Cùng với đó là sự vận dụng hợp lý, sáng tạo vào điều kiện, tình hình cụ thể của Việt Nam theo tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Điểm hội tụ trung tâm của toàn bộ nội dung “nội trị” là nhân dân, nhân dân là chủ nhân của chế độ, chủ thể của công cuộc xây dựng và hạnh phúc của nhân dân là mục đích tối thượng. Mọi bộ phận, thành tố trong xã hội dù có xây dựng, vận hành theo hình thức và cơ chế nào cũng đều hướng tới hạnh phúc của nhân dân và sự phát triển tự do, toàn diện của con người. Với ý nghĩa đó, nội dung “nội trị” trong mô hình chủ nghĩa xã hội mang đặc trưng riêng có Việt Nam và chỉ có Việt Nam.

Thứ ba, nội dung đối ngoại của mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam là: “có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới”. Đây là cơ sở cho đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, có hiệu quả cao. Mục đích của đường lối ngoại giao là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, nâng cao vị thế, uy tín đất nước trên trường quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, tiến bộ của cả thế giới. Đó cũng chính là điều kiện bảo đảm cho sự thành công của  công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, thể hiện tính chất tốt đẹp của chế độ, vai trò tích cực, có trách nhiệm của Nhà nước ta với cộng đồng quốc tế.

Đường lối đối ngoại này là sự phát triển sáng tạo riêng có của Việt Nam, không lệ thuộc và không lặp lại đường lối của bất cứ nhà nước nào khác, nhất là những quốc gia tự nhận là chủ nghĩa xã hội nhưng lại thực hiện những chính sách đối ngoại bá quyền đối với các dân tộc khác.

Mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam là thành tựu nhận thức lý luận quan trọng của Đảng, đồng thời là kết quả đúc kết từ thực tiễn sáng tạo sinh động của nhân dân, thể hiện tư tưởng, nguyện vọng và ý chí của cả dân tộc. Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế chưa từng có mà đất nước ta đạt được sau 30 năm thực hiện đường lối Đổi mới của Đảng là minh chứng thuyết phục nhất cho sự đúng đắn, sáng tạo của mô hình đó đó. Những thành tựu to lớn đó cũng là minh chứng không thể rõ ràng hơn cho vai trò lãnh đạo của Đảng, người đã sáng suốt hoạch định đường lối và tổ chức thắng lợi đường lối xây dựng, phát triển đất nước./.

Theo GS.TS. Tạ Ngọc Tấn/Tạp chí Tuyên giáo

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều