|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với nhân dân thôn Tháp Thượng, xã Song Phượng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội_Ảnh: TTXVN
|
Dân chủ là bản chất, mục tiêu và động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta
“Trong chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích; mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng quát là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ”(1). Sự lãnh đạo toàn diện của Đảng là điều kiện tiên quyết để bảo đảm nhân dân làm chủ đất nước và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; nhân dân làm chủ đất nước là đặc trưng cơ bản của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là phương thức, phương tiện quan trọng hàng đầu để Đảng lãnh đạo đất nước và nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, thực sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kiên trì thực hiện phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”(2). Quyền làm chủ đất nước của nhân dân là bản chất và cốt lõi của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa là sự phản ánh ý chí của nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích của nhân dân được pháp luật thừa nhận, khơi dậy sức sáng tạo của nhân dân, sử dụng hệ thống thể chế để bảo đảm giữ vững lòng dân với tư cách là chủ nhân của đất nước. Đồng chí khẳng định: “bản chất cốt lõi nhất của dân chủ là bảo đảm để quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”(3). Đây là một luận điểm phản ánh đặc trưng bản chất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, đó là: vì nhân dân, lấy nhân dân làm gốc, làm chủ, làm lực lượng quyết định toàn bộ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Luận điểm này được kế thừa từ truyền thống “lấy dân làm gốc”, coi trọng sức dân trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta; là sự vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ trong thời đại mới; phản ánh quan điểm xuyên suốt, thống nhất của Đảng ta với tư cách là lực lượng tiên phong, tiên tiến, lãnh đạo đất nước và xã hội trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, Tổng Bí thư chỉ rõ: “Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”(4).
Dân chủ xã hội chủ nghĩa được thể hiện ở chỗ, nhân dân có quyền làm chủ, tham gia giải quyết công việc trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, xã hội,... Chẳng hạn, trong quản lý phát triển xã hội, dân chủ thể hiện rõ nhất ở việc người dân cùng với Nhà nước tham gia giải quyết các vấn đề xã hội, như việc làm, xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội, phúc lợi công cộng... Người dân chẳng những là đối tượng thụ hưởng chính sách, mà còn là đồng chủ thể với Nhà nước trong xây dựng, hoạch định chính sách và đánh giá việc thực hiện chính sách. Quy chế Dân chủ ở cơ sở khẳng định vai trò của người dân ở cơ sở: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra; đến Đại hội XIII của Đảng bổ sung nội dung “dân giám sát” và “dân thụ hưởng” lợi ích. Người dân được bảo đảm các điều kiện, như bảo đảm dân sinh, dân quyền; nâng cao dân trí; thực hiện dân chủ... Tổng Bí thư thường xuyên nhắc nhở: “Cùng với việc chăm lo đời sống nhân dân, tôn trọng và bảo đảm những quyền công dân đã được Hiến pháp và pháp luật quy định, các cấp ủy đảng, các cơ quan nhà nước cần động viên, tổ chức nhân dân tham gia rộng rãi và thường xuyên vào các công việc quản lý kinh tế, quản lý xã hội... Đối với những chủ trương có quan hệ trực tiếp tới đời sống nhân dân, cấp ủy đảng cần lắng nghe ý kiến nhân dân trước khi quyết định. “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát” phải trở thành khẩu hiệu hành động, thành phương châm công tác vận động quần chúng. Phải thực hiện đúng nguyên tắc: Chính sách của Đảng phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng và trình độ của nhân dân... nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân, có ý thức và thái độ đúng đắn với nhân dân, yêu thương, gần gũi, tôn trọng, lắng nghe nhân dân”(5).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: “Phát huy tính tích cực chính trị - xã hội, quyền và trách nhiệm của nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội”(6); “tạo mọi điều kiện để nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia có hiệu quả vào việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội”(7). Điều này có nghĩa là, ở phương diện cá nhân, mỗi con người trong tư cách công dân là một con người chính trị, có quyền tham gia vào đời sống chính trị, có quan điểm, chính kiến rõ ràng, có quyền được thông tin và cơ hội tiếp cận thông tin, quyền bảo lưu ý kiến theo nguyên tắc tập trung dân chủ, phù hợp với pháp luật của Nhà nước và Điều lệ của Đảng, quy định, quy chế của các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội mà mình tham gia với tư cách là thành viên. Ở phương diện xã hội, đó là quyền tham gia xây dựng, đánh giá đường lối, chính sách, trong xây dựng thể chế và kiểm soát quyền lực. Bên cạnh đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, dân chủ xã hội chủ nghĩa phải gắn với công bằng và bình đẳng xã hội; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, chính sách và trong suốt quá trình phát triển. Công bằng xã hội không chỉ là công bằng, bình đẳng trong phân phối lợi ích, mà còn là công bằng, bình đẳng về cơ hội phát triển dành cho tất cả mọi người, không có sự phân biệt. Đây là những đặc trưng làm nên sự khác biệt của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam so với các nền “dân chủ tự do” khác. Tổng Bí thư phân tích và chỉ rõ: “Thực tế là các thiết chế dân chủ theo công thức “dân chủ tự do” mà phương Tây ra sức quảng bá, áp đặt lên toàn thế giới không hề bảo đảm để quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân - yếu tố bản chất nhất của dân chủ. Hệ thống quyền lực đó vẫn chủ yếu thuộc về thiểu số giàu có và phục vụ cho lợi ích của các tập đoàn tư bản lớn. Một bộ phận rất nhỏ, thậm chí chỉ là 1% dân số, nhưng lại chiếm giữ phần lớn của cải, tư liệu sản xuất, kiểm soát tới 3/4 nguồn tài chính, tri thức và các phương tiện thông tin đại chúng chủ yếu và do đó chi phối toàn xã hội... Sự rêu rao bình đẳng về quyền, nhưng không kèm theo sự bình đẳng về điều kiện để thực hiện các quyền đó đã dẫn đến dân chủ vẫn chỉ là hình thức, trống rỗng mà không thực chất. Trong đời sống chính trị, một khi quyền lực của đồng tiền chi phối thì quyền lực của nhân dân sẽ bị lấn át. Vì vậy mà tại các nước tư bản phát triển, các cuộc bầu cử được gọi là “tự do”, “dân chủ”, dù có thể thay đổi chính phủ, nhưng không thể thay đổi được các thế lực thống trị; đằng sau hệ thống đa đảng trên thực tế vẫn là sự chuyên chế của các tập đoàn tư bản”(8).
Với những đặc trưng ưu việt đó, dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta là một chế độ dân chủ thực sự; phản ánh đầy đủ tính pháp lý, tính chính trị và mang tính nhân dân, tính nhân văn sâu sắc. Đó là nền dân chủ “lấy con người làm trung tâm”, “thực sự vì con người”. Chính vì lẽ đó, Tổng Bí thư khẳng định: “xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam”(9).
Dân chủ xã hội chủ nghĩa chỉ thực sự được bảo đảm trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Lịch sử phát triển của các thể chế chính trị trên thế giới đã cho thấy, dân chủ là một hình thái tổ chức quyền lực của nhà nước trong lịch sử; do đó, dân chủ có quan hệ mật thiết, không thể tách rời với nhà nước - xét về mặt thiết chế, bộ máy.
Trong lịch sử, một khi đã có nhà nước thì dân chủ tất yếu phải thông qua nhà nước mà bộc lộ ra và được thực hiện. Dân chủ phải được thấm nhuần, thẩm thấu trong mọi tổ chức cơ cấu quyền lực và hệ thống thể chế nhà nước cũng như trong môi trường kinh tế - xã hội và các quan hệ xã hội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra vấn đề mấu chốt của việc xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, đó là dân chủ phải được xây dựng trên nền tảng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tổng Bí thư đã phân tích về mối quan hệ giữa dân chủ và nhà nước pháp quyền: “Chúng ta chủ trương không ngừng phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân... Thông qua thực thi pháp luật, Nhà nước bảo đảm các điều kiện để nhân dân là chủ thể của quyền lực chính trị, thực hiện chuyên chính với mọi hành động xâm hại lợi ích của Tổ quốc và nhân dân”(10). Chính vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta là: “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thực hiện dân chủ, tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền và phải tạo ra sự chuyển biến tích cực, hiệu lực, hiệu quả hơn. Xây dựng Nhà nước về cả lập pháp, hành pháp và tư pháp, gắn với đổi mới hoàn thiện chính quyền các địa phương và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Chú trọng hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện nghiêm pháp luật theo các nguyên tắc và quy định của Hiến pháp năm 2013”(11). Kế thừa quan điểm mang tính nguyên tắc đó, Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 9-11-2022, của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII “Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” (Nghị quyết số 27-NQ/TW) đã đề ra mục tiêu: “Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, được phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả; nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại; bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả...”(12).
Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đòi hỏi phải tăng cường pháp chế, siết chặt kỷ luật, kỷ cương xã hội. Tăng cường pháp chế và quản lý xã hội bằng pháp luật là nguyên tắc hiến định ở nước ta(13). Thực hành dân chủ gắn liền với tăng cường pháp chế và bảo đảm kỷ cương xã hội là sự cần thiết tất yếu để làm cho xã hội trở nên lành mạnh, có trật tự và kỷ cương, không rơi vào hỗn loạn, tự do, vô chính phủ, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Vì vậy, Tổng Bí thư nhiều lần nhấn mạnh, “phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững kỷ cương” (14), “dân chủ phải đi đôi với kỷ luật, kỷ cương. Một đất nước không có kỷ cương thì xã hội rối loạn, mất ổn định, như vậy thì đất nước ấy không xây dựng, phát triển được. Cho nên, dân chủ và kỷ cương phải đi liền với nhau. Dân chủ nhưng phải kỷ cương và kỷ cương trên cơ sở phát huy dân chủ” (15), “cần tiếp tục nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn..., đặc biệt là mối quan hệ mới được bổ sung lần này là mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội”(16), “chống các biểu hiện dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức”(17). Quan điểm này được Nghị quyết số 27-NQ/TW nhấn mạnh: “Phát huy dân chủ đi đôi với tăng cường pháp chế,... giữ vững kỷ luật, kỷ cương, đấu tranh kiên quyết với những biểu hiện dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức”(18).
Có thể thấy, các bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện rõ quan điểm nhìn nhận dân chủ về chính trị trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là chế độ ủy quyền thông qua bầu cử và các phương thức thực hiện dân chủ, từ dân chủ đại diện đến dân chủ trực tiếp. Nhân dân là chủ thể rộng lớn nhất của Nhà nước và xã hội. Nhân dân ủy quyền cho Nhà nước với tư cách người chủ, là chủ thể gốc của mọi quyền lực, là chủ thể ủy quyền. Nhà nước là chủ thể tiếp nhận và thực thi sự ủy quyền, dùng quyền lực được nhân dân ủy thác để thực hiện quyền lực của nhân dân. Nhân dân làm chủ bằng Nhà nước là cốt lõi của chế độ dân chủ đại diện. Tổng Bí thư nêu rõ, Nhà nước phải thực sự là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, là “cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, thay mặt nhân dân quyết định những công việc hệ trọng của đất nước” (19) và nhấn mạnh: “làm tốt công tác nhân sự, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ, cơ bản giới thiệu được những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân”(20). Bên cạnh cơ chế dân chủ đại diện, người dân còn thực hiện quyền làm chủ trực tiếp thông qua bầu cử những người đại diện cho mình. Tổng Bí thư tin tưởng, việc bầu cử “là cơ hội để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu, có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Đây cũng là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”(21).
Có thể nói, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra những mắt xích xung yếu để bảo đảm cho một nhà nước dân chủ thực sự phục vụ nhân dân, đó là: tổ chức của Nhà nước, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, cơ cấu tổ chức của các cơ quan nhà nước cũng như việc đào tạo, lựa chọn, bố trí cán bộ, công chức vào các lĩnh vực chuyên môn của quản lý nhà nước... Tất cả mắt xích này cần phải được luật hóa, thể chế hóa, chế định hóa chặt chẽ, để phòng tránh sự biến dạng và tha hóa quyền lực, kiểm soát quyền lực đối với các cơ quan nhà nước và những người làm việc trong các tổ chức, bộ máy công quyền.
Dân chủ phải gắn liền với thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc
Dân chủ thực chất sẽ thúc đẩy đoàn kết thực chất. Dân chủ và đoàn kết để đi tới đồng thuận xã hội là nhân tố động lực thúc đẩy phát triển. Nguyên lý này trong thực tiễn đổi mới và phát triển ở nước ta thường được biểu đạt bởi mệnh đề “Ý Đảng - lòng dân - phép nước”. Sự hòa hợp này tạo nên sức mạnh của dân chủ, trở thành động lực của đổi mới, của phát triển, đồng thời dân chủ là mục tiêu của đổi mới, của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Trong quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đại đoàn kết toàn dân tộc là “sức mạnh to lớn, vô địch để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, Đất nước ta ngày càng phát triển, phồn vinh”(22), là “nguồn sức mạnh và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp cách mạng Việt Nam”(23). Để xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, Tổng Bí thư chỉ rõ: “cần phải thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân. Phải thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở; làm tốt, có hiệu quả phương châm: “dân biết, dân bàn, dân giám sát, dân thụ hưởng””(24). Đảng phải tạo ra môi trường lành mạnh, công bằng, bình đẳng; qua đó, giúp cho tất cả đối tượng có điều kiện, cơ hội phát triển, “không ngừng thúc đẩy sự bình đẳng và đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo”(25). Theo đó, thực hành dân chủ trong Đảng và trong toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở là nền tảng vững chắc để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đoàn kết, thống nhất, trở thành hạt nhân, động lực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, để phát huy và thực hành dân chủ một cách mạnh mẽ, thực chất, khối đại đoàn kết toàn dân tộc cần được xây dựng, củng cố trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo; tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng chí khẳng định: “Sức mạnh vô địch của Đảng, Nhà nước và chế độ ta là ở nhân dân. Mọi công việc lớn hay nhỏ có làm được hay không đều là do nhân dân, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị... Sự ủng hộ, giám sát, giúp đỡ của nhân dân là cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc”(26). Điều đó có nghĩa là mọi tầng lớp nhân dân có quyền tham gia, giám sát, phản biện tất cả công việc của Đảng và Nhà nước. Muốn vậy, Tổng Bí thư cho rằng, phải “thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ, tích cực tham gia các hoạt động giám sát chính quyền, bảo đảm chính quyền thực sự là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”(27). Thực tiễn đã chứng minh, ở bất cứ quốc gia - dân tộc nào, nếu đảng cầm quyền biết tôn trọng và phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân, hay nói cách khác là dân chủ được thực thi, thì ở đó, có sự đồng thuận xã hội cao. Đây chính là biểu hiện đầy đủ nhất của sự đoàn kết dân tộc, đoàn kết xã hội.
Mặt khác, để phát huy và thực hành dân chủ rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất coi trọng vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên là nơi phản ánh tiếng nói của mọi tầng lớp nhân dân; có vị trí, vai trò quan trọng trong hoạt động của hệ thống chính trị, nhất là trong mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Chính vì thế, trên một tầm nhìn vĩ mô về quá trình hoàn thiện và thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Tổng Bí thư nhấn mạnh yêu cầu: “Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần phát huy, làm tốt vai trò nòng cốt để nhân dân làm chủ”(28); “phát huy dân chủ và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thật tốt các chính sách thuận lòng dân; chăm lo xây dựng, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội, đổi mới mạnh mẽ phương thức tập hợp các tầng lớp nhân dân, xây dựng lực lượng nòng cốt ở các lĩnh vực, địa bàn trọng yếu. Thực hiện tốt quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị và quy chế dân chủ ở cơ sở; nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước; làm tốt chính sách dân tộc, tôn giáo. Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; khơi dậy lòng yêu nước, động viên mọi nguồn lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị...”(29).
Có thể nói, quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về dân chủ xã hội chủ nghĩa gắn với tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc là sự kế thừa những tinh hoa trong lịch sử tư tưởng của nhân loại về dân chủ, đoàn kết dân tộc, đoàn kết xã hội cũng như vai trò của quần chúng nhân dân đối với sự phát triển xã hội; đồng thời, là sự vận dụng và phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về các vấn đề này trong điều kiện xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, thực hiện mục tiêu đưa nước ta đến giữa thế kỷ XXI trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, theo tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc ta.
PGS, TS Vũ Trọng Lâm
Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
Theo Tạp chí Cộng sản
---------------------------
(1), (2) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 28, 48
(3) Nguyễn Phú Trọng: Vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng khó khăn nào cũng vượt qua, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 751
(4) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 28
(5) Nguyễn Phú Trọng: Vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng khó khăn nào cũng vượt qua, Sđd, tr. 354 - 355
(6), (7), (8), (9) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 62, 117, 20 - 21, 28
(10) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 28 -29
(11) Nguyễn Phú Trọng: Vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng khó khăn nào cũng vượt qua, Sđd, tr. 88
(12) Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 40 – 41
(13) Xem: Vũ Trọng Lâm: “Nâng cao nhận thức và giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội ở Việt Nam hiện nay” (Kỳ 1), Tạp chí Cộng sản, số 986, tháng 3-2022, tr. 69 - 72
(14) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 48
(15) Nguyễn Phú Trọng: Vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng khó khăn nào cũng vượt qua, Sđd, tr. 221
(16), (17) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 55, 62
(18) Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Sđd, tr. 47
(19), (20) Nguyễn Phú Trọng: Vững bước trên con đường đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, t.2, tr. 284, 396
(21) Nguyễn Phú Trọng: Vững bước trên con đường đổi mới, Sđd, t.2, tr. 330
(22), (23), (24), (25) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 118, 29, 112, 29
(26), (27) Nguyễn Phú Trọng: Vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng khó khăn nào cũng vượt qua, Sđd, tr. 220, 65
(28) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 112
(29) Nguyễn Phú Trọng: Vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng khó khăn nào cũng vượt qua, Sđd, tr. 56