|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
|
Xây dựng “thế trận lòng dân”, củng cố thế trận an ninh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc
“Thế trận lòng dân” bảo đảm tính toàn dân của thế trận an ninh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân; mang tính chiến lược, quyết định trong huy động được sức mạnh tinh thần, vật chất của Nhân dân và tạo thế chủ động chiến lược trước mọi tình huống quốc phòng, an ninh, góp phần tạo thành thế trận bảo vệ Tổ quốc. “Thế trận lòng dân” trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc là nguồn mạch để huy động mọi nguồn lực, tạo thành sức mạnh tổng hợp, niềm tin cho mọi cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân, các tầng lớp nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thử thách để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam, nhất là đường lối đổi mới, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. “
Thế trận lòng dân” được xây dựng, phát huy trong các phong trào yêu nước như phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, tạo nền tảng vững chắc cho thế trận của nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân. Sự vững mạnh của thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân có tác động to lớn, tạo niềm tin cho Nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, củng cố sự vững mạnh của “thế trận lòng dân”.
Các hoạt động tổ chức, xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, cũng như phương thức bố trí lực lượng, nguồn lực, lĩnh vực, địa bàn… để bảo vệ Tổ quốc đều phải dựa trên nền tảng “thế trận lòng dân”. Để mất “thế trận lòng dân” thì thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, thế trận bảo vệ Tổ quốc cũng không còn phát huy tác dụng. Chỉ có “thế trận lòng dân” vững chắc mới quy tụ được lực lượng, vật chất và tinh thần, tạo nên sức mạnh to lớn bảo đảm cho thắng lợi chung của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Hiện nay, việc khơi dậy, phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, sự đồng thuận, tin tưởng tuyệt đối của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang nhân dân là tiền đề, điều kiện quan trọng để xây dựng thế trận an ninh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận bảo vệ Tổ quốc vững chắc. Đảng ta nhận thức rõ, Nhân dân là trung tâm, động lực, chủ thể trong xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc gắn với nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân.
Trong đó, định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 đã nêu: “đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”1. Điều này thể hiện rõ, trong phát triển kinh tế - xã hội, Nhân dân luôn là nhân tố có ý nghĩa quyết định quan trọng; là mục tiêu nhất quán của mọi chủ trương, chính sách; bảo đảm tất cả các lợi ích cho tất cả mọi người dân; phát huy được vị trí chủ thể, vai trò động lực trung tâm của các nguồn lực trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, phát huy được “thế trận lòng dân”, sự đoàn kết, đồng lòng ủng hộ, khả năng to lớn của quần chúng nhân dân thì Nhân dân trở thành chỗ dựa vững vàng cho chế độ xã hội chủ nghĩa.
Vài nét về thực trạng xây dựng “thế trận lòng dân” trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc
Trong tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng, chăm lo, bồi đắp, lãnh đạo, phát huy yếu tố lòng dân, “thế trận lòng dân” và sự đồng thuận của Nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa IX), Đảng ta chủ trương: “Tiếp tục củng cố nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân mà mấu chốt là thế trận lòng dân”2.
Nghị quyết Đại hội XI của Đảng xác định: “tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh cả về tiềm lực và thế trận; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững mạnh; xây dựng thế trận lòng dân vững chắc trong thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc”3. Nghị quyết Đại hội XII nhấn mạnh: “Xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân. Có kế sách ngăn ngừa chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây đột biến”4 đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Đặc biệt, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân”5. Sự kết hợp này sẽ tạo dựng một thế trận toàn diện, đồng bộ, vững chắc trên các địa bàn, tuyến, lĩnh vực và trong phạm vi cả nước, bảo đảm tính chủ động chiến lược trong phòng ngừa, tiến công, sẵn sàng đánh thắng mọi âm mưu, hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia của các thế lực thù địch, phản động chống Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đây chính là định hướng quan trọng nhằm huy động mọi khả năng về vật chất và tinh thần, góp phần tạo thành sức mạnh tổng hợp phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Việc xây dựng “thế trận lòng dân”, củng cố vững chắc lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang nhân dân luôn được xem là vấn đề cốt lõi, chiến lược trong xây dựng, củng cố thế trận an ninh nhân dân, kết hợp chặt chẽ với thế trận quốc phòng toàn dân. Sự kết hợp này sẽ tạo dựng một thế trận bảo vệ Tổ quốc thống nhất, bao trùm, toàn diện, đồng bộ, vững chắc trên các địa bàn, tuyến, lĩnh vực và trong phạm vi cả nước, ở nước ngoài và trên không gian mạng. Điều này bảo đảm tính chủ động chiến lược trong ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột, hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và ứng phó kịp thời, hiệu quả mọi âm mưu, hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia của các thế lực thù địch, phản động chống Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Cùng với đó, các bộ, ban, ngành và địa phương đã chủ động xây dựng, triển khai các đề án, chương trình, kế hoạch… bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, sự ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội và quyền làm chủ của Nhân dân, làm thất bại mọi âm mưu và hành động của các thế lực đế quốc, phản động. Trong đó, tập trung bố trí lực lượng, phương tiện, phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chức năng trong tổ chức phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về vị trí, tầm quan trọng, yêu cầu, nhiệm vụ mới trong bảo vệ Tổ quốc theo phương châm “giữ vững bên trong” là chính kết hợp với bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy, không để đất nước bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; chú trọng xây dựng năng lực tự bảo vệ của đất nước, trọng tâm là phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Một số nhiệm vụ nhằm xây dựng “thế trận lòng dân” trong bảo vệ Tổ quốc
Một là, tăng cường, bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng, sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất của Nhà nước, với lực lượng vũ trang nhân dân giữ vai trò nòng cốt và xây dựng “thế trận lòng dân” vững mạnh trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, cần tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Làm tốt công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức để Đảng thật sự là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn dân tộc.
Cùng với đó, tập trung đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm triệt tiêu các yếu tố làm suy giảm lòng dân, “thế trận lòng dân”. Củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc; trong đó, cần xác định, sự đoàn kết, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và cả hệ thống chính trị là quyết định, cơ bản, lâu dài đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và tổ chức, đoàn thể trong hệ thống chính trị, đặc biệt là lực lượng vũ trang nhân dân cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc vai trò của “thế trận lòng dân” cũng như công tác xây dựng và phát huy “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục. Gắn việc giữ vững lòng dân, xây dựng “thế trận lòng dân” với tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.
Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị các cấp theo hướng gần dân, chăm lo cho Nhân dân; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh nhằm củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang nhân dân.
Lực lượng vũ trang nhân dân tham mưu với Đảng, Nhà nước, cơ quan, ban, ngành xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn dân tham gia bảo vệ Tổ quốc. Tập trung nghiên cứu xây dựng và thực hiện các chính sách, chế độ đãi ngộ nhằm tạo dựng “thế trận lòng dân” ở địa bàn ngoài nước, khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài hướng về quê hương, xây dựng, phát triển đất nước, nhất là môi trường hoạt động khoa học - công nghệ ở trong nước.
Hai là, nâng cao cảnh giác cách mạng, khả năng tự bảo vệ và ý thức tự giác tham gia bảo vệ Tổ quốc cho toàn dân. Trước hết, cần quán triệt sâu sắc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức toàn dân về vị trí, vai trò quan trọng của “thế trận lòng dân” và quan điểm của Đảng về xây dựng, phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc cho thế trận an ninh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân. Tuyên truyền củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tốt công tác vận động quần chúng tạo nền tảng xây dựng “thế trận lòng dân” ngay từ xã, phường, thị trấn gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc.
Ba là, lực lượng vũ trang nhân dân ngày càng được nâng cao về chất lượng, sức mạnh chiến đấu, thực sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; có được niềm tin của Nhân dân và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, giám sát của Nhân dân đối với lực lượng vũ trang nhân dân; tập trung nâng cao hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân. Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, bảo đảm biên chế, xây dựng đội ngũ cán bộ trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và mang tính chiến đấu cao; bảo đảm sự lãnh đạo, điều hành tập trung thống nhất, chuyên sâu ở tất cả các cấp, từ Trung ương đến cơ sở.
Lực lượng vũ trang nhân dân chủ động xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước gắn với củng cố nền an ninh nhân dân, nền quốc phòng toàn dân vững mạnh về mọi mặt, làm nền tảng để tổ chức thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, bảo đảm “thế trận lòng dân” vững chắc, với sự chú trọng xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần.
Theo đó, cần nghiên cứu xây dựng và thực hiện hiệu quả các cơ chế huy động nguồn lực từ địa phương và xã hội góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh trong tổng thể xây dựng “thế trận lòng dân”, thế trận an ninh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân. Cùng với việc chuẩn bị chu đáo các phương án động viên các nguồn lực cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh khi cần thiết, cần đẩy mạnh xây dựng “thế trận lòng dân” làm cơ sở cho nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân, được đồng thời xây dựng tại từng địa bàn dân cư, cơ quan, đơn vị, tại các đơn vị hành chính, từ xã, phường, quận huyện đến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Xây dựng kế hoạch bảo đảm quốc phòng, an ninh thống nhất, đồng bộ từ thời bình, kịp thời điều chỉnh khi có chiến tranh; sẵn sàng chuyển nền kinh tế sang thời chiến. Nâng cao chất lượng xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc toàn diện và phát triển sâu rộng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, củng cố thế trận an ninh nhân dân. Bên cạnh đó, xây dựng lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp trên các vùng miền, trên biển; quan tâm xây dựng lực lượng đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự ở cơ sở.
Tăng cường quan hệ phối hợp giữa Quân đội nhân dân và Công an nhân dân với các ngành, các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo lực lượng cho nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc làm nền tảng cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, tập trung xây dựng lực lượng và phát huy “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân, góp phần bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa, giữ nước từ lúc chưa nguy”.
Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, tr.173.
2. Nông Đức Mạnh, “Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội là lợi ích cao nhất của đất nước”, Tạp chí Cộng sản, số 21, tháng 7/2003.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.234.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.149.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, tr.157.
BÙI THANH TUẤN - Tiến sĩ, Viện Chiến lược Công an, Bộ Công an