|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Hội nghị cán bộ toàn quốc về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng _Ảnh: TTXVN |
Ý nghĩa, vai trò quan trọng của kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ
Quyền lực trong công tác cán bộ là một khía cạnh đặc biệt của quyền lực chính trị trong thể chế chính trị nước ta, với Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Lãnh đạo công tác cán bộ là một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng. Quyền lực trong công tác cán bộ đại diện cho thẩm quyền, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu trong công tác cán bộ, trên cơ sở niềm tin, tín nhiệm của tập thể, được nhân dân giao phó; đồng thời, quyền lực này cũng dễ bị thao túng, dẫn đến tha hóa, biến chất nếu không có sự kiểm soát hiệu quả. Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ thực chất là một nội dung kiểm soát quyền lực trong hệ thống chính trị. Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng ta luôn coi trọng việc kiểm soát quyền lực, nhất là trong công tác cán bộ. Người cho rằng, tất cả quyền lực đều thuộc về nhân dân và người lãnh đạo phải khắc ghi điều đó trong công việc hằng ngày, muốn vậy, phải gần gũi, học hỏi quần chúng nhân dân, đảng viên, biết lắng nghe ý kiến của họ. Người lên án mạnh mẽ các biểu hiện tha hóa quyền lực, như lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực: “Thứ nhất, dân ghét các ông chủ tịch, các ông Ủy viên vì cái tật ngông nghênh, cậy thế, cậy quyền. Những ông này không hiểu nhiệm vụ và chính sách của Việt Minh, nên khi nắm được chút quyền trong tay vẫn hay lạm dụng...”(1). Trong hai bức thư gửi các đồng chí Bắc Bộ và gửi các đồng chí Trung Bộ, Người thẳng thắn chỉ ra những biểu hiện tiêu cực gây nhức nhối trong hàng ngũ cán bộ thời bấy giờ. Đó là tình trạng “có những đồng chí còn giữ óc địa vị, cố tranh làm cho được ủy viên này, chủ tịch kia. Còn có những đồng chí chỉ lo ăn ngon, mặc đẹp, lo phát tài, lo chiếm của công làm của tư, đạo đức cách mệnh thế nào, dư luận chê bai thế nào cũng mặc”(2).
Nhận thức sâu sắc mối nguy hại từ nạn tha hóa quyền lực trong đội ngũ cán bộ, là nguyên nhân gây rạn nứt mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ mà các tổ chức đảng và chính quyền ở các địa phương trong cả nước cần phải làm ngay là “trong các cơ quan chỉ huy, chọn người phải đích đáng, quyền hạn phải phân minh, liên lạc phải mật thiết, hợp tác phải chặt chẽ, phải tuyệt đối tránh cái lối lạm quyền, bao biện, xung đột, phù diện và suy tỵ, không phụ trách”(3). Người coi kiểm soát là một trong ba chức năng quan trọng nhất của lãnh đạo, theo đó: “Lãnh đạo đúng nghĩa là: 1. Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng... 2. Phải tổ chức sự thi hành cho đúng... 3. Phải tổ chức sự kiểm soát...”(4). Những chỉ dẫn đó của Người là kim chỉ nam cho Đảng ta trong thực hiện công tác cán bộ - “công việc gốc của Đảng”.
Vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ được đưa ra trong nhiều nhiệm kỳ Đại hội, gắn liền với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là nhiệm kỳ Đại hội XII và Đại hội XIII của Đảng. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra yêu cầu “Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức”(5); “Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, gắn với kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền”(6). Điều này thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng nhằm xây dựng, phát triển một cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả, ngăn chặn tình trạng lạm quyền, lộng quyền, “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực.
Tuy nhiên, để hiểu đúng và sâu sắc vấn đề này đòi hỏi phải có sự tiếp cận đầy đủ, đa chiều từ các khía cạnh lịch sử, chính trị, pháp lý, văn hóa và tâm lý; phải xuất phát từ đặc điểm của hệ thống chính trị Việt Nam là một chỉnh thể các tổ chức có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tồn tại và hoạt động theo cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, quyền lực thực chất là của nhân dân. Trong thể chế chính trị Việt Nam, nhân dân ủy quyền cho các thiết chế trong hệ thống chính trị để sử dụng quyền lực đó phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội. Điều này được hiến định trong Hiến pháp của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, và được Đảng, Nhà nước ban hành thành các quy định, văn bản cụ thể nhằm lãnh đạo, tổ chức thực hiện. Gần đây nhất, Điều 2, Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23-9-2019, của Bộ Chính trị, “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”, đã nêu rõ quan điểm của Đảng: “Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác cán bộ; phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước, nhất là các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền hoặc không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những việc phải làm trên cương vị được giao trong công tác cán bộ”.
Lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh, công tác cán bộ luôn là vấn đề trọng yếu, được Đảng ta đặc biệt quan tâm, chú trọng. Không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ còn góp phần quyết định đến sự thành bại trong quá trình tổ chức và lãnh đạo cách mạng của Đảng. Là hoạt động gồm một chuỗi các khâu nhằm định hướng cho chiến lược lâu dài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, công tác cán bộ gắn chặt với việc xây dựng và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, với phong trào quần chúng nhân dân. Do đó, việc Đảng ta dành sự quan tâm sâu sắc đến nội dung kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ hiện nay là điều tất yếu. Bởi lẽ, quyền lực trong công tác cán bộ luôn có hai mặt: Một mặt, đó là công cụ hữu hiệu bậc nhất ảnh hưởng tới hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo công tác cán bộ; mặt khác, quyền lực trong công tác cán bộ luôn đứng trước nguy cơ tha hóa, nếu không có sự kiểm soát hiệu quả. Khi quyền lực không được kiểm soát chặt chẽ sẽ dẫn tới sự lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực trong công tác cán bộ, là nguồn gốc của những “căn bệnh” làm thoái hóa, biến chất đội ngũ cán bộ, là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ.
Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ thời gian qua
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã chú trọng đến việc xây dựng và hoàn thiện các quy định, quy trình, thẩm quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Có thể nói, Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23-9-2019, của Bộ Chính trị, “Về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền” là một dấu mốc quan trọng trong nhiệm kỳ Đại hội XII, thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy, nhận thức và hành động của Đảng về vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Đây là lần đầu tiên Đảng xác định công tác cán bộ có thể hình thành nên một loại quyền lực cần được kiểm soát, và cũng là lần đầu tiên các hành vi “chạy chức, chạy quyền” gắn liền với công tác cán bộ được Đảng chỉ rõ trong một quy định của Bộ Chính trị. Thẩm quyền của người đứng đầu chủ yếu là chỉ đạo, điều hành các thủ tục, quy trình công tác cán bộ, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, vận hành theo đúng nguyên tắc của Đảng; người đứng đầu không có quyền quyết định tuyệt đối về nhân sự, vì đó là thẩm quyền của tập thể.
|
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cùng các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khoá XV tham dự hội nghị tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình _Ảnh: TTXVN |
Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, cụm từ “kiểm soát quyền lực” được nhắc đến hơn 20 lần. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng ta đã xác định tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức là một trong những nhiệm vụ quan trọng của giai đoạn 2021 - 2030. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh một trong 10 nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng là: “Xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; xử lý nghiêm minh, đồng bộ kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật đối với cán bộ có vi phạm, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu”(7).
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, Đảng đã ban hành nhiều quy định, kết luận quan trọng(8), tích cực thực hiện việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Những quy định này góp phần đề cao lòng tự trọng, hình thành văn hóa liêm chính, công minh trong công tác cán bộ. Bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong công tác cán bộ được xác định là một trong những trọng tâm đột phá trước yêu cầu mới hiện nay. Mục tiêu cốt lõi là xây dựng cơ chế bảo đảm công tác cán bộ thực sự dân chủ, công khai, minh bạch; phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng hoặc buông lỏng quyền lực trong công tác cán bộ; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đội ngũ đảng viên.
Bên cạnh đó, thực tiễn thời gian qua cho thấy, quyền lực trong công tác cán bộ ở nước ta nhìn chung chưa được kiểm soát chặt chẽ, đồng bộ. Ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị, việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt và thực hiện một số nghị quyết còn chậm, chưa quyết liệt, hiệu quả. Việc thực hiện các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số tổ chức đảng còn chưa nghiêm, thậm chí có biểu hiện vi phạm theo từng mức độ khác nhau. Cơ chế kiểm soát quyền lực chưa được tối ưu hóa làm cho quyền lực dễ bị lợi dụng, tình trạng “chạy chức, chạy quyền” có cơ hội nảy sinh và diễn biến phức tạp. Tình trạng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực trong công tác cán bộ; sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực chậm được ngăn chặn, đẩy lùi. Việc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử có nơi chưa bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, cá biệt có nơi bố trí người nhà, người thân chưa đủ uy tín(9). Việc phân công, phân cấp, phân quyền có nơi, có lúc chưa gắn với ràng buộc trách nhiệm. Công tác kiểm tra, giám sát chưa có giải pháp hữu hiệu để kịp thời giải quyết triệt để những tiêu cực trong công tác cán bộ; một số chế tài xử lý khi có hành vi lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực trong công tác cán bộ còn thiếu cụ thể và mạnh mẽ, nên chưa phát huy tác dụng ngăn chặn, răn đe.
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ
Để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm như đã nêu trên, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đội ngũ đảng viên; cần có những giải pháp đồng bộ để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và phòng, chống “chạy chức, chạy quyền” hiệu quả, cụ thể như sau:
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và toàn xã hội về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; phòng, chống “chạy chức, chạy quyền”. Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đề cao danh dự, lòng tự trọng, hình thành văn hóa cạnh tranh lành mạnh trong bố trí, bổ nhiệm nhân sự, giới thiệu ứng cử và lên án mạnh mẽ việc “chạy chức, chạy quyền”; thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, quy định, kết luận của Đảng(10).
Hai là, tiếp tục cụ thể hóa các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định chặt chẽ, đồng bộ về công tác cán bộ ở tất cả các khâu, quản lý có hiệu quả đội ngũ cán bộ, đảng viên, để những đối tượng cơ hội không thể “chạy” và không dám “chạy”. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định về công tác cán bộ, bảo đảm nguyên tắc “các quy định của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phải thống nhất với quy định của Đảng, đồng bộ, liên thông giữa các cấp, các ngành và phù hợp với tình hình thực tế”. Tăng cường vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng, tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên gắn với trách nhiệm giải trình của tổ chức, cá nhân được trao và thực thi quyền lực trong công tác cán bộ. Tiếp tục làm rõ, phân định giữa trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm tập thể, không để tình trạng cá nhân lợi dụng tập thể hợp thức hóa lợi ích riêng; hoặc một vài cá nhân lợi dụng ý chí tập thể để phục vụ “lợi ích nhóm”. Đặc biệt, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu về công tác cán bộ, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.
Ba là, xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Tích cực thúc đẩy quá trình cụ thể hóa, hoàn thiện từ các đạo luật liên quan đến rà soát các quy định, quy chế của Nhà nước, của Đảng, tránh chồng chéo, tạo khuôn khổ thể chế, pháp lý cho đấu tranh chống “chạy chức, chạy quyền”, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.
Về nguyên tắc, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, vận hành theo nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch về mọi mặt(11). Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Đồng thời, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ phải gắn bó, song hành với nhiệm vụ đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và thực hiện chiến lược cán bộ; đặt trong mối quan hệ mật thiết với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị.
Về đối tượng, kiểm soát đồng thời các chủ thể trực tiếp(12) và gián tiếp(13) liên quan đến công tác cán bộ, xác định rõ các chủ thể chịu trách nhiệm với toàn bộ hoặc từng khâu của công tác cán bộ. Gắn thẩm quyền với trách nhiệm trong công tác cán bộ; thẩm quyền càng cao thì trách nhiệm càng lớn.
Về hình thức, kiểm soát đồng bộ, thống nhất các khâu, các mối quan hệ giữa các chủ thể có thẩm quyền trong công tác cán bộ. Cơ chế kiểm soát quyền lực phải theo hướng đa chiều, đa diện với nhiều kênh khác nhau, như kiểm soát bằng thể chế kết hợp với nuôi dưỡng, vun đắp tư tưởng, phẩm chất, đạo đức của cán bộ, đảng viên; kiểm soát của cấp trên đối với cấp dưới và ngược lại; kiểm soát chéo giữa các cơ quan, tổ chức; kiểm soát trong Đảng thống nhất, đồng bộ với kiểm soát của mỗi tổ chức trong hệ thống chính trị; kiểm soát của cơ quan chuyên trách với cơ quan không chuyên trách; kiểm soát của cơ quan quyền lực kết hợp với kiểm soát của báo chí và dư luận xã hội.
Bốn là, đổi mới công tác kiểm tra, giám sát của Đảng về công tác cán bộ bảo đảm thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, tránh hình thức. Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra định kỳ, đột xuất trong công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ; coi trọng cả cảnh báo, phòng ngừa và xử lý nghiêm minh sai phạm. Cấp ủy các cấp thường xuyên tự kiểm tra, tự đánh giá công tác cán bộ, thực hiện cấp trên kiểm tra, giám sát, thanh tra cấp dưới và cấp dưới giám sát cấp trên, giám sát chéo giữa các cơ quan, tổ chức, giám sát của nhân dân; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra nội bộ và theo chuyên đề, chuyên ngành. Nêu cao ý thức trách nhiệm tự phê bình và phê bình của tập thể (tổ chức đảng, cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, tổ chức) và của cá nhân cán bộ, đảng viên trong công tác tổ chức cán bộ, khắc phục việc nể nang, né tránh, ngại va chạm hoặc lợi dụng công việc để đả kích, nói xấu hoặc thực hiện ý đồ cá nhân.
|
Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp Kỳ thứ 8 khóa XIII với sự chủ trì của đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, kết luận một số nội dung về công tác kiểm tra, giám sát _Ảnh: TTXVN |
Năm là, phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan truyền thông, báo chí và nhân dân trong kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền lực trong công tác cán bộ, phát hiện kịp thời những hiện tượng tiêu cực theo hướng “thực hiện công khai, minh bạch và giải trình theo quy định khi có yêu cầu về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ nhân sự”. Xây dựng quy định lấy phiếu tín nhiệm của đại diện cử tri theo phân cấp đối với cán bộ trước, trong và sau khi được bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử. Định kỳ trao đổi, cung cấp thông tin cho các cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm; coi trọng và tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ.
Sáu là, xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xử lý sai phạm phải kịp thời, nghiêm minh, không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ. Xử lý trách nhiệm trong công tác cán bộ với những giải pháp mạnh mẽ, như hủy bỏ, thu hồi các quyết định về công tác cán bộ khi có kết luận vi phạm nghiêm trọng; đồng thời, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và cá nhân có liên quan. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm chính khi để xảy ra sai phạm hoặc không chỉ đạo xử lý khi có dấu hiệu vi phạm trong công tác cán bộ ở cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc phạm vi trực tiếp lãnh đạo, quản lý. Xem xét trách nhiệm, điều chuyển, bố trí công tác khác đối với những người làm công tác cán bộ có nhiều phản ánh, dư luận về việc lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, tiêu cực trong công tác cán bộ... Đồng thời, ghi nhận, biểu dương và khen thưởng xứng đáng đối với những trường hợp phát hiện, tố giác, ngăn chặn kịp thời hành vi lộng quyền, lạm quyền trong công tác cán bộ.
Đất nước đang đứng trước thời cơ, vận hội mới đòi hỏi sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo đưa nước ta tiếp bước trên con đường phát triển, hội nhập quốc tế, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Trong thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tiếp tục nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn trên cơ sở thực hiện đồng bộ, có kết quả các quy định, hướng dẫn của Trung ương về công tác cán bộ, các giải pháp nêu trên, để triển khai thực hiện có hiệu quả việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, góp phần thiết thực vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả cùng sự gắn bó hài hòa, mật thiết giữa “ý Đảng - lòng dân” là những điều kiện, “chìa khóa” quan trọng trong việc tích cực, chủ động đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tha hóa quyền lực trong công tác cán bộ./.
MAI VĂN CHÍNH
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương
-----------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 51
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 94
(3), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 95 - 96, 325
(5), (6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 118, 190
(7) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 187 - 188
(8) Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28-7-2021, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng”; Quy định số 24-QĐ/TW, ngày 30-7-2021, của Ban Chấp hành Trung ương, về “Thi hành Điều lệ Đảng”; Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””; Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25-10-2021, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về những điều đảng viên không được làm”; Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 3-11-2021, của Bộ Chính trị, “Về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ”.
(9) Kết quả rà soát theo Thông báo kết luận số 43-TB/TW, ngày 28-12-2017, của Bộ Chính trị: Có 86/128 (chiếm 67,2%) địa phương, cơ quan, đơn vị có một số trường hợp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn hoặc sai về quy trình, thủ tục; cả nước có 55.697/2.169.908 trường hợp thiếu tiêu chuẩn, điều kiện, chiếm 2,56% so với tổng số được rà soát và 2.827/2.169.908 trường hợp sai về quy trình, thủ tục, chiếm 0,13% so với tổng số được rà soát.
(10) Điển hình như: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”, Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””.
(11) 1- Điều kiện, tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng, quy trình, thủ tục, hồ sơ cán bộ; 2- Công tác thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý; bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, bầu cử các chức danh lãnh đạo, quản lý; 3- Kết quả kiểm tra, giám sát và xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng vi phạm về công tác tổ chức cán bộ theo quy định; 4- Tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên...
(12) Các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị; thành viên cấp ủy, tổ chức đảng; người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị; người được phân công làm công tác nhân sự hoặc theo dõi công tác cán bộ; người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thực hiện công tác cán bộ; cán bộ tham mưu, đề xuất về công tác cán bộ.
(13) Cán bộ, vợ, chồng, bố, mẹ, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh, chị em ruột...