Vai trò công tác tuyên truyền, vận động trong tổ chức thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Thông báo Kết luận số 264-TB/TW ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị nêu rõ: “Đẩy mạnh công tác tổ chức thông tin, tuyên truyền, vận động, làm cho người tiêu dùng trong nước và nước ngoài nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam; vận động người tiêu dùng Việt Nam sử dụng hàng Việt Nam khi tiêu dùng cá nhân, coi đó là thể hiện lòng yêu nước, nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam; các cơ quan, đơn vị và tổ chức chính trị - xã hội sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm công; các doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh trong nước khi triển khai thực hiện các dự án, công trình sử dụng các trang thiết bị, nguyên vật liệu nội địa và dịch vụ có chất lượng tương đương hàng ngoại nhập để sản xuất và kinh doanh.
Tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xây dựng được thương hiệu quốc gia cho nhiều sản phẩm, hàng hóa Việt Nam”.
Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 17/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” yêu cầu đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền vận động người tiêu dùng, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện Cuộc vận động.
Từ năm 2009 đến nay, trong quá trình triển khai thực hiện Cuộc vận động, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan truyền thông, báo chí, các doanh nghiệp luôn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện Cuộc vận động. Báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Cuộc vận động, khẳng định: Công tác tuyên truyền là biện pháp quan trọng trong thực hiện Cuộc vận động, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan quản lý nhà nước, chuyển đổi nhận thức, hành vi của người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt, cổ vũ, khích lệ sự sáng tạo, niềm tự hào, tinh thần trách nhiệm của các doanh nghiệp, doanh nhân, nhà sản xuất trong việc nâng cao chất lượng, hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh sản xuất hàng hóa, dịch vụ trên thị trường. Vì vậy, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần được các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp coi trọng trong thực hiện Cuộc vận động.
Khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc của người tiêu dùng hưởng ứng Cuộc vận động
Lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, sáng tạo, niềm tự hào, tự tôn dân tộc là những giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, được hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Lịch sử từng chứng minh rằng, trước mọi thử thách của dân tộc, nếu biết khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, phát huy trí tuệ, niềm tự hào, tự tôn dân tộc của nhân dân thì sẽ tạo thành nguồn sức mạnh vô địch đưa đất nước vượt qua mọi hiểm nguy, đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ giang sơn bờ cõi.
Chính vì vậy, lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, sáng tạo, niềm tự hào, tự tôn dân tộc đã thẩm thấu vào tình cảm của mỗi người dân Việt Nam qua mọi thời đại, làm nên một lịch sử oai hùng, giúp cho dân tộc ta đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược cho dù chúng có mạnh gấp ta nhiều lần. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận xét: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Từ xưa đến nay, mỗi khi đất nước bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”1.
Ngày nay, đất nước hoà bình thống nhất, câu hỏi lớn đặt ra là làm thế nào Việt Nam thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, sáng tạo, niềm tự hào, tự tôn dân tộc của người Việt Nam đang đứng trước thử thách không kém phần gay go, quyết liệt trước yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế; đó là phải nâng cao sức cạnh tranh của cả nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh của cả quốc gia - doanh nghiệp - hàng hoá. Bởi lẽ, thương hiệu hàng hoá, sức cạnh tranh của hàng hoá và cả nền kinh tế của một quốc gia xét đến cùng là sự hội tụ của tinh hoa, sức mạnh quốc gia, dân tộc đó. Không thể có một quốc gia hùng cường, thịnh vượng trong khi hàng hoá, sức cạnh tranh nền kinh tế của quốc gia đó lại thua kém nhiều so với các nước. Nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá, của doanh nghiệp và của cả quốc gia là yêu cầu đòi hỏi bức thiết của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được phát động theo Thông báo Kết luận số 264-TB/TW ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị nhằm mục đích phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là vận động hết thảy mọi tổ chức, cá nhân người Việt Nam dành sự ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam thay vì sử dụng hàng nhập khẩu từ nước ngoài có chất lượng, giá cả, công dụng sản phẩm tương đương. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và đóng góp cho ngân sách nhà nước.
Người tiêu dùng ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt để thỏa mãn nhu cầu và với lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc của mình. Thông qua tiêu dùng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, mang lại thu nhập cho doanh nghiệp và nộp thuế cho Nhà nước. Tiền thuế của doanh nghiệp được Nhà nước sử dụng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, chi trả tiền lương cho cán bộ, công chức, duy trì hoạt động của bộ máy nhà nước… Theo truyền thống văn hóa và đạo lý của dân tộc, doanh nghiệp phải mang ơn người tiêu dùng, vì người tiêu dùng mang lợi ích cho mình; cán bộ, công chức, viên chức và bộ máy nhà nước phải mang ơn doanh nghiệp, vì chính mình đang sử dụng tiền thuế của doanh nghiệp nộp cho Nhà nước. Đó là biểu hiện của nền văn minh chính trị, ứng xử có văn hóa, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trên thị trường, đất nước sẽ giàu có, văn minh.
Người tiêu dùng bao gồm: (1) Tất cả người Việt Nam ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài khi mua sắm tiêu dùng cá nhân; (2) Các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị và các tổ chức khác trong mua sắm hàng hóa, dịch vụ phục vụ ở tổ chức, đơn vị mình; (3) Các doanh nghiệp, doanh nhân, nhà sản xuất kinh doanh khi mua sắm nguyên liệu, vật tư, trang thiết bị, máy móc, văn phòng phẩm… đầu tư vào quá trình sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
Kinh nghiệm từ một số nước có nền kinh tế phát triển như: Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng đã từng có cuộc vận động ưu tiên dùng hàng nội địa, giúp các quốc gia này nhanh chóng vượt qua khó khăn về kinh tế. Hàn Quốc coi việc sử dụng hàng nội địa là một tiêu chí đánh giá phẩm chất đạo đức công chức, đạo đức của người lãnh đạo, quản lý.
Phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, mỗi người Việt Nam cần nâng cao nhận thức, ý thức tự hào đối với hàng Việt Nam, ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng hoá thương hiệu Việt trong đời sống sinh hoạt hằng ngày; các cá nhân, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp dành sự ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng hoá thương hiệu Việt trong mua sắm công và hàng hoá, dịch vụ phục vụ sản xuất kinh doanh, thể hiện nét đẹp trong văn hoá ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Đề xuất giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Cuộc vận động
Một là, tiếp tục tổ chức nghiên cứu, quán triệt, học tập, phổ biến nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về thực hiện Cuộc vận động. Nội dung về Thông báo Kết luận số 264-TB/TW, ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị về tổ chức Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Chỉ thị số 24/CT-TTg, ngày 17/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Kết luận số 107-KL/TW ngày 10/4/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Hai là, tổ chức biên soạn tài liệu tuyền truyền, giáo trình giảng dạy “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để thống nhất triển khai trên phạm vi toàn quốc. Đưa nội dung Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vào chương trình dạy học bậc phổ thông, dạy nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học với nội dung, thời lượng, hình thức phù hợp với các nhóm đối tượng.
Ba là, đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động về Cuộc vận động, phát huy ưu thế của các hình thức truyền thống, mở rộng các hình thức hiện đại phù hợp điều kiện, trình độ của quần chúng nhân dân. Phát huy vai trò của hệ thống truyền thông đại chúng. Mở rộng các hình thức tuyên truyền, vận động về Cuộc vận động thông qua các trang thông tin điện tử, internet, mạng xã hội của các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân. Tăng cường tổ chức các hình thức cổ động trực quan. Tuyên truyền, vận động thông qua các tác phẩm văn học, nghệ thuật, thơ ca, hò vè. Phát huy ưu thế công tác tuyên truyền miệng về Cuộc vận động thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, người có uy tín, tiêu biểu, chuyên gia, nhà khoa học, chức sắc tôn giáo, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên. Quan tâm xây dựng các mô hình, câu lạc bộ, tổ, nhóm “ưu tiên dùng hàng Việt” ở cơ sở, địa bàn dân cư. Lồng ghép tuyên truyền Cuộc vận động trong các hội nghị, hội thảo, sinh hoạt chuyên đề, cuộc họp nhân dân.
Bốn là, phát huy vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp, nhà sản xuất, hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề trong việc tuyên truyền, vận động về Cuộc vận động; thông tin, giới thiệu, quảng bá, thiết lập kênh phân phối, đưa sản phẩm, dịch vụ tới người tiêu dùng. Tăng cường điều tra, khảo sát thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời, thực hiện tốt dịch vụ sau bán hàng và cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Năm là, gắn tuyên truyền, vận động Cuộc vận động với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giáo dục chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, các giá trị truyền thống của dân tộc. Khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc của người Việt Nam ở trong và ngoài nước tích cực hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động, ưu tiên sử dụng hàng Việt, xây dựng nét đẹp văn hóa của người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Sáu là, tăng cường sự chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, sự phối hợp giữa Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp với chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan tuyên truyền, báo chí tạo sự thống nhất, đồng bộ trong tuyên truyền, vận động Cuộc vận động. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức cần đề cao trách nhiệm trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp và triển khai tuyên truyền, vận động về Cuộc vận động với nội dung, hình thức phù hợp đảm bảo hiệu quả thiết thực. Kịp thời biểu dương, nhân rộng các tập thể, cá nhân có thành thích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động; đấu tranh, phê phán biểu hiện lơ là, xem nhẹ Cuộc vận động.
Nguyễn Văn Vẻ
Phó Trưởng ban Tuyên giáo cơ quan UBTW MTTQ Việt Nam
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2011, tr.38.