Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người khai sinh nền báo chí Cách mạng Việt Nam. Ảnh: TL
Nguyễn Ái Quốc và báo Thanh Niên (1925 - 1932) - tờ báo Cách mạng đầu tiên ở nước ta
Tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở nước ta là tờ Gia Định báo (số 1, 15/4/ 1865), xuất hiện ở Sài Gòn. Dòng báo chí Cách mạng ở nước ta, do vị thế đặc biệt của nó, lại phải xuất hiện ở nước ngoài, và gắn chặt với việc ra đời các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cũng giống như trường hợp tờ Tia lửa của Lênin, được thành lập ở nước ngoài trước khi xuất hiện Đảng Bônsêvích Nga, tờ báo Cách mạng đầu tiên ở nước ta, được coi là tờ báo mở đường cho dòng báo chí này là tờ Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, số 1 ra ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu, thủ đô của Cách mạng Trung Quốc lúc đó.
Tờ báo in sáp, 4 trang đơn sơ, trình bày 2 cột, có đủ chuyên mục của một tờ báo chính trị - xã hội, hơn thế nữa của một đảng phái chính trị đang ươm mầm tập hợp những người cách mạng trẻ tuổi chống chế độ thực dân Pháp. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ trực tiếp điều hành 88 số đầu (có sự trợ giúp của những người đồng chí, học trò như Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong… cho đến Lý Tự Trọng khi đó mới 16 tuổi), từ tháng 6/1925 đến tháng 4/1927 khi Người phải bí mật rời Quảng Châu do cuộc phản biến của Tưởng Giới Thạch. Bộ báo Thanh Niên, theo sưu tập của nhà nghiên cứu Việt kiều Huỳnh Kim Khánh, từ cuối thập kỷ 80, cho thấy đã có trên 200 số, kéo dài đến tận năm 1932.
Dù chỉ qua 10 số báo lưu trữ được ở Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, bạn đọc cũng có thể mường tượng được tầm cỡ lớn lao của báo Thanh Niên, cũng như nghệ thuật làm báo đặc biệt của nó.
Từ năm 1925, ở Trung Quốc, Thái Lan… đã xuất hiện thêm các tờ báo Cách mạng khác, ít hay nhiều đều có liên quan đến hoạt động của Nguyễn Ái Quốc như Kèn gọi lính, Hải viên Công hội, Thân ái… Đến đây, chắc có câu hỏi, vì sao chưa thấy nói đến tờ Người cùng khổ (Le Paria), tiếng Pháp, xuất bản ở Pari từ tháng 4 năm 1922 mà ai cũng biết Nguyễn Ái Quốc là chủ bút. Đó là không kể nhiều tờ báo Cách mạng của công nhân, Việt kiều Việt Nam ở Pháp. Dù tình cảm của Bác Hồ có dành cho tờ báo trên rất nhiều, loạt bài của Người trên tờ báo đó (trên 38 số) nay đã quen thuộc với giới báo chí và văn học, nhưng đó là báo của Hội Liên hiệp Thuộc địa Pháp, ta không thể lấy nó làm mốc mở đầu được.
Sau này, báo chí Cách mạng nước ta có nhiều tờ nổi tiếng khác như Cờ Giải phóng (1942 - 1945), Cứu Quốc (1942 - nay là báo Đại đoàn kết), Sự Thật (1945 - 1950) và đặc biệt báo Nhân Dân (từ sau tháng 3/1951), nhưng như nhận xét của nhà văn, nhà báo Thép Mới, Thanh Niên vẫn được coi là tờ báo mở đường cho dòng báo chí Cách mạng, mà ngày nay dòng báo này đã vươn lên thành báo chí Việt Nam đương đại.
Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và việc xây dựng hệ thống báo chí Cách mạng
Kể từ khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cho ra mắt số 1 tờ báo Thanh Niên (21/6/1925), cơ quan ngôn luận của tổ chức tiền thân quan trọng nhất của Đảng ta là Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, ngay giữa lòng thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) đang sục sôi cách mạng, đến nay đã tròn 92 năm.
Từ khi ra đời, báo chí Cách mạng đã đưa đến một lối làm báo hoàn toàn mới mẻ, lối làm báo của người Mácxít theo công thức của Lênin: “Tờ báo không chỉ là người tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể mà còn là người tổ chức tập thể”. Luận điểm này như một hòn đá tảng để từ đó các đảng cách mạng, từ châu Âu qua châu Á, suốt từ đầu thế kỷ XX đến nay xây dựng sự nghiệp báo chí của mình.
Trước khi về nước năm 1941, do bận nhiều công tác cách mạng quốc tế, Nguyễn Ái Quốc không có điều kiện ra thêm tờ báo nào, trừ trường hợp tờ Thân Ái ở Thái Lan 1929. Hoạt động báo chí lúc đó của Người chủ yếu trên các phương tiện truyền thông của Quốc tế Cộng sản, của Liên Xô, Pháp, Trung Quốc và nhiều nước khác. Các nhà nghiên cứu lịch sử báo chí còn một “món nợ lớn” nữa ở chỗ này.
Tờ báo Cách mạng quan trọng thứ hai mà Người xuất bản, ngay tại Cao Bằng - Pác Bó, những ngày đầu của Mặt trận Việt Minh, sự kiện chính trị lớn bậc nhất của Người sau sự kiện thành lập Đảng (3/2/1930) là tờ Việt Nam độc lập. Bạn đọc hôm nay đã có bộ sưu tập khá đầy đủ về tờ báo này, hơn 200 số tính đến năm 1945. Chỉ nói thêm rằng, Nguyễn Ái Quốc đã chuyển phong cách làm báo lý luận, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, nhận thức về chế độ thực dân và phương pháp cách mạng có tính chuyên nghiệp của báo Thanh Niên, sang một tờ báo hết sức giản dị cho quần chúng, đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng thời cũng mở ra loại hình “báo của các tổ chức quần chúng” (chủ yếu là Mặt trận Việt Minh, của Công hội, Phụ nữ,…) bên cạnh hệ thống báo chí Cách mạng của các tổ chức Đảng.
Sau Cách mạng tháng Tám, đội ngũ những người làm báo Cách mạng đông đảo thêm và ngày càng “có nghề”. Vì thế hoạt động báo chí của Hồ Chí Minh dù rất phong phú, nhưng chủ yếu với tư cách người viết báo.
Việc hình thành “hệ thống báo chí” Cách mạng còn in dấu nhiều đóng góp khác của Chủ tịch Hồ Chí Minh như việc từng bước xây dựng cơ sở lý luận, đào tạo cán bộ báo chí,… mà Người hết sức quan tâm. Những sắc lệnh về báo chí - xuất bản đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ký, có lẽ văn bản sớm nhất là ngày 18/9/1945, vẫn được coi là nền móng cho việc xây dựng luật pháp báo chí của nước Việt Nam mới. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, dấu ấn của Người in rõ trong việc mở lớp đào tạo báo chí mang tên Huỳnh Thúc Kháng ở Chiến khu Việt Bắc.
Nhìn lại lịch sử báo chí Cách mạng nước ta trước năm 1954 cho thấy dấu ấn của Hồ Chí Minh ở chỗ, bên cạnh việc vận dụng công thức làm báo của người Mácxít, Người còn đặc biệt coi trọng chức năng giáo dục đạo đức cách mạng, tính chiến đấu, tính thực tiễn của báo chí.
Với chuyển biến của các tổ chức chính trị theo khuynh hướng Mácxít, từ cuối năm 1929, báo chí Cách mạng dần dần xuất hiện trong nước. Khi Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời cũng là lúc xuất hiện tờ Búa Liềm. Cuối năm 1929, Ban Công vận của Đảng có tờ Công hội đỏ. Đặc biệt, Tổng Công hội đỏ ở Bắc Kỳ dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Đức Cảnh đã ra mắt tờ báo Lao động ở Hà Nội, tờ báo tồn tại đến nay, vẫn cái tên ấy, được coi là một trong những tờ báo lớn của nước ta hiện nay và có độ tuổi lâu nhất. Cuối năm 1929, An Nam Cộng sản Đảng cho ra mắt báo Đỏ.
Đặc biệt, 6 tháng sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 5/8/1930, Trung ương Đảng ra mắt tạp chí lý luận đầu tiên, tờ Tạp chí Đỏ và báo Tranh đấu ngày 15/8/1930.
Hệ thống báo Đảng hình thành trước hết theo mô hình tổ chức của Đảng: có báo của Trung ương rồi lần lượt ra đời các báo của các xứ ủy, như: Cờ đỏ, Giải phóng của Xứ ủy Nam Kỳ; Sóng cách mệnh, Bônsêvic của Xứ ủy Trung Kỳ,…
Cơ sở Đảng ở các địa phương cũng có nhiều tờ báo độc đáo, như: Xi măng của Hải Phòng, Than của Cẩm Phả, Đông Triều; Bồi bếp, Thùng dầu của Sài Gòn - Gia Định… Riêng khu vực Nghệ Tĩnh, trong cao trào 1930 - 1931, có tới 30 tờ báo của Xứ ủy, Tỉnh ủy và các huyện bộ, trong đó nổi tiếng nhất là tờ Sóng cách mệnh do Nguyễn Phong Sắc trực tiếp điều hành.
Trên thế giới, ít có Đảng Cộng sản nào ở các xứ thuộc địa lại có các loại hình báo chí trong tù phong phú như ở nước ta. Những tờ báo, tạp chí có khi chỉ như tờ truyền đơn, nhỏ như bàn tay, cũng có khi được ấn hành khá chỉnh trang. Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội có báo Con đường chính, Lao tù Tạp chí, Đuốc đưa đường… Nhà tù Côn Đảo có Những người tù đỏ, Hòn Cau, Ý kiến chung, Qua tiếng sóng hận… Nhà tù Sơn La có Suối reo năm ấy, nhà tù Quảng Nam có Nẻo nhà pha,…
Báo chí Cách mạng của Đảng ta trước năm 1945 luôn phải hoạt động trong hoàn cảnh bí mật, bất hợp pháp, nhưng người Cộng sản Việt Nam cũng rất linh hoạt, nhạy bén với thời cuộc. Giai đoạn 1936 - 1939 được coi là thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương, cơ hội để Đảng ta có thể xuất bản báo chí công khai, hợp pháp và không chỉ xuất bản bằng tiếng Việt. Các tờ báo Pháp ngữ như Le Travail (Lao động), Rassemblemant (Tập hợp), En avant (Tiến lên), Notre voix (Tiếng nói của chúng ta), Le Peuple (Dân chúng),… đã trở thành niềm tự hào của báo chí Cách mạng nói chung.
Là lãnh tụ của Cách mạng, của Đảng, bản thân Nguyễn Ái Quốc là một cây bút báo chí lớn. Vì thế ảnh hưởng của Người, ngay từ đầu những năm 20 của thế kỷ XX, đã góp phần to lớn trong việc hình thành và phát triển dòng báo chí Cách mạng, di sản quan trọng bậc nhất trong những di sản văn hoá Cách mạng của Đảng ta trước khi cầm quyền.
Có thể nói, trên phương diện văn hóa, bản thân sự tồn tại của dòng báo chí Cách mạng đã mang nhiều ý nghĩa cho sự hình thành nền văn hóa mới mà Đảng ta, trong khi phải dốc sức vào các nhiệm vụ cứu nước trước mắt là giành chính quyền, vẫn dành một phần tâm sức tạo dựng. Hơn thế nữa, báo chí Cách mạng có thể coi là bộ phận có giá trị hàng đầu bên cạnh những thành tựu xây dựng văn hóa nêu trên. Đó là thế hệ các nhà báo: Nguyễn Khánh Toàn, Bùi Công Trừng, Nguyễn Văn Tạo, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong… Đến thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương là Trường Chinh, Nguyễn Văn Cừ, Trần Huy Liệu, Khuất Duy Tiến, Trần Đình Long, Võ Nguyên Giáp, Phan Thanh, Hải Triều… lớp nhà báo này có nhiều cây bút thực sự là những nhà văn hóa lớn. Thế hệ thứ ba trước năm 1945, phần lớn xuất thân từ các trí thức yêu nước mới được giác ngộ cộng sản và đi theo cách mạng như: Xuân Thủy, Hà Xuân Trường, Lê Quang Đạo, Hoàng Tùng, Thép Mới, Quang Đạm, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng,…
Làm báo là một nghề. Tính cách “chuyên nghiệp hóa” của báo chí Cách mạng còn được Đảng ta quan tâm nhiều mặt từ nhân tố con người đến cơ sở pháp lý: năm 1939, lần đầu tiên Đảng ta tác động, mở Hội nghị Báo giới Bắc Kỳ; 12/1945, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho phép thành lập Đoàn Báo chí Việt Nam, tiền thân của Hội Nhà báo Việt Nam hiện nay; 6/1950, Chính phủ chính thức quyết định cho thành lập Hội những người viết báo Việt Nam, từ đó đến nay đã trải qua 7 kỳ Đại hội.
Cũng như nhiều lĩnh vực văn hóa khác, trên mặt trận báo chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh có sự quan tâm đặc biệt. Ngay sau ngày 2/9/1945, với bản Tuyên ngôn độc lập nổi tiếng và Nhà nước mới ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp đoàn đại biểu báo giới (chủ yếu đại biểu báo Tri Tân), Người thể hiện lòng mong mỏi “báo chí phải góp vào gương mặt văn hóa của nước Việt Nam mới” (bài “Nửa giờ với Chủ tịch Hồ Chí Minh”của Nguyễn Tượng Phượng, báo Tri Tân số 20/9/1945). Đặc biệt, ngày 14/12/1956, Người đã ký Sắc lệnh số 282-SL về chế độ báo chí - xuất bản của nước Việt Nam mới, mà chúng ta vẫn khẳng định nó là viên gạch đầu tiên để sau này giới báo chí có Luật Báo chí 1990.
Đôi nét về nghệ thuật báo chí Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh
Báo chí Cách mạng - cổ động tập thể, tuyên truyền tập thể và tổ chức tập thể. Đó là công thức của báo chí Mácxít do Lênin nêu ra. Phần lớn các tờ báo cách mạng của nước ta tồn tại và phát triển theo quy luật này. Trụ sở của báo Thanh Niên ở Quảng Châu là nơi mở các lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ. Các tờ báo lớn của Trung ương Đảng đều do các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng nắm quyền và tham gia chỉ đạo tiến trình cách mạng: Bác Hồ với Thanh Niên và Việt Nam độc lập; Trường Chinh với Cờ Giải phóng, Sự thật, Nhân dân,…
Ý nghĩa “tổ chức tập thể” thực sự sinh động. Nguyễn Phong Sắc khi lãnh đạo cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh đã nắm chắc Ban Biên tập các tờ báo của Xứ ủy Trung Kỳ và các địa phương như một “Bộ tham mưu” của cao trào cách mạng.
Cũng vậy, Bộ Biên tập các tờ báo quan trọng như Tạp chí Cộng sản, Cờ Giải phóng, Sự thật, Nhân dân sau này, cho đến các tờ Cứu quốc cũng luôn có vị thế “một cơ quan lãnh đạo” bên cạnh Trung ương để theo dõi, tổ chức đấu tranh, phát hiện vấn đề… trong thực tế, chỉ đạo cách mạng đề xuất những chủ trương với Trung ương Đảng, Mặt trận và Chính phủ sau năm 1945.
Đã có nhiều người tổng kết rằng, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã sử dụng tới 40, 50 bút danh, với hàng nghìn bài báo, ngoài Việt Nam là ở hàng chục nước trên thế giới với nhiều ngôn ngữ khác nhau. Nguyễn Ái Quốc cũng học được nghề làm báo từ rất sớm trước khi trở thành nhà Cách mạng chuyên nghiệp. Chính sự lăn lộn của Người trên mặt trận báo chí và cách mạng ở nhiều châu lục, tính cách cá nhân, hơn hết thảy là việc hướng đến sử dụng vũ khí báo chí cho cách mạng, đã tạo nên phong cách báo chí độc đáo của Người.
Khi tờ Thanh Niên xuất bản được khoảng 70 số, Chánh mật thám Đông Dương L. Marty, người đã theo dõi sự xuất hiện của Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu từ cuối năm 1924, trong một báo cáo gửi Bộ Thuộc địa có nhận xét rằng: Người chủ tờ báo này tỏ ra hết sức khôn ngoan, suốt 60 số đầu, không hề để lộ tính cách Mácxít của tờ báo mình, chỉ nói chuyện yêu nước, dân tộc và lòng căm thù chế độ thuộc địa của chúng ta, để rồi từ số 61 (ngày 18/12/1926), ông ta dẫn bạn đọc đến kết luận: muốn giành được độc lập, không có con đường nào khác là theo Lênin và Quốc tế III, lập Đảng Cộng sản…
Là người xuất sắc nhất trong việc “Việt Nam hoá chủ nghĩa Mác - Lênin” ở nước ta, khi làm báo, viết báo, Bác Hồ luôn trung thành và sáng tạo với phong cách ấy, giản dị mà sắc sảo, gần gũi mà lý tưởng, dễ hiểu mà trí tuệ… Điều mà sau này Bác luôn dặn dò các nhà báo: viết cho ai? viết để làm gì? và viết thế nào? Ngòi bút báo chí của Hồ Chí Minh rất phong phú. Từ chính luận, bình luận, bút ký, phóng sự, ghi chép cho đến những tin vắn, thậm chí minh hoạ, “thơ - báo chí”,… luôn có gì đó rất Hồ Chí Minh. Những năm cuối đời, ngòi bút báo chí của Hồ Chí Minh còn được ghi dấu bởi nhiều thể loại đề tài đặc biệt. Hàng loạt bài viết về chủ nghĩa đế quốc, thực dân, về nước Mỹ, Pháp, Trung Quốc, nhiều nước Đông Nam Á,… mà ở đó hiệu quả báo chí chỉ có thể có được với một vốn hiểu biết rộng lớn và sâu sắc về các nền văn hoá, văn minh. Nhưng đồng thời ta không quên rằng, những bài báo cuối cùng của Người lại dành cho những câu chuyện đời thường rất bình dị “Người tốt việc tốt”…
Sẽ thiếu sót nếu không nói thêm điều này. Dù đến nay chúng ta chưa thể đọc hết các tác phẩm của Người viết bằng nhiều ngôn ngữ trên báo chí nước ngoài, như Phạm Huy Thông từng nhận xét: văn báo chí của Nguyễn Ái Quốc đã thực sự là thứ văn “Pháp ròng”…
Chắc hẳn trong những ngày này - kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2017), lại một lần nữa những người làm báo Việt Nam thêm những trải nghiệm về sự nghiệp báo chí của Bác Hồ trong công việc của họ.
Báo chí cách mạng - Vốn đáng kể của “nền văn hóa mới”
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, mục tiêu giải phóng dân tộc là lớn nhất, thu hút mọi sức lực của Đảng và nhân dân ta. Tuy vậy, Đảng cũng dành một phần tâm sức đặt nền móng cho nền văn hóa mới, nhất là khi nước nhà đã giành được độc lập.
Vốn văn hóa trước khi giành chính quyền gồm 3 mảng chủ yếu sau đây:
+ Những giá trị về lý luận văn hóa mới: tiêu biểu là Đề cương văn hóa (1943) và ngay sau Cách mạng tháng Tám là Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam (Trường Chinh, 1948).
+ Một số loại hình văn hóa nghệ thuật cách mạng đầu tiên như thơ, văn xuôi, kịch, ca khúc, lý luận phê bình,…
+ Dòng báo chí Cách mạng với hàng trăm tờ báo, tạp chí lớn nhỏ, chủ yếu hoạt động bí mật, bất hợp pháp (kể cả trong nhà tù thực dân), trong số đó có nhiều tờ hấp dẫn cả về nội dung và hình thức.
Báo chí Cách mạng tuy xếp sau nhưng là di sản văn hóa nổi bật trước Cách mạng tháng Tám. Bởi, bên cạnh sứ mạng nặng nề của nhiệm vụ chính trị, những người Cộng sản Việt Nam làm báo vẫn luôn có “ý thức văn hóa” cho tờ báo. Những tờ báo lớn của Đảng thời kỳ Mặt trận Thống nhất Dân chủ Đông Dương đã đăng hàng loạt truyện, ký của Trần Đình Long, Trần Huy Liệu, Lê Văn Hiến, Nguyễn Văn Trân,…
Báo Cứu quốc số 1 ra ngày 25/1/1942 còn đăng bài thơ Dân chủ tự do của Phan Chu Trinh bằng chữ Nho và bản dịch Nôm. Cũng báo Cứu quốc hàng ngày ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công còn đăng bản dịch dài kỳ Sông Đông êm đềm của nhà văn Xôviết Mikhaiin Sôlôkhốp.
Trên Cờ giải phóng số 4 (18/4/1944) có đăng bài Là thi sĩ nổi tiếng của Sóng Hồng:
“Lấy cây bút làm đòn xoay chế độ,
Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”.
Cờ Giải phóng còn có nhiều bài nêu rõ quan điểm văn hóa của Đảng ta lúc đó, chống văn hóa nô dịch, ngu dân của thực dân, phát xít Pháp - Nhật; chống các quan điểm tả khuynh về văn hóa của nhóm Tơrốtxkít… đưa ra những ý tưởng về “văn hóa mới”, “đời sống mới”, “con người mới”,…
Riêng những tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc liên quan đến văn hóa nghệ thuật từ lâu đã nổi tiếng: cuốn Truyện, ký của Nguyễn Ái Quốc do Phạm Huy Thông dịch (từ các tác phẩm văn xuôi của Nguyễn Ái Quốc trên các báo ở Pháp, kể cả Người cùng khổ).
Dần dần thực sự chiếm lĩnh mặt trận văn hóa
Nhà báo - nhà cách mạng, nhà văn hóa - tự nó là một sản phẩm nữa của cuộc vận động văn hóa mới của Đảng ta trong cuộc vận động Cách mạng tháng Tám.
Trở lại với bản báo cáo nổi tiếng “Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam” của Trường Chinh trình bày tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 1948. Tác giả đã hết sức ca ngợi dòng văn học - báo chí yêu nước đương thời, từ Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền, Huỳnh Thúc Kháng đến Trần Huy Liệu, Phan Văn Trường, Diệp Văn Kỳ, Đào Duy Anh, ông bà Nguyễn Đức Nhuận, Hoàng Ngọc Phách,… Đồng thời, tác giả cũng nêu bật vai trò văn hóa của Đảng Cộng sản Đông Dương, của dòng báo chí Cách mạng với những chuyển biến về tư tưởng và văn hóa của các nhà báo, nhà hoạt động xã hội thuộc nhóm Tri Tân, Thanh Nghị,…
Về nghệ thuật báo chí, ngoài cây bút đặc biệt của nhà báo Cách mạng lớn nhất Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, nhiều cây bút của dòng báo chí Cách mạng cũng rất nổi tiếng và có tiếng vang mạnh mẽ đến tiến trình lịch sử báo chí, lịch sử văn hóa nước nhà.
Có thể nói, văn chính luận của dòng báo chí Cách mạng là thể loại báo chí có nhiều đóng góp. Thép Mới đã đánh giá về văn chính luận của Trường Chinh: “Trường Chinh là một nghệ sĩ của câu văn Việt Nam. Văn chính luận của Trường Chinh mới hơn hết thảy các cây viết chính luận của báo chí Việt Nam lúc đó” (“Sống động một sự nghiệp”, bài của Thép Mới, sđd).
Với tờ Sự thật, “tính cách văn hóa” của báo chí Cách mạng càng rõ nét hơn: hàng loạt các bài nghiên cứu lý luận về văn hóa, văn học Xô Viết đã được đăng tải. Nhiều bài thơ hay của Tố Hữu, truyện của Trần Đăng, ký của Thép Mới… đã được đăng tải.
Tuy vậy, phải nói rằng, chỉ khi xuất hiện Tạp chí Tiên phong (10/11/1945, số 1), cơ quan ngôn luận của Hội Văn hóa Cứu quốc, do nhà văn Nam Cao phụ trách, với khuôn khổ tạp chí gần 100 trang, quy tụ các nhà văn, nhà văn hóa tiêu biểu các lĩnh vực như Tâm Kính, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Hữu Đang, Như Phong, Đặng Thai Mai, Nguyễn Thị Kim, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung,… thì báo chí Cách mạng của Đảng mới thật sự “chiếm lĩnh mặt trận văn hóa”. 24 số báo (tính đến số 24, ra ngày 19/12/1946, khi Tòa soạn dời lên Chiến khu Việt Bắc) hiện nay còn lưu giữ được, đã ghi một dấu son trong mảng “báo chí văn hóa” của dòng báo Cách mạng nước ta.
Sau đó còn những tờ quan trọng khác xuất bản ở Việt Bắc: Tạp chí Văn nghệ (số 1 ra ngày 3/10/1947 do đồng chí Tố Hữu phụ trách), tiền thân của Tuần báo Văn nghệ hiện nay. Loại hình báo chí “văn nghệ” đặc biệt phát triển ở nhiều địa phương, nhiều ngành văn hóa - nghệ thuật trong kháng chiến chống Pháp, trong đó có những tờ chất lượng báo chí tốt (tờ báo của Hội Văn nghệ các liên khu, các tỉnh)…
Trở thành tiếng nói của “Văn hóa Việt Nam” đương đại
Khi xây dựng nền văn hóa mới hay gọi đơn giản như hiện nay “văn hóa Việt Nam dương đại”, Đảng ta ngày càng thấy rõ vai trò to lớn của mặt trận báo chí. Bên cạnh sự đổi mới tư duy có tính chiến lược, chuyển hoạt động báo chí từ công thức của Lênin, sang một nền báo chí hiện đại, thích ứng với nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, tiêu biểu là việc Quốc hội thông qua Luật Báo chí, công bố đầu năm 1990 đã có hàng loạt công việc chuẩn bị cho sự thay đổi quan trọng này của lịch sử báo chí Cách mạng Việt Nam đương đại.
Từ một nền báo chí Cách mạng chủ yếu là báo viết, bí mật, bất hợp pháp (trước năm 1945) cần từng bước xây dựng nền báo chí hoàn chỉnh cho chế độ mới.
- Ngày 7/9/1945: thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam, báo nói Quốc gia.
- Ngày 15/9/1945: Việt Nam Thông tấn xã, hãng thông tấn chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời tại Hà Nội.
- Công việc “hoàn chỉnh hệ thống báo chí” còn phải kéo dài trong bối cảnh gian khổ của hai cuộc kháng chiến, ngày 7/9/1970 thành lập Đài Truyền hình Việt Nam, báo hình Quốc gia.
Trong điều kiện đổi mới đất nước, hàng loạt loại hình báo chí hiện đại ra mắt. Tờ báo điện tử đầu tiên của nước ta là Saigon News ra đời tại Thành phố Hồ Chí Minh (5/1997) và quan trọng là ngày 25/3/2000, báo Nhân dân điện tử chính thức phát hành trên mạng internet, trở thành tờ nhật báo điện tử đầu tiên của Việt Nam,…
Cho đến nay, nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã có cả một nền báo chí đương đại hoàn chỉnh về loại hình, đông đảo và bề thế. Báo chí Cách mạng Việt Nam hôm nay không chỉ là tấm gương phản chiếu đời sống chính trị - xã hội đang chuyển mình mạnh mẽ trên con đường đổi mới đất nước, mà bản thân nó thực sự trở thành một thành tố năng động và hiệu quả bậc nhất của hệ thống thông tin đại chúng nói riêng và của văn hóa Việt Nam đương đại nói chung.
GS.TS Đỗ Quang Hưng
Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Tôn giáo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam