Tính năng liên kết và tương tác tức thời của mạng xã hội đã khiến nhiều người tham gia bị “nghiện”. Có cư dân mạng mỗi phút lại phải “lượn” vào thế giới ảo một lần hoặc chìm đắm hàng giờ trong đó để thưởng thức, để tâm tình, chia sẻ…Không ít người mất nhiều thời gian, bị chi phối tình cảm hiện thực bởi hàng ngàn lượt “like ảo”. Có cư dân mạng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm, không phân biệt thực, hư, đúng, sai…Nguy hiểm hơn, có người bị lừa gạt qua mạng, bị các thế lực phản động lôi kéo, xúi giục làm điều xấu…Cư dân mạng ngày càng trở lên đông đảo, đủ mọi thành phần lứa tuổi trong xã hội. Từ sống “ảo”, có cư dân mạng bước ra đời thực. Nhưng cũng không ít người từ đời thực lại chìm đắm vào sống “ảo”.
Trong bối cảnh truyền thông thế giới đi vào hiện đại hóa, toàn cầu hóa thì báo hình (tivi), báo nói (radio) và báo in đã trở thành phương tiện truyền thông thụ động, trong khi đó nhu cầu tiếp nhận thông tin của con người ngày càng chủ động. Mạng xã hội ngày càng tỏ ra chiếm ưu thế số đông. Nó có thể đáp ứng nhu cầu thông tin mọi lúc, mọi nơi. Thay vì cùng xem, nghe chung một nội dung từ các phương tiện truyền thông đại chúng, thì nay nhu cầu tiếp nhận thông tin phân hóa thành các nhóm khác nhau, theo lứa tuổi, theo nghề nghiệp, theo mức sống, theo sở thích, theo nơi sống…Tâm lý tiếp nhận của công chúng báo chí ngày càng phân hóa sâu sắc theo nhiều cung bậc, sắc thái một cách đa dạng, đa chiều và khó tính hơn.
Với chiếc điện thoại thông minh, ai cũng có thể làm báo, ai cũng có thể cung cấp thông tin, bình luận, khen, chê…Thế mạnh của khuynh hướng truyền thông hiện đại là gia tăng sự tương tác với đối tượng, thông tin được cập nhật liên tục, chú trọng đưa tin quá trình diễn biến của sự kiện chứ không chỉ là kết quả của sự kiện đó. Đây chính là xu hướng biến đổi nhu cầu tiếp nhận thông tin của công chúng báo chí. Những xu hướng báo chí này, buộc các báo phải thay đổi hoạt động tác nghiệp. Thay đổi cách tư duy về độc giả.
Báo chí truyền thống cần xem cư dân mạng xã hội như là người cùng sản xuất nội dung thông tin. Trong đó những nhà báo chuyên nghiệp, những cơ quan báo chí chính thống nên làm tốt chức năng thông tin của mình. Không chậm trễ và né tránh. Sự kiện quan trọng xảy ra nên thông tin trước, thông tin ngay. Bởi báo chí chính thống có đủ điều kiện tác nghiệp để đi tìm sự thật, nói đúng sự thật và định hướng, dẫn dắt thông tin. Nếu làm tốt chức năng của mỗi cơ quan báo chí, làm tốt trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mỗi nhà báo thì thông tin sai sự thật, thông tin giả…và sự “quấy nhiễu” của một số trang mạng xã hội sẽ giảm rất nhiều, góp phần không nhỏ vào việc làm gương, đề cao lương tâm và trách nhiệm xã hội của mỗi cư dân mạng.
Nhận thức được vai trò của mỗi nhà báo trong tình hình mới, Hội Nhà báo Việt Nam đã dầy công nghiên cứu, tổng hợp ý kiến đóng góp, xây dựng bộ quy tắc đạo đức Nhà báo phù hợp với thực tiễn hoạt động báo chí trong giai đoạn hiện nay. Đó là 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, trong đó có Điều 5 quy định người làm báo Việt Nam cần phải “chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác”.
Sự chuyên nghiệp trong thông tin và trách nhiệm của nhà báo là hai yếu tố quyết định sự khác biệt của nhà báo khi tham gia mạng xã hội. Người bình thường khi tham gia thông tin truyền thông xã hội vẫn phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật nhưng không yêu cầu sự chuyên nghiệp khi đưa thông tin như nhà báo (tức là phải kiểm chứng, xác minh, thẩm định thông tin, đánh giá hệ quả…). Nhà báo với đầy đủ kỹ năng, nghiệp vụ báo chí được đào tạo và luôn nâng cao trong quá trình hoạt động báo chí, khi tham gia thông tin cần phải kiểm chứng, xác minh, thẩm định và đánh giá hệ quả tác động của thông tin trước khi trở thành nguồn phát tin, hoặc chia sẻ (lan tỏa) thông tin đó.
Hành vi của mỗi cá nhân trên mạng chỉ phụ thuộc vào sự hiểu biết và đạo đức của chính người ấy. Và chúng ta đều biết rõ thế giới ngày nay là thế giới phẳng. Chưa bao giờ sự tiếp xúc giữa các cá nhân trở nên dễ dàng như bây giờ. Nhưng thực ra chúng ta đang sống trong một thế giới không phẳng về nhận thức, về hiểu biết và không phẳng về các giá trị đạo đức, quan điểm…Vì thế đứng trước thế giới mạng xã hội rộng lớn, người làm báo càng phải nâng cao cảnh giác, đấu tranh với cái xấu, cái độc hại. Đấu tranh chống thông tin giả, đấu tranh với kẻ xấu có thể dựa vào thông tin báo chí nhưng làm méo mó sự thật, gây mất lòng tin, mất đoàn kết nội bộ…, nhà báo cũng không nên tham gia vào “hội chứng đám đông” trên mạng xã hội. Tham gia mạng xã hội, nhà báo không chỉ giao tiếp với bạn bè, tiếp nhận thông tin, chia sẻ, phản hồi…mà nên tạo những cơ hội trên không gian mạng để đưa những thông tin tích cực như những gương người tốt việc tốt, những điển hình tiên tiến, những hành động nhân ái, nhân văn, những câu chuyện sáng trong đạo đức cách mạng cao cả…Như câu chuyện nhóm “hiệp sĩ thanh niên”, 4 tháng trời sửa xe miễn phí cho dân lúc xe bị hỏng khi đi qua những quãng đường bị ngập lụt ở quận Nhà Bè (TP. Hồ Chí Minh) gây xúc động tới hàng triệu người…Lan truyền được những điều này một cách nhanh chóng, rộng khắp tới cư dân mạng, nhà báo đã thể hiện rõ trách nhiệm của mình với xã hội.
Phạm Tài Nguyên, nguyên Trưởng Ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam
Theo Tạp chí Xây dựng Đảng