|
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN tổ chức hội nghị trực tuyến giao ban công tác Mặt trận quý III năm 2021. |
Công tác nghiên cứu lý luận nói chung, công tác nghiên cứu lý luận của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói riêng có vai trò đặc biệt quan trọng trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “thực tiễn không có lý luận dẫn đường thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”1. Người còn nói: "Lý luận như cái kim chỉ Nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”2; "Làm mà không có lý luận thì không khác gì mò trong đêm tối, vừa chậm chạp vừa hay vấp váp”3.
Trải qua hơn 90 năm hình thành và phát triển từ năm 1930 đến nay, với nhiều lần thay đổi, điều chỉnh, bổ sung về hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (ngày nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) - một sáng tạo độc đáo trong phương thức hoạt động của cách mạng Việt Nam, ngày càng khẳng định vai trò, vị trí của mình trong đời sống xã hội và trong hệ thống chính trị nước ta. Có được sự khẳng định đó là do sự phù hợp giữa lý luận về Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam với thực tiễn của nhiệm vụ xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong đường lối cách mạng Việt Nam; là lý luận về vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong cơ cấu của hệ thống chính trị nước ta để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những vấn đề đặt ra trong công tác nghiên cứu lý luận
1. Các yêu cầu, nhiệm vụ mới của nhiệm vụ cách mạng Việt Nam đặt ra cho công tác nghiên cứu lý luận của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiều vấn đề cần phải giải quyết, trong đó có các vấn đề cụ thể:
Thứ nhất, có kế hoạch mang tính chiến lược trong triển khai công tác nghiên cứu và vấn đề chất lượng của các sản phẩm, công trình nghiên cứu lý luận đáp ứng yêu cầu phát triển của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới.
Thứ hai, công tác lý luận của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần góp phần giải quyết những nhận thức chưa rõ về tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc còn có nhận thức khác nhau.
Hiện nay, trong xã hội và trong hệ thống chính trị đang có đánh giá hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội còn biểu hiện hành chính hóa: “Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân các cấp có lúc, có nơi chưa sâu sát các tầng lớp nhân dân và cơ sở, còn có biểu hiện hành chính hóa, chưa thiết thực, hiệu quả”4. Mặt trận cần “khắc phục hành chính hóa” hoạt động và “công chức hóa” cán bộ”5.
Vấn đề này, công tác nghiên cứu lý luận của Mặt trận phải làm rõ: Nhận thức này đúng hay sai so với thực tiễn về tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam? Nguyên nhân từ đâu để có giải pháp khắc phục? Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến “biểu hiện hành chính hóa”, “công chức hóa cán bộ” trong hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội là do cơ chế, chính sách bảo đảm cho Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện đúng vai trò, vị trí, nhiệm vụ của mình được nêu trong Cương lĩnh của Đảng, được hiến định trong Hiến pháp 2013 là chưa phù hợp giữa lý luận với thực tiễn. Việc thực hiện cơ chế quản lý hành chính của các cơ quan Nhà nước áp dụng cho tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội như hiện nay (từ chỉ tiêu biên chế bộ máy, điều kiện hoạt động, chính sách cán bộ đến ngân sách hoạt động) là chưa phù hợp với tính chất, đặc điểm về tổ chức và hoạt động của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Cơ chế này đã làm cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trở thành “hành chính hóa” về hoạt động và “công chức hóa” về cán bộ. Chừng nào Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội chưa có cơ chế độc lập về tổ chức, chủ động về kinh phí và điều kiện hoạt động (dưới sự lãnh đạo của Đảng) mà còn phụ thuộc vào việc “cấp phát”, “tạo điều kiện” của các cơ quan Nhà nước các cấp như hiện nay, thì Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội chưa thoát ra được biểu hiện “hành chính hóa”, “công chức hóa”.
Muốn chỉ ra điều này thì công tác lý luận của Mặt trận phải nghiên cứu thật kỹ, tìm ra cơ sở lý luận để tham mưu với Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Chủ tịch đề xuất việc đổi mới về cơ chế vận hành mang tính đặc thù của một tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mới khắc phục vấn đề “hành chính hóa’, “công chức hóa” cán bộ Mặt trận như hiện nay.
Thứ ba, giải quyết kịp thời sự bất cập giữa yêu cầu, nhiệm vụ và việc đầu tư cho công tác nghiên cứu lý luận của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trước đây, Trung tâm công tác Lý luận được thành lập (gọi tắt là Trung tâm), đã tham mưu cho Ban Thường trực, Đoàn Chủ tịch và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện được một dự án, đề tài nghiên cứu lớn, tầm cỡ là bộ Lịch sử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hiện nay, Trung tâm được đầu tư thành Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, nhưng về cơ chế, bộ máy cần đầu tư hơn nữa để đáp ứng nhiệm vụ của một đơn vị tổ chức công tác nghiên cứu lý luận Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Thứ tư, yêu cầu của giai đoạn mới được chỉ ra trong Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc... Đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội”6. Yêu cầu này đòi hỏi công tác nghiên cứu lý luận của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa phải giải quyết những khó khăn, bất cập hiện nay, vừa gấp rút đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho việc triển khai thực hiện trong hệ thống Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
Thứ năm, nhiều vấn đề phát sinh, phát triển của thực tiễn công tác Mặt trận đòi hỏi công tác nghiên cứu lý luận của Mặt trận phải làm rõ.
Lý luận về vai trò, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và việc thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời đại mới. Đó là thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; toàn cầu hóa trên nhiều lĩnh vực; Do vậy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần xây dựng về tổ chức và hoạt động phù hợp thực hiện phương thức đoàn kết, tập hợp Nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hiện nay.
Một số giải pháp giải quyết các vấn đề đặt ra
1. Nhận thức rõ hơn nữa vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của công tác lý luận của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần nghiên cứu ban hành một nghị quyết chuyên đề về công tác lý luận của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới, đề ra các giải pháp vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính chiến lược, tổng thể thực hiện trong toàn hệ thống Mặt trận mới có sự đồng bộ về nhận thức và thực hiện nhiệm vụ.
2. Đầu tư mạnh mẽ cho công tác nghiên cứu lý luận của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tổ chức, bộ máy chuyên trách (phải có đủ lực lượng, chuyên môn, trình độ lý luận và phương pháp tổ chức công việc); cơ chế tư vấn, cộng tác viên; Hội đồng khoa học phải thực sự huy động được trí tuệ, năng lực, tâm huyết của những nhà nghiên cứu chuyên sâu, hoạt động thực tiễn về công tác Mặt trận; đầu tư kinh phí và điều kiện thực hiện bảo đảm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
3. Mạnh dạn đổi mới việc đề xuất, giao các đề tài nghiên cứu khoa học; đánh giá nghiệm thu sản phẩm công trình nghiên cứu khoa học. Căn cứ vào chủ trương, đường lối, nhiệm vụ cách mạng của từng giai đoạn (thông qua Cương lĩnh, Nghị quyết Đại hội Đảng, Hiến pháp và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề xuất với Đoàn Chủ tịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xác định những vấn đề nghiên cứu mang tính chiến lược và trước mắt của công tác Mặt trận trong từng giai đoạn tương ứng.
4. Đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện chính sách thỏa đáng đối với cán bộ chuyên trách Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trên lĩnh vực công tác nghiên cứu lý luận về Mặt trận cùng với cơ chế, chính sách thoả đáng để tạo động lực thúc đẩy công tác nghiên cứu lý luận của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cần có kế hoạch đầu tư, chuẩn bị nguồn nhân lực cho lĩnh vực tham mưu, tổ chức thực hiện công tác nghiên cứu lý luận của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây là vấn đề liên quan chặt chẽ đến giải pháp thứ nhất đã nêu trên.
5. Xây dựng kế hoạch triển khai công tác nghiên cứu lý luận gắn với tổng kết hoạt động thực tiễn của các đơn vị chuyên môn và văn phòng của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Khắc phục tình trạng việc triển khai thực hiện các công trình, đề tài nghiên cứu khoa học của Mặt trận thiếu sự gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ tổng kết thực tiễn trên các lĩnh vực công tác liên quan mà các ban, đơn vị, văn phòng tham mưu cho Ban Thường trực, Đoàn Chủ tịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện. Cần có cơ chế, quy định về kết quả sơ, tổng kết các lĩnh vực công tác phải được đối chiếu với sản phẩm của các công trình, đề tài nghiên cứu khoa học liên quan, đánh giá mức độ phù hợp, chưa phù hợp giữa lý luận với thực tiễn để cùng điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện, làm cho lý luận và thực tiễn luôn gắn bó với nhau.
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh. Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.8, tr.496.
2. Hồ Chí Minh. Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 273-274.
3. Hồ Chí Minh. Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 6, tr.86.
4. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Hệ thống tư liệu - Văn kiện Đảng. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. http//:Tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xii/bao-cao-chinh-tri-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xi-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xii-cua-dang.
5. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Hệ thống tư liệu - Văn kiện Đảng. Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-xii/nghi-quyet-so-18-nqtw-ngay-25102017-hoi-nghi-lan-thu-sau-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xii-mot-so-van-de-ve-tiep-568
6. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Hệ thống tư liệu - Văn kiện Đảng. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. http//:Tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xiii/bao-cao-chinh-tri-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xii-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-cua-3669.
Lê Bá Trình
PGS.TS, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, nguyên Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam