Phát huy năng lực đổi mới, sáng tạo trong khu vực kinh tế tư nhân nhằm thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững

Đại hội XII của Đảng đã khẳng định, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Để phát triển kinh tế tư nhân nhanh và bền vững cần phát huy sức mạnh đổi mới sáng tạo của khu vực này. Đổi mới sáng tạo là tiềm năng không bị giới hạn, vì thế khu vực kinh tế tư nhân cần coi đây là động lực cốt lõi làm tiền đề cho sự phát triển trong điều kiện mới.
 

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát động phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam"_Ảnh: TTXVN

Đổi mới sáng tạo và vai trò đối với khu vực kinh tế tư nhân

Theo Báo cáo đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2019 của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) là một khái niệm có nhiều nội dung, bao gồm 7 nhóm yếu tố là thể chế, nghiên cứu và vốn nhân lực, kết cấu hạ tầng, độ phức tạp thị trường, độ phức tạp kinh doanh, kiến thức và đầu ra công nghệ, sản lượng sáng tạo. 

Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cũng đưa ra 4 loại đổi mới sáng tạo liên quan đến một loạt thay đổi trong hoạt động của doanh nghiệp, bao gồm: đổi mới sản phẩm, đổi mới quy trình, đổi mới tổ chức hoạt động và đổi mới tiếp thị.

Từ các quan điểm trên có thể thấy “năng lực đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp” được xem là khả năng mà doanh nghiệp có được để biến ý tưởng sáng tạo kết hợp các nguồn lực đầu vào thành sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường. Trong các nghiên cứu về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện đang được diễn giải theo hai cách: thứ nhất, đổi mới sáng tạo là tạo ra những thứ hoàn toàn mới mà trước đó chưa từng có; thứ hai, đổi mới sáng tạo là thay thế những cái đang có bằng những cái khác mang lại hiệu quả cao hơn.

Khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam là khu vực kinh tế, gồm các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh không dựa trên sở hữu nhà nước về các yếu tố của quá trình sản xuất, mà thuộc sở hữu tư nhân, bao gồm các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần với các quy mô khác nhau và các hộ kinh doanh cá thể.

Hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực kinh tế tư nhân có thể bắt nguồn từ bên trong hay bên ngoài. Công nghệ mới tạo ra những cách thức mới về nguồn cung để đáp ứng các nhu cầu của thị trường truyền thống trước đây. Các nhu cầu mới cho sản xuất và tiêu dùng, kỳ vọng của người tiêu dùng thay đổi, đòi hỏi doanh nghiệp cần thay đổi việc sản xuất, kinh doanh, thiết kế, tiếp thị và phương thức phân phối sản phẩm. Những áp lực xuất phát từ chính nhu cầu duy trì và phát triển khiến khu vực kinh tế tư nhân cần thực hiện đổi mới sáng tạo. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã làm thay đổi nhiều phương thức sản xuất truyền thống, các công cụ lao động mới và phương thức sản xuất mới ra đời. Các phương thức kinh doanh mới cũng được hình thành thay thế các mô hình kinh doanh kiểu cũ (thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ, quản lý trực tuyến).

Trên thực tế, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam hiện nay gồm khoảng 2 triệu hộ kinh doanh cá thể và khoảng 700.000 doanh nghiệp (98% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ). Khu vực kinh tế tư nhân đang đóng góp 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), và được dự đoán sẽ tăng lên khoảng 70% trong 10 năm tới. Tuy nhiên, để có thể đạt được mục tiêu này thì khu vực kinh tế tư nhân nhất thiết phải nâng cao được năng lực cạnh tranh thông qua đổi mới sáng tạo, điều này cũng sẽ giúp đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo chủ trương, đường lối của Đảng. Khi khu vực kinh tế tư nhân phát triển, động lực kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được khởi tạo và tăng tốc, tạo khả năng tăng quy mô và thúc đẩy tăng trưởng toàn bộ nền kinh tế.

Thực trạng đổi mới sáng tạo tại khu vực kinh tế tư nhân

Khu vực kinh tế tư nhân được mở rộng trong những năm qua đã làm cho cơ cấu các thành phần kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, gia tăng sự năng động và sử dụng các nguồn lực có hiệu quả. Trong khu vực kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp lớn đã ý thức phải đầu tư cho đổi mới sáng tạo để tạo ra lợi thế cạnh tranh trong quá trình hội nhập và phát triển. Các tập đoàn và doanh nghiệp lớn đã từng bước liên kết với các trường đại học và viện nghiên cứu để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo thông qua hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), một số tập đoàn lớn đã tự thành lập các trường đại học hoặc viện nghiên cứu để tạo ra một hệ sinh thái khép kín trong hệ thống.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ đã bắt đầu nhận thức được đổi mới sáng tạo sẽ mang đến lợi thế cạnh tranh để có thể tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, để thực hiện đổi mới sáng tạo thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần có nguồn nhân lực với trình độ chuyên môn tốt và tiềm lực tài chính để thực hiện các hoạt động R&D trong lĩnh vực đang hoạt động.

Khu vực kinh tế tư nhân được xác định đang ở giai đoạn đầu của thời kỳ phát triển, hoạt động sản xuất vẫn chủ yếu là gia công lắp ráp. Để có thể tham gia vào các công đoạn tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn, các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân đã từng bước đầu tư theo chiều sâu vào kỹ thuật và công nghệ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, từ năm 2014 đến năm 2017, tỷ lệ đầu tư cho hoạt động R&D để phục vụ cho đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp của Việt Nam đã tăng lên, nhưng mới chỉ đạt ngưỡng 1% tổng doanh thu, trong khi mức bình quân tại các nước thuộc nhóm phát triển tại ASEAN (Xin-ga-po, Thái Lan, Ma-lai-xi-a) ít nhất là 9% tổng doanh thu.

Kết quả khảo sát của Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ tiến hành trong năm 2018 cho thấy, trong số 7.641 doanh nghiệp được khảo sát thì có 4.709 (61%) doanh nghiệp cho biết có hoạt động đổi mới sáng tạo, 2.841 (37%) doanh nghiệp không có hoạt động đổi mới sáng tạo, và 91 doanh nghiệp (2%) xác nhận không hiểu rõ về đổi mới sáng tạo.

Có thể thấy, nếu phát huy được năng lực đổi mới sáng tạo trong khu vực kinh tế tư nhân sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo ra sự đột phá cho đất nước, bảo đảm được sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội hướng đến phát triển con người. Mọi người được bình đẳng tham gia đóng góp và chia sẻ lợi ích có được từ tăng trưởng kinh tế đúng theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Khơi nguồn động lực đổi mới sáng tạo trong khu vực kinh tế tư nhân

 

Sản xuất tơ, dệt lụa tại cơ sở sản xuất ươm tơ Lê Sáu ở thôn Tân Phú 2, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng_Ảnh: TTXVN

Quan điểm tạo động lực để đẩy mạnh đổi mới sáng tạo nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân nhanh và bền vững để góp phần xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được quán triệt trong Nghị quyết Trung ương 5 Khóa XII. Khu vực kinh tế tư nhân được phép đầu tư kinh doanh những lĩnh vực mà pháp luật không cấm, nghĩa là phạm vi đổi mới sáng tạo của khu vực kinh tế tư nhân đã được mở rộng. Thành quả của đổi mới sáng tạo trong khu vực kinh tế tư nhân sẽ được hiện thực hóa qua hình thức sở hữu tư nhân, đây là trụ cột bền vững để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Chính vì vậy, cần tập trung làm tốt những yêu cầu sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh vai trò của các hiệp hội trong đổi mới sáng tạo của từng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Sự kết hợp giữa các doanh nghiệp có cùng nhu cầu đổi mới sáng tạo trong cùng lĩnh vực sẽ khắc phục được vấn đề hạn chế về nguồn lực của khu vực kinh tế tư nhân. Trong giai đoạn hiện nay, hiệp hội ngành nghề nên là cầu nối giữa các doanh nghiệp trong ngành để cùng nhau tiến hành các hoạt động R&D. Kết quả từ hoạt động R&D sẽ phục vụ cho đổi mới sáng tạo trong toàn ngành. Mỗi hiệp hội của từng ngành nghề cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo theo nguyên tắc “vừa hội tụ, vừa phân tán”, nguồn lực của các doanh nghiệp sẽ được hội tụ để thực hiện hoạt động R&D, kết quả từ R&D sẽ được phân tán cho các doanh nghiệp để tiến hành đổi mới trong sản xuất, kinh doanh.

Thứ hai, các chính sách đầu tư và hỗ trợ của Nhà nước cho đổi mới sáng tạo cần có địa chỉ ứng dụng cụ thể và cần được chuyển giao để khu vực kinh tế tư nhân ứng dụng. Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia cần định hướng những nghiên cứu phục vụ hoạt động đổi mới sáng tạo cho khu vực kinh tế tư nhân phù hợp với quy mô và nhu cầu của khu vực này, bao gồm cả các hộ kinh doanh cá thể. Tổ chức đào tạo ngắn hạn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại khu vực kinh tế tư nhân, phục vụ đổi mới sáng tạo. Những thành tựu có được từ kết quả chuyển giao sẽ tạo ra sự kích thích để khu vực kinh tế tư nhân có động lực tập trung các nguồn lực tự thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo trong chu kỳ tiếp theo.

Thứ ba, xây dựng các mô hình hợp tác công tư (PPP) trong đổi mới sáng tạo để có thể kết nối giữa khu vực kinh tế nhà nước đang giữ vai trò chủ đạo và khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Khu vực kinh tế nhà nước hiện có nhiều ưu thế về nguồn lực có thể sẽ là bệ đỡ hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân thực hiện những bước đầu tiên của đổi mới sáng tạo. Thành tựu đổi mới sáng tạo từ khu vực kinh tế tư nhân có thể sẽ được chuyển giao sang khu vực kinh tế nhà nước. Khi khu vực kinh tế tư nhân thực hiện đổi mới sáng tạo với sự hỗ trợ từ khu vực kinh tế nhà nước sẽ càng khẳng định được vai trò động lực quan trọng của khu vực này trong nền kinh tế.

Thứ tư, khu vực kinh tế tư nhân cần tự vận động để đổi mới sáng tạo bằng nhiều con đường khác nhau. Sự tự vận động để hoàn thiện thông qua học hỏi từ các đối tác có yếu tố nước ngoài sẽ giúp rút ngắn được thời gian thực hiện một chu kỳ của sự thay đổi. Đổi mới sáng tạo có thể là áp dụng một mô hình quản lý hay sử dụng một công nghệ đang được triển khai tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam vào khu vực kinh tế tư nhân của chúng ta và mang lại các kết quả tốt hơn trước đây. Sự chủ động kết nối, học hỏi và tiếp nhận các kiến thức mới qua các kênh khác nhau của khu vực kinh tế tư nhân với các thành phần kinh tế khác sẽ là chìa khóa bảo đảm đổi mới sáng tạo thành công.

Thứ năm, khu vực kinh tế tư nhân cần tích cực tiếp cận với những thành tựu của CMCN 4.0 và các xu thế mới. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Ðề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Trọng tâm của Đề án hướng tới khuyến khích, ưu tiên tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp nói chung và khu vực kinh tế tư nhân nói riêng, đặt doanh nghiệp vào trung tâm của hệ thống. Những nhược điểm của khu vực kinh tế tư nhân như quy mô nhỏ, nguồn lực hạn chế, mức độ gắn kết không cao sẽ có thể được khắc phục nếu ứng dụng các thành tựu của CMCN 4.0 để đổi mới sáng tạo các hình thức kinh doanh mới phù hợp với đặc thù của khu vực kinh tế tư nhân.

Phát triển khu vực kinh tế tư nhân thông qua đổi mới sáng tạo sẽ không những bảo đảm cho nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, đồng thời tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, ngoài ra còn tham gia vào giải quyết hàng loạt những vấn đề xã hội, như tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực.

Theo PGS, TS. HOÀNG VĂN HOAN - TS. HOÀNG ĐÌNH MINH/Tạp chí Cộng sản

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều