Phát huy sức mạnh của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng trong giai đoạn phát triển đất nước hiện nay

(Mặt trận) -  Bài viết nêu rõ vai trò của việc phát huy sức mạnh Nhân dân tham gia xây dựng Đảng là quá trình phát hiện, khơi dậy, bồi dưỡng, động viên, khích lệ Nhân dân đóng góp công sức, trí tuệ trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền. Để phát huy sức mạnh của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng cần phải thực hiện hệ thống giải pháp đồng bộ từ nâng cao nhận thức, hoàn thiện thể chế đến việc tổ chức thực hiện, bao gồm: nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên về vai trò của việc phát huy sức mạnh của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng trong giai đoạn phát triển đất nước hiện nay; động viên, tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng.


Vai trò của phát huy sức mạnh Nhân dân tham gia xây dựng Đảng

Trong công cuộc đổi mới, Đảng ta luôn khẳng định vai trò, sức mạnh của Nhân dân với quan điểm “Dân là gốc”, cách mạng là sự nghiệp của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Chính Nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với Nhân dân.

Quan liêu, tham nhũng, xa rời Nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng. Yêu cầu phát huy sức mạnh Nhân dân tham gia xây dựng Đảng xuất phát từ bản chất và mục đích của Đảng, yêu cầu xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, không ngừng đổi mới và nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hoàng Công Thủy tới thăm và trao 200 suất quà cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ, tháng 1/2024.        ẢNH: HƯƠNG DIỆP 

Kết luận của Hội nghị Trung ương 9 khóa X (tháng 1/2009) đã khẳng định: “Phải dựa vào nhân dân để phát hiện, kiểm tra và giám sát cán bộ”. Ngày 12/12/2013, Bộ Chính trị đã ký Quyết định số 217-QĐ/TW ban hành bản “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”; Quyết định số 218-QĐ/TW quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII (tháng 10/2016) đã xác định “phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội” là một trong bốn nhóm nhiệm vụ, giải pháp tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Ngày 3/10/2017, Ban Bí thư đã ký Quyết định số 99-QĐ/TW ban hành Hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của Nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Thực hiện các nghị quyết, chủ trương của Trung ương, sức mạnh của Nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng đã được phát huy, nhất là Nhân dân tham gia xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ thông qua Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”1.

Phát huy sức mạnh Nhân dân tham gia xây dựng Đảng là quá trình phát hiện, khơi dậy, bồi dưỡng, động viên, khích lệ Nhân dân đóng góp công sức, trí tuệ trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền.

Nhân dân phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp trong các văn bản dự thảo của các cơ quan Đảng, Nhà nước; kiến nghị những nội dung thiết thực, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả trong việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Nhân dân góp ý xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhân dân góp ý xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, tham gia các phong trào, các cuộc vận động thi đua yêu nước.

Nhân dân theo dõi, phát hiện, xem xét; đánh giá kiến nghị nhằm tác động đối với cơ quan, tổ chức và cán bộ, đảng viên, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, công chức, viên chức nhà nước về việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhân dân giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Nhân dân phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, các hiện tượng tiêu cực khác.

Phát huy sức mạnh của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng không chỉ là trách nhiệm của hệ thống chính trị, của mỗi cán bộ, đảng viên… mà còn là trách nhiệm của từng người dân. Nhân dân trực tiếp phản ánh, góp ý với cấp ủy đảng về công tác cán bộ, các chủ trương, đường lối lớn của Đảng. Nhân dân có quyền góp ý kiến, kiến nghị đối với tổ chức đảng và chính quyền, phát hiện những yếu kém, khuyết điểm của tổ chức và của các cá nhân cán bộ, đảng viên.

Các giải pháp phát huy sức mạnh của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng trong giai đoạn phát triển đất nước

Một là, nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên về vai trò của việc phát huy sức mạnh của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng trong giai đoạn phát triển đất nước hiện nay.

Tổ chức lớp học, lớp bồi dưỡng kiến thức phù hợp cho đội ngũ cấp ủy, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội về vị trí, vai trò của Nhân dân trong cách mạng, về vai trò của việc phát huy sức mạnh của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng trong giai đoạn phát triển đất nước hiện nay.

Dựa vào sức mạnh của Nhân dân để xây dựng Đảng, dựa vào Nhân dân để Đảng lãnh đạo, chỉ đạo đã trở thành nguyên tắc quan trọng, tất yếu mà các cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần để cho sự nghiệp xây dựng và phát triển bền vững đất nước thật sự là của Dân, do Dân và vì Dân.

Hai là, động viên, tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng.

Phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết của Nhân dân trong công cuộc đổi mới thông qua công tác tuyên truyền của Đảng, của các tổ chức trong hệ thống chính trị và các phương tiện truyền thông đại chúng. Thông qua công tác tuyên tuyền để làm cho Nhân dân hiểu rõ vị trí, vai trò của họ trong sự nghiệp cách mạng. Nhân dân ở vị trí trung tâm, là chủ thể trong chiến lược phát triển đất nước. Phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc là sức mạnh của lực lượng toàn dân lấy sức mạnh đoàn kết khối liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức làm nền tảng. Nhân dân đoàn kết, nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nâng cao trình độ dân trí, bồi dưỡng, phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết của Nhân dân, làm cho Nhân dân hiểu rõ và thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm trong công cuộc đổi mới đất nước.

Đảng lãnh đạo chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, kết hợp tăng trưởng kinh tế với đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội; chăm lo sự nghiệp giáo dục, đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị trung tâm, là thước đo và tiêu chí đánh giá sự hoàn thành trách nhiệm của Đảng và Nhà nước đối với Nhân dân. Mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa phải phục vụ cho lợi ích Nhân dân, vì hạnh phúc của Nhân dân. Khi Nhân dân được thụ hưởng các thành quả của sự nghiệp cách mạng nói chung, của công cuộc đổi mới nói riêng thì họ càng thêm tin tưởng, gắn bó mật thiết với Đảng, đấu tranh che chở, bảo vệ Đảng, tích cực tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Ba là, phát huy sức mạnh của Nhân dân thông qua việc thực hiện hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội.

Công tác giám sát, phản biện xã hội nhằm tăng cường đoàn kết, đồng thuận trong Nhân dân, trong xây dựng và tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động đối với công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và Nhân dân đối với công tác giám sát, phản biện xã hội. Tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện đầy đủ, quyền, trách nhiệm của mình; phát huy tính chủ động, tích cực của chủ thể giám sát, phản biện xã hội nhằm không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực và hiệu quả của công tác giám sát, phản biện xã hội.

Tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hình thức giám sát, phản biện xã hội và biện pháp tổ chức thực hiện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, bảo đảm phù hợp và phát huy hiệu quả nhất mọi năng lực giám sát, phản biện xã hội. Huy động sự tham gia của của các cơ quan thông tin đại chúng tham gia vào các hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; thu hút được sự tham gia rộng khắp của mọi tổ chức và cá nhân trong xã hội.

Bốn là, phát huy sức mạnh của Nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Đảng cần cử những người có đầy đủ phẩm chất, trình độ, năng lực, uy tín vào hoạt động trong các hội quần chúng. Cán bộ của đoàn thể phải được lựa chọn từ những người ưu tú trong phong trào, có năng lực và có uy tín đối với quần chúng. Duy trì chế độ: thường trực cấp uỷ các cấp ở địa phương định kỳ tiếp dân; bí thư, phó bí thư, uỷ viên ban thường vụ và cấp uỷ viên dự sinh hoạt với chi bộ khu dân cư; đảng viên công tác tại xã, phường, thị trấn sinh hoạt đảng tại chi bộ khu dân cư. Thực hiện việc phân công cán bộ, đảng viên phụ trách hộ gia đình nơi cư trú với các hình thức phù hợp để gắn bó mật thiết với Nhân dân; truyền đạt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với Nhân dân và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân; nắm chắc tình hình cơ sở; đồng thời, qua đó để Nhân dân thực hiện việc giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là về đạo đức, lối sống.

Năm là, quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp thu ý kiến của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng.

Trách nhiệm của cá nhân là người đứng đầu cấp ủy đảng tổ chức đối thoại trực tiếp với Nhân dân; giao nhiệm vụ cho bộ phận tham mưu, giúp việc phối hợp với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp, các cơ quan liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch, chuẩn bị các nội dung liên quan đến đối thoại để tổ chức thực hiện đối thoại hiệu quả.

Trong quá trình đối thoại trực tiếp với Nhân dân, người đứng đầu cấp ủy tiếp thu, giải đáp, trao đổi lại những vấn đề đối thoại đặt ra. Việc tổ chức đối thoại phải bảo đảm tính dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, trung thực trên tinh thần xây dựng và thiết thực, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Thực hiện nghiêm quy chế tiếp xúc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân, tạo phong cách lãnh đạo lắng nghe, cầu thị, chỉ đạo giải quyết, phản hồi ý kiến, kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Chú thích:

 1.  Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 28.

Lê Mậu Nhiệm - Tiến sĩ, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và

Nghiên cứu khoa học, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

**  Lê Minh Hà - Tiến sĩ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều