Phát triển bao trùm ở Việt Nam hiện nay

Các kết nối theo chuỗi giữa các sản phẩm của một mặt hàng, một loại hình sản xuất, dịch vụ, tiêu dùng giữa các khu vực kinh tế khác nhau; giữa con người với kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường; giữa kinh tế số, chính quyền số và xã hội số; giữa phát triển trong nước với ngoài nước... là bản chất, mục tiêu và thể hiện phương thức phát triển bao trùm. Trong điều kiện một nước đang phát triển như Việt Nam, đặc trưng của phát triển bao trùm trước tiên và cơ bản là thông qua phát triển nhanh gắn với bền vững, nhằm không để đất nước và không để ai bị bỏ lại phía sau. Bài viết làm rõ khái niệm, bản chất, tình hình và phương hướng phát triển kinh tế bao trùm ở Việt Nam.
 

Ảnh minh họa: vtv.vn

1. Về phát triển bao trùm

Thứ nhất, từ sản xuất kinh tế theo chuỗi đến phát triển bao trùm

Hiện nay, kiểu sản xuất, kinh doanh theo chuỗi sản phẩm có tính kết nối với nhau không còn là hiếm ở nước ta. Thí dụ sản xuất, kinh doanh chuỗi giá trị lúa gạo: Từ sản xuất lúa xanh, sạch, hữu cơ trên những cánh đồng cơ giới hóa “không dấu chân người”, đến kinh doanh sản phẩm từ lúa gạo (rơm ép, trấu ép, cám ép và nhiều sản phẩm từ gạo, thức ăn gia súc,...) và áp dụng quy trình canh tác lúa phát thải thấp nhằm hướng tới thị trường tín chỉ cácbon;... Sản xuất, kinh doanh theo chuỗi cũng phát triển khá mạnh ở nhiều loại sản phẩm thủy sản (tôm, cá tra), hạt điều, cà phê, gỗ, tre,... Từ đó hình thành kiểu phát triển bao trùm ở nước ta.

Phát triển bao trùm, cơ bản là kết quả của sản xuất sản phẩm kinh tế theo chuỗi và là phát triển kinh tế - xã hội một cách hệ thống trong điều kiệntoàn cầu hóa và cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại theo cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế. Cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại gắn với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện đang tạo ra những biến đổi sâu sắc, chưa từng có trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các sản phẩm kinh tế và trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Toàn cầu hóa liên kết tất cả các quốc gia về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường thông qua liên kết các quá trình sản xuất kinh tế và quan hệ kinh tế - xã hội một cách hệ thống cùngcác luồng giao lưu quốc tế về con người, kinh tế, văn hóa,... Trong toàn cầu hóa, phát triển sản xuất kinh tế theo chuỗi và phát triển bao trùm là tất yếu khách quan mà thực chất là sự hội nhập, liên kết có tính cạnh tranh đồng thời nhằm giảm hệ lụy không tích cực một cách tối ưu để phát triển bền vững.

Thứ hai, khái niệm, bản chất về phát triển bao trùm

Khái niệm về phát triển bao trùm: phát triển bao trùm được hiểu là kiểu phát triển theo chuỗi giữa các sản phẩm của một mặt hàng, một loại hình sản xuất, dịch vụ, tiêu dùng giữa các khu vực kinh tế khác nhau; giữa con người với kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường; và giữa phát triển trong nước với ngoài nước trên cơ sở “lấy con người làm trung tâm” nhằm phát triển nhanh, bền vững của xã hội và phát triển toàn diện con người.

Bản chất của phát triển bao trùm là phát triển sản xuất kinh tế có tính kết nối (liên kết) xuyên suốt, toàn diện theo chuỗi sản phẩm; và từ đó phát triển liên kết xuyên suốt, toàn diện  theo quá trình và quan hệ sản xuất kinh tế-xã hộidưới tác động của toàn cầu hóa theo cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế. Trong phát triển bao trùm, dù trong lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội hay môi trường thì đều xuất phát từ con người và hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện con người. Vì vậy, Nhà nước, các cộng đồng và xã hội nói chung, đều coi người dân (con người) là chủ thể để “dựa vào dân”, “lấy con người làm trung tâm”. Do đó, con người có quyền là chủ và làm chủ - tức được bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Điểm mấu chốt để phát triển bao trùm trong xã hội là phải thực hiện được mối quan hệ giữa con người là chủ thể -lấy con người làm trung tâm - bảo đảm quyền con người - phát triển toàn diện con người, để bảo đảm phát triển bao trùm nhằm không để đất nước và không để ai bị bỏ lại phía sau.

2. Tình hình phát triển bao trùm ở Việt Nam

Ở nước ta, hiện thực và xu hướng phát triển bao trùm là một gợi mở mang tính đột phá cho thực hiện khát vọng và tầm nhìn phát triển đến năm 2030 và 2045 với chiến lược “đi tắt, đón đầu”, để tận dụng những cơ hội mà các cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại gắn với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và toàn cầu hóa mang lại nhằm xây dựng thành công xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Hiện nay, kết quả có tính tổng hợp của phát triển bao trùm nhằm phát triển toàn diện con người, cơ bản được thể hiện ở chỉ số phát triển con người (HDI). Theo Báo cáo Phát triển con người (HDR) toàn cầu 2021/2022 được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam công bố ngày 9-9-2022, HDI của Việt Nam vào năm 2021 là 0,703, ở vị trí 115/191 quốc gia(1). Chỉ số này tiến sát mức trần của nhóm các nước có HDI ở mức trung bình. Qua đó cho thấy mức độ thành công của phát triển bao trùm ở nước ta.

Thực tế Việt Nam trong gần 40 năm đổi mới đã duy trì được mức tăng trưởng liên tục và khá nhanh (trung bình hơn 6% năm) và theo hướng bền vững, đạt được thành tích ấn tượng về xóa đói giảm nghèo. Kết quả phát triển nhanh gắn với bền vững ở nước ta còn được thể hiện ở chỉ số bất bình đẳng theo thước đo hệ số GINI (hệ số bất bình đẳng thu nhập) về tiêu dùng tuy có tăng, nhưng ở mức tương đối thấp so với các quốc gia Đông Nam Á(2). Việt Nam được đánh giá là nước hoàn thành cơ bản nhóm mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc giai đoạn 2001-2015. Đây là biểu hiện của kết quả phát triển bao trùm trên cơ sở tăng trưởng nhanh gắn với bền vững.

GDP năm 2023 của cả nước ước tính tăng 5,05% so với năm trước, đưa quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành ước đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD; GDP bình quân đầu người ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022(3). Đây là mức tăng không cao nhưng các cân đối lớn được bảo đảm, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp trong bối cảnh đối diện với nhiều khó khăn, thách thức ở cả trong và ngoài nước.

Thực tế cho thấy, trong giai đoạn 2011-2020, GDP chỉ đạt trung bình 6,21% năm. Đây là mức tăng trưởng tương đối nhanh, nhưng là mức tăng trưởng thấp so với mức tăng bình quân của giai đoạn 1991 - 2000 (đạt 7,58%) và của giai đoạn 2001 - 2010 (đạt 7,26%) và thấp hơn so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 là 7-8%/năm(4).

 Kinh tế Việt Nam từ những tháng cuối năm 2023 có nhiều dấu hiệu tích cực; từ đó tạo đà cho năm 2024 - năm bứt phá để hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2021-2025. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới còn nhiều khó khăn, bất định, với một quốc gia có độ mở về kinh tế - xã hội lớn, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế, thì những yếu tố đột xuất, bất ngờ vẫn tiềm ẩn rủi ro, khó dự báo. Cho nên Việt Nam cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô mới có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng(5); thúc đẩy mạnh mẽ phát triển nhanh gắn với phát triển bền vững theo hướng bao trùm. Bởi lẽ, hiện nay phát triển của bất kỳ khu vực hay lĩnh vực nào, thậm chí ở những phương diện hay khía cạnh nhỏ nhất, cũng không thể diễn ra riêng lẻ, rời rạc và càng không thể phát triển có tính tự thân.

 Trước đây, quan niệm rằng phát triển kinh tế là để phát triển xã hội, văn hóa, con người, môi trường và ngược lại; nhận thức mới là: nếu không có sự kết nối giữa chúng thì rất khó thực hiện sự phát triển kinh tế cũng như xã hội,... Tính chất phát triển liên kết theo chuỗi không làm nội hàm của phát triển bao trùm trở nên thiếu trọng tâm, trọng điểm hay thiếu mũi nhọn đột phá có tính đặc thù của từng lĩnh vực. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư giúp xử lý tính “bùng nhùng” phát sinh trong quá trình phát triển theo hướng bao trùm. Chẳng hạn trong năm 2019, Việt Nam tiệm cận với những bước tiến có tính đột phá về công nghệ thông tin và tự mình phát triển công nghệ 5G, cả phần mềm và phần cứng (thiết bị). Là công nghệ có tốc độ nhanh gấp nhiều lần 4G, công nghệ 5G là nền tảng để phát triển tiên tiến trong nhiều lĩnh vực khác nhau (thành phố thông minh, ô tô tự hành, thực tế ảo, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn,...); từ đó có thể xử lý nhanh chóng và hiệu quả tính “bùng nhùng” dây dưa theo chuỗi nảy sinh trong quá trình phát triển theo hướng bao trùm.

Thuộc tính kết nối theo chuỗi mặc nhiên đòi hỏi phải phát triển bền vững theo hướng bao trùm. Kinh nghiệm của Liên hợp quốc trong triển khai thực hiện “Chương trình phát triển thiên niên kỷ giai đoạn 2001-2015” với 8 mục tiêu và “Chương trình nghị sự phát triển bền vững giai đoạn 2016-2030” với 17 mục tiêu cho thấy, càng hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững thì càng mở rộng nội hàm phát triển bao trùm để kết nối phát triển kinh tế với phát triển các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Thông qua đó, bảo đảm thuận lợi sinh kế cho mọi người dân, không loại trừ ai hay một lĩnh vực nào; thúc đẩy phát triển bền vững cho tất cả mọi người với sự tái tạo bền vững các thế hệ người, giới tính người cũng như môi trường sống của họ theo hướng bao trùm.

 Hiện nay, dù phát triển kinh tế hay phát triển bất kỳ lĩnh vực nào khác của đời sống xã hội, đều không có tính tự thân, riêng rẽ mà có tính liên kết hoặc chịu tác động của chuỗi phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường. Do vậy, càng hướng đến phát triển bao trùm thì càng phát triển nhanh, hợp lý và bền vững. Chẳng hạn, trong bối cảnh lây lan của đại dịch Covid-19 vừa qua ở Việt Nam, quyết sách phát triển nhanh gắn với bền vững là: Cùng với ưu tiên chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời phải nhanh chóng thực hiện phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng, thực thi quy hoạch phát triển quốc gia để đón đầu sự phục hồi của nền kinh tế thế giới, kể cả “biến nguy thành cơ” nhằm thúc đẩy phát triển nhanh gắn với bền vững theo hướng bao trùm.

Điểm mấu chốt của kiểu phát triển nêu trên là liên kết phát triển các lĩnh vực xã hội khác nhau với sinh kế và đời sống của mọi người dân nhằm bảo đảm mỗi người và các cộng đồng xã hội phát triển toàn diện. Bởi lẽ, phát triển bền vững, dù có nhanh và đạt thành tựu đến đâu nếu mọi người dân không được tái tạo bền vững về thể chất, tinh thần, giới tính người thì hầu như không có ý nghĩa thực tế. Chẳng hạn hiện nay, sự giảm sút dân số và mất cân bằng giới tính là dấu hiệu tiêu cực về phát triển thiếu bền vững tại một số quốc gia phát triển.

Ở nước ta, trong thời gian tới, cần bảo đảm thúc đẩy phát triển nhanh gắn với bền vữngtheo hướng kết nối hài hòa giữa hoạt động sinh kế với việc giữ mức độ chênh lệch giàu nghèo không quá cao và chênh lệch đời sống giữa các vùng miền không quá lớn. Chỉ có như vậy mới tạo nên các quan hệ bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các giai tầng, các giới trong xã hội. Từ đó, bảo đảm công bằng xã hội và phát triển con người toàn diện theo các chỉ số HDI nhằm phát triển bền vững đời sống xã hội, đặc biệt trong việc tái sản sinh bền vững dân số với sự cân bằng giới tính và các thế hệ người. Đây là tiêu chí căn bản và tổng hợp quán xuyến tính bền vững của quá trình phát triển theo hướng bao trùm. Dấu hiệu về mức giảm sinh ở giới trẻ tại đô thị và cả ở nông thôn những năm gần đây đòi hỏi phải coi trong thực hiện yêu cầu phát triển này.

2. Phương hướng phát triển bao trùm

Thứ nhất, tham khảo kinh nghiệm quốc tế

Hiện nay, một số nước phát triển đang xây dựng mô hình xã hội “siêu thông minh”, “siêu hiệu quả” với tên gọi “xã hội 5.0”(6) để bảo đảm phát triển bao trùm gắn với bền vững. “Xã hội 5.0” tạo môi trường gắn kết tối ưu ba yếu tố: con người, thể chế và công nghệ; trong đó, con người là chủ thể - là trung tâm là tiêu chí cốt lõi để thực hiện phát triển nhanh gắn với bền vững bằng phương thức sáng tạo thông qua công nghệ thông minh và trí tuệ nhân tạo(7),… Mục tiêu của mô hình “xã hội 5.0” là vì con người và nhằm phát triển con người toàn diện. Đó cũng là định hướng cơ bản của phát triển bao trùm mà Việt Nam nên tham khảo.

Thứ hai, tiếp cận phát triển bao trùm     

Tiếp cận phát triển bao trùm theo các quan điểm sau đây của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030: 1. Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; 2. Lấy cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước; 3. Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; 4. Xây dựng nền kinh tế tự chủ phải trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hóa thị trường, nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế; 5. Chủ động, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia(8).

Thứ ba, mục tiêu và nhiệm vụ phát triển bao trùm

Mục tiêu phát triển bao trùm là: Phấn đấu “đến năm 2030, trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; xây dựng xã hội phồn vinh, dân chủ, công bằng, văn minh, trật tự, kỷ cương, an toàn, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân”. Phấn đấu “đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.Để đạt được mục tiêu trên, cần thực hiện tốt việc quản lý‎, điều tiết các nội dung cơ bản sau:

Về phát triển kinh tế, bảo đảm cơ hội được chia sẻ một cách công bằng và tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân thực hiện quyền sử dụng hợp pháp, hiệu quả các nguồn tài nguyên cho các hoạt động sinh kế. Mục đích là không tập trung mang lại lợi nhuận cho một nhóm người, không gạt ai ra bên lề cơ hội và kết quả phát triển nhằm tạo ra sự thịnh vượng công bằng cho tất cả mọi người gắn với bảo đảm bền vững môi trường sinh thái và những quyền cơ bản của con người.

Về phát triển lĩnh vực xã hội - văn hóa: Bảo đảm sự phân hóa giàu nghèo, phân hóa xã hội không tới đến phân cực, mâu thuẫn, xung đột xã hội đến mức không thể thực hiện được sự đồng thuận xã hội. Đồng thời, gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, con người bằng cách thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế và kinh tế văn hóa; coi trọng xây dựng văn hóa cầm quyền và lãnh đạo của Đảng, văn hóa quản trị theo nguyên tắc pháp quyền của bộ máy nhà nước và văn hóa lối sống trong xã hội, nhằm tạo môi trường sinh thái cho phát triển nhanh gắn với bền vững, bao trùm.

Về môi trường: Bảo đảm chất lượng môi trường sống của con người thông qua phát triển xanh trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, cơ bản dựa trên phát triển nông nghiệp sinh thái (hay nông nghiệp công nghệ sinh thái) theo kiểu kinh tế tuần hoàn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững. Bởi vì các quá trình này, ở mức độ khác nhau, đều tiêu thụ tài nguyên, từ đó tác động tiêu cực đến điều kiện tự nhiên cùng môi trường sống của con người.

Thực tế trong những năm gần đây, Việt Nam đã coi trọng hơn việc phát triển gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường. Thí dụ, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long; hạn chế những dự án đầu tư có công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường;...

Thứ tư, thể chế kinh tế - xã hội để phát triển bao trùm

Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN được tiếp tục xây dựng, hoàn thiện, phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại, văn minh gắn với thuộc tính pháp quyền để thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả; và phát huy vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước, vai trò động lực quan trọng của doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Thông qua đó, từng bước thực hiện việc bảo đảm quyền lợi của đại đa số người dân; đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương, tính công khai, minh bạch trong quản lý của Nhà nước, quản trị doanh nghiệp và trong khởi nghiệp của người dân.

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN thực sự là thể chế và công cụ pháp luật trong xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, vững mạnh nhằm bảo đảm thực hiện tốt chức năng phục vụ, kiến tạo phát triển. Trong đó, Nhà nước tập trung vào tạo lập: (a) Thể chế điều tiết nền kinh tế thị trường định hướng XHCN thông qua pháp luật; (b) Tạo lập kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội thuận lợi cho việc phục vụ nhu cầu của người dân và yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Đồng thời, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện, phát huy dân chủ XHCN nhằm bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân trong việc thiết lập cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước, nhất là đối với các chương trình phát triển theo cơ chế thị trường cũng như việc phòng, chống tham nhũng, tội phạm xã hội. Không ngừng củng cố, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, nhằm tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội.

Thứ năm, cách thức để phát triển bao trùm

Phát triển nhanh gắn với bền vững: Đối với một nước đang phát triển như Việt Nam luôn đòi hỏi phải phát triển nhanh bằng cách tranh thủ cơ hội của cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong điều kiện ấy, nhờý chí và khát vọng phát triển, nước ta cóthể đi tắt đón đầu những công nghệ tiên tiến, hợp tác với những tập đoàn lớn và để vươn lên thành quốc gia phát triển trên thế giới.Tốt nhấtlà phải đạt được tốc độ phát triển nhanh - GDP tăng khoảng 7- 8%/năm như xác định của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, gắn với phát triển bền vững để làm “cốt vật chất” cho bảo đảm phát triển bao trùm.

Phát triển sáng tạo: Chủ yếu dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đó là sáng tạo ra cái mới có giá trị cả trước mắt và lâu dài. Trong đó, cái mới là tiêu chí đầu tiên. Phát triển sáng tạo không chỉ gắn với đổi mới, mà trước tiên và cơ bản gắn với‎‎‎ ý chí, khát vọng của “sĩ khí quốc dân” và khởi nghiệp sáng tạo.

Trong điều kiện Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tiêu chí của phát triển bao trùm ở Việt Nam phải tiệm cận với tiêu chí quốc tế và phản ánh mức độ đạt được ở tầm khu vực hay thế giới. Thí dụ, thông qua bộ chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index - GII) được đánh giá bằng 7 tiêu chí gồm: thể chế, kinh tế, hạ tầng, thị trường vốn, môi trường kinh doanh, nhân lực. Mới đây, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023 (Global Innovation Index 2023- GII 2023). Theo đó, Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022. Việt Nam duy trì vị trí thứ hai trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp. Nước có thu nhập trung bình thấp xếp trên Việt Nam là Ấn Độ với thứ hạng 40. Ngoài ra, có 5 quốc gia có thu nhập trung bình xếp trên Việt Nam là Trung Quốc (xếp thứ 12), Malaixia (xếp thứ 36), Bungari (xếp thứ 38), Thổ Nhĩ Kỳ (xếp thứ 39) và Thái Lan (xếp thứ 43)(9).

Tình hình trên cho thấy, việc nâng cao năng lực phát triển sáng tạo của nước ta cần phải bền vững hơn. Đây là thách thức không nhỏ, bởi phát triển sáng tạo hiện vẫn  vấp phải không ít rào cản. Chẳng hạn, chất lượng tăng trưởng còn thấp; đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế thấp; hệ số sử dụng vốn (ICOR) cao,... Khu vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm gần 14% GDP và 70% dân số sống ở nông thôn chủ yếu phụ thuộc vào khu vực kinh tế này. Riêng khu vực kinh doanh nhỏ lẻ tự phát, những người bán hàng rong chưa có các biện pháp hiệu quả để quản lý, điều tiết, có số lượng lao động hơn 10 triệu việc làm trong tổng số hơn 50 triệu lao động cả nước. Những hạn chế này khiến năng lực cạnh tranh quốc gia chưa được cải thiện nhiều, đặc biệt về thể chế kinh tế, kết cấu hạ tầng, đổi mới công nghệ; từ đó gây bất lợi cho năng lực sáng tạo để làm cơ sở thúc đẩy kết nối hiệu quả hơn giữa phát triển kinh tế nhanh với phát triển bền vững theo hướng bao trùm.

Do vậy, cần tiếp tục coi doanh nghiệp là trung tâm của “hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia” với các giải pháp nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp,... Doanh nghiệp phải là chủ thể đi đầu trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ, trước hết là AI và IT.

Chủ động phát triển an toàn và mạnh dạn điều chỉnh theo hướng tích cực nhằm “biến nguy thành cơ” và giảm đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế, bằng các giải pháp sao cho phù hợp với từng địa phương trong quá trình thực hiện chuỗi mục tiêu của phát triển bao trùm thông qua phát triển nhanh gắn với bền vững. Trong đó, trước hết phải khơi dậy, thúc đẩy quyền của cá nhân và cộng đồng để phát huy “sĩ khí quốc dân” được thể hiện ở lòng yêu nước, ý thức cộng đồng, sự cống hiến, hy sinh, đổi mới sáng tạo, truyền thống tương thân, tương ái, nêu cao hình ảnh, uy tín của hệ thống chính trị, của đất nước trong phát triển bao trùm. Đồng thời, cần tiếp tục thực hiện dân chủ XHCN và thể chế pháp quyền trong mỗi cơ quan, tổ chức nhằm kết hợp hài hòa sự chủ động sáng tạo và tính kỷ luật, kỷ cương của các cá nhân và tập thể.

Tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số để tận dụng thời cơ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc mạnh dạn thực hiện một cách hệ thống, từ hội họp trực tuyến, giáo dục, đào tạo trực tuyến, tư vấn khám, chữa bệnh trực tuyến, dịch vụ công trực tuyến, quản lý con người bằng định dạng điện tử (thay cho quản lý bằng sổ hộ khẩu),... cho đến maketing điện tử, hợp đồng sản xuất - tiêu thụ điện tử, sản xuất công, nông nghiệp, thanh toán điện tử theo kiểu công nghiệp 4.0,... sẽ thúc đẩy một nước đang phát triển như Việt Nam “đi tắt đón đầu” vào “xã hội số hóa” hay “xã hội 5.0”. Cùng với sự hỗ trợ của các tính năng tiện lợi của các dịch vụ “xã hội 5.0”, những tập quán, phong tục lạc hậu trong cuộc sống, trong sinh hoạt sẽ dần bị xóa bỏ.

Phát triển xanh: Nhằm thực hiện chủ trương về phát triển kinh tế xanh theo hướng bao trùm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25-9-2012 về “Phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh” thời kỳ 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là bản chiến lược đầu tiên, toàn diện về lĩnh vực phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam, phù hợp với điều kiện trong nước và bắt kịp với xu hướng chung trên thế giới. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh nêu rõ: “Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu... Tăng trưởng xanh dựa trên tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế ”(10).

Ngày 28-10-2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2053/QĐ-TTg về Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Pari về biến đổi khí hậu. Kế hoạch xác định 5 nhóm nhiệm vụ: “Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; thích ứng với biến đổi khí hậu; chuẩn bị nguồn lực; thiết lập hệ thống công khai, minh bạch (MRV); xây dựng và hoàn thiện chính sách, thể chế”. Riêng hai nhóm nhiệm vụ: giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu có 38 trên tổng số 68 nhiệm vụ, tập trung vào sử dụng năng lượng sạch, tăng trưởng xanh, tái cơ cấu các ngành kinh tế, phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư(11).

Mục tiêu là: “Tiến hành đồng thời các giải pháp thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo đảm an toàn tính mạng con người và tài sản; tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của con người và các hệ thống tự nhiên; tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế cácbon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bao trùm. Tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xanh hóa các ngành hiện có và khuyến khích phát triển các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên với giá trị gia tăng cao”. Việc thực hiện “Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu” gắn với thực hiện “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh” sẽ tích cực thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về bảo vệ khí hậu trái đất(12).

Những căn cứ pháp lý nêu trên để thực hiện phát triển xanh nhằm đạt được các chỉ tiêu cơ bản: Chỉ tiêu tổng hợp (GDP xanh, chỉ số phát triển con người, chỉ số bền vững môi trường); Chỉ tiêu về kinh tế (hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, năng suất lao động xã hội, mức giảm tiêu hao năng lượng để sản xuất ra một đơn vị GDP, chỉ số giá tiêu dùng...); Chỉ tiêu về xã hội (tỷ lệ nghèo, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ lao động đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo, tỷ số giới tính khi sinh, hệ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập...); Chỉ tiêu về tài nguyên, môi trường (tỷ lệ che phủ rừng, tỷ lệ đất được bảo vệ, diện tích đất bị thoái hóa,...).

Nhằm đạt được các chỉ tiêu cơ bản nêu trên, cần tổ chức triển khai, thực hiện các phương hướng: (i) Sử dụng có hiệu quả tài nguyên, đặc biệt tài nguyên không tái tạo gắn với bảo vệ chặt chẽ các hệ sinh thái nhạy cảm, bảo vệ đa dạng sinh học, đồng thời kiểm soát và giảm thiểu phát thải khí nhà kính bằng kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ; (ii) Phát triển kinh tế nhanh nhưng không vượt quá ngưỡng chịu tải của hệ sinh thái; (iii) Giảm thiểu xả thải, khắc phục ô nhiễm (nước, khí, đất, lương thực, thực phẩm) và giải quyết nhanh chóng và triệt để những hệ lụy tới môi trường, đặc biệt giải quyết tốt vấn nạn rác thải ở đô thị, nông thôn (tại từng làng, từng xã).

TS TRẦN THÙY LINH
Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên

Theo Tạp chí Lý luận chính trị

_________________

(1)  Việt Nam có thể khôi phục đà phát triển con người: UNDP, https://www.undp.org/, ngày 9-9-2022.

(2) Phạm Thanh Bình: Phát triển bền vững ở Việt Nam: Tiêu chí đánh giá và định hướng phát triển đến năm 2030, https://tapchinganhang.gov.vn/, ngày 24-8-2020.

(3) Tô Hà:Quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt khoảng 430 tỷ USD, https://nhandan.vn/,

ngày 1-1-2024.

(4) Xem: Ngô Thắng Lợi: Tác động của tăng trưởng kinh tế đến phát triển con người ở Việt Nam, https://mof.gov.vn/, truy cập ngày 20-9-2023.

 (5) Tổng cục Thống kê: Bức tranh tăng trưởng năm 2023 và triển vọng phát triển kinh tế năm 2024, https://www.gso.gov.vn/,  ngày 5-1-2024.

(6) Xem: Center for Research and Development Strategy - Japan Science and Technology Agency (2016), Future Services & Societal Systems in Society 5.0, November 2016, truy cập ngày 20-9-2023.

(7) Xem: http//www8.cao.go.jp/cstp/english/society5_0/index.html, truy cập ngày 20-9-2023.

(8) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.214-216.

(9) Xem: https://vneconomy.vn/viet-nam-tang-2-bac-xep-hang-chi-so-doi-moi-sang-tao-toan-cau-nam-2023.htm, truy cập ngày 20-9-2023.

(10) Xem: Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25-9-2012 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”.

(11) Xem Phụ lục:Các nhiệm vụ thực hiện thỏa thuận Pari về khí hậu (Ban hành kèm theo Quyết định số 2053 ngày 28-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ).

(12) Xem:XIV. Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh (Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26-8-2016 của Chính phủ).

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều