Phát triển kinh tế - xã hội bền vững vùng dân tộc biên giới Việt - Trung góp phần giữ vững quốc phòng, an ninh hiện nay

(Mặt trận) -  Khu vực tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của nước ta; với tiềm năng lợi thế về nông, lâm nghiệp, khoáng sản, du lịch, xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu đất liền và cảng biển; là khu vực có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với bản sắc văn hóa độc đáo riêng; có mối quan hệ lâu đời với các dân tộc thiểu số của Trung Quốc. Bài viết đưa ra một số giải pháp phát triển kinh tế - xã hội bền vững vùng dân tộc biên giới Việt - Trung, góp phần giữ vững quốc phòng, an ninh hiện nay.

Khu vực tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc gồm 7 tỉnh (Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh), là một bộ phận lãnh thổ trọng yếu của Tổ quốc Việt Nam thống nhất, là địa đầu án ngữ và cũng là cửa ngõ đường bộ của các quốc gia phương Bắc tiến xuống vùng Đông Nam Á và các quốc gia từ phía Tây đi sang, khai thông ra biển Thái Bình Dương. Phía Tây và phía Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc), phía Đông giáp tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) và biển Đông. Phía Nam và Tây Nam giáp các tỉnh: Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Kạn, phía Đông Nam giáp Hải Phòng, Bắc Ninh và biển Đông.

Do phát triển không đồng đều, các điều kiện tự nhiên, kết cấu hạ tầng còn thấp kém, phong tục tập quán còn lạc hậu, trình độ dân trí hạn chế, nền sản xuất hàng hoá còn kém phát triển, chủ yếu là sản xuất tự cung, tự cấp, trình độ canh tác hạn chế thiếu dịch vụ thông tin, dịch vụ kỹ thuật hỗ trợ sản xuất công nghiệp và nông nghiệp chưa được đảm bảo... Từ những nguyên nhân trên nên sự phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh trên còn thấp so với mức bình quân chung của cả nước. Hiện nay, vùng biên giới Việt - Trung, GDP bình quân đầu người còn thấp so với cả nước, công nghiệp phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng và các ngành công nghiệp chưa hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Năng suất lao động nông nghiệp còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước, phát triển kinh tế chưa thật sự bền vững, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Chính vì vậy, ngày 7/11/1991, Hiệp định về bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được ký kết, đây là tiền đề quan trọng để Việt Nam và Trung Quốc ký một loạt Hiệp định và văn bản khác. Một sự kiện quan trọng đối với các tỉnh biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc là hoàn thành phân giới, cắm mốc giữa hai nước. Đây là bước phát triển mới và quan trọng, mở ra cơ hội mới trong giao lưu kinh tế, thương mại, du lịch, đặc biệt là góp phần tăng cường quan hệ giữa các tỉnh biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời là cơ sở pháp lý rất quan trọng để mỗi nước quản lý và duy trì sự ổn định ở vùng biên giới, thực hiện chủ trương xây dựng biên giới Việt - Trung hòa bình, hữu nghị, hợp tác và ổn định lâu dài cho nhân dân hai nước nói chung và đồng bào các dân tộc vùng biên giới nói riêng.

Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới Việt - Trung

BĐBP Lai Châu và Chi đội Quản lý Biên giới Hồng Hà, Trạm kiểm tra Biên phòng xuất, nhập cảnh Kim Thủy Hà (Vân Nam, Trung Quốc) phối hợp tổ chức hoạt động tuần tra liên hợp chấp pháp trên biên giới.               (Ảnh minh họa)


Thứ nhất
, tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong đó đặc biệt là quán triệt tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 1/8/2022 của Chính phủ về Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Thứ hai, ổn định, phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc hai bên biên giới Việt - Trung là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, đảm bảo phát triển bền vững quốc gia.

Thứ ba, phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, khai thác có hiệu quả mối quan hệ nội, ngoại vùng, các thế mạnh về nông nghiệp, lâm nghiệp, khoáng sản, du lịch, văn hoá, sinh thái và cảnh quan trên cơ sở gắn Quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn, quy hoạch ổn định dân cư các xã biên giới Việt - Trung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thứ tư, phát triển kinh tế - xã hội phải đảm bảo ổn định, chống ly khai, chia rẽ dân tộc dưới mọi hình thức.

Thứ năm, phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế phải đảm bảo giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc, giữ vững quốc phòng, an ninh, tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác, phát triển bền vững.

Thứ sáu, cần cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược bảo vệ Tổ quốc; trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; trong từng địa phương, vùng, địa bàn chiến lược và trong từng nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch cụ thể theo tinh thần Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Thứ bảy, biên giới quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị. Nhận thức rõ vị trí, vai trò của sự nghiệp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị mang tính chiến lược, cơ bản, lâu dài về công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Đặc biệt, phải dựa vào Dân, lấy Dân làm gốc, Nhân dân là chủ thể, “mỗi người dân là một cột mốc sống”; lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, Bộ đội biên phòng là lực lượng chuyên trách.

Tình hình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc khu vực biên giới Việt - Trung

Đầu tư phát triển các khu công nghiệp, thương mại… phát huy lợi thế so sánh của các xã biên giới là phù hợp với xu thế, chiến lược phát triển kinh tế đất nước. Từ năm 1999, tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều chính sách đầu tư, ưu đãi đối với khu kinh tế cửa khẩu Tân Thanh với những trang thiết bị, cơ sở hạ tầng khá đầy đủ, đến nay vùng này đã có sự phát triển khá mạnh. Còn ở tỉnh Lào Cai, trong lộ trình quy hoạch, đầu tư phát triển kinh tế cửa khẩu, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa khu vực vùng Cốc Lếu - Hà Khẩu đã có nhiều khu đô thị và công nghiệp mới, kéo theo sự nâng cấp hệ thống đường sá, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí…

Tuy nhiên, đối với đồng bào dân tộc thiểu số sống ở khu vực này, do nhiều nguyên nhân khác nhau, sinh kế chủ yếu vẫn dựa vào nông - lâm nghiệp, các ngành nghề truyền thống, vẫn chưa phát triển do thiếu vốn, thiếu kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm về thị trường, hội nhập, sản xuất hàng hóa, trang trại… Vì vậy, đồng bào chưa thích ứng được sự thay đổi, chuyển đổi ngành nghề. Biểu hiện là các chủ doanh nghiệp, tư thương, chủ cửa hàng buôn bán nhỏ… là đồng bào dân tộc tại chỗ rất ít, nhiều xã không có. Lao động trong các khu công nghiệp, khu thương mại, phần lớn là người kinh, người dân tộc thiểu số ít được tham gia trực tiếp, hưởng lợi từ các hoạt động này. Sự bất cập này, thể hiện rất rõ nguồn lao động là người dân tộc thiểu số tuy nhiều nhưng chất lượng còn thấp, cả về trình độ học vấn và đào tạo nghề chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra hiện nay.

Mặc dù, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đã có chủ trương, chính sách về đào tạo nghề đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng còn nhiều lúng túng trong việc lựa chọn nội dung và phương pháp đào tạo. Hiện nay, tỷ lệ đồng bào dân tộc được đào tạo nghề còn rất thấp, nhất là đối với vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa còn thấp hơn rất nhiều so với các vùng khác trong cả nước.

Sự bất cập trong việc quy hoạch tổng thể phát triển các khu kinh tế cửa khẩu là định hướng đào tạo nghề cho các hộ gia đình bị thu hồi đất, mất đất do làm hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, khu thương mại đã khiến nhiều hộ gia đình người dân tộc thiểu số rơi vào tình trạng hết sức khó khăn trong việc lựa chọn nghề nghiệp thích hợp với khả năng, trình độ và điều kiện sống của họ.

Bên cạnh đó, hội nhập, mở cửa thông thương biên giới, ngoài những yếu tố tích cực, việc dễ dàng đi lại thăm thân, buôn bán cũng bị các thế lực thù địch lợi dụng để truyền bá tôn giáo và kích động diễn biến tâm lý trong vùng đồng bào dân tộc. Đặc biệt là tuyên truyền lối sống phương Tây, làm biến đổi những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc.

Đồng thời, trong quá trình mở cửa, hội nhập đã tạo ra những cơ hội, nhưng cũng có nhiều thách thức đáng quan tâm. Những vấn đề trên đã và đang làm ảnh hưởng đời sống của cộng đồng các dân tộc nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới nói riêng. Những thách thức này đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp tục quan tâm, nghiên cứu, có những giải pháp, giải quyết, điều hành hiệu quả.

Chính sách dân tộc đối với khu vực biên giới Việt - Trung

Về chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số tuyến biên giới Việt - Trung trên mọi mặt của đời sống... Ngoài những chính sách chung đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, khu vực này còn có những chính sách đặc thù riêng, trong đó phải kể đến các nhóm chính sách như:

- Nhóm chính sách phát triển vùng: Quyết định số 186/2001/QĐ-TTg, ngày 7/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ về định hướng phát triển kinh tế - xã hội 6 tỉnh đặc biệt khó khăn miền núi phía Bắc; Quyết định số 120/2003/QĐ-TTg, ngày 11/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tuyến biên giới Việt - Trung đến năm 2010; và Quyết định số 25/2008/QĐ-TTg, Quyết định số 26/2008/QĐ-TTg, Quyết định số 27/2008/QĐ-TTg ngày 5/2/2008 của Thủ tướng Chính phủ (thay thế các Quyết định số 186, Quyết định số 168, Quyết định số 173) về việc ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đến năm 2010. Các chương trình lớn là Nghị quyết số 37, Nghị quyết số 39 về phát triển kinh tế-xã hội miền núi phía Bắc và miền Trung, Nghị quyết số 30a/NQ-CP của Chính phủ về giảm nghèo nhanh bền vững cho 62 huyện nghèo (nay là 63 huyện nghèo), Chương trình Nông thôn mới, Chương trình Mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025)...

- Nhóm chính sách hỗ trợ theo từng lĩnh vực:

+ Chính sách hỗ trợ trực tiếp đối với hộ nghèo giải quyết đất đai, nhà ở, nước sinh hoạt như: Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn. Bao gồm các quyết định cụ thể hoá: Quyết định số 146/2005/QĐ-TTg ngày 15/6/2005 về chính sách thu hồi đất sản xuất của các nông trường, lâm trường để giao cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; Quyết định số 57/2007/QĐ-TTg ngày 5/4/2007 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 146/2005/QĐ-TTg ngày 15/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách thu hồi đất sản xuất của các nông trường, lâm trường để giao cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; Quyết định số 198/2007/QĐ-TTg về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 03/2005/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ ban hành quy định về khai thác gỗ để hỗ trợ nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn theo Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg; Quyết định số 1592/2009/QĐ-TTg ngày 12/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg.

+ Chính sách giải quyết vấn đề du canh du cư, di dân tự do, ổn định và xắp xếp lại dân cư, gồm Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg ngày 5/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2007 - 2010; Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg, ngày 24/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, xung yếu và rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng giai đoạn 2006 - 2010 và hướng dẫn đến năm 2015; Quyết định số 60/2005/QĐ-TTg, ngày 24/3/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch ổn định dân cư các xã biên giới Việt - Trung đến năm 2010.

+ Chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn Chương trình 135: Quyết định số 164/2006/QĐ-TTg, ngày 11/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu vào diện đầu tư Chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010.

+ Quyết định số 112/2007/QĐ-TTg ngày 20/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật thuộc Chương trình 125 giai đoạn 2... và Thông tư số 06/2007 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 112/QĐ-TTg.

+ Quyết định số 113/2007/QĐ-TTg ngày 20/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách xã hoàn thành mục tiêu Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới và vùng sâu,vùng xa giai đoạn 1999 - 2005 và bổ sung các xã, thôn, bản vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II và các xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo vào diện đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010...

+ Chính sách phát triển cơ sở hạ tầng: Gồm 4 quyết định như: Quyết định số 66/2000/QĐ-TTg, Quyết định số 132/QĐ-TTg, Quyết định số 184/QĐ-TTg, Quyết định số 210/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế tài chính phát triển đường giao thông nông thôn và thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương.

+ Nhóm chính sách đất đai: Có 7 văn bản, gồm Luật Đất đai và sửa đổi một số điều của Luật Đất đai, 5 Nghị định của Chính phủ và 1 thông tư liên tịch hướng dẫn về: Hướng dẫn thi hành luật; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Thuê đất, thuê mặt nước và việc giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp.

+ Nhóm chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn: Quyết định số 167/2001/QĐ-TTg, Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ...) về quy hoạch và định hướng phát triển ngành rau quả, điều, bò sữa, chăn nuôi; Nghị định số 56/2005/NĐ-CP ngày 26/4/2005 của Chính phủ về khuyến nông, khuyến ngư và Thông tư hướng dẫn thực hiện dự án khuyến nông - lâm - ngư; Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg ngày 5/7/2004 Phê duyệt Chương trình xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2004 đến năm 2010; chính sách về kinh tế trang trại và chính sách về phát triển hợp tác xã (gồm Luật, 2 Nghị định về tổ chức hoat động của Tổ hợp tác; chính sách phát triển Hợp tác xã; 2 quyết định về thành lập Quỹ và lãi suất cho vay vốn Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã)...

+ Nhóm chính sách về lâm nghiệp và môi trường: Liên quan đến các vấn đề Quy hoạch lâm nghiệp; Quản lý và bảo vệ rừng; Giao đất, rừng và cho thuê đất rừng; Trồng mới 5 triệu ha rừng. Gồm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, 2 nghị định thi hành luật; 6 quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (Quyết định số 661/1998/QĐ-TTg ngày 29/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 100/2007/QĐ-TTg ngày 6/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 661/QĐ-TTg ngày 29/7/1998 về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng; Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg ngày 12/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ về quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp; Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007-2015; Quyết định số 104/2007/QĐ-BNN ngày 27/12/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Quy chế quản lý hoạt động du lịch sinh thái tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên...

+ Chính sách thương mại: Nghị định số 20/1998/NĐ-CP ngày 31/3/1998 của Chính phủ về phát triển thương mại miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc; Nghị định số 02/2002/NĐ-CP ngày 31/1/2002 của Chính phủ về sửa đổi một số điều của Nghị định 20/1998/NĐ-CP; Thông tư số 07/2002/TTLT của liên Bộ hướng dẫn thi hành 2 Nghị định trên; 2 quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đầu tư từ Quỹ hỗ trợ phát triển và Quản lý Quỹ bảo hiểm sản xuất ngành hàng.

+ Chính sách tạo việc làm và đào tạo nghề nông thôn: Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 7/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn; 2 quyết định và 2 thông tư hướng dẫn về ngân sách nhà nước hỗ trợ và cơ chế tài chính thực hiện dự án hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản và làng nghề; Nghị định số 134/2004/NĐ-CP ngày 9/6/2004 của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn. 2 thông tư hướng dẫn thực hiện sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế khuyến công và khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn; Quyết định số 267/2005/QĐ-TTg ngày 31/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số nội trú; Quyết định số 81/2005/QĐ-TTg ngày 18/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho thanh niên nông thôn.

+ Chính sách y tế và cải thiện dịch vụ xã hội khác: Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về khám chữa bệnh cho người nghèo; Quyết định số 277/2006/QĐ-TTg ngày 11/12/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006 - 2010; Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc về phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 của Chính phủ ban hành sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế;…

+ Chính sách giáo dục: Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; Quyết định số 159/2002/QĐ-TTg ngày 15/11/2002 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt đề án thực hiện chương trình kiên cố hoá trường học; Nghị định số 49/2015/NĐ-CP ngày 15/5/2015 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2006/NĐ-CP; Quyết định số 194/2001/QĐ-TTg ngày 21/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh mức học bổng chính sách và trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các trường đào tạo công lập quy định tại Quyết định 1121/1997/QĐ-TTg ngày 23/12/1997 của Thủ tướng Chính phủ về học bổng và trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên các trường đào tạo công lập; Thông tư liên tịch số 53/1998/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 25/8/1998 của Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn thực hiện chế độ học bổng và trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên dân tộc các trường công lập; Thông tư liên tịch số 13/2002/TTLT- BGDĐT-BTC, ngày 28/3/2002 của Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện Quyết định số 194/2001/QĐ-TTg ngày 21/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh mức học bổng chính sách và trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các trường đào tạo công lập quy định tại Quyết định 1121/1997/QĐ-TTg ngày 23/12/1997 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư liên tịch số 18/2009/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH, ngày 3/8/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung khoản 4 mục I Phần II Thông tư liên tịch số 53/1998/TTLT/BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 28/5/1998 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ học bổng và trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên các trường đào tạo công lập...

Đây là nhóm chính sách có tác động trực tiếp nhất đến phát triển nông lâm nghiệp, đời sống người dân, miền núi, vùng cao.

Về chính sách của Đảng và Nhà nước Trung Quốc

Một là, chính sách Hưng biên phú dân.

Các dân tộc thiểu số ở miền Tây của Trung Quốc tiếp giáp với Việt Nam chủ yếu gồm 2 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây. Dân tộc thiểu số sống ở vùng biên giới của Trung Quốc có nhiều đặc điểm tương đồng với dân tộc biên giới phía Việt Nam: Điều kiện tự nhiên và cơ sở hạ tầng, trình độ phát triển thấp, đời sống gặp rất nhiều khó khăn... Trước thực trạng trên, từ năm 2000, Ủy ban Dân tộc Trung Quốc đã trình Chính phủ phê duyệt chương trình ”Hưng biên phú dân”. Đây là một trong những chính sách có ý nghĩa chiến lược quốc gia rất lớn, mang lại niềm vui cho cộng đồng dân tộc sống ở vùng biên giới xa xôi, khó khăn của đất nước.

Mục tiêu của chương trình này là: Vùng biên giới phát triển, dân giàu, nước mạnh. Với mục tiêu này, các nhiệm vụ cụ thể được đầu tư, triển khai là: Xóa đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng (Điện, nước, đường giao thông, thông tin); phát triển giáo dục và dạy nghề với mục tiêu lớn là phổ cập giáo dục 9 năm, phố biến kiến thức về chấn hưng biên giới; quy hoạch sản xuất, phát triển ngành nghề có lợi thế phù hợp với nguồn tài nguyên thiên nhiên; xây dựng, đầu tư phát triển các trung tâm biên mậu, gắn sản xuất với xuất khẩu; xây dựng và bảo vệ rừng sinh thái.

Đây là một trong những chính sách lớn trong chiến lược phát triển tuyến hành lang biên giới của Trung Quốc. Chính sách này không chỉ có ý nghĩa to lớn bảo vệ Tổ quốc, đồng thời còn tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mang lại niềm tin, ổn định dân cư đối với các dân tộc thiểu số của Trung Quốc.

Hai là, chính sách “xã hội khá giả toàn diện vùng Vân Nam và Quảng Tây”.

Xây dựng xã hội khá giả vùng Vân Nam và Quảng Tây là một trong những chiến lược phát triển vùng biên giới của Trung Quốc. Hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây có đường biên giới tiếp giáp với Việt Nam, Lào, Myanmar. Đây là hai tỉnh biên giới có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống.

Việc phát triển xã hội khá giả toàn diện của hai tỉnh được Chính phủ Trung Quốc quan tâm và đầu tư nhiều. Mục tiêu, nhiệm vụ trọng điểm của chương trình “xã hội khá giả toàn diện vùng Vân Nam và Quảng Tây” là: Đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, thông tin hóa; đẩy nhanh tiến trình thị trường hóa, đô thị hóa; đẩy nhanh tiến trình quốc tế hóa; nâng cao toàn diện đời sống người dân; thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa chính trị.

Chương trình được thực hiện từ năm 2003 đến nay đã mang lại những hiệu quả rõ rệt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện nhiều về mọi mặt.

Như vậy, có thể nói, vùng dân tộc tuyến biên giới Việt Nam và Trung Quốc, cả hai quốc gia đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ phát triển, ổn định đời sống của người dân. Tuy nhiên, đây là vùng có điều kiện tự nhiên, địa hình rất khó khăn, vì vậy việc tổ chức thực hiện chính sách về khách quan còn nhiều hạn chế, đòi hỏi định suất đầu tư cao.

Vì vậy, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, là một nước đang phát triển, để đảm bảo ổn định, giữ vững chủ quyền quốc gia, Việt Nam cần phải có những chính sách đột phá, bền vững đối với người dân, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh khu vực biên giới theo tinh thần của Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra. Đồng thời, tập trung nguồn lực thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình 1719) trong thời gian tới..

NGUYỄN DUY DŨNG - Thạc sĩ, Tạp chí Nghiên cứu Dân tộc

** HOÀNG ĐỨC THÀNH -  Thạc sĩ, Học viện Quốc phòng, Bộ Quốc phòng

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều