Phát triển và vận dụng sáng tạo di sản tư tưởng V.I. Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam

(Mặt trận) - V.I.Lênin đã để lại di sản tư tưởng đồ sộ, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với cách mạng thế giới và Việt Nam. Trên cơ sở khái quát sự vận dụng sáng tạo, bổ sung, phát triển di sản tư tưởng của V.I.Lênin và đánh giá tổng quan những thành tựu sau hơn 35 năm đổi mới đất nước, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm tiếp tục phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam.

V.I.Lênin (22/4/1870 - 21/1/1924) - nhà hoạt động chính trị kiệt xuất, nhà triết học lỗi lạc, lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân và nhân dân lao động thế giới. Lịch sử thế giới đã ghi nhận tên tuổi và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của V.I.Lênin luôn gắn liền với những cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong xã hội loài người.

Chủ nghĩa Mác-Lênin - thành tựu vĩ đại trong lịch sử phát triển tư tưởng của nhân loại đã làm chủ nghĩa Mác từ lý luận trở thành hiện thực, là di sản vô giá sống mãi trong sự nghiệp đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới; là một trong những nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam và cách mạng Việt Nam.

Di sản tư tưởng lý luận của V.I.Lênin

V.I. Lê-nin - Lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản toàn thế giới_Ảnh: Tư liệu 
Thứ nhất, V.I.Lênin đã bảo vệ, phát triển sáng tạo các nguyên lý của chủ nghĩa Mác, đặc biệt là các nguyên lý, quy luật của chủ nghĩa xã hội khoa học. Người nhắc nhở: “Phải luôn luôn tuyên truyền, bảo vệ khỏi mọi sự xuyên tạc và phát triển hơn nữa hệ tư tưởng của giai cấp vô sản - học thuyết chủ nghĩa xã hội khoa học, tức là chủ nghĩa Mác”2. V.I.Lênin đã quán triệt sâu sắc và luôn bổ sung, phát triển sáng tạo học thuyết Mác từ chính thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga. Thực tiễn của cách mạng, những biến đổi của đời sống chính trị - xã hội, kinh tế - xã hội và đặc điểm của từng quốc gia, dân tộc chính là căn cứ để V.I.Lênin vận dụng, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác. Người nhấn mạnh quan điểm khoa học - thực tiễn về chủ nghĩa xã hội: “Không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng”3. Những bổ sung, phát triển của V.I.Lênin từ rất nhiều bình diện: Về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, về cách mạng vô sản, về chuyên chính vô sản và dân chủ vô sản, về vấn đề dân tộc, về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa... Quan điểm duy vật biện chứng, duy vật lịch sử và quan điểm phát triển của chủ nghĩa Mác luôn được V.I.Lênin quán triệt, áp dụng triệt để, toàn diện.

Thứ hai, V.I.Lênin đã xây dựng lý luận kinh điển về Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân. V.I.Lênin đã có những cống hiến lý luận to lớn về các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, về công tác tư tưởng, lý luận của Đảng và về tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất của người cán bộ, đảng viên.

Người đã chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho việc thành lập Đảng Bônsêvích Nga, lãnh đạo nhân dân Nga làm nên cuộc Cách mạng Tháng Mười vĩ đại. Người chỉ rõ: “Chỉ đảng nào được một lý luận tiên phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiên phong”4.

V.I.Lênin cảnh báo nguy cơ suy yếu có thể xảy ra đối với một Đảng là sai lầm về đường lối và quan liêu, xa rời quần chúng, kiêu ngạo cộng sản. Người nhấn mạnh, Đảng phải thực hiện dân chủ trong nội bộ, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, chống mọi biểu hiện bè phái. Mặt khác, V.I.Lênin đã đấu tranh không khoan nhượng với các trào lưu cơ hội, xuyên tạc những nguyên tắc xây dựng Đảng.

Người không những đã tổ chức, rèn luyện Đảng Bônsêvích Nga lớn mạnh, mà còn tạo dựng cơ sở lý luận về xây dựng Đảng Cộng sản, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội: “Không có một đảng sắt thép được tôi luyện trong đấu tranh, không có một đảng được sự tín nhiệm của tất cả những phần tử trung thực trong giai cấp, không có một đảng biết nhận xét tâm trạng của quần chúng và biết tác động vào tâm trạng đó thì không thể tiến hành thắng lợi cuộc đấu tranh ấy được”5.

Thứ ba, V.I.Lênin đã vận dụng, bổ sung, phát triển sáng tạo lý luận của C.Mác về quy luật cách mạng không ngừng. Từ thực tiễn của nước Nga đương đại, V.I.Lênin đã bổ sung, phát triển, làm sinh động thêm lý luận về quá trình chuyển biến từ cách mạng dân chủ tư sản lên cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới: “Từ cách mạng dân chủ, chúng ta sẽ bắt đầu... chuyển ngay lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta chủ trương làm cách mạng không ngừng. Chúng ta quyết không dừng lại nửa chừng”6.

Trên cơ sở hoàn thành các nhiệm vụ dân tộc, dân chủ tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, cống hiến to lớn này của V.I.Lênin đã chỉ ra con đường cách mạng ở nhiều quốc gia, khu vực khác nhau. V.I.Lênin đã vạch ra con đường cách mạng vô sản, đã lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, dẫn đến sự ra đời nhà nước công - nông đầu tiên trên thế giới, mở ra thời đại lịch sử mới - thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Trong di sản tư tưởng, lý luận của V.I.Lênin về cách mạng vô sản, Người đã chỉ ra một chân lý vĩ đại là: Sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản không thể tách rời sự nghiệp giải phóng các dân tộc bị áp bức: “Không có sự đồng tình và ủng hộ của đại đa số nhân dân lao động... đối với giai cấp vô sản thì cách mạng vô sản không thể thực hiện được”7. Người đã bổ sung vào câu khẩu hiệu cách mạng nổi tiếng của C.Mác và Ph.Ăngghen: “Vô sản tất cả các nước liên kết lại” thành khẩu hiệu: “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại”.

Thứ tư, V.I.Lênin đã tổng kết thực tiễn để phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Hàng loạt vấn đề mới về chủ nghĩa xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội được V.I.Lênin bổ sung, phát triển sáng tạo: “Tất cả các dân tộc đều sẽ đi lên chủ nghĩa xã hội, đó là điều không thể tránh khỏi, nhưng tất cả các dân tộc đều tiến tới chủ nghĩa xã hội không phải một cách hoàn toàn giống nhau.

Mỗi dân tộc sẽ đưa đặc điểm của mình vào hình thức này hay hình thức khác của chế độ dân chủ, vào loại này hay loại khác của chuyên chính vô sản, vào nhịp độ này hay nhịp độ khác của việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các mặt khác nhau của đời sống xã hội”8. Đặc biệt, V.I.Lênin chỉ rõ tính phức tạp, lâu dài của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, nhất là hình thức quá độ gián tiếp, vì vậy, phải kiên nhẫn bắc những “nhịp cầu nhỏ”, vừa tầm, lựa chọn những giải pháp trung gian, quá độ phù hợp.

Di sản tư tưởng của V.I.Lênin với thực tiễn cách mạng Việt Nam

Một là, kiên định, nghiên cứu và vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Lênin nói riêng, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung phù hợp với bối cảnh mới của tình hình thế giới và thực tiễn đất nước. Tiếp tục đẩy mạnh học tập và triển khai Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 9/2/2018 của Ban Bí thư (khóa XII) về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới”, coi đây là nội dung quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng Đảng về mặt tư tưởng, vừa có vai trò nền tảng, vừa có vị trí then chốt trong tình hình hiện nay.

Chú trọng việc thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 9/10/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030” để triển khai nghiên cứu lý luận gắn với Quy định số 285-QĐ/TW ngày 25/4/2015 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị trong các cơ quan Đảng, Nhà nước”.

Thường xuyên đổi mới, tạo môi trường khuyến khích sáng tạo trong hoạt động nghiên cứu lý luận chính trị và tôn trọng, tiếp thu và sử dụng kết quả tổng kết thực tiễn. Tăng cường và đổi mới việc tổng kết thực tiễn và nghiên cứu, bổ sung, phát triển lý luận, để nhận thức sâu sắc, bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Quán triệt sâu sắc và bổ sung, phát triển sáng tạo ngay trong việc làm sáng tỏ hơn về mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa “8 đặc trưng”17 ở Việt Nam, về xu thế vận động phát triển của đất nước: “Đến năm 2025... là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030... là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045... trở thành nước phát triển, thu nhập cao”18.

Hai là, chú trọng tăng cường công tác tư tưởng một cách toàn diện, sâu sắc và có tính hệ thống, tạo sự thống nhất cao về ý chí, hành động, bảo vệ và giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng. Đề cao việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Tập trung triển khai toàn diện, sâu rộng Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” trên cơ sở quán triệt sâu sắc, vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn Việt Nam. Chú trọng vận dụng chủ nghĩa Lênin trong xây dựng đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thể chế, nguyên tắc tổ chức hoạt động của toàn hệ thống chính trị...

Thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, chú ý phát huy sức mạnh tổng hợp của báo chí, truyền thông, tuyên truyền miệng và các kênh thông tin khác gắn với nâng cao tính thuyết phục, tính chiến đấu và tính hấp dẫn của công tác tư tưởng trên báo chí, xuất bản, internet và mạng xã hội. Mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập nâng cao trình độ về mọi mặt nhằm nâng cao về nhận thức, trình độ, năng lực, bản lĩnh chính trị..., vận dụng sáng tạo vào quá trình công tác và thực tiễn cuộc sống, đấu tranh có hiệu quả với các luận điệu sai trái, phản động.

Ba là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục lý luận chính trị về nội dung, chương trình, hình thức và phương pháp giảng dạy trong hệ thống giáo dục. Đẩy mạnh triển khai Kết luận 94-KL/TW ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư (khóa XI) về “Tiếp tục đổi mới học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân”.

Tập trung xây dựng chương trình, nội dung đào tạo lý luận chính trị phù hợp với đối tượng và cấp học, bậc học, ngành học, đảm bảo tính liên thông. Chú trọng giáo dục lý luận chính trị cho thế hệ trẻ, góp phần làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng giữ vai trò chủ đạo trong đời sống xã hội.

Xây dựng, đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ lý luận về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh có trình độ chuyên môn chuyên sâu, có năng lực nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn thuộc các chuyên ngành triết học, kinh tế chính trị học, chủ nghĩa xã hội khoa học, tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng, chính trị học và một số chuyên ngành khác nghiên cứu chuyên sâu về đường lối, chủ trương của Đảng. Trong đó, chú trọng đào tạo đội ngũ chuyên gia đầu ngành có bản lĩnh chính trị vững vàng, tư duy sáng tạo và trình độ lý luận cao, am hiểu tình hình thế giới và trong nước, có năng lực gắn lý luận với thực tiễn, nghiên cứu và tổng kết thực tiễn tốt để chứng minh tính đúng đắn, cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bốn là, thường xuyên nêu cao cảnh giác cách mạng, đấu tranh phản bác có hiệu quả, kịp thời các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng. Tăng cường thực hiện cơ chế phối hợp và trao đổi thông tin, chủ động nắm bắt âm mưu, thủ đoạn, phương thức chống phá của các thế lực thù địch, các đối tượng cơ hội chính trị.

Chủ động xây dựng kế hoạch, luận cứ đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc và tạo sự thống nhất trong phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành có liên quan trên cả ba lĩnh vực lý luận chính trị, tư tưởng - văn hóa và văn học - nghệ thuật. Trong đó, các cơ quan thông tấn, báo chí từ Trung ương đến địa phương tiếp tục xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền sát hợp thực tế về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phòng và chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”; phòng và chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”...

Nhận diện và kiên quyết phòng, chống và ngăn chặn các luận điệu sai trái như phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, xuyên tạc, “cực đoan hóa” tư tưởng Hồ Chí Minh, lười học tập lý luận... Chỉ rõ và vạch trần thủ đoạn thổi phồng những sơ hở, yếu kém trong công tác lãnh đạo, quản lý kinh tế - xã hội của các thế lực thù địch, phản động nhằm kích động tâm lý bất mãn, chống đối, chia rẽ khối đoàn kết toàn dân.

Hiện nay, các thế lực thù địch vẫn đang ra sức chống phá, phủ nhận vai trò của V.I.Lênin đối với cách mạng thế giới. Song, với bản chất cách mạng, khoa học và thực tiễn lịch sử không thể phủ nhận, tư tưởng của V.I.Lênin vẫn đang hiện hữu và có sức sống mãnh liệt trong trái tim, khối óc của hàng triệu người trên thế giới. Kỷ niệm 153 năm Ngày sinh của V.I.Lênin, việc làm thiết thực chính là tiếp tục nghiên cứu với thái độ khoa học, quán triệt, vận dụng, bổ sung, phát triển sáng tạo di sản tư tưởng của Người nhằm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược - xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Chú thích:

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 13, tr.384.

2,3,4. V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tập 6, tr.336, 30, 32.

5.  V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tập 41, tr.34.

6. V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tập 11, tr.281.

7,9,11. V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tập 39, tr.251, 309-310, 251.

8. V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tập 30, tr.160.

10.  V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tập 37, tr.312-313.

12. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 1, tr.257.

13. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 2, tr.289.

14. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr.563.

15,18. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, tr.103-104, 112.

16,17. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.88, 70.

Nguyễn Quang Bình - Thạc sĩ, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều