V.I. Lê-nin phê phán chủ nghĩa xét lại
Chủ nghĩa xét lại xuất hiện trong “cuộc tranh luận xét lại” giữa các lý luận gia của Đảng Công nhân Dân chủ - Xã hội Đức (năm 1890, đổi tên thành Đảng Dân chủ - Xã hội Đức), là xu hướng rời bỏ, thoát ly khỏi lý luận gốc là chủ nghĩa Mác. Thực chất, chủ nghĩa xét lại là một biến tướng từ chủ nghĩa cơ hội của Béc-stanh(1) trên quan điểm tư sản - tự do chủ nghĩa. V.I. Lê-nin viết: “Trào lưu đó mang tên Béc-stanh, nhà cựu mác-xít chính thống, vì Béc-stanh đã làm ầm ĩ nhất và nói lên đầy đủ nhất về những điểm sửa chữa học thuyết Mác, về việc xét lại chủ nghĩa Mác, tức là chủ nghĩa xét lại”(2). Mục đích của chủ nghĩa xét lại là từ bỏ mục tiêu cuối cùng của giai cấp công nhân, từ bỏ cuộc đấu tranh giành thắng lợi cho chủ nghĩa xã hội. Do đó, V.I. Lê-nin đã vạch trần nguồn gốc hình thành, hình thức thể hiện và nội dung xét lại (phê phán) của chủ nghĩa xét lại, trên cơ sở đó bổ sung lý luận của chủ nghĩa Mác.
Về nguồn gốc hình thành, theo V.I. Lê-nin, nguồn gốc tư tưởng của chủ nghĩa xét lại là hệ tư tưởng tư sản - lấy lợi ích cá nhân đặt lên hàng đầu; nguồn gốc kinh tế của nó là chủ nghĩa đế quốc có sự điều chỉnh để thích nghi với tình hình mới, đồng thời mua chuộc tầng lớp trên trong giai cấp công nhân bằng hình thức siêu lợi nhuận thuộc địa; nguồn gốc lịch sử của nó là chủ nghĩa tư bản bước sang thời kỳ phát triển tương đối hòa bình, các hình thức đấu tranh nghị trường được sử dụng rộng rãi; nguồn gốc giai cấp của nó là sự tham gia đông đảo của các phần tử tiểu tư sản vào Đảng Dân chủ - Xã hội Đức, khi mà chủ nghĩa Mác trở thành một cái “mốt” rất hấp dẫn đối với tầng lớp thanh niên tiểu tư sản; nguồn gốc xã hội của nó là việc các đảng tư sản cầm quyền áp dụng các phương pháp của chủ nghĩa tự do, chính sách cải cách, chủ nghĩa dân tộc. Ngoài ra, chủ nghĩa xét lại xuất hiện còn do trong hàng ngũ những người cách mạng có những phần tử phản bội, không vững vàng về lập trường tư tưởng, không đủ khả năng nhận thức đúng những hiện tượng mới của thời đại. Tổng hợp các nguồn gốc hình thành của chủ nghĩa xét lại, V.I. Lê-nin khẳng định: “Thế là 50 năm thứ hai sau khi chủ nghĩa Mác ra đời (những năm 90 của thế kỷ trước) đã bắt đầu bằng cuộc đấu tranh của một trào lưu thù địch với chủ nghĩa Mác trong nội bộ chủ nghĩa Mác... Trào lưu đó... là chủ nghĩa xét lại”(3).
Mục đích của chủ nghĩa xét lại là từ bỏ mục tiêu cuối cùng của giai cấp công nhân, từ bỏ cuộc đấu tranh giành thắng lợi cho chủ nghĩa xã hội (Trong ảnh: Lãnh tụ V.I. Lê-nin phát biểu trước người dân tại Petrograd năm 1917) _Ảnh: Tư liệu
Về hình thức thể hiện, chủ nghĩa xét lại có hai khuynh hướng chủ yếu là “tả khuynh” và “hữu khuynh”. Chủ nghĩa xét lại “hữu khuynh” tìm cách thay thế những nguyên lý của chủ nghĩa Mác bằng những quan điểm, những cải cách tư sản. Chủ nghĩa xét lại “tả khuynh” lại đánh tráo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác bằng những quan điểm vô chính phủ, chiết trung, duy ý chí có tính tiểu tư sản, phủ nhận tính tất yếu đấu tranh chính trị của giai cấp công nhân, phủ nhận vai trò của đảng cộng sản và chuyên chính vô sản.
Về nội dung xét lại, cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa xét lại đòi xét lại tất cả các bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác, như triết học, kinh tế chính trị học và chính trị, cụ thể như sau:
- Trong lĩnh vực triết học, chủ nghĩa xét lại phủ định hoàn toàn triết học mác-xít. Những người theo chủ nghĩa xét lại cho rằng, điểm yếu nhất trong học thuyết của C. Mác và Ph. Ăng-ghen là sử dụng phương pháp nghiên cứu của Hê-ghen về mâu thuẫn; xuyên tạc sự vận động biện chứng của mâu thuẫn bằng con mắt lệch lạc, cứng đờ, siêu hình, như thay đấu tranh của các mặt đối lập bằng sự thỏa hiệp, phủ nhận sự nhảy vọt về chất trong phát triển, thay cách mạng bằng tiến hóa... Đồng thời, phủ nhận chủ nghĩa duy vật biện chứng, tìm cách lắp ghép chủ nghĩa duy vật với chủ nghĩa Can-tơ mới, hay với chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán của Ma-khơ. Họ còn phê phán quan điểm của chủ nghĩa duy vật lịch sử của C. Mác khi cho rằng, nhân tố quyết định sự phát triển của xã hội không chỉ là lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, mà còn có pháp quyền, đạo đức, tôn giáo, truyền thống, điều kiện tự nhiên và ý thức của con người. Nhìn chung, chủ nghĩa xét lại đã “tầm thường hóa về mặt triết học đối với khoa học”(4), sử dụng “tinh thần chiết trung” để gạt bỏ cái tinh túy trong chủ nghĩa duy vật lịch sử.
Đấu tranh với quan niệm sai lầm của chủ nghĩa xét lại, V.I. Lê-nin cho rằng, triết học của chủ nghĩa Mác là một hệ thống tư tưởng khoa học, đối lập với mọi dạng của chủ nghĩa duy tâm. Không chỉ chủ nghĩa xét lại, mà ngay cả mọi triết học tư sản hiện đại và các giáo sư thần học cũng không thể đánh đổ được triết học mác-xít, hoặc kéo nó về với chủ nghĩa duy tâm. Do đó, trong tác phẩm “Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán”, V.I. Lê-nin dựa vào những thành tựu của khoa học tự nhiên hiện đại để chứng minh sự đối lập giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm, đồng thời tuyên bố về sự phá sản triệt để của chủ nghĩa xét lại khi có ý đồ điều hòa triết học của chủ nghĩa Mác với triết học duy tâm, chủ nghĩa Can-tơ mới và chủ nghĩa Ma-khơ.
- Trong lĩnh vực kinh tế chính trị học, chủ nghĩa xét lại phủ định triệt để lý luận về giá trị, tiến tới bác bỏ lý luận giá trị thặng dư của C. Mác. Họ cho rằng, lý luận giá trị của C. Mác dựa trên tiền đề trừu tượng hóa hình thái cụ thể của giá trị sử dụng, của lao động, của sự tách rời giữa giá cả và giá trị, do đó giá trị không còn có thể đo lường được, mà trở thành giả thuyết tư duy thuần túy; lý luận về giá trị chỉ là chiếc chìa khóa mà C. Mác sử dụng để giải thích cơ chế kinh tế của chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa xét lại cắt xén lý luận của C. Mác về tích lũy tư bản khi cho rằng, trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa không có quy luật chung về tích lũy tư bản. Sự thay thế sản xuất nhỏ bằng sản xuất lớn tư bản chủ nghĩa đang bị chậm lại và trong nông nghiệp không thể diễn ra; các liên hợp xí nghiệp và các các-ten lại tạo điều kiện cho chủ nghĩa tư bản khắc phục khủng hoảng. Do đó, mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản sẽ dịu đi và vì vậy, không cần đấu tranh xóa bỏ sự bóc lột tư bản chủ nghĩa, mà chỉ cần sự thâm nhập hòa bình của khuynh hướng xã hội chủ nghĩa là thực hiện được mục tiêu xóa bỏ áp bức, bóc lột.
V.I. Lê-nin cho rằng, quan điểm của chủ nghĩa xét lại về kinh tế chính trị học là phiến diện và thiển cận. Bởi vì, một mặt, quan điểm đó chỉ là sự khái quát cực kỳ nông cạn, không gắn với toàn bộ chế độ tư bản chủ nghĩa; mặt khác, chỉ dựa vào những hiện tượng phát triển phồn vinh công nghiệp trong thời gian ngắn của xã hội tư bản, mà không xét cả quá trình để thấy rằng, khủng hoảng chưa hề mất đi, sau phồn vinh, khủng hoảng lại nổ ra. Tuy hình thức, trình tự và diễn biến của khủng hoảng có thể thay đổi, nhưng nó vẫn là điều mà chế độ tư bản chủ nghĩa không thể tránh khỏi. Ông viết: “Trong vấn đề này, bọn xét lại đã mắc sai lầm về phương diện khoa học, vì chúng đã khái quát hời hợt những sự kiện lượm lặt một cách phiến diện, không có liên hệ với toàn bộ chế độ tư bản chủ nghĩa”(5). Đồng thời, ông bác bỏ việc chủ nghĩa xét lại dùng những luận cứ thiếu khoa học để phản đối “lý luận về sự phá sản” của chủ nghĩa Mác nhằm cổ xúy quan điểm cho rằng mâu thuẫn giai cấp đã dịu đi. Ông chỉ ra rằng, sự ra đời của các-ten và tờ-rớt tuy có liên kết các ngành sản xuất với nhau, nhưng đồng thời chúng lại làm cho tình trạng vô chính phủ trong sản xuất tăng lên mạnh mẽ, khiến đời sống của giai cấp vô sản ngày càng không được bảo đảm, ách áp bức của giai cấp tư sản ngày càng nặng nề, làm cho mâu thuẫn giai cấp trở nên gay gắt, tới mức độ chưa từng thấy. Từ đó, ông đi đến kết luận: “Bọn xét lại hoàn toàn không đóng góp được tí gì vào học thuyết ấy và do đó, không để lại được dấu vết nào trong sự phát triển của tư tưởng khoa học”(6).
- Trong lĩnh vực chính trị, chủ nghĩa xét lại tập trung bác bỏ lý luận của C. Mác về đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản. Họ cho rằng, tự do chính trị, dân chủ, quyền công dân trong chủ nghĩa tư bản sẽ phá hủy cơ sở đấu tranh giai cấp của giai cấp công nhân; coi mục tiêu cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân là thiết lập dân chủ tư sản, cải cách chủ nghĩa tư bản, điều hòa xung đột giữa giai cấp tư sản và giai cấp công nhân. Theo chủ nghĩa xét lại, C. Mác và Ph. Ăng-ghen chỉ lấy thời kỳ rối loạn trong cách mạng Pháp làm ví dụ điển hình về chuyên chính vô sản là thiếu tính phổ biến, và sự phát triển của nền “dân chủ” (ở đây là dân chủ trong xã hội tư bản) đã cho phép những đại biểu của Đảng Dân chủ - Xã hội Đức tham gia nghị viện, tham gia chế độ đại biểu nhân dân (những chủ trương này đều mâu thuẫn với lý luận về chuyên chính của chủ nghĩa Mác). Trong điều kiện như vậy, không cần bám giữ chuyên chính vô sản, chuyên chính vô sản đã trở nên lỗi thời, nên vứt bỏ nó đi. Sự nhạo báng và phủ định như vậy về lý luận cũng như thực tiễn chuyên chính vô sản cho thấy, chủ nghĩa xét lại đã ngang nhiên chống lại chủ nghĩa Mác. Do vậy, sau này V.I. Lê-nin khẳng định: “Chỉ người nào mở rộng việc thừa nhận đấu tranh giai cấp đến mức thừa nhận chuyên chính vô sản thì mới là người mác-xít”(7).
Theo V.I. Lê-nin, quan niệm của chủ nghĩa xét lại về chính trị là hết sức hoang đường. Vì, cùng với sự tự do theo “chế độ dân chủ” của chủ nghĩa tư bản, sự chênh lệch về kinh tế không hề thu hẹp mà ngày càng tăng thêm. Chế độ đại nghị không hề xóa bỏ bản chất của nhà nước. Chế độ cộng hòa tư sản dân chủ nhất vẫn là bộ máy áp bức giai cấp và ngày càng bộc lộ rõ bản chất ấy. Chế độ đại nghị có lợi cho việc giáo dục và tổ chức đông đảo quần chúng nhân dân, nhưng không thể xóa bỏ được khủng hoảng và cách mạng chính trị, chỉ làm cho nội chiến lên tới mức kịch liệt nhất. Những biến cố ở Pa-ri vào mùa xuân năm 1871 và ở Nga vào mùa đông năm 1905 đã minh chứng cho điều đó và là “kinh nghiệm lớn nhất về mặt áp dụng sách lược chính trị xét lại trong một phạm vi rộng lớn”(8).
Vạch trần những mưu toan xét lại các bộ phận cơ bản của chủ nghĩa Mác, V.I. Lê-nin đồng thời nêu rõ cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa xét lại là vô cùng nan giải và phức tạp, cần có sự kiên trì và bền bỉ của những người cộng sản: “Cuộc đấu tranh tư tưởng của chủ nghĩa Mác cách mạng chống chủ nghĩa xét lại hồi cuối thế kỷ XIX chỉ là bước đầu của những cuộc chiến đấu cách mạng lớn lao của giai cấp vô sản đang tiến tới thắng lợi hoàn toàn”(9). Khẳng định trên của V.I. Lê-nin cũng cho thấy, trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, chắc chắn có rất nhiều thế lực phản động, thù địch luôn tìm cách chống phá, xuyên tạc chủ nghĩa Mác với nhiều hình thức khác nhau, có lúc công khai, có lúc ngấm ngầm, có lúc bôi nhọ, xuyên tạc, có lúc mỉa mai, thách thức... Do vậy, nhiệm vụ của những người cộng sản là phải thường xuyên đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch trên cơ sở những luận cứ khoa học, như V.I. Lê-nin từng phê phán, phản bác chủ nghĩa xét lại; đồng thời, tiếp tục bổ sung, phát triển và vận dụng chủ nghĩa Mác một cách khoa học, sáng tạo vào thực tiễn cách mạng.
Ý nghĩa sự phê phán của V.I. Lê-nin đối với chủ nghĩa xét lại trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở Việt Nam hiện nay
Gần đây, các thế lực thù địch, trong đó có những kẻ mang tư tưởng xét lại, ráo riết chống phá cách mạng nước ta về nhiều mặt, tập trung nhất là phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng. Họ bác bỏ các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, cho rằng học thuyết hình thái kinh tế - xã hội chẳng qua chỉ là một lý thuyết dẫn đến chủ nghĩa xã hội không tưởng; lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin chỉ giải quyết vấn đề đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản, tức là đề cao bạo lực và thiếu dân chủ; đồng thời, phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân,... Từ đó, họ đòi đa nguyên, đa đảng, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng; phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh; công khai đả kích, bôi nhọ hình ảnh lãnh tụ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các thế lực thù địch ở trong nước thường cộng tác với các thế lực thù địch ở nước ngoài để tăng cường sức mạnh chống phá, và qua đó, họ phản bội lại cả lợi ích quốc gia, dân tộc.
Tại Đại hội XII của Đảng, Đảng ta xác định: “Đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch” _Ảnh: Tư liệu
Trước tình hình trên, trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta thường xuyên chỉ đạo tăng cường đấu tranh phê phán, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đại hội IX của Đảng khẳng định, phải “đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch”(10); Đại hội X của Đảng yêu cầu “chủ động và kiên quyết phê phán những quan điểm sai trái, bác bỏ những luận điệu phản động, góp phần làm thất bại mọi mưu toan “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch”(11); Đại hội XI của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phê phán những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta; khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”(12). Đến Đại hội XII, Đảng ta xác định: “Đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch”(13). Để phục vụ cho các nhiệm vụ nêu trên, Đảng và Nhà nước ta đã lập ra một số ban chỉ đạo, như Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, Ban Chỉ đạo Nhân quyền, Ban Chỉ đạo 94, Ban Chỉ đạo 609, Ban Chỉ đạo Đề án 213. Các ban chỉ đạo này đã có sự phối hợp chặt chẽ với nhau nhằm đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trong từng thời kỳ.
Tuy nhiên, cuộc đấu tranh với những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch ở trong nước và nước ngoài nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta những năm qua còn chưa thực sự chủ động, hoặc có lúc, có nơi phản ứng còn chậm, chưa kịp thời; chưa xây dựng được hệ thống luận cứ khoa học để phê phán, bác bỏ những quan điểm sai trái, thù địch. Điều này dẫn đến hiệu quả, chất lượng đấu tranh chưa cao, chưa thực sự sắc bén và thuyết phục, như Đại hội XII của Đảng nhận định: “Chất lượng và hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận chưa cao. Chậm khắc phục có hiệu quả những hạn chế của công tác tư tưởng như thiếu sắc bén, chưa thuyết phục. Đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” còn bị động, hiệu quả chưa cao”(14).
Trong thời gian tới, để làm tốt công tác đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và những biểu hiện của chủ nghĩa xét lại, trên cơ sở vận dụng bài học từ cuộc đấu tranh phê phán, phản bác chủ nghĩa xét lại của V.I. Lê-nin, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu và làm tốt một số nhiệm vụ sau:
Một là, cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và những biểu hiện của chủ nghĩa xét lại là một quá trình lâu dài và gay go, quyết liệt, vì vậy, không được phép chủ quan, lơ là, buông lỏng, đặc biệt là cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Chừng nào xã hội còn nhiều vấn đề bức xúc chưa được giải quyết; trình độ lý luận chưa theo kịp thực tiễn và trình độ nhận thức chính trị của người dân chưa cao; trong Đảng còn một bộ phận không nhỏ phần tử thoái hóa, biến chất, cá nhân chủ nghĩa, bất mãn... thì còn cơ hội cho các thế lực thù địch và những kẻ theo chủ nghĩa xét lại tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng và chế độ ta.
Bên cạnh đó, trong mỗi thời đại, khi có những phát minh, sáng chế khoa học và tình hình mới dẫn đến phá vỡ giới hạn nhận thức cũ thì cũng thường là cơ hội cho các thế lực thù địch và những kẻ theo chủ nghĩa xét lại tập trung tấn công. Tuy nhiên, lịch sử đã cho thấy, chỉ có đứng vững trên lập trường của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, như V.I. Lê-nin từng làm, chúng ta mới không mất phương hướng và rơi vào những kết luận sai lầm. Do đó, chủ nghĩa Mác - Lê-nin nói chung, triết học Mác - Lê-nin nói riêng, vẫn là thế giới quan và phương pháp luận khoa học trong đấu tranh chống mọi quan điểm sai trái của các thế lực thù địch và những kẻ theo chủ nghĩa xét lại.
Hai là, đấu tranh kiên quyết, kiên trì, kịp thời, triệt để, không thỏa hiệp, không buông xuôi với các quan điểm sai trái, thù địch và những biểu hiện của chủ nghĩa xét lại ở mọi lúc, mọi nơi, mọi lĩnh vực, không cho chúng có cơ hội trở thành một chủ nghĩa. Nền tảng lý luận trong cuộc đấu tranh này là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, theo đó, cần sử dụng phương pháp luận chiến của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lê-nin nhằm chỉ ra những hạn chế lịch sử, những luận điểm cần được khẳng định, bổ sung, phát triển trong lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin bằng thành tựu của khoa học - công nghệ hiện đại, nhất là những luận điểm mà các thế lực thù địch và xét lại thường tập trung phủ nhận, bác bỏ.
Trong thời đại ngày nay, cần bổ sung, phát triển những vấn đề về triết học Mác - Lê-nin, như đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản; mối quan hệ giai cấp - dân tộc; con người và mối quan hệ giữa con người với môi trường sống; phương thức sản xuất châu Á; quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa... Bổ sung, phát triển những vấn đề về kinh tế chính trị học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, như về sở hữu, đặc biệt là sở hữu trí tuệ; địa vị chủ nghĩa tư bản; kinh tế nhiều thành phần trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội... Đồng thời, bổ sung, phát triển chủ nghĩa xã hội khoa học về những vấn đề cơ bản và cấp thiết, như sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân; vấn đề dân tộc trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; lợi ích người lao động trong liên minh giai cấp...
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đọc diễn văn khai mạc Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam _Ảnh: TTXVN
Cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng bằng vũ khí lý luận cũng chính là quá trình tự hoàn thiện chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đồng thời nhằm phản bác lại những luận điệu chống phá của các thế lực thù địch và xét lại một cách hiệu quả nhất. Tuy nhiên, cần tránh mọi biểu hiện của khuynh hướng cực đoan vô nguyên tắc, núp dưới khẩu hiệu “bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin” để phủ nhận bản chất khoa học và cách mạng vốn có của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, rơi vào chủ nghĩa xét lại kiểu mới hoặc chiết trung, ngụy biện, kết hợp vô nguyên tắc những mối quan hệ không thể kết hợp được với nhau trong thực tiễn.
Ba là, gắn cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và những biểu hiện của chủ nghĩa xét lại với cuộc đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII nhận định: hiện nay “Nhiều tổ chức đảng, đảng viên còn hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; việc đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị còn bị động, thiếu sắc bén và hiệu quả chưa cao”. Do đó, các thế lực thù địch đang lợi dụng một số cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, không vững vàng về lập trường, quan điểm trong tình hình mới để xuyên tạc, kích động chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Một số đối tượng cơ hội chính trị, cực đoan quá khích mặc dù đang sống và hưởng thụ thành quả cách mạng do Đảng và nhân dân mang lại, nhưng vẫn bí mật cộng tác với những phần tử phản động nước ngoài để mưu cầu lợi ích cá nhân. Thậm chí, có những người trước đây từng giữ cương vị, trọng trách cao ở các cơ quan đảng, nhà nước, sau khi nghỉ hưu hoặc vì bất mãn cá nhân lại có những ý kiến lệch lạc, nhìn nhận, đánh giá lịch sử một cách thiếu khách quan, toàn diện. Các thế lực thù địch còn lợi dụng sự hợp tác về giáo dục, đào tạo để tuyển lựa, đưa người chui sâu, leo cao vào các cơ quan đảng, nhà nước với ý đồ tạo dựng “ngọn cờ” trong số “hạt nhân” được coi là có tư tưởng “cấp tiến” để thực hiện “cách mạng màu”, “cách mạng nhung” ở Việt Nam...
Trước tình hình như vậy, chúng ta cần “triển khai đồng bộ, chủ động cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, phản bác các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo, chống phá Đảng, Nhà nước ta, làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, thực hiện đa nguyên chính trị, hình thành lực lượng đối lập, gây bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch; thường xuyên cảnh giác, chủ động phòng, chống nguy cơ tự diễn biến ở cả Trung ương và các ngành, các cấp”(15). Theo đó, cần có những biện pháp, hình thức, nội dung cụ thể, phù hợp, linh hoạt để triển khai đồng bộ và gắn kết chặt chẽ các nhiệm vụ của cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận nói chung. Trong đó, chủ động đấu tranh có hiệu quả trong việc bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và những biểu hiện của chủ nghĩa xét lại dưới mọi màu sắc là nhiệm vụ có tính chất mở đường, đóng vai trò rất quan trọng đối với sự thắng lợi của mặt trận đấu tranh tư tưởng, lý luận./.
---------------------------------
(1) E-đu-a Béc-stanh (1850 - 1932) là thủ lĩnh cánh cơ hội chủ nghĩa cực đoan trong Đảng Dân chủ - Xã hội Đức và Quốc tế II, nhà lý luận của chủ nghĩa xét lại và chủ nghĩa cải lương. Thời gian đầu, E. Béc-stanh tham gia tuyên truyền cho trào lưu tư tưởng cơ hội hữu khuynh. Sau đó, được sự giác ngộ của C. Mác và Ph. Ăng-ghen, ông đã nhận ra sai lầm của mình. Tuy nhiên, sang đầu những năm 90 của thế kỷ XIX, vin vào tình hình phát triển mới của chủ nghĩa tư bản, một số nhà kinh tế học Đức bắt đầu phê phán bừa bãi lý luận kinh tế của C. Mác mà Đảng Dân chủ - Xã hội Đức thừa nhận và bảo vệ. Đứng trước những đổi mới của chủ nghĩa tư bản, E. Béc-stanh đã hoài nghi tính khoa học của chủ nghĩa Mác và phủ định những nguyên lý lý luận chủ yếu của chủ nghĩa Mác. Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, E. Béc-stanh vẫn tiếp tục chống chủ nghĩa Mác, ủng hộ chính sách của giai cấp tư sản, chống lại Cách mạng Tháng Mười Nga và Nhà nước Xô-viết, do vậy, trên cơ sở lập trường khoa học và cách mạng, V.I. Lê-nin đã phê phán không khoan nhượng lý luận của E. Béc-stanh và chủ nghĩa xét lại
(2), (3) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1979, t. 17, tr. 21
(4), (5) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 17, tr. 22, 24
(6) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 17, tr. 25
(7) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 33, tr. 42
(8), (9) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 17, tr. 27, 30
(10) Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2013, tr. 459
(11) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006, tr. 284
(12) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 257
(13) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 208
(14) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 192 - 193
(15) Các nghị quyết của Trung ương Đảng 2005 - 2010, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 125.
Theo PGS, TS. LÊ THỊ THANH HÀ/Tạp chí Cộng sản