Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ

(Mặt trận) - Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng tới việc xây dựng đội ngũ cán bộ. Ở thời điểm lịch sử của Người, công tác cán bộ đã được hoạch định một cách khoa học và hiệu quả. Tìm hiểu, vận dụng hợp lý những tư tưởng của Người về công tác cán bộ là điều kiện để chúng ta thực hiện tốt công tác cán bộ, đồng thời cũng là để ghi tạc và phát huy những bài học quý báu mà Bác đã để lại cho Đảng và Nhân dân.
Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, hơn ai hết Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rất rõ vị trí, vai trò của cán bộ. Ảnh TL

 Cán bộ là ai?

Người đưa ra quan điểm có tính chất nền tảng xuyên suốt: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “Cán bộ là tiền vốn của Đoàn thể. Có vốn thì mới làm ra lãi. Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn”; hoặc “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”. Như vậy, vai trò của đội ngũ cán bộ là vô cùng quan trọng trong toàn bộ sự vận hành của một xã hội.

Lựa chọn, cất nhắc cán bộ

Trong công tác cán bô, khâu lựa chọn, cất nhắc cán bộ phải được đặt lên hàng đầu. Theo Bác, lựa chọn cán bộ như khâu chọn giống, nếu giống tốt ắt cây sẽ tốt.Việc lựa chọn cán bộ phải dựa vào các tiêu chí: “a. Những người đã tỏ ra rất trung thành và hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh. b. Những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng. c. Những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề, trong những hoàn cảnh khó khăn… Người lãnh đạo đúng đắn cần phải: Khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo. Khi thi hành các nghị quyết kiên quyết, gan góc không sợ khó khăn. d. Những người luôn luôn giữ đúng kỷ luật”.

Theo Người, “Cất nhắc cán bộ, không nên làm như “giã gạo”. Nghĩa là trước khi cất nhắc không xem xét kỹ. Khi cất nhắc rồi không giúp đỡ họ. Khi họ sai lầm thì đẩy họ xuống, chờ lúc họ làm khá, lại cất nhắc lên. Một cán bộ bị nhắc lên, thả xuống ba lần như thế là hỏng cả đời”.

Để công tác cán bộ mang tính khách quan và tạo động lực lan tỏa, Người cho rằng: “Cất nhắc cán bộ, phải vì công tác, tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái. Như thế, công việc nhất đinh chạy”.

Yêu cầu về phẩm chất, năng lực. Trước hết, cán bộ phải có đạo đức cách mạng. Đây là yêu cầu “gốc”, “nguồn”. “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”; “Phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau”; “Không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa. Chỉ có một thứ ham là: ham học, ham làm, ham tiến bộ”.

Không ít lần, Bác lưu ý rằng: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài”. Do vậy, người cán bộ cách mạng không phải là người “làm quan cách mạng”. Người cán bộ phải tận tụy với sự nghiệp cách mạng, phải trung thành với Đảng, với Tổ quốc, “phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”. Trung thành ở đây trước hết đòi hỏi cán bộ phải hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình được giao, kể cả trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và kể cả khi thời bình, xây dựng đất nước; khi gặp thắng lợi thì không kiêu căng, chủ quan, tự mãn; khi gặp khó khăn, gian khổ, trở ngại thì không hoang mang, dao động; “vô luận hoàn cảnh thế nào, lòng họ cũng không thay đổi”. Cũng theo quan điểm của Người, chỉ có lòng nhiệt tình không thôi thì chưa đủ, mà người cán bộ còn phải có tri thức nữa.

Sử dụng cán bộ

Người đưa ra quan điểm dùng cán bộ đúng với năm nội dung cơ bản: “Phải có độ lượng vĩ đại thì mới có thể có thái độ và tinh thần chí công vô tư đối với cán bộ, không có thành kiến, khiến cán bộ không bị bỏ rơi. Phải có tinh thần rộng rãi mới có thể gần gũi với những người mà mình không ưa. Phải có tính chịu khó dạy bảo mới có thể nâng đỡ những cán bộ còn kém, giúp cho họ tiến bộ. Phải sáng suốt mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây mà cách xa cán bộ tốt. Phải có thái độ vui vẻ, thân mật, cán bộ mới vui lòng gần gũi mình”.

Bác cho rằng: “Dùng người như dùng gỗ, người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được”. Người cũng dặn dò rằng: “Năng lực của người không phải hoàn toàn do tự nhiên mà có, mà một phần lớn do công tác, do tập luyện mà có. Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hóa tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hóa ra tài nhỏ”.

Theo Bác, điều kiện cần cho sự thành công ở các vị trí công việc là đặt cán bộ ở đúng vị trí của họ: “Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ”; “Đảng ta gồm có hàng triệu người, hàng vạn cán bộ. Trong đó, sĩ, công, nông, thương, binh đều có. Từng lớp xã hội khác nhau, trình độ, văn hóa khác nhau; tính tình cá nhân cũng không giống hệt. Sao cho đối đãi đúng với mọi người? Đó là một vấn đề rất trọng yếu”.

Việc trọng dụng nhân tài theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải làm thường xuyên, liên tục như “người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán những bệnh sau đây: “1. Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, vì cho họ tốt hơn người bên ngoài; 2. Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình mà chán ghét những người chính trực; 3. Ham dùng những người tính tình hợp với mình mà tránh những người tính tình không hợp với mình”. Bác phê phán căn bệnh cá nhân chủ nghĩa, coi đó như một thứ “vi trùng rất độc”, nó là thứ “bệnh mẹ”, “do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”.

Đào tạo cán bộ

"Sửa đổi lối làm việc" là một tác phẩm thể hiện khá toàn diện những tư tưởng cốt lõi của Hồ Chí Minh về vấn đề "nuôi dạy cán bộ", lựa chọn cán bộ, dùng cán bộ và chính sách đối với cán bộ. Người chỉ rõ: “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Vì vậy, Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu”. Theo Bác, “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. “Không phải vài ba tháng, hoặc vài ba năm, mà đào tạo được một người cán bộ tốt. Nhưng cần phải công tác, tranh đấu, huấn luyện lâu năm mới được. Trái lại, trong lúc tranh đấu, rất dễ mất một người cán bộ”.

“Phải giải thích rõ ràng, làm cho họ tự trông thấy, tự nhận rõ sai lầm, làm cho họ vui lòng sửa đổi, chứ không phải bị cưỡng bức mà sửa đổi”.

Bác căn dặn: Phải yêu thương cán bộ, “Nhưng yêu thương không phải là vỗ về, nuông chiều, thả mặc. Yêu thương là giúp họ học tập thêm, tiến bộ thêm… Luôn chú ý đến công tác của họ, kiểm thảo họ. Hễ thấy khuyết điểm thì giúp họ sửa chữa ngay…”.

Đánh giá cán bộ

Người có quan điểm toàn diện và quan điểm lịch sử cụ thể trong công tác đánh giá cán bộ: Đánh giá cán bộ: “trong thế giới, cái gì cũng biến hóa. Tư tưởng của người cũng biến hóa. Vì vậy, cách xem xét cán bộ, quyết không nên chấp nhất, vì nó cũng phải biến hóa… Quá khứ, hiện tại và tương lai của mọi người không phải luôn giống nhau”; “Xem xét cán bộ, không chỉ xem ngoài mặt mà còn phải xem tính chất của họ. Không chỉ xem một việc, một lúc mà phải xem toàn cả lịch sử, toàn cả công việc của họ…”. “Phê bình cán bộ” tức là thái độ ứng xử đối với cán bộ khi họ có sai lầm, khuyết điểm. Quan điểm nền tảng của Hồ Chí Minh ở đây là “Người đời ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm. Chính vì thế, người cán bộ không sợ sai lầm và khuyết điểm. Vấn đề là ở chỗ họ có nhận ra và cố gắng sửa chữa sai lầm, khuyết điểm không, và người lãnh đạo có tìm ra cách giúp cán bộ sửa chữa sai lầm, khuyết điểm không.

Giải pháp về công tác cán bộ

Thấm nhuần tư tưởng của Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ, kể từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam do Người sáng lập và rèn luyện đã không ngừng quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ để đáp ứng yều cầu của từng giai đoạn cách mạng.

Một trong những nội dung rất quan trọng trong phương hướng công tác xây dựng Đảng được Đại hội XIII của Đảng thông qua đó là: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Xây dựng, hoàn thiện chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài; có cơ chế bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung…”.

Để góp phần vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, cần nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; coi đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển của cơ quan, đơn vị. Hằng năm, các cấp ủy đảng phối hợp với lãnh đạo cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể, rà soát và tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, phù hợp với vị trí việc làm và yêu cầu công tác của cơ quan, đơn vị. Coi đây là một trong những tiêu chí đánh giá cán bộ hằng năm.

Thứ hai, quy định vị trí việc làm để chuẩn hóa các điều kiện của cán bộ ở mọi vị trí công việc và có quy trình nâng cao dần điều kiện vị trí việc làm phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh cũng như yêu cầu của công việc.

Thứ ba, tăng cường kiểm soát quyền lực cán bộ. Hoàn thiện cơ chế, chính sách để đội ngũ cán bộ không dám, không thể, không muốn lạm quyền, lộng quyền.

Thứ tư, tạo điều kiện và thực hiện tốt chính sách thu hút, trọng dụng, sử dụng nhân tài. Quy trình tuyển dụng mọi vị trí việc làm trong hệ thống chính trị cần được minh bạch, công khai và công bằng.

Thứ sáu, cần xây dựng quỹ nhân tài (của Nhà nước hoặc xã hội hóa bằng nguồn vốn của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước) để góp phần khơi dậy, phát huy tinh thần sáng tạo của các cá nhân kiệt xuất.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ là kết tinh truyền thống dùng người của ông cha ta trong lịch sử, là đỉnh cao của “nghệ thuật” hay “phương sách” dùng người - bí quyết thành công của sự nghiệp cách mạng.

Đó là tư tưởng vĩ đại đầy tính nhân văn và khoa học. Ngày nay, những tư tưởng đó đã trở thành những bài học, những nguyên tắc trong công tác cán bộ của Đảng. Nhờ đó mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp được hiền tài, đã thu hút được các nhân sỹ yêu nước, đã thu hút được tất cả các lực lượng đoàn kết xung quanh Đảng, đưa đến thành công của cách mạng Tháng Tám vĩ đại, thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, đại thắng mùa Xuân 1975 hào hùng.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ là những tư tưởng tiến bộ, khoa học và nhân văn, là chìa khoá, kim chỉ nam cho chúng ta học tập, kế thừa và phát huy trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng, văn minh. Các thế hệ cán bộ, công chức, Đảng viên vừa thấm thía những bài học vô giá của Người, vừa nguyện hết lòng phấn đấu, hi sinh cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, mãi giữ vững niềm tin và tình cảm dành cho lãnh tụ kính yêu.

TS. Vũ Tiến Dũng - Nguyễn Thị Lương Thiện

Khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội

---

1. Hồ Chí Minh toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005, T5

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia- Sự thật, HN, 2011, T.6

3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Hà Nội 2021

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều