Kế thừa, vận dụng sáng tạo di sản triết học của C.Mác, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quán triệt sâu sắc quan điểm con người là chủ thể, trung tâm, động lực của sự nghiệp xây dựng CNXH, giải phóng con người _ Ảnh: IT
1. Mở đầu
Giải phóng con người là một vấn đề hấp dẫn trong các cuộc tranh luận triết học trong lịch sử. Thời Hy Lạp cổ đại, tuyên bố “Hãy tự biết mình!” của Socrate (470-399 TCN) đã làm cho các nhà triết học chuyển từ việc nghiên cứu về thế giới tự nhiên sang nghiên cứu về xã hội. Từ đó, vấn đề con người trở thành chủ đề trung tâm của những tranh luận triết học, phản ánh hành trình, khát vọng của triết học trong truy tìm phẩm giá của con người. Trong các quan điểm của phương Tây, quan điểm của C.Mác là điểm nhấn khi luận bàn về giải phóng con người.
Bước nhảy về chất trong quan điểm của C.Mác là ông đã đứng trên lập trường duy vật biện chứng, xuất phát từ con người, lấy con người là chủ thể trung tâm và làm mục đích của sự giải phóng. Lý luận giải phóng con người của ông được trình bày một cách khoa học, hệ thống, là tôn chỉ, hạt nhân trong lý luận về giải phóng con người của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay.
2. Thực chất vấn đề giải phóng con người trong quan điểm của C.Mác
C.Mác xuất phát từ con người hiện thực, đang sống và hoạt động trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đầu thế kỷ XIX để nghiên cứu lý luận giải phóng con người. C.Mác thấy rằng lao động là hành vi cơ bản nhất, là nguyên nhân, nhu cầu, mục đích của đời sống con người. Lao động sáng tạo con người và con người sáng tạo thông qua lao động. Lao động khẳng định vai trò của con người với tư cách là chủ thể sáng tạo. Nhưng con người trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa là con người bị tha hóa, sự bần cùng hóa về đời sống vật chất và sự què quặt về đời sống tinh thần. Nguyên nhân của con người bị tha hóa là lao động bị tha hóa. “Lao động bị tha hóa đảo ngược quan hệ đó khiến cho con người chính vì là một sinh vật có ý thức, chỉ biến hoạt động sinh sống của mình, bản chất của mình thành phương tiện để duy trì sự tồn tại của mình mà thôi”(1). Con người bị tha hóa là sự đánh mất mình trong thế giới do con người sáng tạo ra. Sản phẩm, hành vi, thân thể của con người trở thành lực lượng đối lập, thống trị con người.
Khi khảo cứu quan hệ giữa tư bản và lao động làm thuê, C.Mác cho rằng cả người công nhân và người tư sản đều bị tha hóa, “người công nhân như là hoạt động tha hóa thì ở người - không - phải - công - nhân, nó biểu hiện ra là trạng thái tha hóa”(2). Đối với người công nhân, tha hóa lao động biểu hiện ở ba phương diện: (1) Sự thống trị của sản phẩm do người công nhân tạo ra với bản thân anh ta, “sự thống trị của vật chất chết đối với con người”(3); (2) Hành vi lao động bị tha hóa, bị thui chột về tự do và năng lực sáng tạo,“lao động của anh ta không phải là tự nguyện mà là bắt buộc; đó là lao động cưỡng bức”(4). (3) Hệ quả tất yếu là sự tha hóa bản chất con người, “đời sống hóa ra chỉ là phương tiện sinh sống”(5).
Để xác định cơ sở giải phóng con người, C.Mác truy tìm nguyên nhân của lao động bị tha hóa trong chủ nghĩa tư bản. Chế độ tư hữu chính là sản phẩm, nguyên nhân, đồng thời là phương tiện của sự tha hóa trong lao động. Cố nhiên “sở hữu tư nhân là sản phẩm, kết quả, hậu quả tất nhiên của lao động bị tha hóa, của quan hệ bên ngoài của công nhân với giới tự nhiên và với bản thân mình”(6). Nhưng việc xuất hiện sở hữu tư nhân phải được xem xét không chỉ là điều kiện cần mà còn phải đủ để nguyên nhân thành kết quả, khả năng thành hiện thực, “mặc dù sở hữu tư nhân biểu hiện ra là cơ sở, là nguyên nhân của lao động bị tha hóa, nhưng thực ra là ngược lại, nó hóa ra là kết quả của lao động bị tha hóa,... quan hệ đó biến thành quan hệ tác động lẫn nhau”(7).
C.Mác xác định vấn đề giải phóng con người thực chất là dần khắc phục, xóa bỏ tình trạng con người bị tha hóa. Phát huy hết nhu cầu và khả năng của con người trong đời sống hiện thực. Tính nhân văn trong học thuyết Mác không phải là nhân văn có tính chất triết học và trừu tượng mà là lòng thương người có “tính chất hiện thực và trực tiếp nhằm vào hành động”(8). Giải phóng con người là phong trào hiện thực, chủ nghĩa cộng sản biểu hiện ra là “hình thức chính trị của sự giải phóng công nhân”(9). Xuất phát từ địa vị kinh tế - xã hội và đặc điểm chính trị - xã hội của giai cấp công nhân trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, C.Mác khẳng định vai trò lịch sử của giai cấp công nhân. Công nhân là chủ thể đấu tranh xóa bỏ chế độ tư hữu tư sản (hình thức cao nhất, phổ biến nhất của chế độ tư hữu). Đồng thời, chú trọng xây dựng môi trường xã hội tích cực, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của con người, tạo mọi điều kiện để con người phát triển.
3. Quá trình giải phóng con người gắn bó hữu cơ với sự ra đời, phát triển của chủ nghĩa cộng sản
Với quan điểm duy vật biện chứng, C.Mác đã “đem lại cách viết mới về lịch sử”. Lịch sử bắt đầu từ nền sản xuất vật chất, đó là sự sáng tạo con người thông qua lao động. Lịch sử toàn thế giới bị chi phối bởi các quy luật khách quan qua sự phát triển lịch sử - tự nhiên của những hình thái kinh tế - xã hội. Biện chứng của xã hội tất yếu đưa đến sự ra đời của chủ nghĩa cộng sản như “hình thức tất yếu và là nguyên tắc kiên quyết của tương lai sắp tới”(10).
Muốn giải phóng hoàn toàn con người khỏi tình trạng bị tha hóa cần xóa bỏ nguyên nhân, phương tiện dẫn đến con người bị tha hóa là chế độ tư hữu với tư cách là sản phẩm, kết quả của phân công lao động mang tính chất đối kháng; “chủ nghĩa cộng sản với tính cách là sự tước bỏ chế độ tư hữu, có nghĩa là yêu cầu của đời sống thật sự của con người, với tính cách là sở hữu không thể tách rời của con người, có nghĩa là sự sinh thành của chủ nghĩa nhân đạo thực tiễn”(11). Xóa bỏ chế độ tư hữu là quá trình hết sức lâu dài, khó khăn, “những cơn đau đẻ dài” của hiện thực. Nó đòi hỏi quá trình cải tạo xã hội không ngừng, đấu tranh để xóa bỏ tình trạng phân công lao động mang tính chất đối kháng, hệ tư tưởng cũ và truyền thống lạc hậu.
Sự ra đời của chủ nghĩa cộng sản và con người được giải phóng là một tất yếu. Chủ nghĩa cộng sản là phương tiện cho đời sống có tính người, còn con người trong chủ nghĩa cộng sản là con người ngày càng hoàn thiện, tiệm tiến với bản chất của con người, cho con người, vì con người. “Chủ nghĩa cộng sản với tính cách là sự xóa bỏ một cách tích cực chế độ tư hữu - sự tự tha hóa ấy của con người - và do đó với tính cách là sự chiếm hữu một cách thực sự bản chất con người bởi con người và vì con người”(12).
Quá trình giải phóng con người luôn gắn bó hữu cơ với sự sinh thành, phát triển của chủ nghĩa cộng sản với tư cách là “chủ nghĩa tự nhiên hoàn bị”, “chủ nghĩa nhân đạo hoàn bị”, nó là sự giải quyết thực sự mâu thuẫn giữa tồn tại và bản chất, giữa tự do và tất yếu, giữa cá thể và loài,... Quan điểm của C.Mác là “xã hội loài người”, hay “loài người xã hội hóa”. Trong tự nhiên, nguyên nhân sinh ra kết quả, khả năng chuyển hóa thành hiện thực là logíc tự thân. Trong xã hội, nguyên nhân sinh ra kết quả, khả năng chuyển hóa thành hiện thực thông qua thực tiễn của con người. Chủ nghĩa cộng sản là kết quả quá trình hiện thực hóa vai trò lịch sử của giai cấp công nhân bằng cách mạng vô sản. Trong đó, giai cấp công nhân thông qua sự lãnh đạo của đội tiên phong là đảng cộng sản - tổ chức một cách tự giác phong trào, tức xác định nội dung, mục tiêu, con đường, cách thức, lực lượng,... và tổ chức thành công cách mạng vô sản.
Quán triệt sâu sắc phương pháp luận mácxít trong vấn đề này, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”(13).Hơn 94 năm qua, Đảng luôn kiên định con đường độc lập dân tộc và CNXH. Đại hội VII (năm 1991) khẳng định CNXHở Việt Nam là xã hội mà “con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân”(14). Tiến lên CNXH là xu hướng tất yếu của cách mạng Việt Nam, với mục tiêu “con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”(15). Do đó, không phải ngẫu nhiên, một trong những tư tưởng chỉ đạo của Đại hội XIII (năm 2021) là kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, vì nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(16).
4. Con người vừa là chủ thể, vừa là sản phẩm của quá trình cải tạo xã hội, giải phóng con người
Nội dung lý luận này xuất phát từ quan điểm C.Mác về con người với tư cách vừa là chủ thể, vừa là sản phẩm lịch sử. Chủ thể và sản phẩm là khác nhau nhưng thống nhất nhau trong con người. Con người là chủ thể giải phóng và sản phẩm giải phóng. Giải phóng con người không có gì khác hơn là quá trình tự thân giải phóng và đồng thời là sản phẩm của môi trường xã hội đang được giải phóng.
Thứ nhất, con người là chủ thể của lịch sử. Thông qua lao động, con người chứng minh mình là chủ thể sáng tạo ra “giới tự nhiên thứ hai” của con người. “toàn bộ cái gọi là lịch sử toàn thế giới chẳng qua chỉ là sự sáng tạo con người kinh qua lao động, sự sinh thành của tự nhiên cho con người, cho nên người đó chứng minh một cách rõ ràng không bác bỏ được sự sáng tạo ra bản thân mình bởi chính mình, quá trình phát sinh của mình”(17). Trong tự nhiên, nguyên nhân sinh ra kết quả, khả năng chuyển hóa thành hiện thực cố nhiên là một tất yếu khách quan. Nhưng trong đời sống xã hội, nguyên nhân sinh ra kết quả, khả năng chuyển hóa thành hiện thực thông qua thực tiễn của con người. Giải phóng con người là quá trình tự thân giải phóng.
Mỗi thời đại khác nhau thì mong muốn, mức độ giải phóng con người cũng khác nhau và ngày càng phát triển. Khi nghiên cứu con người hiện thực trong chủ nghĩa tư bản, C.Mác đã phát hiện ra vai trò lịch sử của giai cấp công nhân, là phải thực hiện cuộc cách mạng xã hội giải phóng triệt để con người khỏi áp bức, bóc lột, bất công, giải phóng con người bị tha hóa và giải phóng xã hội loài người. Sự nghiệp giải phóng con người, do đó, “trở thành hình thức chính trị của sự giải phóng công nhân”(18), bằng tinh lực hiện thực của con người trong nhận thức và thực tiễn. C.Mác khẳng định vị trí, vai trò của con người trong quá trình giải phóng con người. “Trong cuộc cách mạng ấy, những người vô sản chẳng mất gì hết, ngoài những xiềng xích trói buộc họ. Họ sẽ giành được cả thế giới”(19).
Trong thời đại ngày nay, mâu thuẫn cố hữu giữa lực lượng sản xuất mang tính xã hội hóa ngày càng cao với quan hệ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất trong chủ nghĩa tư bản, tất yếu dẫn đến sự thay thế chủ nghĩa tư bản bằng hình thái kinh tế - xã hội cao hơn về chất, đây là cơ sở kinh tế - xã hội cho sự nghiệp giải phóng hoàn toàn con người. Đó là quá trình mà nhân loại phải “học cách tin tưởng vào con người”, vì “sự quay trở lại này diễn ra một cách có ý thức và có giữ lại tất cả sự phong phú của sự phát triển trước đó”(20).
Kế thừa, vận dụng sáng tạo di sản triết học của C.Mác, trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quán triệt sâu sắc quan điểm con người là chủ thể, trung tâm, động lực của sự nghiệp xây dựng CNXH, giải phóng con người. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội(bổ sung, phát triển năm 2011)chỉ rõ: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển”(21). Đại hội XIII tiếp tục khẳng định vai trò chủ thể, trung tâm của con người trong chiến lược phát triển đất nước: “Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển”(22). Phát huy vai trò nhân dân là hạt nhân nòng cốt, là chủ thể cơ bản của các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc với tư cách là một trong những điểm mới, điểm nhấn của khóa XIII. Nội dung này là một trong 5 thành tố cấu thành chủ đề Đại hội, là quan điểm chỉ đạo chiến lược, là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ. Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh: “Khơi dậy tinh thần và ý chí, quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; dân tộc cường thịnh, trường tồn; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(23).
Thứ hai, con người là sản phẩm của lịch sử. Con người là sản phẩm củanhững yếu tố đặc trưng về điều kiện, hoàn cảnh của thời đại mà họ đang sống. Đánh giá về công lao của Phoiơbắc (1804-1872) khi phát hiện con người là sản phẩm của những hoàn cảnh, thời đại khác nhau, C.Mác viết: “Cái học thuyết duy vật chủ nghĩa cho rằng con người là sản phẩm của những hoàn cảnh và của giáo dục, rằng do đó con người đã biến đổi là sản phẩm của những hoàn cảnh khác và của một nền giáo dục đã thay đổi,...”(24). Con người là sản phẩm của môi trường xã hội thời đại mà họ đang sống. Môi trường xã hội ngày một tiến bộ, văn minh thì con người ngày càng có điều kiện, khả năng được giải phóng và ngược lại.
Bản chất con người, trong tính hiện thực của nó là tổng hòa những quan hệ xã hội. Các quan hệ xã hội xét theo chiều ngang và theo chiều dọc quyết định đến sự hình thành bản chất con người. Khi phê phán truyền thống lạc hậu góp phần làm phương tiện cho bản chất con người bị tha hóa, C.Mác viết: “Con người làm ra lịch sử của chính mình, nhưng không phải làm theo ý muốn tùy tiện của mình, trong những điều kiện tự mình chọn lấy, mà là trong những điều kiện trực tiếp có trước mắt, đã cho sẵn và do quá khứ để lại. Truyền thống của tất cả các thế hệ đã chết đè nặng như quả núi lên đầu óc những người đang sống”(25).
Trong các cuộc cách mạng xã hội, sự ảnh hưởng của cái cũ, cái lạc hậu, lỗi thời vẫn còn chi phối dai dẳng. Con người hiện tại lại cầu cứu những mô hình, phương thức của quá khứ cho những khát vọng và sự bế tắc của hiện thực. Giải phóng con người trở thành sự phục dựng những hoàn cảnh của quá khứ một cách thiếu biện chứng. “Cả một dân tộc tưởng rằng nhờ cách mạng mà đã đẩy nhanh được sự vận động tiến lên của mình, thì bỗng nhiên thấy mình bị đưa lùi về một thời đã chết, và để cho không ai có thể nghi ngờ về bước thoái lui đó, người ta đã làm sống lại những ngày tháng cũ, kỷ niệm cũ, những tên tuổi cũ, những chỉ dụ cũ từ lâu đã trở thành tài sản của những người chơi đồ cổ thông thái,...”(26).
Những cái đã qua là chân lý vĩnh cửu. Không thể lấy thực tiễn của quá khứ làm tiêu chuẩn cho thực tiễn của hiện tại mà không có sự phê phán biện chứng.
Quá trình giải phóng con người, nhất là trong cách mạng vô sản, cần chú ý cải tạo truyền thống lạc hậu, xây dựng xã hội mà ở đó những tiến bộ vì con người được tôn tạo trên cơ sở phát triển biện chứng truyền thống đã qua. Giải phóng con người không có gì khác hơn là xây dựng môi trường xã hội tích cực, lành mạnh, tạo điều kiện để con người phát huy hết nhu cầu, khả năng trong nhận thức và thực tiễn.
Quán triệt sâu sắc phương pháp luận của triết học mácxít, Đại hội XIII tiếp tục quan điểm xây dựng môi trường xã hội tiến bộ, tích cực để con người phát huy hết nhu cầu, khả năng trong nhận thức và thực tiễn. Nội dung hướng đến 3 vấn đề cơ bản. Một là, xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế - xã hội, tạo môi trường, động lực, quan hệ xã hội tích cực, góp phần phát huy mọi tiềm năng, sức lực của con người trong sự nghiệp giải phóng con người. Hai là, mở rộng, phát huy dân chủ, tạo điều kiện để nhân dân tham gia tích cực vào đời sống xã hội.“Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện ngày càng tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước”(27). Ba là, không ngừng “Khuyến khích, tạo điều kiện để mọi người dân được phát huy các năng lực tự do, sáng tạo trong đời sống kinh tế, xã hội”(28). Điều kiện, môi trường thuận lợi là mảnh đất hiện thực màu mỡ gieo trồng hạt giống của sự giải phóng con người, là tiền đề khách quan triển khai thực hiện khát vọng ấy trong sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam hiện nay.
5. Giải phóng con người là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của con người
C.Mác chỉ rõ, con người phải có điều kiện để sống rồi mới có thể “làm ra lịch sử”, sự thỏa mãn những nhu cầu tồn tại do hành vi sản xuất mang lại làm nảy sinh “những nhu cầu mới” về vật chất, tinh thần và sự tái tạo ra đời sống của bản thân mình, xã hội (quan hệ gia đình) “tham gia ngay từ đầu” vào quá trình lịch sử. Con người là thực thể có nhu cầu và không ngừng sáng tạo ra các nhu cầu;“người ta phải có khả năng sống đã rồi mới có thể “làm ra lịch sử”. Nhưng muốn sống được thì trước hết cần phải có thức ăn, thức uống, nhà ở, quần áo và một vài thứ khác nữa”(29). Sinh hoạt vật chất và sinh hoạt tinh thần là hai mặt cấu thành nên đời sống phong phú của con người. Sinh hoạt vật chất là cơ sở, tiền đề, điều kiện cho sinh hoạt tinh thần. Sinh hoạt tinh thần đến lượt mình, lại là nhu cầu, phương thức biểu hiện sinh hoạt vật chất, thúc đẩy điều kiện sinh hoạt vật chất phát triển thông qua thực tiễn.
Trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, xã hội phân thành hai lực lượng cơ bản đối lập nhau, người tư sản và người công nhân, sự xa hoa biểu hiện trạng thái tha hóa và sự bần cùng hóa biểu hiện hành vi lao động bị tha hóa: “lao động bị tha hóa trong khi hạ thấp tinh thần chủ động, hoạt động tự do xuống mức một phương tiện đơn thuần, thì cũng biến đời sống có tính loài của con người thành phương tiện duy trì sự tồn tại thể xác của con người”(30). Đời sống tự do của con người, hoạt động sống có tính loài của con người dẫn đến một sự hy sinh mới, “quá trình sinh sống hóa ra là sự hy sinh đời sống”. Lao động sáng tạo ra cái đẹp, nhưng lao động bị tha hóa làm phiến diện công nhân; biến lao động sáng tạo thành lao động dã man hoặc thành “những cái máy”, lao động biểu hiện ra là sự đơngiản hóa cảm giác của con người.
Trong khuôn khổ sinh hoạt xã hội trừu tượng của chủ nghĩa tư bản, sự chi phối, thống trị của vật chất chết, của tiền tệ... biểu hiện trong đời sống xã hội như một “thế giới không có trái tim”, làm đảo lộn quan hệ có tính người. Phẩm giá, thân phận con người biểu hiện ra quyền lực của tiền tệ. Tiền tệ là tất yếu của trao đổi, gắn liền với đời sống hiện thực của con người. Nhưng, mặt đối lập của nó, “tiền, với tính cách là khái niệm đang tồn tại và đang biểu hiện của giá trị, làm lẫn lộn và trao đổi mọi sự vật, cho nên nó là sự lẫn lộn phổ biến và sự thay thế phổ biến mọi sự vật, nghĩa là thế giới lộn ngược, là sự lẫn lộn và sự thay thế tất cả những phẩm chất tự nhiên và có tính người”(31). Sự bần cùng hóa trong sinh hoạt vật chất, sự trừu tượng, què quặt trong sinh hoạt tinh thần mang tính phổ biến trong chủ nghĩa tư bản. Đó là lực lượng mang đến cho con người “cái bề ngoài của sự sinh tồn có tính người”(32).
Tương ứng với quá trình phát triển của chủ nghĩa cộng sản, con người đang từng bước được giải phóng và hoàn thiện bản chất của mình. Chủ nghĩa cộng sản là hình thái kinh tế - xã hội mà đời sống vật chất và tinh thần của con người không ngừng được nâng cao, đó vừa là mục đích vừa là yêu cầu của chế độ xã hội mới. Khi đó, “xã hội là sự thống nhất bản chất đã hoàn thành của con người với tự nhiên, sự phục sinh chân chính của tự nhiên, chủ nghĩa tự nhiên đã được thực hiện của con người và chủ nghĩa nhân đạo đã được thực hiện của tự nhiên”(33).
Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, với tư cách vừa là mục tiêu, yêu cầu của thời kỳ đổi mới, vừa là phương thức giải phóng con người. Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương (khóa VI) về các văn kiện trình Đại hội VII năm1991 khẳng định:“Ổn định và từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”(34). CNXH ở Việt Nam là chế độ xã hội mà ở đó “về đời sống vật chất và văn hóa, nhân dân có cuộc sống no đủ, có nhà ở tương đối tốt, có điều kiện thuận lợi về đi lại, học hành, chữa bệnh, có mức hưởng thụ văn hóa khá. Quan hệ xã hội lành mạnh, lối sống văn minh, gia đình hạnh phúc”(35). Sau 35 năm đổi mới, “Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn dưới 3%; nhà ở xã hội được quan tâm; đã hoàn thành mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, trong đó có nhiều mục tiêu về giảm nghèo, y tế, giáo dục hoàn thành trước thời hạn, được đánh giá là điểm sáng; đang tích cực triển khai thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030”(36). Đại hội XIII tiếp tục khẳng định: cần “Gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân”(37). Chăm lo phát triển con người về thể chất, tinh thần, “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”(38).
_________________
(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (11), (12), (17), (18), (20), (30), (32), (33) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.42, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000, tr.136, 145, 121, 132-133, 136, 142, 142, 169, 143, 183, 241, 167, 182, 143, 167, 138, 215, 170.
(13), (15), (21) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.69, 70, 76.
(14), (34) ĐCSVN:Văn kiện Đảng toàn tập, t.51, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.136, 89.
(16), (22), (23), (27), (28), (36), (38) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc giaSự thật, Hà Nội, 2021, tr.112, 215-216, 46, 71, 262-263, 65-66.
(19) C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc giaSự thật, Hà Nội, 1995, tr.646.
(24), (29) C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, sđd, t.3, tr.10, 40.
(25), (26) C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, t.8, Nxb Chính trị quốc giaSự thật, Hà Nội, 1995, tr.145, 148.
(32) Trần Đức Thảo: Vấn đề con người và “chủ nghĩa lý luận không có con người”, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2000, tr.75.
(35) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.55, Nxb Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2015, tr.367.
(37) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc giaSự thật, Hà Nội, 2021, tr.134.
NCS TRẦN NHẬT MINH
Học viện Chính trị khu vực II
PGS, TS VÕ VĂN DŨNG
Trường Đại học Khánh Hòa
Theo Tạp chí Lý luận chính trị