|
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Bằng chứng nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới cho lãnh đạo huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, tháng 2/2022. Ảnh: Thống Nhất -TTXVN |
Các quan điểm của Đảng, Nhà nước về giám sát xây dựng nông thôn mới ở cơ sở hiện nay
Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đó là việc Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trực tiếp hoặc đề nghị các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo dõi xem xét, đánh giá, kiến nghị đối với hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử, cán bộ công chức, viên chức thực hiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới.
Các quan điểm thực hiện giám sát xây dựng nông thôn mới của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các thành viên
Thực tiễn hơn ba mươi năm thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước ta đã chỉ ra rằng phát huy sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị nước ta, trong đó có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - một liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài… vào công cuộc xây dựng nông thôn mới có vai trò đặc biệt quan trọng. Một trong những vai trò quan trọng của Mặt trận Tổ quốc các cấp trong xây dựng nông thôn mới là thực hiện chức năng giám sát xã hội. Bằng việc thực hiện chức năng này, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp góp phần làm cho chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới đi vào cuộc sống theo đúng đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Để phát huy vai trò giám sát xây dựng nông thôn mới ở cơ sở hiện nay, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần phải nắm vững các quan điểm sau đây:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vai trò giám sát nói chung, giám sát xây dựng nông thôn mới nói riêng của Mặt trận Tổ quốc các cấp. Giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp là giám sát mang tính xã hội, sử dụng sức mạnh của dư luận xã hội, của Nhân dân ở cơ sở trong việc xây dựng nông thôn mới. Tuy giám sát của Mặt trận Tổ quốc không ra các quyết định mang tính chế tài như các chủ thể các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng những kiến nghị sau giám sát của Mặt trận có sức mạnh rất to lớn. Bởi, đó là kiến nghị của Nhân dân ở cơ sở, nơi Nhân dân là chủ thể xây dựng và hưởng thụ thành quả của việc xây dựng nông thôn mới, buộc các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cán bộ, công chức ở các cấp chính quyền, nhất là chính quyền cơ sở phải xem xét, giải quyết. Vì thế, phải coi giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp là một phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước của Nhân dân trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng nông thôn mới đối với cơ quan, tổ chức và cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.
Thứ hai, kết hợp chặt chẽ giữa giám sát với vận động Nhân dân thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Vận động Nhân dân phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, qua đó phát huy vai trò giám sát của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Sự kết hợp giữa giám sát có tổ chức của Mặt trận Tổ quốc và giám sát của người dân đối với xây dựng nông thôn mới tạo thành sức mạnh, góp phần làm cho chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới được thực hiện có hiệu lực và hiệu quả ngay ở cơ sở.
Thứ ba, nâng cao năng lực và bản lĩnh của các chủ thể thực hiện giám sát. Giám sát xây dựng nông thôn mới không chỉ là hoạt động mang tính chính trị - xã hội sâu sắc, mà còn mang tính nghiệp vụ kỹ thuật, kinh tế, pháp lý cụ thể; lại đụng chạm đến quyền và lợi ích của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền trong việc lập quy hoạch, kế hoạch; trong việc huy động, quản lý các nguồn vốn phục vụ xây dựng nông thôn mới, trong việc triển khai trên thực tế công tác xây dựng nông thôn mới, và phải biết nhận diện những vi phạm pháp luật trong việc lập quy hoạch, sử dụng quản lý nguồn vốn… Vì thế, đòi hỏi các chủ thể thực hiện chức năng giám sát xây dựng nông thôn mới không những vững vàng về phương diện chính trị - pháp lý nói chung, mà còn phải có kiến thức chuyên môn về kinh tế, tài chính, pháp lý cụ thể để đưa ra các kết luận kiến nghị cụ thể, xác đáng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực và hiệu quả của một cuộc giám sát về xây dựng nông thôn mới.
Thứ tư, tăng cường việc theo dõi, đôn đốc thực hiện các kiến nghị sau giám sát. Văn bản kiến nghị sau giám sát chưa phải là sản phẩm cuối cùng của một cuộc giám sát mà chỉ khi nào các kiến nghị rút ra sau một cuộc giám sát được thực hiện trong thực tế thì mới coi là một cuộc giám sát có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực và hiệu quả của hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp nói chung, hoạt động giám sát xây dựng nông thôn mới nói riêng.
Các giải pháp phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện nhiệm vụ giám sát xây dựng nông thôn mới ở cơ sở hiện nay
|
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội về dự thảo tiêu chí Quốc gia và quy trình xét, công nhận nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. ẢNH: KỲ ANH |
Một là, tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân ở nông thôn thực hiện cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”. Qua đó, phát huy vai trò giám sát của người dân ở địa bàn cơ sở góp phần hạn chế những thất thoát, nâng cao chất lượng các công trình xây dựng nông thôn mới như đường giao thông, nhà văn hóa…
Hai là, Mặt trận Tổ quốc các cấp, nhất là cấp huyện, xã chú trọng kiện toàn tổ chức, nâng cao kỹ năng giám sát cho Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng góp phần thực hiện dân chủ ở cơ sở, đấu tranh với những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng các công trình dự án trên địa bàn.
Ba là, đa dạng hóa các hình thức giám sát xây dựng nông thôn mới như: giám sát trực tiếp của Mặt trận Tổ quốc cấp huyện, xã; giám sát của Ban Thanh tra nhân dân; giám sát của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; giám sát của chính từng người dân. Tăng cường sự phối kết hợp của các hình thức giám sát này để nâng cao hiệu lực và hiệu quả của hoạt động giám sát.
Bốn là, ngoài các hình thức giám sát thường xuyên, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện cần thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc cấp xã, Ban Thanh tra nhân dân của xã, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng lựa chọn những nội dung, những chuyên đề giám sát có liên quan trực tiếp đến việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh giám sát theo chiều rộng, cần phải có các cuộc giám sát theo chiều sâu như giám sát một công trình xây dựng ở cơ sở; giám sát việc huy động và quản lý các nguồn lực phục vụ cho xây dựng nông thôn mới…
Năm là, đổi mới phương pháp, hình thức tập huấn cho cán bộ Mặt trận chuyên trách cấp huyện, xã, thanh tra viên nhân dân theo hướng tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề chuyên sâu về giám sát như giám sát việc lập quy hoạch, kế hoạch xây dựng nông thôn mới; giám sát việc huy động quản lý, sử dụng các nguồn lực xây dựng nông thôn mới (các nguồn vốn như vốn ngân sách cấp, vốn sự nghiệp, vốn tín dụng…); giám sát việc triển khai xây dựng nông thôn mới (như giám sát công tác tuyên truyền, vận động, giám sát công tác triển khai…). Đồng thời, tăng cường việc trao đổi kinh nghiệm trong công tác giám sát giữa các địa phương. Tiếp tục bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp lý, kỹ năng thực hành giám sát như kỹ năng nhận diện các vi phạm pháp luật về sử dụng nguồn vốn, vi phạm pháp luật trong quản lý làm thất thoát nguồn vốn; vi phạm pháp luật trong lập quy hoạch, kế hoạch…
Sáu là, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý về giám sát của Mặt trận Tổ quốc nói chung, giám sát về xây dựng nông thôn mới nói riêng.
Để phát huy vai trò cơ chế Nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước nói chung, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực thi chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước nói riêng cần sớm nghiên cứu xây dựng dự án Luật về giám sát của Nhân dân để không những thể chế đầy đủ quyền, trách nhiệm, phương thức, cách thức trong hoạt động giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội của Nhân dân, mà còn thể chế hóa các quyền dân chủ trực tiếp của công dân mà Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận.
Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 tuy đã có một chương riêng về giám sát, nhưng mới chỉ là những nguyên tắc chung, chưa đủ cụ thể để nâng cao hiệu lực và hiệu quả của hoạt động giám sát. Ví dụ: Khoản 2 Điều 30 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 chưa quy định thời gian cụ thể đối với việc giải quyết các kiến nghị và chế tài đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện các kiến nghị giám sát.
Có thể nói, đối với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định quản lý nhà nước bằng pháp luật. Đó vừa là mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững. Chính sách về xây dựng nông thôn mới được thể hiện trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, từng địa phương. Chủ trương, đường lối của Đảng về quản lý nhà nước đối với giám sát xã hội trong hoạt động xây dựng nông thôn mới là cơ sở, nền tảng bảo đảm cho Nhà nước và chính quyền các cấp thể chế hóa thành các nội dung cụ thể trong xây dựng chính sách, pháp luật bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Trần Ngọc Đường
Giáo sư, Tiến sĩ, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam