Quan hệ giữa MTTQ Việt Nam và các cơ quan Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ giám sát của Mặt trận

(Mặt trận) - Giám sát xã hội là yêu cầu khách quan, mang tính phổ biến của mọi thể chế chính trị hiện đại. Nhân dân thực hiện giám sát xã hội nhằm kiểm soát quyền lực, khắc phục xu hướng lạm quyền, tha hóa quyền lực.

Hội nghị tổng kết thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Chủ tịch nước và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2016, trọng tâm phối hợp công tác năm 2017. Ảnh: Thành Trung

Ở Việt Nam, một trong những phương thức để nhân dân thực hiện giám sát xã hội là thông qua vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hoạt động giám sát xã hội của Mặt trận Tổ quốc đã được quy định trong Hiến pháp, Luật Mặt trận Tổ quốc và các văn pháp pháp luật hiện hành có liên quan. Công tác giám sát xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là việc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trực tiếp hoặc đề nghị các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo dõi, xem xét, đánh giá, kiến nghị đối với hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức, tổ chức đảng và đảng viên trong việc thực hiện chính sách, pháp luật. Chế định giám sát xã hội của Mặt trận Tổ quốc trong Hiến pháp năm 2013 và trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 cần được triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả trong thực tiễn.

Phối hợp công tác giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan nhà nước trong công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là nhu cầu cần thiết xuất phát từ cả phía chủ thể và phía đối tượng giám sát. Đối với Mặt trận, phối hợp công tác với các cơ quan nhà nước là phương thức quan trọng để thực hiện các nội dung giám sát. Đối với các cơ quan nhà nước, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là biện pháp quan trọng trong việc kết hợp chức năng quản lý nhà nước với phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động sức dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo nên hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Hiện trạng mối quan hệ giữa Mặt trận và các cơ quan nhà nước trong công tác giám sát

Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định trách nhiệm của Mặt trận trong công tác giám sát xã hội:

1. Phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng chương trình, nội dung, kế hoạch giám sát; quyết định thành lập đoàn giám sát và tổ chức hoạt động giám sát theo kế hoạch hoặc khi cần thiết.

2. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát báo cáo bằng văn bản, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung giám sát.

3. Xem xét khách quan, khoa học những vấn đề liên quan đến nội dung giám sát.

4. Tổ chức đối thoại để làm rõ nội dung kiến nghị sau giám sát khi cần thiết hoặc theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát.

5. Kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét áp dụng các biện pháp để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân; đề nghị xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

6. Ban hành hoặc phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan ban hành văn bản về kết quả giám sát; chịu trách nhiệm về những nội dung kiến nghị sau giám sát.

7. Theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị sau giám sát; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân không giải quyết hoặc giải quyết không đúng quy định của pháp luật.

8. Khen thưởng hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền biểu dương, khen thưởng người có thành tích trong hoạt động giám sát.

Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với công tác giám sát của Mặt trận:

1. Được thông báo trước về nội dung, kế hoạch giám sát;

2. Báo cáo bằng văn bản theo nội dung giám sát; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung giám sát; báo cáo bổ sung, làm rõ những vấn đề liên quan;

3. Trình bày ý kiến về các nội dung liên quan thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình;

4. Đề nghị xem xét lại kiến nghị sau giám sát, đối thoại để làm rõ nội dung các kiến nghị đó khi cần thiết;

5. Tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện giám sát;

6. Xem xét, giải quyết và trả lời những nội dung kiến nghị sau giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

7. Thực hiện kết luận, quyết định giải quyết của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành liên quan đến những nội dung kiến nghị giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Để thực hiện tốt công tác giám sát, Mặt trận cần thực hiện tốt quan hệ phối hợp với các cơ quan nhà nước, cụ thể như sau:

Một là, Mặt trận giám sát quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước; cơ quan nhà nước mời đại diện Ủy ban Mặt trận các cấp tham gia soạn thảo, biên tập dự án luật, pháp lệnh và tiếp nhận ý kiến đóng góp của Mặt trận trong quá trình sửa đổi, bổ sung văn bản luật.

Hoạt động của các cơ quan dân cử thuộc đối tượng giám sát của Mặt trận các cấp, tập trung vào 3 lĩnh vực: Hoạt động xây dựng pháp luật; quyết định những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội quan trọng và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhân dân. Trong những năm qua, trong 3 lĩnh vực nêu trên, việc giám sát hoạt động xây dựng pháp luật Nhà nước có nhiều tiến bộ. Đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được mời tham gia các ban soạn thảo, tổ biên tập nhiều dự án luật, pháp lệnh, như: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Thi hành án hình sự, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo... Trên cơ sở Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trung bình mỗi năm, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia góp ý kiến khoảng 20 dự án luật, pháp lệnh và nghị định.

Mặt trận các cấp cũng đã có nhiều kiến nghị đối với các cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Việc giám sát của Mặt trận và các thành viên góp phần làm giảm những sai sót trong xây dựng pháp luật, tăng tính khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật. Tại các kỳ họp Quốc hội khóa XI, khoá XII, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước để trình bày trước Quốc hội, kiến nghị những vấn đề thuộc trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét giải quyết; kiến nghị Chính phủ chỉ đạo khắc phục những yếu kém trong điều hành, quản lý trên các lĩnh vực của đời sống xã hội để sớm có giải pháp khắc phục, đáp ứng những nguyện vọng chính đáng của nhân dân; kiến nghị Tòa án, Viện kiểm sát và các cơ quan tiến hành tố tụng khắc phục án tồn đọng và những vụ điều tra, truy tố, xét xử oan, sai gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức.

Hai là, Mặt trận phối hợp với các cơ quan Nhà nước giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật.

Mặt trận giám sát việc thi hành chính sách, pháp luật chủ yếu thông qua các hoạt động thực tiễn của Mặt trận. Thông qua các cuộc vận động mà Mặt trận phát hiện những chính sách, pháp luật có được thực thi đúng hay không, pháp luật có phù hợp với thực tiễn không. Trên cơ sở đó, Mặt trận đề nghị với Nhà nước xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành chính sách, pháp luật cho phù hợp với thực tiễn của đời sống xã hội. Hình thức của hoạt động giám sát này ở cơ sở chủ yếu thông qua hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân ở cấp xã và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Thanh tra nhân dân đóng vai trò nòng cốt giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật ở cơ sở; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn; hỗ trợ và tạo điều kiện để Thanh tra Nhà nước kiểm tra các vụ việc ở cơ sở. Theo số liệu thống kê, trong khoảng 5 năm trở lại đây, Thanh tra nhân dân các địa phương đã kiến nghị chính quyền giải quyết được 76.766 đơn khiếu nại (đạt 80,22%) và 8.290 đơn tố cáo (đạt 63,92%).

Có thể thấy rằng, qua giám sát việc triển khai Quy chế dân chủ ở cơ sở cho thấy, vai trò của Ban Thanh tra nhân dân rất quan trọng, giúp chính quyền địa phương khắc phục những thiếu sót trong công tác quản lý, chấn chỉnh những tiêu cực của cán bộ, góp phần xây dựng chính quyền ở cơ sở trong sạch, vững mạnh. Hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng bảo đảm cho các hoạt động đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là đối với việc đầu tư các công trình liên quan trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội của địa bàn dân cư được tiến hành đúng quy định, có giấy phép đầu tư và bảo đảm chất lượng công trình.

Ba là, Mặt trận phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ giám sát.

Hằng năm, Mặt trận chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức các cuộc tiếp xúc trước và sau mỗi kỳ họp đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân để đại biểu được tiếp xúc với cử tri, Mặt trận tập hợp những ý kiến, kiến nghị của cử tri, kiến nghị với các cơ quan của Đảng, Nhà nước xem xét giải quyết và trả lời cho cử tri được biết. Cũng thông qua những hoạt động này mà Mặt trận các cấp đã nắm được những hoạt động của đại biểu để kịp thời nhận xét, góp ý kiến với Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Quy chế phối hợp công tác giữa Ủy ban Mặt trận với Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân được ban hành ở nhiều nơi đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giám sát của Mặt trận và việc giám sát của đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

Về giám sát hoạt động của đại biểu dân cử, bằng những hình thức như tổ chức các cuộc tiếp xúc giữa đại biểu dân cử với cử tri nơi bầu ra họ, thông qua việc phản ánh của cử tri và nhân dân về hoạt động của đại biểu nói chung, về tư cách đạo đức, sự tín nhiệm nói riêng, thông qua kết luận của các cơ quan chuyên trách có thẩm quyền về các sai phạm của đại biểu, Mặt trận các cấp có thể xem xét, đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ của đại biểu theo quy định của pháp luật. Trường hợp đại biểu có hành vi vi phạm pháp luật, không còn được nhân dân tín nhiệm thì Ủy ban Mặt trận có văn bản đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân xem xét để quyết định việc miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm. Thực tiễn nhiều năm qua cho thấy, đã có một số đại biểu Quốc hội và không ít đại biểu Hội đồng nhân dân vi phạm pháp luật, bị bãi nhiệm theo đề nghị của Ủy ban Mặt trận các cấp.

Bốn là, Mặt trận phối hợp với cơ quan hành chính nhà nước giải quyết kiến nghị sau giám sát.

Việc cử đại diện tham gia các đoàn giám sát do Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, các ban của Hội đồng nhân dân tiến hành đã giúp Ủy ban Mặt trận phát hiện và kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, xử lý những vi phạm pháp luật trong hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước... Thông qua hoạt động tập hợp ý kiến, kiến nghị tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân; tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, Mặt trận đã phát hiện những yếu kém, sai sót, thậm chí thiếu trách nhiệm trong quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ, gây phiền hà, thiệt hại cho dân, từ đó kịp thời có văn bản kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét giải quyết và giám sát việc giải quyết đó.

Năm là, Mặt trận phối hợp với các cơ quan tư pháp thực hiện công tác giám sát.

Công tác giám sát của Mặt trận trong lĩnh vực hoạt động tư pháp được thực hiện tương đối đa dạng. Mặt trận, các tổ chức thành viên của Mặt trận đã tích cực tham gia và có nhiều đóng góp vào các hoạt động như tuyển chọn thẩm phán, kiểm sát viên; giới thiệu hội thẩm nhân dân; tham gia công tác đặc xá, giáo dục, cảm hóa người phạm tội; giúp đỡ người đã chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; tiếp nhận và đề nghị giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến hoạt động tư pháp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân. Theo số liệu thống kê, từ năm 2005 đến năm 2013, Ủy ban Mặt trận các cấp đã phối hợp giám sát đối với cơ quan tiến hành tố tụng 15.567 lượt; giám sát đối với người tiến hành tố tụng 254 lượt; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo 32.207 lượt.

Sáu là, Mặt trận phối hợp với cơ quan nhà nước giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Mặt trận thực hiện giám sát thông qua việc tiếp dân và tham gia giải quyết đối với những đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến những đối tượng do Mặt trận trực tiếp vận động, đến cán bộ của Mặt trận và những trường hợp vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Đối với những trường hợp gây bức xúc trong nhân dân, Mặt trận cử cán bộ có chuyên môn trực tiếp tìm hiểu vụ việc, gặp gỡ các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và có văn bản kiến nghị thể hiện chính kiến rõ ràng đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Giải pháp thực hiện tốt mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan Nhà nước trong công tác giám sát

Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện Quy chế phối hợp công tác giữa các cơ quan Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp theo hướng phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong công tác giám sát xã hội. Quy định rõ trách nhiệm cơ quan Nhà nước, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong việc tiếp thu, thực hiện và giải trình việc tiếp thu ý kiến, kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thông qua công tác giám sát xã hội. Quy chế phối hợp công tác trong hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan Nhà nước thực hiện quyền và trách nhiệm. Xây dựng và thực hiện tốt Quy chế phối hợp công tác giữa các cơ quan Nhà nước với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân cùng cấp nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của các chủ thể đối với hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

 Đoàn công tác của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát việc công khai kết luận thanh tra tại Thanh tra Chính phủ, tháng 4/2017. Ảnh: Thành Trung

Thứ hai, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã xây dựng Quy chế phối hợp với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Quy chế phối hợp với Thủ tướng Chính phủ. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp xây dựng Quy chế với các Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp. Hoạt động giám sát xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một trong những nội dung trong chương trình phối hợp hằng năm. Để tăng cường hiệu quả của công tác này, cần có những quy chế cụ thể để tăng cường vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện đúng Quy chế giám sát xã hội cũng là điều kiện để cả Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan nhà nước tăng cường hiệu quả công tác giám sát xã hội.

Thứ ba, quy chế phối hợp công tác phải có quy định rõ ràng, cụ thể tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận thực hiện tốt chức năng giám sát xã hội, tôn trọng ý kiến của Mặt trận. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần được trao những công cụ, phương tiện cần thiết, đủ mạnh để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội, đồng thời phải có cơ chế ràng buộc trách nhiệm đối với các chủ thể chịu sự giám sát, phản biện. Quy định cụ thể nhiệm vụ của người đại diện tổ chức Đảng trong Mặt trận các cấp để xác định rõ trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc tham mưu cho cấp ủy cùng cấp về nội dung, phương thức giám sát xã hội.

Thứ tư, trong quy chế phối hợp công tác, cần có điều khoản cụ thể về thiết lập hệ thống tiếp nhận và xử lý thông tin một cách khoa học, nhanh nhạy, chính xác, kịp thời giữa các chủ thể phối hợp. Một trong những nguồn thông tin cần tập trung xử lý là ý kiến, đề nghị, kiến nghị của cử tri và các tầng lớp nhân dân, nắm bắt dư luận xã hội, tâm trạng, tư tưởng, bức xúc của nhân dân… Công khai hóa, minh bạch hóa thông tin về chương trình, kế hoạch, kết quả giám sát xã hội; sự tiếp thu ý kiến góp ý, giải quyết các vụ việc liên quan của các cơ quan nhà nước… Nhờ đó, củng cố, tăng cường lòng tin của nhân dân, đồng thời lôi cuốn nhân dân hưởng ứng và tích cực tham gia.

Thứ năm, trong điều khoản thi hành, cần quy định cụ thể để khuyến khích, động viên kịp thời những cán bộ, đảng viên và công dân dũng cảm nói thẳng, nói thật về các khuyết điểm, tiêu cực của cán bộ, công chức trong trong chính quyền, nghiêm trị những người trù dập dân, cố tình vi phạm quyền làm chủ của dân.

--------------------------

1. Quốc hội (2013), Hiến pháp năm 2013.

2. Quốc hội (2015), Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015.

3. Quốc hội (2015) Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016.

6. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb CTQG, H. 2015.

ThS. Lê Mậu Nhiệm

Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều