|
Thành phố Đông Hà đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế theo hướng bền vững, đóng góp ngày càng nhiều hơn vào sự nghiệp phát triển của tỉnh Quảng Trị.
ẢNH: NGUYỄN PHONG
|
Quảng Trị là vùng đất có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Năm 1954, sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đã chia cắt nước ta thành hai miền Nam - Bắc, lấy vĩ tuyến 17, lấy con sông Bến Hải hiền hoà của Quảng Trị làm ranh giới tạm thời hai miền. Cầu Hiền Lương với vị trí bắc qua đôi bờ cũng trở thành “điểm nối” hai nửa non sông.
Với vị trí chiến lược quan trọng đó, trong cuộc trường chinh chống Mỹ cứu nước của dân tộc, Quảng Trị là vùng đất “bom cày, đạn xới”, là tiền tuyến của miền Bắc, vừa là hậu phương của miền Nam, đứng mũi chịu sào cho cuộc chiến tranh khốc liệt của Nhân dân cả nước với kẻ thù xâm lược vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Những tháng ngày kiên cường, bất khuất, anh dũng chiến đấu của quân và dân tỉnh Quảng Trị trong cuộc kháng chiến đã góp phần phát huy sức mạnh, khát vọng vươn lên, tích cực chuyển mình trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.
Những trang sử cách mạng hào hùng
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, dòng sông Bến Hải nằm trên vĩ tuyến 17, chảy giữa lòng Quảng Trị thân thương được xác định giới tuyến quân sự tạm thời, sau 2 năm tổng tuyển cử, thống nhất đất nước. Thế nhưng, đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm đã phá vỡ Hiệp định Giơnevơ. Kể từ đây, Quảng Trị lại cùng cả nước, vì cả nước thực hiện nhiệm vụ đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bảo vệ và xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Vĩnh Linh, mảnh đất phía bắc vĩ tuyến 17 trở thành khu vực trực thuộc Trung ương, tiền đồn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hân hoan mừng quê hương giải phóng, tập trung quy hoạch ruộng vườn dồn điền đổi thửa, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, phát triển sản xuất, xây dựng cuộc sống mới với những kết quả bước đầu đáng khích lệ…
Khi đế quốc Mỹ và quân đội chính quyền miền Nam cũ tấn công phá hoại ra miền Bắc, Vĩnh Linh là nơi đụng đầu quyết liệt giữa hai thế lực ta và địch. Quân và dân Vĩnh Linh vừa tổ chức chiến đấu vừa xây dựng làng hầm chiến đấu và bảo vệ Nhân dân mà tiêu biểu là địa đạo Vịnh Mốc.
Cùng với đó, các chiến dịch K8, K10 sơ tán hàng chục nghìn người già, trẻ em ra miền Bắc… Với những chiến công đặc biệt xuất sắc, Vĩnh Linh đã được Đảng, Nhà nước 2 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, được Bác Hồ 8 lần gửi Thư khen ngợi.
Ở phía Nam vĩ tuyến 17, Quảng Trị trong thời kỳ chống đế quốc Mỹ, cứu nước đã trở thành một chiến trường rất quan trọng, có ý nghĩa chiến lược về chính trị, quân sự, ngoại giao… đối với miền Nam cũng như cả nước. Được sự chỉ đạo của Trung ương, Đảng bộ Quảng Trị tập trung xây dựng tổ chức Đảng ở chiến khu và trong lòng địch, xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… củng cố niềm tin trong cán bộ, Nhân dân theo lời Bác Hồ dạy: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Nam Bắc một nhà”.
Đảng bộ Quảng Trị đã lãnh đạo đấu tranh chính trị đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ, tiếp thu “Đề cương Cách mạng miền Nam”, tiếp thu Nghị quyết 15 và Nghị quyết Đại hội III của Đảng. Đặc biệt, Đảng bộ Quảng Trị lãnh đạo các tầng lớp nhân dân và lực lượng vũ trang liên tiếp giành nhiều thắng lợi quan trọng trong giai đoạn 1960-1965; 1965-1968 và 1970, góp phần buộc Mỹ ngồi vào bàn đàm phán Paris.
Sau thắng lợi của Chiến lược Đường 9 - Nam Lào 1971, Quảng Trị đã tổ chức tấn công địch trên các mặt trận, chuẩn bị lực lượng phối hợp quân chủ lực thực hiện cuộc tiến công chiến lược năm 1972, mở đầu là chiến thắng và giải phóng hoàn toàn các huyện Gio Linh, huyện Cam Lộ ngày 2/4/1972, xóa sổ hàng rào điện tử, con mắt thần Mc Namara tại Dốc Miếu, Gio Linh; tiến công giải phóng Đông Hà ngày 28/4/1972; Triệu Phong, thị xã Quảng Trị, Hải Lăng ngày 29 - 30/4/1972 và giải phóng tỉnh Quảng Trị vào ngày 1/5/1972. Sự kiện giải phóng Quảng Trị năm 1972 góp phần làm nên thắng lợi của ta tại Hội nghị Paris dẫn đến ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973.
Sau ngày giải phóng Quảng Trị 1/5/1972, quân và dân Quảng Trị thực hiện chính sách đối với vùng giải phóng; tiếp tục đấu tranh chống quân đội chính quyền miền Nam cũ được giúp sức của Mỹ phản kích tái chiếm thị xã Quảng Trị và Thành cổ Quảng Trị, nổi bật là chiến dịch 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (28/6 - 16/9/1972).
Khi thế và lực thay đổi, thời cơ chín muồi, Quảng Trị cùng cả nước dốc sức tiến hành chiến dịch giải phóng miền Nam thắng lợi bằng Đại thắng Mùa xuân năm 1975, giang sơn thu về một mối, đất nước hòa bình, thống nhất, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Quê hương Quảng Trị đổi thay, phát triển từng ngày
Đi ra khỏi cuộc chiến tranh gian khổ và khốc liệt, Quảng Trị phải gánh trên mình hậu quả hết sức nặng nề; trên 95% làng mạc bị tàn phá, hủy diệt, là một trong những địa phương có mật độ bom mìn còn sót lại lớn nhất cả nước, nơi hiện hữu của 72 Nghĩa trang Liệt sỹ, trong đó có 2 Nghĩa trang Liệt sỹ cấp quốc gia là Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn và Nghĩa trang Liệt sỹ Đường 9, với gần 60.000 mộ liệt sỹ là con em của các tỉnh, thành phố trong cả nước, là minh chứng cho những đau thương mất mát của toàn dân tộc.
Là địa bàn thiên tai lũ lụt, hạn hán thường xuyên xảy ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống Nhân dân. Đứng trước muôn vàn khó khăn, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Quảng Trị luôn phát huy truyền thống anh hùng, đồng cam cộng khổ, cần cù, sáng tạo, bắt tay vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục sản xuất, từng bước ổn định đời sống Nhân dân, bảo vệ thành quả cách mạng.
Trong điều kiện vô cùng khó khăn, phức tạp của những ngày đầu giải phóng, đặc biệt từ sau sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, Đảng bộ tỉnh đã kế thừa truyền thống cách mạng của quê hương, luôn trăn trở, tìm tòi những hướng đi mới, phát huy bản lĩnh và trí tuệ của mình để đề ra những chủ trương, quyết sách phát triển quê hương. Kỳ tích trước tiên là công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn, minh chứng hào hùng cho ý chí, lòng quyết tâm mãnh liệt đó.
Những chủ trương, quyết sách ấy đã thể hiện trách nhiệm lớn lao của Đảng bộ trước nhu cầu bức thiết của Nhân dân, luôn lấy quyền lợi, cuộc sống ấm no hạnh phúc của Nhân dân làm mục tiêu cao nhất để phấn đấu, tiến lên. Nhờ sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, được Nhân dân đồng lòng hưởng ứng, công cuộc khôi phục và xây dựng quê hương đã giành được nhiều thành tựu to lớn.
Ở thời điểm mới vừa được tái lập tỉnh, Quảng Trị là một tỉnh thuần nông, nằm trong nhóm những tỉnh nghèo nhất nước. Nhưng với tinh thần quyết tâm đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy chủ động, sáng tạo, tập trung trí tuệ tháo gỡ khó khăn, phát huy lợi thế, huy động nội lực, thu hút đầu tư, tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, sự hỗ trợ của các tỉnh, thành phố trong cả nước, của bạn bè quốc tế, nhất là chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, đến nay, sau hơn ba thập kỷ tái lập, Quảng Trị đã tạo nên nhiều thành tựu rất đáng tự hào, tạo ra những chuyển biến lớn, quan trọng và đầy tích cực về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng.
Đến nay, Quảng Trị đã tập trung quy hoạch, định vị lại đơn vị hành chính cấp huyện với 10 đơn vị, từng bước xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, đường, trường, trạm, viễn thông, công nghệ thông tin, thương mại du lịch, nước sạch và môi trường, khu công nghiệp, khu kinh tế, văn hóa thể thao, đô thị và nông thôn.
Trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025 thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2021 đạt 6,63%, năm 2022 đạt 7,17%, dự kiến năm 2023 đạt 7,2%; bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 7%/năm. GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 56,5 triệu đồng, năm 2022 đạt 62,8 triệu đồng, dự kiến năm 2023 đạt 69,4 triệu đồng.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: Năm 2021 nông nghiệp chiếm 21,54%, phi nông nghiệp chiếm 78,46%, năm 2022 đạt tương ứng là 20,26% và 79,74%, dự kiến năm 2023 đạt tương ứng là 19,62% và 80,38% (mục tiêu đến năm 2025 nông nghiệp là 15% và phi nông nghiệp là 85%). Tổng thu ngân sách giai đoạn 2021-2023 là 14.402 tỷ đồng.
Sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Diện tích sản xuất theo cánh đồng lớn đạt 11.000 ha; diện tích cây trồng các loại sản xuất theo tiêu chuẩn hơn 1.200 ha. Sản lượng lương thực có hạt bình quân năm 2021 và 2022 đạt 27,2 vạn tấn. Huy động, lồng ghép các nguồn lực để phát triển trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ quản lý rừng bền vững; chuyển đổi cơ cấu giống lâm nghiệp theo hướng sử dụng giống nuôi cấy mô. Đến nay, Quảng Trị là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về trồng rừng nguyên liệu và chế biến gỗ rừng trồng, giai đoạn 2020-2022, diện tích rừng trồng bình quân đạt trên 10.665 ha. Tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn toàn tỉnh được duy trì 49%-50%.
Các công trình thủy lợi như Bảo Đài, Trúc Kinh, đập ngăn mặn Việt Yên, thủy lợi, thủy điện Rào Quán, đá mài Tân Kim, Sa Lung… được xây dựng và phát huy hiệu quả cùng với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Huyện Cam Lộ và trên 60 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng phấn đấu hoàn thành mục tiêu nông thôn mới trước năm 2025.
Khu vực “tam nông” có bước chuyển mình đáng khích lệ. Công nghiệp, dịch vụ, du lịch được xác định đột phá thông qua phát triển các Khu kinh tế Đông Nam, Nam Đông Hà, Quán Ngang, Tây Bắc Hồ Xá, Khu công nghiệp Quảng Trị và hàng chục cụm công nghiệp, làng nghề; phát triển công nghiệp điện năng, trong đó năng lượng tái tạo gần 1.000 MW… Đến nay, đã có 19 dự án điện gió với tổng công suất lắp đặt 713,4 MW đã được phát điện, hòa vào lưới điện quốc gia, vận hành thương mại.
Tỉnh tiếp tục thu hút đầu tư, bổ sung quy hoạch để phát triển điện khí hóa lỏng, nhiệt điện than, điện gió phía Tây và ngoài khơi Quảng Trị…
Công nghiệp chế biến gỗ, bia rượu, nước giải khát, may mặc, tinh bột sắn, săm lốp ô-tô, mủ cao su, hồ tiêu, thức ăn gia súc, vật liệu xây dựng, dược liệu phát triển mạnh… T
ỉnh hướng tới phát triển du lịch, dịch vụ thương mại trên cơ sở khai thác tiềm năng du lịch tưởng niệm, ước nguyện hòa bình, nâng cấp hạ tầng du lịch, tổ chức lễ hội vì hòa bình, lễ hội của các tôn giáo tại Nhà thờ La Vang, Chùa Sắc Tứ…, du lịch biển đảo, du lịch tiểu vùng khí hậu Sa Mù và các điểm du lịch sinh thái…
Được sự đồng ý của Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh đang xây dựng kế hoạch tổ chức Lễ hội Vì hòa bình, tổ chức định kỳ 2 năm/1 lần vào dịp tháng 7, bắt đầu vào năm 2024. Lễ hội Vì hòa bình sẽ là một lễ hội đặc biệt, riêng có của Quảng Trị, kết nối quá khứ - hiện tại - tương lai.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư khá đồng bộ, tỉnh đã chú trọng tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng và hiệu quả thu hút đầu tư, huy động các nguồn vốn để triển khai thực hiện nhiệm vụ đầu tư xây dựng hạ tầng kết nối các hành lang và vùng kinh tế trọng điểm.
Triển khai xây dựng công trình giao thông mang tính chiến lược nhằm tăng cường kết nối liên vùng, khai thác các tiềm năng, lợi thế của tỉnh như đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây, đường nối Hồ Chí Minh nhánh Đông và đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ - La Sơn (trong đó đoạn Cam Lộ - La Sơn đã được đưa vào sử dụng cuối năm 2022), đường tránh phía Đông thành phố Đông Hà. Tích cực vận động, thu hút đầu tư để sớm triển khai thực hiện các dự án động lực như Khu công nghiệp Quảng Trị, cảng hàng không Quảng Trị, tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo...
Diện mạo thành thị, nông thôn có nhiều khởi sắc; các lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực; đời sống Nhân dân được cải thiện đáng kể; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.
Hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc người có công thiết thực, ý nghĩa và hiệu quả. Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân gắn với phát triển phong trào thể dục thể thao… luôn được chú trọng.
Công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, chăm lo người nghèo, người yếu thế trong xã hội, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô có những chuyển biến tích cực. Thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo, thực hiện đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận xã hội…
Tổ chức bộ máy các cấp được củng cố, kiện toàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tập trung thực hiện và có nhiều chuyển biến tích cực, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ; dân chủ và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được phát huy...
Mặc dù vẫn còn những khó khăn thách thức, nhưng có thể khẳng định rằng sau hơn nửa thế kỷ được giải phóng, nhất là sau hơn ba thập kỷ tái lập tỉnh, Quảng Trị đã phát huy cao độ truyền thống cách mạng, khắc phục khó khăn, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, thời cơ, vận hội và tích cực tham gia công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đảng lãnh đạo, Quảng Trị đã đạt được trình độ phát triển trung bình của cả nước.
Trong thời gian tới, Quảng Trị tập trung hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để sớm hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở để phát triển bền vững trên 3 trụ cột: Nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế; Công nghiệp, trong đó công nghiệp năng lượng là đột phá; Du lịch là mũi nhọn.
Thực hiện có hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia là xây dựng nông thôn mới; Giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thực hiện 3 đột phá chiến lược gồm hệ thống kết cấu hạ tầng; chất lượng nguồn nhân lực và hoàn thiện thể chế, nhất là chính sách địa phương để nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, phát triển doanh nghiệp; hỗ trợ các điều kiện pháp lý, giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án lớn như sân bay, cảng biển, dự án phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ… sớm được triển khai.
Tỉnh tiếp tục khơi dậy và phát huy nguồn lực con người trong quá trình phát triển gắn với thu hút các dự án đầu tư xanh, bảo vệ môi trường gắn với phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu, chú trọng nâng cao sức khỏe, thể lực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân, xây dựng sự đồng thuận của người dân trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, trên nền tảng thành tựu đạt được trên các lĩnh vực trong hơn 50 năm qua, toàn Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Trị nguyện cùng nhau chung sức, đồng lòng, nêu cao quyết tâm chính trị, nỗ lực phấn đấu, tận dụng thời cơ, phát huy thuận lợi, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng và phát triển Quảng Trị trở thành tỉnh trong nhóm trung bình cao của cả nước vào năm 2025, tỉnh khá vào năm 2030, nâng cao đời sống của Nhân dân ngày càng tốt đẹp hơn, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.v
Nguyễn Đăng Quang - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy,
Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị.