(Ảnh minh họa)
CHÍNH PHỦ THANH LIÊM, CÁN BỘ LÀ CÔNG BỘC
Trong Đại từ điển Tiếng Việt, “liêm chính là trong sạch, ngay thẳng. Người liêm chính không có lòng tư túi” và “liêm khiết là có phẩm chất trong sạch không tơ hào tiền của công quỹ hay của hối lộ: sống liêm khiết”(1). Vì thế, một tổ chức hay cá nhân liêm chính/liêm khiết phải có những phẩm chất đó, phải được sống/hoạt động trong môi trường trong sạch, liêm chính và kiểm soát được hoạt động bất liêm chính.
Ngày 30-10-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa I là: “Tuy trong nghị quyết không nói đến, không nêu lên hai chữ liêm khiết, tôi cũng xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới: Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết”(2). Gần 50 năm sau, Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 9-5-2016 của Chính phủ cũng khẳng định quyết tâm “xây dựng Chính phủ trong sạch, liêm chính". Dù là Chính phủ liêm khiết hay Chính phủ liêm chính, thì đó vẫn phải là một Chính phủ kế thừa những giá trị truyền thống tốt đẹp, được tổ chức bộ máy tinh gọn theo đúng chức năng, nhiệm vụ và hoạt động hiệu quả. Đồng thời, phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, xã hội, báo chí giám sát các cơ quan hành chính, cán bộ, công chức để không chỉ tiết kiệm nguồn lực xã hội trên cơ sở đẩy mạnh cải cách hành chính mà còn ngăn ngừa được tình trạng quan liêu, tham ô, tham nhũng, lợi ích nhóm, tạo khả năng kiểm soát tốt, hạn chế được “vấn nạn” phong bì…
Ở đó, các cơ quan hành chính từ Trung ương đến địa phương hoạt động phải công khai, minh bạch, tôn trọng tiền bạc của nhân dân, thực hiện tiết kiệm, sử dụng tài sản hiệu quả, hợp lý trên tinh thần: 1) “Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc, đều vì lợi ích của quần chúng, vì cần cho quần chúng. Vì vậy, cách tổ chức và cách làm việc nào không hợp với quần chúng thì ta phải có gan đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại. Cách nào hợp với quần chúng, quần chúng cần, thì dù chưa có sẵn, ta phải đề nghị lên cấp trên mà đặt ra. Nếu cần làm thì cứ đặt ra, rồi báo cáo sau, miễn là được việc”(3). 2) “Bao nhiêu những cái xấu xa, thối nát, bất công, áp bức của chế độ cũ, của các hội đồng kỳ mục trước sẽ không thể tồn tại trong các Ủy ban nhân dân bây giờ. Ủy ban nhân dân là Ủy ban có nhiệm vụ thực hiện tự do dân chủ cho dân chúng. Nó phải hành động đúng tinh thần tự do dân chủ đó”(4).
Trong Chính phủ đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cả những người được ủy quyền trực tiếp thực thi các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tiếp xúc trực tiếp với nhân dân: 1) Phải luôn ngay thẳng, trong sạch, trách nhiệm trong công tác; tôn trọng giữ gìn của công và của dân, không bòn rút của dân, không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của nhà nước, của nhân dân. 2) Không vụ lợi, vị kỷ và phải cải tạo lòng mình, vì “nếu lòng mình không cải tạo thì đừng nói đến cải tạo xã hội. Lòng mình còn tham ô, lãng phí, muốn cải tạo xã hội làm sao được”(5); nhất là, không tham lam, “không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hoá. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ”(6).
Hơn 70 năm trôi qua kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định xây dựng Chính phủ liêm khiết cũng như gấn 4 năm qua khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, tổ chức bộ máy và cơ cấu tổ chức của Chính phủ đã ngày một hoàn thiện, xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp; là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Cùng với đó, việc tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện cải cách tư pháp, xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
|
Tổ chức bộ máy của các cơ quan thuộc Chính phủ ở Trung ương và địa phương từng bước được đổi mới, sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, đã giảm cấp trung gian, giảm nhiều đầu mối bên trong, nhất là giảm số lượng tổ chức và lãnh đạo, quản lý cấp phòng khối chính quyền địa phương, đơn vị sự nghiệp và trong các cục, vụ ở cơ quan Trung ương. Hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã minh bạch và hiện đại hóa; bảo đảm thực hiện một nền hành chính thống nhất, thông suốt, dân chủ, hiện đại, phục vụ nhân dân, chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân…
Đó là Chính phủ được xây dựng trên tinh thần “Chính trị là: 1. Đoàn kết. 2. Thanh khiết từ to đến nhỏ”(7). Ở đó, các cơ quan của Chính phủ ở Trung ương và các địa phương - “Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” đã nỗ lực hoạt động “Sao cho được lòng dân”; từng bước khắc phục bệnh “Thiếu óc tổ chức - một khuyết điểm lớn trong các Ủy ban nhân dân”, nhất là đã “Bỏ cách làm tiền ấy đi” và thường xuyên rèn luyện tinh thần chủ động, tự động mạnh mẽ, và lược bỏ dần “tính cái gì cũng tự tiện”(8), vi phạm kỷ cương, phép nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn.
Đó là Chính phủ đã chú trọng phương thức tuyển chọn cán bộ, lãnh đạo cấp vụ, cấp sở, cấp phòng thông qua thi tuyển hoặc trình bày đề án, phương án hành động gắn với đào tạo, bồi dưỡng theo đúng chức danh chuyên môn; đã triển khai các quy định của pháp luật về công chức, công vụ được xây dựng trên cơ sở những chuẩn mực đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là công cụ hữu hiệu nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức… Thông qua đó, tuyển dụng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm khiết, chính trực, tận tụy trong thực thi công vụ, được chọn “trong những người có công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo dân làng tín nhiệm. Không thể nhờ tiền hay một thế lực gì khác mà chui lọt vào các Ủy ban đó”. Đồng thời, phòng, chống, từng bước ngăn ngừa các tật bệnh của chủ nghĩa cá nhân như bè phái, địa phương chủ nghĩa, cánh hẩu, kèn cựa, địa vị, tham ô, lãng phí, quan liêu trái với thanh liêm, chính trực, tinh thần công bộc, chí công vô tư; nhất là không để những cán bộ lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan "lợi dụng danh nghĩa Ủy ban để gây bè tìm cánh, đưa người “trong nhà trong họ” vào làm việc với mình”(9).
TIẾP TỤC XÂY DỰNG CHÍNH PHỦ LIÊM CHÍNH, HẾT LÒNG VÌ NHÂN DÂN PHỤC VỤ
Bên cạnh những kết quả đạt được, có thể thấy, trong thực tế, tổ chức bộ máy các cơ quan của Chính phủ vẫn còn chồng chéo về chức năng và nhiệm vụ, thể chế hành chính cồng kềnh, nhiều tầng nấc, quan liêu. Cùng với đó, tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thoái hoá, biến chất, không xứng tầm với nhiệm vụ được giao, không những không làm việc tốt mà còn bất liêm. Họ không chỉ từ “sẵn lòng tham nhũng vặt” đến tham nhũng lớn của công, gây tổn thất về kinh tế của Nhà nước mà còn là chỗ dựa cho nhóm bè cánh, cánh hẩu bao che cho nhiều người làm điều xấu, hại dân, hại nước. Trong các cơ quan của Chính phủ, bên cạnh nhiều người “làm việc tốt và thanh liêm, song cái tệ tham ô, nhũng lạm chưa quét sạch”(10) và đó chính là rào cản, không chỉ gây ảnh hưởng không tốt đến tiến trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước mà còn tạo tiền đề cho bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất lợi dụng chức quyền và trốn tránh trách nhiệm dễ dàng trong thực thi công vụ.
Vì thế, để tiếp tục nỗ lực xây dựng một Chính phủ liêm chính, một số nhiệm vụ trọng tâm cần phải chú trọng thực hiện là:
Một là, Đảng là hạt nhân lãnh đạo hệ thống chính trị, trước hết Đảng phải luôn trong sạch vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”; trong đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu mỗi địa phương, cơ quan đơn vị phải xứng đáng vừa là người lãnh đạo vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Đó phải là những người thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, tận tâm, tận lực phụng sự nhân dân, thực hành liêm khiết, chủ động phòng và chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Phải gương mẫu, nói đi đôi với làm, thực hiện bồi dưỡng, tu dưỡng phẩm chất đạo đức suốt đời, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ, chất lượng phục vụ nhân dân.
Hai là, Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2016 gắn với Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội về “Tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, xây dựng bộ máy hành chính trong sạch, có năng lực hành động trong thực tế.
Công tác cán bộ phải khắc phục bệnh "quy trình hình thức", “cánh hẩu” trên tinh thần thi tuyển công khai, minh bạch, phải vì việc mà tìm người chứ không phải vì người mà xếp việc. Việc đánh giá hiệu quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức hằng năm phải được đồng nghiệp nhận xét xếp loại, nhân dân (người được thụ hưởng dịch vụ của cán bộ, công chức) bỏ phiếu tín nhiệm xếp loại, thủ trưởng trực tiếp giao việc hằng ngày đánh giá xếp loại và hội đồng đánh giá cấp có thẩm quyền xếp loại. Đồng thời, mỗi người phải nỗ lực tự học tập, đổi mới sáng tạo, sát dân, sát cơ sở, không tham ô, tham nhũng, quan liêu, lãng phí, không tham quyền cố vị, không lạm dụng quyền hạn để mưu cầu lợi ích riêng hoặc lợi ích cho phe nhóm mình; nhất là, phải kiên quyết chống sự “nhũng lạm”, lạm dụng quyền lực để tham ô, tham nhũng, đục khoét của công, ăn của đút, “dĩ công vi tư”.
|
Ba là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp, cơ chế kiểm soát quyền lực, đủ chế tài để buộc cán bộ, công chức, viên chức liêm chính trong thực công vụ. Đổi mới và tăng cường công tác giáo dục đạo đức công chức, đạo đức nghề nghiệp, không ngừng nâng cao đạo đức công vụ, thái độ phục vụ trong quá trình tiếp dân, giải quyết công việc gắn liền với chế tài khen thưởng, xử lý kỷ luật. Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật, từ trên xuống, từ dưới lên trên để khích lệ ý thức giác ngộ, tinh thần tự phê bình và phê bình, tự giáo dục, khắc phục hạn chế, khuyết điểm trong mỗi người và mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị. Đồng thời, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đi đôi với xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra cụ thể, chu đáo, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm được dư luận xã hội quan tâm (trách nhiệm thực thi nhiệm vụ, đạo đức công vụ, văn hóa giao tiếp…).
Xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi bất liêm, vi phạm pháp luật cho dù họ là ai, để không chỉ cảnh tỉnh mọi người tránh xa hành vi bất liêm mà còn tăng cường được khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, củng cố lòng tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tạo dựng niềm tin và sự đồng thuận trong xã hội.
|
Bốn là, triển khai có hiệu quả chương trình cải cách hành chính, xây dựng hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương tới cơ sở thông suốt, trong sạch, vững mạnh, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, tăng tính dân chủ và pháp quyền trong hoạt động điều hành của Chính phủ và của các cơ quan hành chính nhà nước; bảo đảm thực hiện trên thực tế quyền dân chủ của nhân dân, bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, của đất nước. Gắn kết chặt chẽ với việc xây dựng Chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao và trong nhiều lĩnh vực, ở mọi cấp, mọi ngành; trong đó, công nghệ thông tin là công cụ thực hiện mục tiêu cải cách, nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của Chính phủ, hiệu quả quản trị công, góp phần đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhũng nhiễu đối với nhân dân; giảm thiểu chi phí và thời gian thực hiện thủ tục hành chính, tạo điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động và phát triển kinh tế.
Năm là, tăng cường công tác dân vận chính quyền, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân; có những biện pháp cụ thể, phù hợp để nhân dân có thể bày tỏ chính kiến của mình, làm cho người dân đồng tình cùng chính quyền trong hành động. Các chương trình công tác và hoạt động thực tiễn tập trung ngăn chặn tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí; giải quyết những mâu thuẫn bức xúc trong nhân dân; tích cực trong việc đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, không ngừng nâng cao ý thức về quyền lợi và nghĩa vụ công dân, bồi dưỡng và phát huy năng lực làm chủ, tham gia quản lý xã hội của nhân dân, trên cơ sở đó tổ chức và phát huy vai trò của nhân dân trong kiểm tra, giám sát chính quyền cơ sở và cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền - những người phải tiên phong gương mẫu về thực hành liêm chính.
________________________
(1) Nguyễn Như Ý: Đại từ điển Tiếng Việt, Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2008, tr.926.
(2), (4), (8), (9), (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t.4, tr.478, 22, 45, 21-22, 192.
(3), (6), (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.286, 292, 75.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.113.
Theo PGS. TS. Lưu Ngọc Tố Tâm/Tạp chí Tuyên giáo