|
Người dân Anh phản đối việc nước này rời khỏi EU. Ảnh: AFP. |
Chủ nghĩa dân tộc là gì?
Lâu nay ở nước ta ít nói chủ nghĩa dân tộc; thường nói là ý thức dân tộc, tư tưởng dân tộc lớn, dân tộc hẹp hòi, dân tộc cực đoan,... Trên cơ sở nghiên cứu định nghĩa của các học giả trong nước và quốc tế về chủ nghĩa dân tộc, có thể khẳng định, chủ nghĩa dân tộc xuất hiện cùng với sự ra đời của dân tộc; chủ nghĩa dân tộc là một thứ tình cảm, một loại hình tư tưởng, một phong trào thực tiễn hay một hiện tượng văn hóa liên quan đến sự sinh tồn, phát triển và quyền lợi của dân tộc, được tạo ra trên cơ sở tình yêu, lòng trung thành và sự quan tâm sâu sắc của các thành viên đối với dân tộc mình.
Một khái niệm liên quan đến chủ nghĩa dân tộc là chủ nghĩa quốc tế. Chủ nghĩa quốc tế - chủ nghĩa dân tộc theo lập trường của giai cấp vô sản, là một hệ thống lý luận, những nguyên tắc, phương châm hành động vì sứ mệnh cao cả, ra đời khi chủ nghĩa tư bản hình thành, cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất có trình độ xã hội hóa cao theo xu hướng quốc tế hóa, toàn cầu hóa. Điều này phá bỏ mọi hàng rào ngăn cách giữa các quốc gia, tạo nên một thị trường thế giới thống nhất, khiến các quốc gia phụ thuộc lẫn nhau, thúc đẩy sự liên kết, sự hợp tác giữa các quốc gia; còn xuất phát từ những vấn đề vì mục tiêu cao cả của quốc tế, mà từng quốc gia, dân tộc riêng lẻ không tự giải quyết được, đòi hỏi sự chung tay của cộng đồng quốc tế như là đấu tranh bảo vệ hòa bình, chống chiến tranh, xóa bỏ mọi chế độ người bóc lột người, xóa bỏ giai cấp, xóa bỏ chủ nghĩa tư bản, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới!...
Mối quan hệ giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa quốc tế được thể hiện qua hai dạng của chủ nghĩa dân tộc, có hai biểu hiện trái ngược nhau, đó là:
Chủ nghĩa dân tộc chân chính xuất phát từ tình cảm, lòng trung thành đối với đất nước nhưng không vì thế mà xem dân tộc mình ưu việt hơn dân tộc khác. Do đó, chủ nghĩa dân tộc chân chính biểu hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc, là nền tảng, động lực cho tự do, độc lập, quyền tự quyết và phẩm giá của các dân tộc trước những áp bức, thống trị và bất công; là cơ sở để xây dựng mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc,...
Chủ nghĩa dân tộc cực đoan là xu hướng tư tưởng tuyệt đối hóa giá trị dân tộc mình, đặt dân tộc mình ở vị trí cao nhất trong toàn bộ hệ thống giá trị, đi đến chỗ bài ngoại, tự phụ, coi dân tộc mình cao hơn tất cả và gây thiệt hại cho dân tộc khác. Chính vì thế, chủ nghĩa dân tộc cực đoan dễ dẫn đến xu hướng biệt lập, cục bộ, vị kỷ, chống lại xu hướng hợp tác, liên kết và hội nhập quốc tế, thậm chí có thể thúc đẩy xu hướng chiến tranh, xâm lược. Do đó, nó cản trở sự giao thoa và hợp tác quốc tế, làm suy giảm lòng tin chiến lược giữa các quốc gia. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan thường xuất hiện ở những người có biểu hiện như sau:
- Dân tộc lớn, có thể xuất hiện ở dân tộc đa số, có trình độ phát triển cao hơn. Biểu hiện của nó là thiếu tôn trọng hoặc đối xử không bình đẳng với các dân tộc thiểu số có trình độ phát triển thấp hơn; làm tổn thương đến tình đoàn kết, vi phạm quyền bình đẳng dân tộc, nẩy sinh mâu thuẫn, xích mích giữa các dân tộc.
- Dân tộc hẹp hòi, có thể xuất hiện ở các dân tộc thiểu số, có trình độ phát triển thấp hơn dân tộc đa số. Biểu hiện của nó là có xu hướng khép kín, biệt lập và bài xích mù quáng, không muốn tiếp thu tinh hoa văn hóa, mặt tích cực của các dân tộc khác, hẹp hòi này như là một lá chắn.
- Kỳ thị dân tộc, là nhìn dân tộc này hay dân tộc khác với con mắt hằn học, khinh rẻ, miệt thị,... Những người đó luôn coi dân tộc mình là nhất, không xem trọng tác dụng, lợi ích chính đáng, tiến bộ của các dân tộc khác. Ai có biểu hiện này dễ mắc bệnh kiêu ngạo, không dân chủ hoặc dân chủ hình thức, cưỡng bức mệnh lệnh, bao biện làm thay, vi phạm quyền bình đẳng dân tộc, dẫn đến chia rẽ dân tộc, là nguy cơ gây xung đột dân tộc.
Để đạt mục đích của mình, được các thế lực thù địch tạo điều kiện, những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan không từ bỏ mọi phương tiện và thủ đoạn nào, sẽ tạo cuộc chiến tranh trên tất cả các lĩnh vực của đời sống dân tộc. Lúc đầu, họ sẽ đòi phục hồi các quyền lợi về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; rồi cao hơn là gây bạo loạn, lật đổ, đòi dân tộc tự trị; cuối cùng là đòi ly khai lập quốc gia riêng.
Một số biểu hiện mới hay sự trỗi dậy, tính hai mặt của chủ nghĩa dân tộc
Trên thế giới, hiện nay có hơn 200 nước và vùng lãnh thổ, hầu hết là quốc gia đa dân tộc, có dân số và số tộc người, diện tích rất khác nhau. Có 192 nước đã tham gia Liên hợp quốc. Sự phân bố dân tộc trên thế giới rất phức tạp và đa dang, do hậu quả của quá trình di cư rất lâu dài trong lịch sử.
Người ta chưa thống kê chính xác, thế giới hiện nay có bao nhiêu dân tộc (tộc người, theo các tiêu chí cơ bản xác định tộc người), nhưng theo một số nhà khoa học, con số đó khoảng vài nghìn. Nếu tính theo tiêu chí ngôn ngữ thì nay có khoảng 7.000 ngôn ngữ khác nhau; nhưng nhiều nhà khoa học cảnh báo, sau 100 năm nữa hơn 5.000 ngôn ngữ sẽ bị biến mất. Chỉ tính riêng ở châu Á đã có khoảng trên 1.000 dân tộc đang sinh sống với trình độ phát triển kinh tế - xã hội khác nhau, thuộc nhiều hệ và nhóm ngôn ngữ.
Ấn Độ và Inđônêxia có trên 150 dân tộc, Philippin có trên 100 dân tộc; Việt Nam và Trung Quốc có trên 50 dân tộc; Thái Lan, Mianma, Iran, Áp ganixtan... có trên 30 dân tộc sinh sống. Các dân tộc cũng rất khác nhau về số lượng người. Ở châu Á, 4 dân tộc có trên 100 triệu người, 6 dân tộc có trên 50 triệu người, 21 dân tộc có từ 10 - 50 triệu người và 90 dân tộc có số dân hơn 1 triệu người. Có dân tộc có trên 100 triệu người (như người Hán ở Trung Quốc); ngược lại, nhiều dân tộc chỉ có vài ngàn người, thậm chí chỉ có vài trăm người (như Brâu, Rơ Măm, Ơ Đu ở Việt Nam).
Có nước có số dân rất lớn với trên một tỷ người như Trung Quốc và Ấn Độ; song có nước chỉ có vài trăm ngàn người, thậm chí vài chục ngàn người như Brunay. Có những nước rộng hàng chục triệu km2; song có nước chỉ có vài chục km2. Trình độ phát triển kinh tế - xã hội cũng không đồng đều nhau. Có một số nước công nghiệp phát triển cao hàng đầu thế giới như nhóm G7, tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), còn đa số các nước châu Á, châu Phi, Mỹ La tinh vẫn ở tình trạng kém và đang phát triển.
Nhiều dân tộc cư trú ở nhiều quốc gia như người Hán; người Thái, người Mông cư trú ở Trung Quốc,Việt Nam, Thái Lan, Lào,... Ngày nay, các dân tộc thường sống xen kẽ với nhau, nhất là ở khu vực biên giới gần nhau về địa lý. Vì vậy, xuất hiện vấn đề quan hệ dân tộc trong phạm vi một quốc gia và giữa các quốc gia. Những mâu thuẫn tồn tại trong lịch sử làm cho mối quan hệ dân tộc không ổn định, đôi khi nảy sinh sự căng thẳng, xung đột giữa các dân tộc, các quốc gia.
Các dân tộc không sống biệt lập, mà có quan hệ qua lại nhiều chiều với nhau. Cùng với tiến trình lịch sử, mối quan hệ giữa các dân tộc ngày càng trở nên phong phú và đa dạng.
Sau khi Liên Xô tan rã, cục diện đối đầu giữa hai cực, hai hệ thống (XHCN, TBCN) trên thế giới không còn, quan hệ giữa các dân tộc trên thế giới trở nên phức tạp, cả trong phạm vi quốc gia và quốc tế, chủ nghĩa dân tộc thường bị các thế lực đế quốc lợi dụng. Một số biểu hiện mới hay sự trỗi dậy, tính hai mặt của chủ nghĩa dân tộc trên thế giới hiện nay là:
Vấn đề ý thức hệ giai cấp đặt xuống thứ yếu, nổi lên là ý thức dân tộc chi phối đời sống xã hội hiện đại
Thời kỳ thế giới chia làm hai hệ thống XHCN và TBCN thì vấn đề ý thức hệ giai cấp luôn được đặt lên hàng đầu trong giải quyết các vấn đề của nội khối cũng như trong quan hệ giữa hai hệ thống. Việc giải quyết mối quan hệ giai cấp - dân tộc trên lập trường của chủ nghĩa Mác-Lênin, theo ý thức hệ Mác xít được xem là vấn đề nguyên tắc và có giá trị điều chỉnh các mối quan hệ xã hội,...
Từ khi hệ thống XHCN theo mô hình Xô Viết tan rã thì ý thức hệ giai cấp và việc giải quyết mối quan hệ giai cấp - dân tộc trong nội khối cũng đã có nhiều biến đổi,...
Chủ nghĩa dân tộc có tầm ảnh hưởng lớn trong mối quan hệ quốc tế
Từ năm 1990 đến nay, nhiều vấn đề quốc tế, quan hệ quốc tế bị chi phối bởi vấn đề dân tộc, chủ nghĩa dân tộc. Việc đề cao lợi ích dân tộc đến mức cực đoan, xem nhẹ lợi ích quốc tế, thậm chí bất chấp luật pháp quốc tế là biểu hiện đang diễn ra. Có một thực tế mới là, giai cấp cầm quyền ở một số quốc gia bị chi phối bởi chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, đề cao thái quá “tinh thần dân tộc”, từ đó làm trỗi dậy chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn,... và chúng đang chi phối các mối quan hệ quốc tế. Thí dụ, từ năm 2010 đến nay, sự can thiệp của Mỹ và một số nước phương Tây vào các nước Ảrập, đặc biệt là Xyri khiến các nước này rơi vào tình trạng hỗn loạn, chiến tranh liên miên, đất nước tan rã, các nhóm Hồi giáo cực đoan nổi dậy gây ra hậu quả tàn khốc ở khu vực này.
Chủ nghĩa dân tộc được kích hoạt trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội
Về kinh tế, toàn cầu hóa là động lực thôi thúc chủ nghĩa dân tộc chân chính, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc quyết tâm vươn lên tranh thủ cơ hội, vượt qua thách thức để thoát nghèo, hội nhập thành công và phát triển. Bên cạnh mặt tích cực, nó có nhiều tác động tiêu cực, không chia lợi ích và cơ hội đồng đều cho các quốc gia, khu vực, cộng đồng người, dân tộc; một số tộc người, nhóm dân cư,... bị tụt lại hoặc bị gạt ra của quá trình này; một số quốc gia, khi quyền lợi kinh tế bị đe dọa, phải cạnh tranh khốc liệt với các tập đoàn kinh tế hay từ các nước, họ có xu hướng chống lại toàn cầu hóa; khi lợi ích kinh tế của quốc gia dân tộc bị vi phạm, chủ nghĩa dân tộc kiên quyết chống lại, thậm chí chà đạp lên lợi ích của các quốc gia khác; cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có lý do từ chủ nghĩa dân tộc về kinh tế được đề cao.
Về chính trị, khi an ninh của các quốc gia càng trở nên bất ổn, khó kiểm soát và dễ đổ vỡ hơn; sự sụp đổ của mô hình Xô viết là yếu tố thúc đẩy sự tan rã của các nhà nước liên bang để hình thành các tiểu quốc gia độc lập, hoặc hình thành những khu vực độc lập thay thế cho các nhà nước - dân tộc theo mô hình cũ, hay những vấn đề xung đột vũ trang, khủng bố quốc tế, vấn đề hạt nhân khiến cho an ninh của các quốc gia ngày càng trở nên bất ổn, khó kiểm soát và dễ đổ vỡ, đó cũng là điều kiện tốt cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan trỗi dậy. Bên cạnh đó là xu hướng hình thành hệ thống quyền lực mới theo mô hình liên quốc gia để bảo vệ lợi ích của các quốc gia dân tộc trong nội khối, cũng như để hợp tác cùng giải quyết những vấn đề chung mang tính toàn cầu.
Về văn hóa - xã hội, khi toàn cầu hóa kinh tế đã dẫn đến toàn cầu hóa văn hóa, xã hội; khi đó, bản sắc văn hóa dân tộc bị tấn công và có nguy cơ bị mai một, thậm chí bị biến mất; mặt khác, còn do tác động của các cuộc xung đột, bạo lực quân sự, các cuộc khủng bố diễn ra khốc liệt ở nhiều quốc gia khu vực, khiến cho dòng người tị nạn di cư mong tìm đến “miền đất hứa”gia tăng, gây ra những xáo trộn về thành phần dân tộc, tôn giáo, lãnh thổ cư trú,... Trào lưu này, khiến cho cư dân bản địa lo sợ khi lợi ích và cuộc sống của họ bị đe dọa, xáo trộn, từ đó dẫn đến va chạm, xung đột văn hóa, dân tộc, tôn giáo; từ đây, chủ nghĩa dân tộc bài ngoại trỗi dậy ở nhiều quốc gia, khu vực, thậm chí đó còn là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn sâu sắc, còn tạo ra cảm hứng muốn ly khai ở nhiều vùng, quốc gia trên thế giới.
Đồng thời, cần nhận biết biểu hiện của mối quan hệ giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa quốc tế hiện nay ở các xu hướng:
Xu hướng bành trướng của chủ nghĩa dân tộc cực đoan nước lớn dẫn đến quá trình quốc tế hóa một cách ép buộc
Biểu hiện của xu hướng này trong lịch sử hiện đại, chính là các nước thực dân, đế quốc với những cuộc chiến tranh xâm lược thuộc địa, lấy danh nghĩa “khai hóa văn minh”; quá trình quốc tế hóa này đã tạo ra một sự liên kết với quốc gia dân tộc một cách không tự nguyện, chỉ xuất phát từ chủ quan của quốc gia bá quyền; khác với quốc tế hóa chủ nghĩa cộng sản, về mặt lý thuyết là dựa trên cơ sở tự nguyện giữa các quốc gia, dân tộc.
Chủ nghĩa dân tộc nước nhỏ chống lại xu hướng quốc tế hóa của chủ nghĩa dân tộc cực đoan nước lớn
Xu hướng này có nguồn gốc từ chủ nghĩa quốc gia dân tộc, nhằm bảo vệ sinh tồn, phát triển như một thực thể chính trị độc lập và chống lại xu hướng “quốc tế hóa”của chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Các dân tộc dù lớn hay nhỏ, phát triển hay kém phát triển,... đều có quyền bình đẳng, mục tiêu của xu hướng này là bảo vệ lãnh thổ, không gian sinh tồn, bảo vệ tộc người - nòi giống, bảo vệ độc lập, tự do, quyền được phát triển, bảo vệ bản sắc dân tộc,...
Chống lại xu hướng này dẫn đến chủ nghĩa dân tộc kinh tế, vì mặt tiêu cực của toàn cầu đặt các nước kém phát triển trước thách thức lớn, làm tăng thêm bất công xã hội, tăng khoảng cách giàu nghèo trong từng dân tộc, từng nước và giữa các nước với nhau; chống xu hướng này cũng dẫn đến chủ nghĩa dân tộc văn hóa của các nước nhỏ, tìm cách bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc mình, không bị xói mòn, hòa tan trước làn sóng “xâm lăng” của văn hóa đồi trụy ngoại lai.
Xu hướng chủ nghĩa dân tộc nước lớn chống lại xu thế quốc tế
Thực tế cho thấy, một đảng phái hay chính quyền nào đó sẽ nhận được sự tín nhiệm cao của người dân nếu nhận thức đầy đủ, toàn diện vấn đề chủ nghĩa dân tộc trong đường lối, chính sách; có những quốc gia sử dụng chủ nghĩa dân tộc như một “lá bài” để đặt được lợi ích thông qua hành vi đề cao lợi ích quốc gia, chỉ quan tâm đến quyền lợi của quốc gia, dân tộc mà không quan tâm, thậm chí làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của các quốc gia khác; từ đó chối bỏ trách nhiệm và nghĩa vụ đối với cộng đồng quốc tế, không gắn lợi ích dân tộc với quốc tế.
Dưới thời Tổng thống Donald Trump, ông nói có chính sách là “nước Mỹ trên hết”, “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, đã quyết định rút Mỹ khỏi một số tổ chức và các hiệp ước quốc tế, như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do Bác Mỹ, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc,...
Như vậy, chủ nghĩa dân tộc có vai trò tích cực khi gắn với lòng yêu nước và ý thức công dân trong bảo vệ, xây dưng cộng đồng quốc gia dân tộc,... Song, chủ nghĩa dân tộc sẽ có nhiều tiêu cực nếu trở nên cực đoan; khi nó chỉ hướng đến trục lợi cho quốc gia dân tộc hay nhóm tộc người, nhóm tôn giáo của mình mà chà đạp lên lợi ích của các quốc gia dân tộc hay tộc người, tôn giáo khác; dẫn tới sự thoát ly của các dân tộc, tôn giáo với cộng đồng quốc gia dân tộc vì mưu cầu riêng.
Hiện nay, tình hình xung đột dân tộc tiếp tục diễn ra nghiêm trọng ở nhiều nơi trên thế giới, mang tính toàn cầu, như ở Ucraina, các nước Ảrập, ở Lybi, Mêhicô, giữa Palextin và Ixraen,... Đó là các cuộc xung đột giữa người Adécbaigian theo Hồi giáo và người Ácmênia theo Thiên Chúa giáo,... Các mâu thuẫn dân tộc và tôn giáo đã gây ra các cuộc nội chiến đẫm máu ở Bôxnia và Maxêđônia... Mâu thuẫn giữa người Sébia và người Anbani ở Côxôvô thuộc Cộng hòa Sécbia tồn tại trong nhiều năm, cộng với sự can thiệp từ bên ngoài trở nên rất phức tạp.
Ở các nước thuộc Liên Xô (cũ), nhiều nước trong liên bang đã tách ra thành nước nhỏ độc lập. Ở Nam Tư, từ một liên bang gồm nhiều dân tộc, với 6 nước cộng hòa, nay chia thành 5 nước độc lập. Khi đã mất lòng tin, không thân thiện, thường là đưa ra các lệnh trừng phạt, cắt quan hệ ngoại giao lẫn nhau, như Mỹ, Na Tô, EU trừng phạt Nga,...
Nguồn gốc, nguyên nhân đó là : 1) Sự bất bình đẳng giữa các dân tộc; 2) Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, phân biệt chủng tộc; 3) Chưa giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc theo Mác - Lênin; 4) Các nước tư bản đế quốc luôn tìm cách can thiệp,...
Vấn đề đặt ra cho Việt Nam
Trong quá trình đổi mới, Đảng và Nhà nước, đồng bào cả nước vẫn luôn quan tâm giải quyết tốt mối quan hệ giữa các dân tộc, đầu tư vào vùng miền núi, dân tộc thiểu số, như có Chương trình 327, 80a, 135, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, việc di dân tái định cư xây dựng các công trình thủy điện,... Đời sống vật chất và tinh thần của người dân các dân tộc có nhiều đổi mới và tiến bộ so với chưa đổi mới. Thế nhưng, kết quả chưa được như mong muốn. Vùng miền núi, dân tộc thiểu số, tuy có tiềm năng và thế mạnh, nhưng còn yếu thế về nhiều mặt; đây là vùng khó khăn nhất nước, còn nhiều điểm thấp nhất so với cả nước, khoảng cách chênh lệch về các mặt, giữa các vùng và các dân tộc vẫn chưa được thu hẹp,...
Hiện đang có một số yếu tố mới tác động đến các dân tộc phải được nhìn nhận đúng và giải quyết tốt. Khi nói công tác dân tộc hay đoàn kết các dân tộc ở đây không chỉ có các dân tộc thiểu số với nhau, mà bao gồm cả dân tộc đa số, các dân tộc thiểu số, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Đoàn kết các dân tộc thì dân tộc đa số có vai trò trung tâm, có ý nghĩa quyết định; dân tộc đa số cũng sống xen kẽ với các dân tộc thiểu số. Các dân tộc ta sống ở trong nước và ở ngoài nước đều có mối quan hệ với nhau, tác động lẫn nhau.
Đăc biệt là, các dân tộc thiểu số đã có bước phát triển so với trước tháng 8/1945, nhất là đội ngũ cán bộ, trí thức, người tiêu biểu đã hình thành. mang tính chất đại diện cho dân tộc mình, làm cho các dân tộc có ý thức rõ về vị trí, vai trò, trách nhiệm của dân tộc mình trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Khi có sự thay đổi lớn về cơ cấu dân cư, cơ chế thị trường, phân hóa giàu nghèo, bùng nổ thông tin,... đồng bào các dân tộc có điều kiện so sánh cảnh ngộ dân tộc mình với các dân tộc khác, với đồng tộc và thân tộc ở trong và ngoài nước, nên đang có suy tư, lo lắng, buồn phiền về sự phát triển chậm của dân tộc mình,...
Ở vùng dân tộc cũng như cả nước, vừa có thời cơ và thuận lợi, vừa có nguy cơ và thách thức, cơ hội đan xen thách thức. Đặc biệt là, các thế lực thù địch đang lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền, dân chủ, khó khăn và khuyết điểm của ta để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa binh”, chia rẽ dân tộc và ly khai, gây mất ổn định chính trị - xã hội, phá cách mạng nước ta.
Để phát huy mặt tích cực, hạn chế tác động tiêu cực của chủ nghĩa dân tộc, Việt Nam cần quán triệt và thực hiện tốt những quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta sau đây:
Một là, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng để giải quyết mối quan hệ giữa dân tộc và quốc tế.
Trong thời đại ngày nay, không có chủ nghĩa nào hơn chủ nghĩa Mác - Lênin, không có tư tưởng nào hơn tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tinh thần quốc tế trong sáng của Hồ Chí Minh thể hiện ở sự kết hợp hài hòa chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế, đoàn kết với nhân dân các nước vì mục tiêu giải phóng nhân dân khỏi áp bức, bóc lột; đoàn kết với nhân loại tiến bộ vì hòa bình, công lý và tiến bộ xã hội. Trước đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế liên hệ khăng khít với nhau. Vì lẽ đó, ta vừa ra sức kháng chiến, vừa tham gia phong trào ủng hộ hòa bình thế giới”. Qua đó, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để tạo thành sức mạnh tổng hợp to lớn đưa cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi.
Con đường để giải quyết vấn đề dân tộc trên thế giới chỉ có thể tìm thấy ở Chủ nghĩa Mác - Lênin, được Lênin nêu ra một cách rõ ràng là: ”Các dân tộc bình đẳng, các dân tộc được quyền tự quyết, liên hiệp công nhân tất cả các dân tộc lại”. Cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là nguyên tắc cơ bản để giải quyết đúng đắn quan hệ giữa các dân tộc trên thế giới.
Hai là, kết hợp hài hòa mối quan hệ giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa quốc tế trong đường lối đối ngoại của Việt Nam.
Điều này, Đại hội XIII của Đảng đã làm rõ mối quan hệ mật thiết và biện chứng đường lối đối ngoại của Việt Nam là “độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại”; “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng”; xác định lấy “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” là phương châm; khẳng định giá trị đối ngoại của Việt Nam là “hòa bình, hữu nghi, hợp tác và phát triển”, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, hội nhập quốc tế, sẵn sàng đóng góp cho cộng đồng quốc tế, cũng như giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Mối quan hệ giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa quốc tế của Việt Nam cũng được thể hiện trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, đồng thời hài hòa với lợi ích của các đối tác, lợi ích chung của khu vực và quốc tế. Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”. Việc bảo đảm lợi ích cao nhất theo hướng đó, không phải là xem nhẹ chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, càng không phải bỏ qua trách nhiệm quốc tế; làm tốt những điều nêu trên chính là làm tốt nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam. Cương lĩnh xây dựng đất nước năm 2011 khẳng định “ Trước sau như một ủng hộ các đảng cộng sản và công nhân, các phong trào tiến bộ xã hội trong cuộc đấu tranh vì mục tiêu chung của thời đại; mở rộng quan hệ với các đảng cánh tả, đảng cầm quyền và những đảng khác trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia, giữ vững độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”.
Trong bối cảnh trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, Đảng ta đã khẳng định, Việt Nam không theo chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, hẹp hòi,... mà thúc đẩy lợi ích trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Các nguyên tác phổ quát, tiến bộ, toàn nhân loại đang nỗ lưc gìn giữ, thực hiện gồm: 1) Tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; 2) Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; 3) Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; 4) Hợp tác bình đẳng và cùng có lợi; 5) Giải quyết các bất đồng và tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Ba là, tiếp tục phát huy giá trị chủ nghĩa dân tộc chân chính và chủ nghĩa quốc tế trong sáng. Để đấu tranh chống chủ nghĩa dân tộc cực đoan, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa chủ nghĩa dân tộc chân chính và chủ nghĩa quốc tế vô sản, bảo đảm sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, cần phát huy giá trị đó và lưu ý vấn đề sau:
1) Cần nhận thức mối quan hệ giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa quốc tế vô sản một cách khách quan, khoa học để thấy rằng, giai cấp công nhân, giai cấp lãnh đạo các đảng cộng sản phải gánh vác trách nhiệm giải phóng quốc gia - dân tộc của mình, xây dựng thành công xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa trên đất nước mình. Mặt khác, không rơi vào chủ nghĩa dân tộc cực đoan, vị kỷ, tuyệt đối hóa lợi ích quốc gia - dân tộc mình mà quên đi nghĩa vụ quốc tế.
2) Cần hiểu rõ chủ nghĩa dân tộc chân chính và chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Chủ nghĩa quốc tế vô sản nếu được kết hợp với chủ nghĩa dân tộc chân chính sẽ tạo ra sức mạnh thúc đẩy quá trình phát triển của mỗi nước trên thế giới. Ngược lại, nếu tinh thần yêu nước không chân chính, tinh thần quốc tế không trong sáng thì có thể dẫn đến chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, biệt lập, chủ nghĩa sô- vanh, kỳ thị hoặc chủ nghĩa bành trướng, bá quyền. Tất cả những lệch lạc ấy có thể dẫn đến sự suy yếu, thậm chí là đổ vỡ của một quốc gia - dân tộc hay một nhà nước đa quốc gia, dân tộc, phá vỡ tình đoàn kết quốc tế trong cuộc đấu tranh chung,... Đảng ta có bài học thành công của việc kết hợp đó, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Bốn là, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Vấn đề này không mới; nhưng thời nay, rất cần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, nâng cao chủ nghĩa dân tộc chân chính, tránh nguy cơ nảy sinh chủ nghĩa dân tộc cực đoan, mới có đại thành công trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc!...
Muốn vậy, mọi người Việt Nam hãy nâng cao tinh thần yêu nước và cách mạng, chủ nghĩa dân tộc chân chính, hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ đoàn kết, biết đặt đoàn kết trên lợi ích riêng, thực hiện tốt nguyên tắc và phương châm đoàn kết của Bác Hồ. Đoàn kết trong đảng là hạt nhân đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế, mới kết hợp được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, làm cho sợi dây đoàn kết rộng rãi mà bền chặt hơn, thực hiện tốt chính sách mặt trận là “thêm bạn, bớt thù”,...
Năm là, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đòi tự trị và ly khai, phản bác mọi luận điệu xuyên tạc sai trái.
Với đặc thù của quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo; các thế lực xấu ở trong và ngoài nước sẽ lợi dụng vấn đề dân tộc, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, khó khăn và khuyết điểm của ta,... để “nội công, ngoại kích” thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, hay “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ, gây chia rẽ dân tộc, đòi tự trị và ly khai, bất ổn chính trị - xã hội, chống phá ta,...
Để làm tốt việc này, từ Trung ương đến cơ sở, mỗi cán bộ đảng viên, đồng bào các dân tộc phải thường xuyên nâng cao cảnh giác cách mạng, luôn bám sát thực tiễn - những diễn biến bất thường để chủ động xử lý đúng và kịp thời. Nếu như trong nội bộ một số dân tộc, giữa các dân tộc, ai còn bất hòa thì phải tìm rõ sự việc và nguyên nhân, trực tiếp đối thoại giải quyết cho “thấu tình, đạt lý”, hãy vì mục tiêu chung, giúp nhau tiến bộ, khuyên nhau nhân nhượng, gác lại quá khứ, xóa bỏ bất hòa, hướng tới tương lai. Ai lầm lỗi đã nhiều lần giáo dục và cảm hóa, thu phục lương tâm mà không tranh thủ được, vẫn cố tình chống phá, phạm pháp, gây hậu quả nghiêm trọng thì xử lý nghiêm minh. Cuộc đấu tranh tự vệ này rất khó khăn và phải quyết liệt, chúng ta mới tránh được nguy cơ nảy sinh chủ nghĩa dân tộc cực đoan, nguy cơ ly khai.
Lù Văn Que
Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Miền núi