Trong bài viết “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII đã và đang được chuẩn bị một cách rất công phu, bài bản, chu đáo; quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển; trên cơ sở phát huy tối đa dân chủ, lắng nghe các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, cán bộ, đảng viên và nhân dân; lựa chọn, chắt lọc, tham khảo các đề xuất tâm huyết, trách nhiệm; kết tinh trí tuệ và sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Đại hội XIII cần có tầm nhìn xa hơn đến giữa thế kỷ XXI, thể hiện khát vọng và ý chí vươn tới tương lai rạng rỡ của đất nước và toàn dân tộc với các mục tiêu cụ thể hướng tới những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước ta: Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
PGS, TS Nguyễn Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng, Đại hội XIII tiến hành vào đầu năm 2021, rất gần những mốc son lịch sử vĩ đại của dân tộc: 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 100 năm thành lập Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Một thế kỷ là thời gian đủ để nhân dân suy ngẫm, đánh giá, khẳng định những giá trị lịch sử vĩ đại của một dân tộc, khơi dậy lòng tự hào của dân tộc và tin tưởng, tự hào, tiếp bước trên những chặng đường mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Qua những bước thăng trầm của những năm đầu xây dựng CNXH, mô hình ở một số nước đã sụp đổ, Đảng ta đã khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước từ Đại hội VI. Sau 35 năm, những chủ trương, đường lối của Đảng có những bước đột phá. Đại hội Đảng lần này không chỉ tổng kết nhiệm kỳ mà còn nhìn lại, đánh giá chung về 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước (bổ sung, phát triển năm 2011), 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020), 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước 1991, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới.
“Đây là thời điểm thích hợp, thời gian đủ để đánh giá những giá trị lý luận của đường lối đổi mới, khẳng định con đường đúng đắn của Đảng và Bác Hồ đã chọn. Qua đó mới thấy hết giá trị của đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng, khẳng định những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà đất nước ta đã đạt được, khơi dậy lòng tự hào dân tộc”, ông Tuấn nêu ý kiến.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, tình hình thế giới sẽ tiếp tục diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Những năm tới, Việt Nam hội nhập kinh tế sâu rộng hơn, thực hiện đầy đủ các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, do đó sẽ gặp phải nhiều thách thức. Vì vậy, đường lối của Đảng phải vươn tới “tầm nhìn xa hơn đến giữa thế kỷ XXI”, không chỉ là năm năm, 10 năm.
PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, qua 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nổi bật, tạo nền tảng vững chắc để đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới. Hệ thống chính trị ngày càng hoàn thiện, vững mạnh, từ đó tạo được sự ổn định về chính trị, tạo động lực cho sự phát triển mạnh mẽ của đất nước.
Việt Nam đã chuyển đổi thành công từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều thành phần kinh tế. Năm 2020, tổng GDP của Việt Nam ước đạt 300 tỷ USD trên 100 triệu dân, thu nhập bình quân trên đầu người đạt khoảng 3.000 USD/người/năm. Như vậy, thu nhập bình quân sau 35 năm đổi mới đã tăng gấp 10 lần so với thời kỳ bắt đầu đổi mới, và số dân tăng gấp hai lần. Động lực thúc đẩy đổi mới về kinh tế thắng lợi trong giai đoạn qua chính là từ đường lối đổi mới đúng đắn từ Đại hội VI của Đảng, tiếp tục được bổ sung tại các kỳ đại hội tiếp theo. Lực lượng sản xuất được giải phóng trở thành động lực quan trọng để thúc đẩy kinh tế phát triển trong suốt gần 35 năm.
Theo PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, bên cạnh thành tựu về kinh tế, những vấn đề về xã hội, văn hoá cũng được giải quyết rất căn bản. Hệ thống các chính sách xã hội hướng tới nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, trong đó phải kể đến một số các chương trình lớn về xoá đói, giảm nghèo, an sinh xã hội... Uy tín quốc tế và vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao, được bạn bè quốc tế thừa nhận.
“Những thành tựu này có thể gói gọn lại trong câu nói của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Đây chính là cơ sở quan trọng để thúc đẩy đất nước ta phát triển nhanh hơn trong thời gian tới”, PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc nhận xét.
Đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Theo PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, các văn kiện của Đảng cần làm rõ những tiêu chí: nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại và trong những tiêu chí ấy phải có tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người.
“Theo quan điểm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu trong bài viết thì năm 2030 chúng ta có thu nhập trung bình cao, do đó phải xác định thế nào là thu nhập trung bình cao. Việc này đòi hỏi cố gắng rất lớn”, PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc chia sẻ.
Dù đạt được những kết quả rất đáng tự hào, Việt Nam vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, sau 4 năm đầu của nhiệm kỳ liên tục tăng trưởng cao, năm 2020 suy giảm mạnh, chất lượng còn thấp và đang phải đối mặt với nhiều tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
GS, TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐHKTQD cho rằng, khi so sánh với các mô hình phát triển kinh tế thành công trong khu vực, ba chỉ tiêu quan trọng nhất phản ánh hiệu quả của nền kinh tế (hiệu quả đầu tư ICOR, năng suất lao động và năng suất các nhân tố tổng hợp TFP) của Việt Nam có sự cải thiện trong thời gian gần đây, nhưng vẫn đang ở mức thấp so với các nước. Nền kinh tế vẫn có nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” và tụt hậu trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Về sức cạnh tranh của nền kinh tế, mặc dù có sự cải thiện khá ấn tượng là 10 bậc vào năm 2019, Việt Nam vẫn chỉ đứng khoảng giữa bảng xếp hạng theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Những chỉ số quan trọng như năng lực sáng tạo, ứng dụng CNTT, kỹ năng, sự năng động trong kinh doanh hay thị trường sản phẩm... của Việt Nam đều thấp, cho thấy các động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo để bắt kịp xu thế 4.0 còn yếu, chưa hiệu quả. Thế mạnh nhân công giá rẻ cùng các nguồn lực sản xuất khác như đất đai, cơ sở hạ tầng với chi phí thấp không còn phù hợp trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đã có những thay đổi và bản thân nền kinh tế Việt Nam cũng đã bước vào một giai đoạn phát triển mới.
Với vấn đề nêu trên, ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông cho rằng, Đại hội VI năm 1986 đã tạo bước ngoặt trong phát triển đất nước, từ tập trung quan liêu bao cấp chuyển sang kinh tế thị trường và từ đây đất nước phát triển mạnh mẽ. Trong 35 năm đổi mới vừa qua, cũng có thời điểm đã có những ý kiến, đề xuất Việt Nam phải đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, tạo sự bứt phá cho đất nước.
“Lần này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo cần chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới, tôi cho rằng thời điểm đã rất chín muồi và thời cơ rất tốt để thực hiện việc này. Việt Nam không thể chậm trễ trước những thời cơ mới để đưa đất nước phát triển bứt phá. Nếu không, Việt Nam sẽ nằm trong bẫy thu nhập trung bình 15-20 năm nữa, không có gì nghi ngờ về điều đó”, ông Mai Liêm Trực nói.
Theo ông Mai Liêm Trực, thời cơ đồng thời là thách thức lớn nhất cho Việt Nam là có nắm bắt được để triển khai thành công cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong vòng 20-30 năm nữa? Việt Nam muốn tạo bước ngoặt phát triển, không có cách nào khác là tận dụng tối đa cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trên thế giới đã có những nước trong vòng 25-30 năm từ nước phát triển trung bình thấp trở thành nước công nghiệp tiên tiến.
“Các cuộc cách mạng công nghiệp trước, do vấn đề về lịch sử, Việt Nam đã bỏ qua, đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba thì do chiến tranh triền miên chúng ta bắt đầu đổi mới từ năm 1986 nhưng cũng là giai đoạn cuối của của cách mạng công nghiệp. Thời điểm này là một thời điểm hiếm có để kích hoạt cho bước ngoặt ấy xảy ra, là thời điểm quý giá để kích hoạt cho một sự đổi mới, đột phá, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới”, ông Mai Liêm Trực nói.
Trao đổi với Báo Nhân Dân điện tử, ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, sau gần 35 năm kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đã chuyển từ mô hình kế hoạch hoá tập trung sang mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN theo phương châm “đi từng bước”.
“So với các nước thực hiện chuyển đổi từ mô hình kế hoạch hoá tập trung sang các mô hình kinh tế thị trường, chúng ta có thể khẳng định là đã thành công vì các lý do sau. Thứ nhất, tạo được sự tăng trưởng đột phá về kinh tế. Thứ hai: giữ được ổn định xã hội. Thứ ba: Bảo đảm đời sống cho người dân, an sinh xã hội”, ông Kiên nêu quan điểm.
Theo ông Kiên, Đại hội XIII có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì diễn ra trong thời điểm bối cảnh thế giới và trong nước đang có sự thay đổi đột biến cả về chất và lượng, đặc biệt được thúc đẩy rất nhanh trong năm 2020 do tác động của Covid-19. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra sâu rộng trên toàn thế giới, tạo ra nhiều thách thức và cơ hội đan xen. Đây là thời cơ để chúng ta bước nhanh vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thư tư, nền kinh tế số. Chưa bao giờ đòi hỏi phải thay đổi phương thức quản trị nhà nước lại mạnh mẽ như bây giờ. Đây là thời điểm sống còn để Việt Nam đổi mới, tăng năng suất lao động. Nếu Việt Nam không chớp được thời cơ này sẽ bị tụt hậu. Tuy nhiên, nếu tận dụng tốt thì đây chính là cơ hội để chúng ta “đi tắt, đón đầu”.
Việt Nam đã có những bài học “đi tắt, đón đầu” rất thành công như trong lĩnh vực viễn thông. Việt Nam đã chuyển đổi thành công từ công nghệ analog sang công nghệ số từ rất sớm, tiếp đó là phát triển điện thoại di động... Chính sự thành công trong lĩnh vực viễn thông và internet tạo cơ sở và làm tiền đề cho việc duy trì tốc độ tăng trưởng của Việt Nam vào loại tốt trong khu vực ở những năm đầu thế kỷ XXI.
“Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế số đã được thúc đẩy rất nhanh trong năm 2020 do tác động của Covid-19. Tại Việt Nam, có những vấn đề như thanh toán điện tử chúng ta dự kiến triển khai trong vài năm thì chỉ có 4 tháng đã hoàn thành”, ông Kiên nói.
Theo ông Mai Liêm Trực, để hiện thực hóa khát vọng trở thành nước phát triển, cần đổi mới mạnh mẽ tư duy, mô hình tăng trưởng trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiến bộ khoa học công nghệ. Khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng. Đây là mô hình tăng trưởng phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Sự thành công hay không thành công của Việt Nam là có nắm được cơ hội và thách thức để triển khai cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong vòng 20-30 năm hay không. Cần đổi mới tư duy, từ đổi mới tư duy sẽ có thay đổi mô hình tăng trưởng, đột phá về thể chế, khơi dậy tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư quan trọng nhất là vấn đề hạ tầng dữ liệu. Không có hạ tầng dữ liệu không có cách mạng 4.0 và không có chuyển đổi số, do đó Việt Nam cần tạo đột phá về hạ tầng dữ liệu.
Theo GS, TS Trần Văn Phòng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, phải đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng xuất phát và dựa trên quan điểm nhân dân là trung tâm, mục tiêu vì nhân dân, cho nhân dân và do nhân dân, không để người dân nào bị bỏ lại phía sau. Với quan điểm, mục tiêu như vậy đã tạo nên sức mạnh thống nhất trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Nếu biết phát huy tốt ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc thì đây cũng là một nguồn nội lực xã hội phát triển quan trọng trong thời kỳ mới.
“Chúng ta phải làm thế nào để ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc trở thành ý chí, khát vọng phát triển của mỗi một người con đất Việt. Trước hết, mỗi đồng chí đảng viên hãy gương mẫu, lan tỏa, nhân lên ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc”, GS, TS Trần Văn Phòng nêu ý kiến.
Theo PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, khi bắt đầu tiến hành đổi mới năm 1986, chúng ta cũng phải đi tìm những động lực phát triển, đồng thời tìm cách tháo gỡ những ách tắc trong cơ chế quản lý, tháo gỡ điểm nghẽn để cho kinh tế phát triển. Khi đó, chúng ta lấy lợi ích kinh tế làm động lực. Thí dụ như khi đó chúng ta có Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (1988) chủ trương giao ruộng cho các hộ nông dân tự quản lý, tự sản xuất. Điều này tạo ra động lực lớn, làm cho người dân quan tâm tới sản xuất, quan tâm tới lợi ích kinh tế, quan tâm tới năng suất lao động. Ngay trong năm tiếp theo, Việt Nam đã có thể xuất khẩu lương thực. Đó chính là chặng đường mà chúng ta đã trải qua và tìm ra động lực phát triển.
PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, để thực hiện được mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, chúng ta cũng phải tìm ra động lực để phát triển. Động lực chính cho sự phát triển thì vẫn là con người, là nhân tố trung tâm. Theo đó xác định tập trung đào tạo nguồn nhân lực có trình độ rất cao. Đây cũng chính là khâu đột phá mà Đại hội XI và Đại hội XII cũng đã xác định là chúng ta phải có nguồn nhân lực có chất lượng cao.
“Từ chính nguồn nhân lực chất lượng cao này chúng ta mới có thể tạo ra bước phát triển mạnh hơn nữa. Nếu vẫn chỉ bằng lòng với những thành tựu đạt được, cộng với nguồn nhân lực như hiện nay thì chúng ta vẫn chỉ dậm chân tại chỗ là nước có năng suất lao động thấp trong khu vực và trên thế giới. Do đó, tôi cho rằng trước hết chúng ta phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực”, ông Phúc nói.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần có một động lực nữa đó chính là khoa học – công nghệ. Chúng ta phải nắm vững được và phải làm chủ được khoa học công nghệ, đặc biệt là những thành tựu từ Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chúng ta mới có thể tạo ra được năng suất lao động cao từ sự kết hợp giữa con người với khoa học-công nghệ cao.
Đổi mới mô hình tăng trưởng là vấn đề mà Đại hội XI và Đại hội XII đã nêu nhưng chúng ta làm chưa thật sự hiệu quả. Đại hội XIII cần tập trung chỉ đạo đổi mới mô hình tăng trưởng, chúng ta đã tăng trưởng rộng rồi nhưng bây giờ cần tăng trưởng theo chiều sâu, để cho nền kinh tế của chúng ta thật sự có chất lượng, có hiệu quả, có năng suất. Bên cạnh việc đổi mới mô hình tăng trưởng, cũng cần phải cơ cấu lại nền kinh tế, phải chỉ rõ công nghiệp phải như thế nào, nông nghiệp thế nào, thương mại – dịch vụ thế nào.
“Nói tóm lại, chúng ta phải tìm ra được động lực cho sự phát triển trong giai đoạn mới. Trước đây động lực là thế, thì giờ động lực là gì? Đây là vấn đề cần thảo luận kỹ để quyết định cho rõ. Một vấn đề lớn nữa là công tác cán bộ. Muốn trở thành nước phát triển thì phải có cán bộ đủ năng lực, đủ tầm nhìn”, PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh.
Theo Báo Nhân dân