|
Ảnh minh họa (nguồn ảnh: https://baodantoc.vn/) |
Xuất phát từ vị trí chiến lược về quốc phòng an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88 (ngày 18/11/2019) và Nghị quyết 120 (ngày 19/6/2020) phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1719 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 với 10 dự án, 14 tiểu dự án và 36 nội dung đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (sau đây gọi tắt là Chương trình mục tiêu quốc gia 1719).
Trong Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện giám sát, phản biện xã hội trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Chương trình. Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia và các bộ, ngành có trách nhiệm nghiên cứu, trả lời các kiến nghị, đề xuất của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân theo quy định; tham mưu, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những nội dung vượt thẩm quyền.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội đã chủ động triển khai, thực hiện và tổ chức giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 với nhiều nội dung và cách làm sáng tạo.
Ngay đầu tháng 11/2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức hội nghị tập huấn trực tuyến cho các vị là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp là người dân tộc thiểu số với 68 điểm cầu thu hút gần 10 nghìn người tham gia. Nội dung hội nghị tập huấn đã giới thiệu tổng quan về Chương trình mục tiêu quốc gia 1719; hướng dẫn việc triển khai thực hiện và quy trình giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn I: 2021 - 2025.
Đồng thời, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ động phối hợp với Ủy ban Dân tộc ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021- 2025. Trong Chương trình phối hợp, Ban Thường trực chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp hướng dẫn Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xây dựng kế hoạch cụ thể, phấn đấu mỗi năm giám sát từ 1- 3 công trình đầu tư của xã, của thôn thuộc địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong Chương trình. Hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng kế hoạch giám sát trong phạm vi cả nước từ 1-2 dự án trong Chương trình. Năm 2023, giám sát tổng thể Chương trình để làm căn cứ đề xuất cho giai đoạn 2026 - 2030.
Thực hiện Chương trình phối hợp của Trung ương, 52 tỉnh, thành phố vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã ký kết Chương trình phối hợp công tác với Ban Dân tộc của các tỉnh. Một trong những nội dung trọng tâm là công tác phối hợp triển khai, thực hiện và giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia 1719. Tiêu biểu là các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Cần Thơ, Lạng Sơn, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Tuyên Quang, Cao Bằng. Nhằm mục tiêu tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân triển khai thực hiện, tham gia giám sát Chương trình, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chỉ đạo biên soạn in, phát hành nội bộ 2.000 cuốn sách và phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản 35 nghìn Sổ tay hỏi đáp về công tác dân tộc, trong đó có nội dung giới thiệu về Chương trình và quy trình giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I: 2021 - 2025, phát hành đến 100% các xã, phường thuộc Chương trình.
Thực hiện Chương trình phối hợp và thống nhất hành động năm 2022 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tháng 4/2022, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã xây dựng, ban hành Kế hoạch số 537 về giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 với mục tiêu phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình. Trong đó, tập trung giám sát: Tổ chức triển khai, thực hiện, việc xác định đối tượng thụ hưởng Chương trình; việc phân bổ nguồn vốn thực hiện Chương trình; công tác chuẩn bị đầu tư, quyết định đầu tư các dự án, tiểu dự án thành phần của Chương trình; việc triển khai các dự án, tiểu dự án thành phần của Chương trình; công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án, tiểu dự án thành phần của Chương trình; việc nghiệm thu, bàn giao sử dụng các dự án, tiểu dự án thành phần của Chương trình; việc thanh quyết toán các dự án, tiểu dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi; đánh giá hiệu quả việc triển khai thực hiện Chương trình.
Trong năm 2022, tập trung giám sát 3 nội dung chính: Việc tổ chức triển khai, thực hiện; việc xác định đối tượng thụ hưởng Chương trình và việc phân bổ nguồn vốn thực hiện Chương trình. Đối tượng giám sát là các bộ, ngành liên quan ở Trung ương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Các cơ quan, tổ chức, đơn vị các địa phương có đối tượng thụ hưởng Dự án. Trong đó, Trung ương lựa chọn một số tỉnh để giám sát trực tiếp, các tỉnh còn lại tổ chức thực hiện giám sát, báo cáo Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trong Kế hoạch này, Ban Thường trực cũng đã xác định 4 hình thức giám sát: (1) Tổ chức đoàn giám sát; (2) Nghiên cứu, xem xét báo cáo của đối tượng giám sát; (3) Giám sát đầu tư của cộng đồng đối với các công trình, dự án tại cơ sở; (4) Tham gia giám sát với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Căn cứ vào Kế hoạch của Trung ương, 100% các tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã xây dựng Kế hoạch và tổ chức giám sát thực hiện Chương trình.
Để đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình, tháng 9/2022, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 595 về triển khai thực hiện và giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022. Theo đó, Ban Thường trực chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tập trung thực hiện 6 nội dung chính: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia triển khai thực hiện Chương trình; Tổ chức tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ, hội thảo, biên soạn tài liệu phục vụ công tác triển khai thực hiện và giám sát; Xây dựng mô hình điểm về công tác giám sát tại các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; Tổ chức khảo sát, tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của Nhân dân liên quan đến việc triển khai thực hiện và tổ chức kiểm tra, đánh giá, tổng kết.
Thực hiện Kế hoạch của Ban Thường trực, từ tháng 9/2022, Báo Đại đoàn kết, Tạp chí Mặt trận, Báo Người Công giáo Việt Nam, Trang Thông tin điện tử của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trang Thông tin điện tử của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, Fangape của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về việc triển khai thực hiện và giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Trong các chuyên mục, những bài viết phong phú đã phản ánh sinh động việc triển khai, thực hiện và giám sát Chương trình tại địa phương, cơ sở của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân.
Đồng thời, với hoạt động của các cơ quan báo chí, Ban Dân tộc chủ trì tham mưu Ban Thường trực biên soạn tài liệu với 5 chuyên đề để tập huấn triển khai, thực hiện và giám sát Chương trình. Chuyên đề 1: Vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Chuyên đề 2: Công tác Mặt trận vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Chuyên đề 3: Công tác thông tin, tuyên truyền vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Chuyên đề 4: Tổng quan về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Chuyên đề 5: Giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trên cơ sở đó, Ban Dân tộc cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp tổ chức tập huấn về việc triển khai, thực hiện và hướng dẫn giám sát Chương trình tại các tỉnh Lạng Sơn, Nghệ An và Tuyên Quang, cho gần 200 cán bộ chuyên trách cấp tỉnh, huyện và cơ sở của 22 tỉnh thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ban Dân tộc cũng đã chủ trì tham mưu Ban Thường trực ban hành Kế hoạch số 624 ngày 21/10/2022 chỉ đạo xây dựng mô hình điểm về giám sát Chương trình tại các tỉnh: Quảng Ninh, Nghệ An, Tuyên Quang, Kon Tum và An Giang. Mục tiêu hướng dẫn về công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với việc thực hiện Chương trình; phối hợp với các địa phương đánh giá thực trạng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Rà soát, củng cố, kiện toàn Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác giám sát.
Ban Dân tộc cũng đã phối hợp với Ban Tuyên giáo tham mưu ban hành Hướng dẫn số 92 ngày 9/11/2022 của Ban Thường trực về công tác tuyên truyền giám sát Chương trình với mục đích tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân hiểu, nhận thức đầy đủ ý nghĩa của Chương trình để tích cực tham gia, đồng thời nâng cao trách nhiệm giám sát của cộng đồng, giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với việc triển khai, thực hiện Chương trình. Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đã chủ trì phối hợp tổ chức các hội thảo tại 4 khu vực: Tây Bắc, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ với chủ đề: Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc triển khai, thực hiện và giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I: 2021-2025 thu hút hàng trăm cán bộ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các chuyên gia, các nhà khoa học tham gia.
Thực hiện các chủ trương công tác của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hầu hết Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã xây dựng Kế hoạch triển khai, thực hiện Chương trình. Nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức thành lập Đoàn giám sát tại cấp huyện và cơ sở. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, việc tổ chức triển khai, thực hiện và giám sát Chương trình mới đạt được một số kết quả bước đầu.
Để đẩy mạnh việc triển khai, thực hiện và giám sát Chương trình, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố thuộc Chương trình tập trung thực hiện tốt các nội dung, giải pháp sau:
|
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch phối hợp công tác năm 2023. Ảnh: Kỳ Anh. |
Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Chương trình theo Hướng dẫn 92 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các hình thức tuyên truyền miệng, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các ấn phẩm của các cơ quan, tổ chức; Tuyên truyền thông qua hoạt động của các vị Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, người có uy tín tiêu biểu.Tuyên truyền bằng các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, các hình thức sân khấu hóa; phát thanh truyền hình, phim ảnh. Các báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, Fanpage của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam duy trì nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về Chương trình.
Hai là, tập trung phổ biến, giới thiệu các nội dung Chương trình đến các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư và các tổ chức thành viên trên địa bàn cả nước, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tạo sự đồng bộ, kịp thời, thống nhất và có hiệu quả trong thực hiện Chương trình.
Tuyên truyền bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước. Tuyên truyền vận động Nhân dân tích cực tham gia triển khai, thực hiện và giám sát Chương trình; phản ánh, giới thiệu những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong việc triển khai thực hiện Chương trình. Tuyên truyền công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, hoạt động giám sát của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín tiêu biểu trong triển khai thực hiện Chương trình.
Ba là, biên soạn, giới thiệu những nội dung cơ bản Nghị quyết 88, 120 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và Quyết định 1719 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 - 2030; tập trung giới thiệu mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, các dự án, tiểu dự án, các nội dung đầu tư phát triển để Nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa nhân văn của Chương trình, trên cơ sở đó tích cực tham gia triển khai, thực hiện và giám sát Chương trình.
Bốn là, biên soạn giới thiệu nội dung cơ bản Quyết định 33 ngày 12/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về: “Tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021-2025”; Quyết định 861 ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, cả nước có 3.434 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trên 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm 1.673 xã khu vực I; 210 xã khu vực II và 1.551 xã khu vực III. Quyết định 612 ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc phê duyệt các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021- 2025. Trong đó cả nước có 13.222 thôn đặc biệt khó khăn; 11.179 thôn của xã khu vực III, 736 thôn của xã khu vực II, 1.184 thôn của xã khu vực I và 123 thôn thuộc các xã có thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trên 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là những căn cứ chủ yếu để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có các tỉnh Duyên hải miền Trung tổ chức giám sát đối tượng, phạm vi thực hiện Chương trình.
Năm là, biên soạn, giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 liên quan đến công tác giám sát và phản biện xã hội; Nghị quyết liên tịch số 403 ngày 15/6/2017 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nghị định 29 ngày 26/3/2021 của Chính phủ các điều quy định quyền và trách nhiệm của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đối với các chương trình, dự án đầu tư công tại địa bàn xã, phường, thị trấn được triển khai thực hiện Chương trình.
Sáu là, đẩy mạnh thực hiện các chủ trương công tác của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về thực hiện, giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia 1719. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Phát huy vai trò của người có uy tín tiêu biểu, già làng trưởng bản; tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của Nhân dân; tổ chức tổng kết, đánh giá nhân rộng mô hình điểm, các mô hình hay, cách làm sáng tạo trong việc thực hiện, giám sát Chương trình. Tổ chức biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện và giám sát Chương trình.
Vũ Đăng Minh - Trưởng ban Dân tộc, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam