Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội

Tín dụng chính sách xã hội đã trở thành một trong những trụ cột quan trọng của Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn cho người nghèo. Nhờ đó, giai đoạn 2014 - 2019, số hộ nghèo trên cả nước đã giảm nhanh, góp phần ngăn chặn, từng bước đẩy lùi “tín dụng đen”, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn. Bài viết đăng trên Tạp chí Cộng sản.
 

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư tặng quà tết cho các hộ nghèo, gia đình chính sách tại 2 xã Nậm Lành, Suối Giàng, huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái), ngày 11-1-2020_Ảnh: TTXVN

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực và nổi bật. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được triển khai khá sâu rộng đến các xã, phường, thị trấn trên toàn quốc. Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách, nguồn vốn ngân sách của địa phương ủy thác để cho vay và huy động vốn của xã hội đã đạt được mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW. Tín dụng chính sách xã hội đã trở thành một trong những trụ cột quan trọng của Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn cho người nghèo. Nhờ đó, giai đoạn 2014 - 2019, số hộ nghèo trên cả nước đã giảm nhanh, góp phần ngăn chặn, từng bước đẩy lùi “tín dụng đen”, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Qua 5 năm thực hiện đã khẳng định, Chỉ thị số 40-CT/TW đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân và ngày càng đi vào cuộc sống, là một trong những đòn bẩy kinh tế góp phần phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị để thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật, các mục tiêu, nhiệm vụ của Nhà nước đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, củng cố thêm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Hoạt động tín dụng và tín dụng chính sách xã hội của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, góp phần đưa Việt Nam trở thành một hình mẫu, “một điểm sáng” về giảm nghèo trên thế giới. Để có được kết quả đáng khích lệ đó, có thể khái quát một số nguyên nhân và bài học kinh nghiệm sau:

Một là, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp đã tổ chức quán triệt đến cán bộ chủ chốt về vai trò của tín dụng chính sách xã hội. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm chính trị cao, quan tâm đúng mức, thường xuyên, sâu sát tới hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã có được sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, tạo được niềm tin, sự đồng tình hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân. Đây là một trong những Chỉ thị của Đảng nhanh chóng đi vào cuộc sống. Điều đó rút ra là chủ trương đúng, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân và quyết tâm tổ chức thực hiện thì sẽ có kết quả tốt.

Hai là, giai đoạn 2014 - 2019, mặc dù nguồn lực còn nhiều hạn chế, nhưng Nhà nước đã ưu tiên bảo đảm các nguồn vốn hoạt động cho Ngân hàng Chính sách xã hội, cấp bổ sung vốn điều lệ, cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý, vốn các chương trình tín dụng hằng năm, cho vay các nguồn vốn ưu tiên, ưu đãi với thời hạn dài, lãi suất thấp để cải thiện cơ cấu nguồn vốn theo hướng ổn định hơn. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tích cực chỉ đạo các tổ chức tín dụng nhà nước duy trì số dư tiền gửi 2% trên nguồn vốn huy động tại Ngân hàng Chính sách xã hội, các địa phương đã tập trung ưu tiên cân đối, bổ sung nguồn vốn để thực hiện các chương trình, dự án tín dụng chính sách xã hội. Đây là một trong những ưu tiên của Nhà nước chúng ta, riêng Ngân hàng Chính sách xã hội là được ưu tiên như trên, nếu không không thể làm được.

Ba là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội đã vận động sự đóng góp của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp; tổ chức tuyên truyền, phổ biến đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến với các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và đối tượng chính sách khác. Mặt trận Tổ quốc các cấp đã chú ý giám sát việc thực hiện chủ trương quan trọng này.

Bốn là, Ngân hàng Chính sách xã hội đã được củng cố, kiện toàn và hỗ trợ cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động, có nhiều đổi mới, sáng tạo trong việc huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn.

Năm là, công tác theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW được Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với các cơ quan thực hiện tốt, góp phần đưa Chỉ thị nhanh đi vào cuộc sống.

 

Sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Định, gia đình ông Đinh Hồng Sâm đồng bào dân tộc Ba-na, xã Bình Tân, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định mở rộng sản xuất, chăn nuôi, đời sống được nâng cao, thoát khỏi diện hộ nghèo_Ảnh: TTXVN

Bên cạnh kết quả đã đạt được, việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW vẫn còn một số hạn chế và yếu kém, chúng ta cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để khắc phục sớm trong thời gian tới.

Đến nay, chúng ta có thể khẳng định rằng, các quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu tại Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư vẫn còn nguyên giá trị chỉ đạo thực hiện. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả hơn để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta trong thời gian tới, trong đó, cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, bổ sung những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, khả thi, nhân rộng những cách làm hay, mô hình mới, sáng tạo nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của tín dụng chính sách xã hội trong thời gian tới. Theo đó:

Thứ nhất, hiện nay tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Đất nước ta đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, như dịch bệnh COVID-19, dịch tả lợn châu Phi... và có thể tới đây sẽ còn xuất hiện nữa; biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhân dân, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Trong bối cảnh đó, phải tập trung sức làm tốt hơn nữa công tác tín dụng chính sách xã hội, hỗ trợ ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn cho người nghèo, người yếu thế thì sẽ có ý nghĩa rất quan trọng cả trước mắt và lâu dài. Muốn vậy, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, sự chung sức đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và của toàn xã hội.

Thứ hai, tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện ngày càng tốt hơn nữa chủ trương, quan điểm đã nêu trong Chỉ thị số 40-CT/TW. Tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, góp phần quan trọng thực hiện có kết quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cần xác định đây là nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, là một trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch hằng năm và hằng tháng của mình. Đồng thời, chúng ta cần nhận thức sâu sắc rằng, thực hiện thật tốt Chỉ thị số 40-TC/TW là một trong những giải pháp thiết thực, hiệu quả để góp phần đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp. Tăng cường hiệu quả hoạt động, đi sâu, đi sát với các hội viên, đoàn viên của mình.

Nâng cao hơn nữa trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội; quan tâm đến công tác điều tra, xác định đối tượng được vay vốn; phối hợp giữa hoạt động huấn luyện kỹ thuật, đào tạo nghề, chuyển giao công nghệ và hoạt động cho vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, giúp người vay sử dụng vốn có hiệu quả nhất. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cần phát huy tốt hơn nữa vai trò tập hợp lực lượng, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách; nâng cao hơn nữa kết quả, hiệu quả giám sát của toàn dân đối với công tác này; đồng thời, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần mở rộng cuộc vận động vì người nghèo để huy động sự đóng góp của các tổ chức xã hội, của doanh nghiệp, của các cá nhân để bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội.

Thứ ba, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hơn nữa năng lực và hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, nhân viên, người lao động của Ngân hàng Chính sách xã hội, đặc biệt là, về đạo đức nghề nghiệp, cán bộ của Ngân hàng Chính sách xã hội phải gần dân, sát dân, biết được yêu cầu của dân để phục vụ, đúng như khẩu hiệu “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ” của Ngân hàng Chính sách xã hội. Đây chính là hình ảnh cao đẹp của ý Đảng, lòng dân hòa quyện làm một.

Cấp ủy, chính quyền các cấp cần hết sức quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách xã hội hoàn thành nhiệm vụ ngày càng tốt hơn, sử dụng ngày càng hiệu quả nguồn vốn được giao, được ủy thác, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội, đồng thời tích cực góp phần ngăn chặn, đẩy lùi “tín dụng đen”, bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

TRẦN QUỐC VƯỢNG

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều