Thanh niên xung phong: 70 năm nhìn lại

Ngày 28/3/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Liên phân đội 312 của lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) đang làm nhiệm vụ tại cầu Nà Cù, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn. Bác đã tặng các đội viên 4 câu thơ: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”.
 

Đại đội TNXP 20/12 miền Nam lấy thân mình làm trụ cầu để đồng đội tải thương binh. (Ảnh tư liệu: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia).

VỪA PHỤC VỤ KHÁNG CHIẾN, VỪA KIẾN QUỐC

Cách đây tròn 70 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo Đảng đoàn Thanh vận Trung ương và Ban Thường vụ Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam huy động lực lượng thanh niên trẻ, khỏe, là con em bần cố nông và trí thức lao động, lý lịch tốt, có tinh thần hăng hái để thành lập các đội “Thanh niên xung phong”, làm các nhiệm vụ, góp phần cùng bộ đội và toàn dân chiến thắng địch trên các chiến trường. Tư tưởng của Người về TNXP ngay từ ban đầu là vừa phục vụ kháng chiến hiện tại, vừa làm nhiệm vụ kiến quốc khi kháng chiến thành công. Ngày 15/7/1950, Đội TNXP công tác trung ương được thành lập - đó là tiền thân của lực lượng TNXP Việt Nam. Từ đội ngũ ban đầu chỉ có 225 cán bộ, đội viên, ngay sau đó đã lên đến ba, bốn chục ngàn người.

Ngay sau khi được thành lập, TNXP thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao và lập công to lớn trên các chiến trường, chiến dịch lớn như: Biên Giới, Tây Bắc, Việt Bắc, Trung Du, Hòa Bình, Bình Trị Thiên, Liên khu 5, miền Đông Nam Bộ và đồng bằng Bắc Bộ…

Sau kháng chiến chống Pháp, bước sang thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, lực lượng thanh niên bừng bừng khí thế dấy lên các phong trào “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang” (ở miền Bắc), “Năm xung phong” (ở miền Nam) để góp phần cho sự nghiệp “chống Mỹ, cứu nước, thắng lợi”.

Để cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả nước quyết tâm đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược. Ở miền Bắc, Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam phát động phong trào “Ba sẵn sàng”, đó là: Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu dũng cảm và sẵn sàng nhập ngũ (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ); Sẵn sàng khắc phục mọi khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, công tác và học tập trong bất kỳ tình huống nào; Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần đến.

Đồng thời ở miền Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng miền Nam, Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng cũng phát động phong trào “Năm xung phong” là: Xung phong tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch; Xung phong tòng quân và tham gia du kích chiến tranh; Xung phong đi dân công và thanh niên xung phong phục vụ tiền tuyến; Xung phong đấu tranh chính trị và chống bắt lính; Xung phong sản xuất nông nghiệp trong nông hội.

Phát huy truyền thống của thế hệ TNXP chống Pháp, để có lực lượng cơ động thường xuyên phục vụ bộ đội chiến đấu và tham gia chiến đấu, mở đường, bảo đảm giao thông phục vụ các chiến trường. Ngày 21/6/1965, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 71/TTg-CN về thành lập các Đội TNXP chống Mỹ, cứu nước.

Ngay sau đó ở miền Bắc đã có 14 vạn nam, nữ cán bộ, đội viên TNXP gia nhập 170 đội và 50 đại đội trực thuộc với quyết tâm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Ở miền Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ ngày 17 - 26/3/1965, Đại hội Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng miền Nam lần thứ nhất đã đề ra phương hướng hoạt động cho phong trào thanh niên. Sau đó ngày 20/4/1965, đơn vị TNXP Giải phóng miền Nam đầu tiên được thành lập, bước đầu có quân số 108 cán bộ, đội viên; tiếp tục phát triển thành Tổng đội TNXP Giải phóng miền Nam với quân số gần 5.000 người để phục vụ các Sư đoàn bộ đội chủ lực và làm nhiệm vụ hậu cần cho quân giải phóng ở miền Đông Nam Bộ; đồng thời thành lập các đơn vị TNXP tập trung với gần 5.000 người phục vụ bộ đội chủ lực ở khu, tỉnh; nhiều nơi cũng đã phát triển TNXP huyện, xã (TNXP cơ sở). TNXP giải phóng miền Nam đã có lực lượng hùng hậu với 4,5 vạn nam, nữ cán bộ, đội viên phục vụ ở các chiến trường.

Trong thời kỳ này, TNXP đã lập nhiều chiến công, đã mở được 102 con đường chiến lược với tổng chiều dài 4.130 km, vận chuyển 10 vạn tấn vũ khí, đạn dược, lương thực cho chiến trường; trực chiến, chốt giữ, bảo đảm 3.000 trọng điểm giao thông quan trọng thường xuyên bị địch đánh phá ác liệt; san lấp trên 100.000 hố bom; đào 1135 km hầm hào, xây dựng 8 bệnh viện dã chiến và 272 kho tàng; phá, gỡ thu gom trên 100.000 quả bom các loại; bắn rơi 15 máy bay Mỹ; bắt sống 13 phi công và gần  1.000 tên địch (trong đó có 286 lính Mỹ), phá hủy 20 xe tăng và xe bọc thép, phục vụ bộ đội 1000 trận đánh; trực tiếp chiến đấu 40 trận; bổ sung 16.000 người sang quân đội; cáng tải, chăm sóc 2.077 thương binh, tử sĩ; đưa 18.000 lượt bộ đội qua sông; cung cấp cho Lực lượng vũ trang và trung ương Cục miền Nam trên 500 cán bộ; 15.000 người được kết nạp vào Đảng; 52 người là Dũng sĩ diệt Mỹ; 1.432 người là Dũng sĩ Quyết Thắng; Nhưng cũng đã có 6.051 TNXP hy sinh; 42.455 TNXP bị thương, 18.000 TNXP và con đẻ bị nhiễm chất độc da cam.

Sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, lực lượng TNXP chuyển sang thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và phát triển kinh tế, bảo vệ Tổ quốc. Đã có trên 5 vạn nam nữ TNXP cả nước tiếp bước cha anh lên đường phục vụ cuộc chiến tranh bảo vệ biên cương Tổ quốc. Trong đó có gần 13 ngàn TNXP tham gia phục vụ cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia (5/1975 - 8/1988) và trên 36 ngàn TNXP phục vụ cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (2/1979 - 12/1988).

Đánh giá vai trò và giá trị của lực lượng TNXP tại Lễ kỷ niệm 45 năm ngày truyền thống Lực lượng thanh niên xung phong - 15/7/1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nhận định: “Ra đời trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Pháp, theo tư tưởng lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vai trò và tính chất của TNXP là những người trẻ tuổi đi đầu, sẵn sàng vượt qua mọi gian khổ, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân được thể hiện rõ rệt trong mọi nhiệm vụ được giao. Không phải chỉ có sự gan dạ, tinh thần lao động bền bỉ mà còn phải nói đến những sáng kiến, những suy nghĩ táo bạo và lòng trung thành vô hạn đối với Tổ quốc đã giúp cho TNXP lập nên những kỳ tích, xứng đáng là lực lượng mũi nhọn trên các trận tuyến khó khăn nhất của đất nước suốt 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, thể hiện được khí phách và tinh hoa của dân tộc Việt Nam”.

PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG TNXP TRONG XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC

Đáp ứng nguyện vọng tha thiết của hàng chục vạn cựu TNXP trong cả nước, đồng thời đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước trong việc giải quyết chế độ chính sách đối với cựu TNXP. Ngày 19/12/2004, Đại hội thành lập Hội cựu TNXP Việt Nam đã được tổ chức, đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với lực lượng TNXP.

Nhìn lại 16 năm qua (2004 - 2020), mặc dù phải hoạt động trong điều kiện có nhiều khó khăn do khách quan và chủ quan, Hội Cựu TNXP Việt Nam và Hội cựu TNXP ở địa phương đã lựa chọn được hướng đi đúng đắn, sáng tạo ra những phương thức hoạt động phù hợp, phấn đấu nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ công tác và đã đạt được những thành quả quan trọng:

Một là, phát huy vai trò nhân chứng lịch sử, chủ động đề xuất, tham mưu với Đảng và Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động cho 35 tập thể, 35 cá nhân TNXP; tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Lực lượng TNXP và đang đề nghị tặng thưởng “Huy chương TNXP vẻ vang” cho TNXP. Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và chính quyền các cấp xây dựng các cơ chế, chính sách; tham gia cùng các cơ quan chức năng thực hiện việc giải quyết chế độ, chính sách đối với cựu TNXP nhanh hơn, đảm bảo chính xác, đúng đối tượng, ngăn chặn tình trạng làm giả hồ sơ, vi phạm pháp luật, góp phần tích cực thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng.

Hai là, Hội Cựu TNXP đã không ngừng đẩy mạnh phong trào “Vì Nghĩa tình đồng đội”, động viên cựu TNXP giúp nhau làm kinh tế xóa nghèo bền vững; tích cực vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ, giúp đỡ cựu TNXP khó khăn có cuộc sống ổn định, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội. Phong trào “Vì nghĩa tình đồng đội” làm sống lại những tình cảm thiêng liêng, thắm tình đồng đội trong mỗi cán bộ, hội viên; đã trở thành hoạt động sâu rộng, nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của tổ chức Hội các cấp.

Ba là, cuộc vận động “Cựu TNXP nguyện nêu gương sáng học tập, làm theo lời dạy và tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã được Hội cựu TNXP triển khai dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực. Qua đó, đã định hướng tư tưởng, hành động của cán bộ, hội viên, các tổ chức Hội trong các mặt công tác và phong trào thi đua yêu nước do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cấp ủy, chính quyền địa phương phát động, góp phần tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Nhìn lại quá trình 70 năm xây dựng và trưởng thành, mỗi cựu TNXP, mỗi tổ chức Hội tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước bằng những việc làm thiết thực, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ công tác Hội đề ra:

Thứ nhất, xây dựng Hội vững mạnh toàn diện; nâng cao chất lượng cán bộ hội, hội viên và nội dung sinh hoạt hội; tham gia thực hiện tốt công tác xác nhận phiên hiệu đơn vị TNXP và phát triển hội viên theo quy định của Điều lệ Hội và pháp luật.

Thứ hai, tham gia giải quyết cơ bản chế độ, chính sách đối với TNXP. Trong đó, tập trung đề xuất cơ chế giải quyết vướng mắc trong thực hiện chế độ, chính sách đối với TNXP không còn giấy tờ gốc còn tồn đọng, TNXP hy sinh trên các công trường mở đường chiến lược thời kỳ 1954 - 1957. Nghiên cứu, đề xuất chế độ, chính sách đối với TNXP khắc phục hậu quả chiến tranh và xây dựng kinh tế sau 1975; triển khai và thực hiện trao tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” sau khi cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thứ ba, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả cuộc vận động “Cựu TNXP nêu gương sáng học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; phong trào “Cựu TNXP làm kinh tế giỏi - vì nghĩa tình đồng đội” và phong trào “Vì Nghĩa tình đồng đội - mỗi hội viên làm nhiều việc tốt”.

Thứ tư, nâng cao chất lượng công tác truyên truyền về chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, truyền thống cách mạng, truyền thống lực lượng TNXP; tích cực tham gia thực hiện công tác giáo dục thế hệ trẻ. Phát huy truyền thống lực lượng TNXP, vai trò tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tích cực tham gia có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội, phòng chống tham nhũng, lãng phí do các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc phát động, nhằm góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương và nâng cao vai trò, uy tín của tổ chức Hội trong xã hội./.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, lực lượng TNXP đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Thành đồng Tổ quốc hạng Nhất; Ban Chấp hành Trung ương Đảng tặng bức Trướng ghi dòng chữ“Thanh niên xung phong chiến đấu dũng cảm, lao động sáng tạo, lập công xuất sắc”; 42 tập thể và 40 cá nhân đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Theo TS. Nguyễn Cao Vãng/Tạp chí Tuyên giáo

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều