"Thi đua là yêu nước, yêu nước là phải thi đua"

 Năm 1948, khi cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta đang từng bước vượt qua những khó khăn, thử thách ban đầu, nhằm huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc cho sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc” - Thi đua yêu nước.

Thi đua yêu nước để gây hạnh phúc cho dân

Trong “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng mục đích của thi đua, yêu cầu thi đua phải toàn diện, cụ thể và phong trào phải “ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và trong mọi tầng lớp nhân dân” để từng bước đưa cuộc kháng chiến của nhân dân ta đi đến thắng lợi hoàn toàn. Người mong các cụ phụ lão, các cháu nhi đồng, đồng bào phú hào, công nông, trí thức nhân viên Chính phủ, bộ đội dân quân “ai cũng thi đua”, “ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc”, thi đua “Diệt giặc đói, Diệt giặc dốt, Diệt giặc ngoại xâm” để tiến tới đạt được mục đích lâu dài: “Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc”(1).

Thi đua yêu nước, “cách làm là: dựa vào: Lực lượng của dân, Tinh thần của dân, để gây: Hạnh phúc cho dân” - đó là mục đích lớn nhất, cao cả nhất. Tùy từng thời điểm với những nhiệm vụ cụ thể, song theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nội dung của thi đua yêu nước phải gắn liền với nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự, v.v.. nhằm từng bước đem lại hạnh phúc cho nhân dân một cách tích cực. Người cũng lưu ý rằng, các cấp chính quyền và ban, ngành khi xây dựng chương trình thi đua phải vừa chú trọng công tác tuyên truyền, động viên mọi người, mọi nhà, mọi ngành, mọi địa phương tập trung tinh thần và lực lượng để phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao, vừa cổ vũ mọi người nỗ lực đạt kết quả cao nhất gắn với tu dưỡng đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Gắn thi đua yêu nước với rèn luyện đạo đức mới, đạo đức của người cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Khẩu hiệu thi đua yêu nước là “Tất cả để chiến thắng. Chiến thắng giặc thực dân. Chiến thắng giặc dốt. Chiến thắng giặc đói. Chiến thắng mọi tính xấu trong mình ta”(2). Theo Người, càng gặp khó khăn nhiều, chúng ta càng phải thi đua, thi đua một cách tích cực và thi đua là một cách rất tốt, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ. Khi mỗi người tự chiến thắng những tính xấu trong mình, thi đua sẽ “giúp cho đoàn kết chặt chẽ thêm. Và đoàn kết chặt chẽ để thi đua mãi”(3), để “nước ta sẽ độc lập và thống nhất thật sự. Dân ta sẽ no ấm và giàu mạnh thật sự”(4).

Không dừng lại ở việc quan niệm rằng, thi đua là một hoạt động nhằm nâng cao năng suất lao động, hiệu quả mọi mặt công tác của các tập thể và cá nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng thi đua lên một tầm cao mới khi khẳng định: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”(5). Người đã thổi vào phong trào thi đua một nội dung mới, coi thi đua không chỉ dừng lại ở khía cạnh hoạt động vật chất, mà còn bao hàm nội dung tinh thần, là biểu hiện cao của tình yêu quê hương đất nước, là tấm lòng của mỗi người dân Việt với non sông gấm vóc mà ông cha ta đã gây dựng lên. Thể hiện một cách độc đáo, sáng tạo quan niệm về thi đua, lấy thi đua làm động lực để phát huy lòng yêu nước; đồng thời “lấy yêu nước để thúc đẩy phong trào thi đua, nâng cao hiệu quả của thi đua”(6), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm cho phong trào thi đua yêu nước của nhân dân ta trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống đế quốc Mỹ xâm lược và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc mang đậm bản sắc dân tộc Việt, đậm cốt cách người dân Việt; có sức mạnh tinh thần to lớn, gắn liền, phát triển cùng lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, dành nhiều thời gian và tâm trí cho việc tổ chức và thực hiện phong trào thi đua trong cả nước: từ việc chọn cụ Hoàng Đạo Thúy làm Trưởng ban Thi đua Trung ương, tặng cụ chiếc quạt, “để quạt cho phong trào phát triển”, đến việc thường xuyên viết bài, nói chuyện về thi đua, theo dõi sát sao việc thực hiện phong trào thi đua yêu nước ở các địa phương, các ngành, các cấp, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn thông qua phong trào thi đua yêu nước, những phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam như truyền thống yêu nước, đoàn kết, cần cù trong lao động sản xuất, tiết kiệm, kiên cường bất khuất, sáng tạo trong đấu tranh chống thiên tai, địch họa và cũng rất thủy chung, nhân ái, chan hoà trong lối sống, v.v.. ngày một được bồi đắp và phát triển.

Thi đua cải tạo con người

Khẳng định ý nghĩa của phong trào thi đua yêu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Lao động sáng tạo xã hội. Thi đua thì cải tạo con người”(7); “nhờ có thi đua mà nhân tài càng phát triển, của cải càng dồi dào, nhân dân càng sung sướng”; “mọi người đều thi đua, mọi việc đều có thi đua và đều có thành tích”. Đồng thời, cùng với thi đua yêu nước, việc đấu tranh xoá bỏ cái cũ, cải tạo và xây dựng cái mới, từ thấp đến cao, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện, từ chỗ từng bước chiến thắng bản thân đến chỗ “chiến thắng mọi tính xấu trong mình ta” cũng góp phần xây dựng con người Việt Nam mới xã hội chủ nghĩa.

Từ trong phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện tấm gương điển hình của những cán bộ, đảng viên giàu tinh thần trách nhiệm, đi đầu trong các lĩnh vực công tác, luôn đặt lợi ích chung của dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân; những chiến sĩ, trí thức, công nhân, nông dân nhiều sáng kiến, nhiều thành tích và gương mẫu về đạo đức cách mạng, góp phần làm cho rừng hoa thi đua yêu nước thêm nhiều hương sắc. Đó chính là những người yêu nước thiết thực và tích cực - “những người luôn luôn cố gắng thực hành cần, kiệm, liêm, chính là những người tôi trung của nhân dân, con hiếu của Tổ quốc”(8).

 

Các cá nhân được tôn vinh tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc - Nguồn: VOV

Không chỉ nêu rõ mục đích, nội dung, ý nghĩa của phong trào thi đua yêu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ phương pháp: Để phát triển phong trào thi đua, nhất định và phải kiên quyết “chống bệnh quan liêu, chống nạn tham ô, lãng phí”. Người quan niệm, “bệnh quan liêu sẽ ngăn trở phong trào thi đua, làm nó chậm tiến, và nạn tham ô, lãng phí sẽ làm giảm bớt những kết quả của phong trào thi đua”. Người còn nói, “thi đua không phải là ganh đua”, thi đua có nghĩa là mỗi người đều có thể phát triển tài năng, sáng kiến của mình, học hỏi điều hay lẫn nhau, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm để cùng tiến bộ. Do đó, thi đua một cách thiết thực và tích cực sẽ giúp mỗi người chiến thắng những tật xấu, hướng về những điều tốt đẹp, dẹp bỏ dần những thói hư, những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân; đồng thời, làm cho mỗi người nâng cao tinh thần tiết kiệm, ý thức giữ gìn của công và hướng lòng mình đến chí công vô tư. Thông qua phong trào thi đua, mỗi người sẵn sàng tiếp nhận một cách tự giác những nét đẹp mới trong đạo đức, lối sống, hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn - ở đó, mình sống vì mọi người và mọi người sống vì mình.

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước

70 năm sau kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, ngọn cờ thi đua yêu nước đã trở thành phong trào cách mạng sâu rộng của quần chúng nhân dân, vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận, thực tiễn và mang tính thời sự sâu sắc. Phong trào thi đua yêu nước phát triển ngày càng mạnh mẽ qua các thời kỳ, sâu, rộng trong các tầng lớp nhân dân, các lực lượng vũ trang… với nhiều nội dung phong phú và hình thức sinh động, góp phần động viên sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đặc biệt, những năm gần đây, các phong trào thi đua yêu nước đã bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, của từng địa phương,cơ quan, đơn vị gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và thi đua lập thành tích nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Ở tất cả các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương, các phong trào thi đua: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” (công nhân); “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”, “Nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng - an ninh” (nông dân); “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu” (cán bộ, công chức); “Thi đua dạy tốt, học tốt” (giáo dục); “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” (phụ nữ); “Cựu chiến binh gương mẫu” (cựu chiến binh); “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”,“Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”; “Sinh viên tình nguyện” (thanh niên); “Thi đua quyết thắng” (quân đội); “Vì an ninh Tổ quốc”, “Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy” (công an); “Dân vận khéo;“Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng, chống các tệ nạn xã hội”,v.v.. đã động viên và huy động được mọi nguồn lực xã hội, góp sức hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đất nước.

Từ trong các phong trào thi đua, các cuộc vận động đã có hàng vạn sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học, công trình xây dựng, v.v.. được nghiệm thu, ứng dụng trong thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn; đồng thời, cũng xuất hiện ngày càng nhiều tập thể, cá nhân Anh hùng Lao động, chiến sĩ thi đua các cấp, những gương điển hình tiên tiến được Nhà nước, các cấp, các ngành, đoàn thể kịp thời biểu dương, khen thưởng, tạo sự lan tỏa trong xã hội. Tuy nhiên, vẫn có nơi, có lúc phong trào thi đua chưa toàn diện, chưa đồng đều, liên tục, còn hình thức, chưa gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị. Một số phong trào thi đua tác dụng lan toả chưa cao...

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, để nâng cao chất lượng và hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, góp phần quan trọng hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau: 1) Bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để phát động phong trào thi đua, với các hình thức phong phú, hấp dẫn; có chủ đề, tên gọi ngắn gọn; có tiêu chí cụ thể, nội dung thiết thực; triển khai có hiệu quả, tránh bệnh hình thức. 2) Hướng về cơ sở, gắn các phong trào thi đua với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, tạo nên phong trào thi đua trong từng đơn vị cơ sở cũng như trên phạm vi cả nước. 3) Chú trọng phát hiện, lựa chọn, bồi dưỡng các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc để biểu dương, khen thưởng. 4) Đẩy mạnh công tác truyền thông về thi đua yêu nước, nhân rộng các gương điển hình và nhân tố mới. 5) Thường xuyên kiểm tra, giám sát, phân công nhiệm vụ, tiến độ triển khai, nhất là đối với các phong trào, các cuộc vận động lớn; kịp thời tổng kết, rút kinh nghiệm, chọn điểm trước khi nhân rộng phong trào.

PGS.TS. Lưu Ngọc Tố Tâm

Theo Tạp chí Tuyên giáo

___________________________________________________

(1), (2), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1996, t.5, tr.445, 660, 660. (3), (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.270, 473. (6) Lê Quang Thiệu: Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào thi đua yêu nước, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1994, tr.20. (7), (8) Hồ Chí Minh: Thi đua yêu nước, Nxb. Sự thật, in lần 2, H, 1984, tr.32, 33.

Nguồn: Bài đăng Tạp chí Tuyên giáo số 5/2018

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều