|
Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa XIII ra mắt Đại hội. Ảnh: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
|
Những vấn đề đặt ra về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
Trong quá trình lãnh đạo hệ thống chính trị xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước, Đảng ta luôn luôn xác định: “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tôn trọng nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Phát huy mạnh mẽ vai trò, hiệu lực của nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị hoạt động năng động, có hiệu lực và hiệu quả”. Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, thực hiện đồng bộ, toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Là tổ chức chính trị - xã hội, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một thành tố trong hệ thống chính trị, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đang đứng trước yêu cầu: Các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, khắc phục tình trạng "hành chính hóa", hướng mạnh hoạt động về cơ sở, khu dân cư, chăm lo thiết thực quyền lợi chính đáng hợp pháp cho hội viên, không phô trương hình thức, không chạy theo thành tích; phát huy vai trò chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước về chủ trương, chính sách liên quan đến phụ nữ, thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội; tham gia đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực. Hội cần mở rộng tính liên hiệp, tập hợp rộng rãi các đối tượng là phụ nữ trên nguyên tắc dân chủ, tự nguyện; đa dạng hóa các hình thức tập hợp để phát triển hội viên trên các lĩnh vực, địa bàn
Thứ nhất, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội, trong hệ thống chính trị Việt Nam, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam, có địa vị pháp lý được xác lập bằng các quy định trong Hiến pháp, luật pháp, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng. Điều 9 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xác định: ''... Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam... là tổ chức chính trị - xã hội được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình; cùng các thành viên khác của Mặt trận phối hợp và thống nhất hành động trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam'' và "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động". Luật Bình đẳng giới cũng xác định trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia xây dựng chính sách, luật pháp và tham gia quản lý nhà nước về bình đẳng giới theo quy định của pháp luật, giám sát, phản biện xã hội đối với chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện bình đẳng giới; tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới; phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan bồi dưỡng, giới thiệu phụ nữ đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; phụ nữ đủ tiêu chuẩn tham gia quản lý, lãnh đạo các cơ quan trong hệ thống chính trị; thực hiện chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái theo quy định của pháp luật1.
Nghị quyết 11- NQ/TW về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, được Bộ Chính trị (khóa X) ban hành ngày 27/4/2007 đã xác định: "Công tác phụ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và của từng gia đình. Trong đó hạt nhân lãnh đạo là các cấp ủy đảng, trách nhiệm trực tiếp và chủ yếu là các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, vai trò chủ thể là phụ nữ và nòng cốt là các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam". Ngày 3/3/2021 Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030, đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tham gia tổ chức triển khai chiến lược có hiệu quả.
Thứ hai, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có quá trình hình thành, xây dựng và phát triển 92 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, có tôn chỉ mục đích, nguyên tắc hoạt động rõ ràng được quy định trong Điều lệ hoạt động của Hội, có ban lãnh đạo do Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Phụ nữ hiệp thương thống nhất thông qua. Hệ thống Hội được tổ chức chặt chẽ theo 4 cấp, mỗi cấp đều có cơ quan chuyên trách, cán bộ chuyên trách được nhận lương từ ngân sách nhà nước, được Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động, điều kiện hoạt động; thu hút, tập hợp được hàng chục triệu hội viên trong các tầng lớp phụ nữ ở các lĩnh vực của đời sống xã hội, các khu vực, vùng miền của cả nước; đội ngũ cán bộ Hội tâm huyết, trách nhiệm, đặc biệt là hội viên nòng cốt, các chi hội trưởng, phó hoạt động tình nguyện tại các địa bàn dân cư - là nhân tố thúc đẩy tính tự nguyện, tự quản và xã hội hóa hoạt động Hội.
Thứ ba, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội giữ vai trò nòng cốt trong công tác vận động phụ nữ tham gia phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Hội tham mưu, đề xuất chính sách pháp luật liên quan đến phụ nữ; thực hiện chức năng đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của phụ nữ, xây dựng tổ chức hội vững mạnh, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; hợp tác quốc tế... Với hiệu quả và tính thiết thực trong hoạt động của mình, Hội được Đảng, Chính phủ giao cho các trọng trách: tham mưu, giới thiệu, tạo nguồn cán bộ nữ; giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới; tham gia quản lý nhà nước ở một số nhiệm vụ theo quy định của pháp luật; là đoàn thể có chất lượng tín dụng tốt nhất của ngân hàng chính sách xã hội. Hội đã đẩy mạnh hoạt động tài chính vi mô, hướng đến đăng ký theo luật định. Hiện nay, Chính phủ đang cho phép Quỹ tín dụng của Hội thí điểm mô hình cho vay gián tiếp và hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng cường năng lực cho các tổ chức tài chính vi mô. Hội cũng được Chính phủ giao cho thực hiện các đề án về hỗ trợ các dịch vụ dạy nghề, thành lập các nhóm trẻ tại các khu công nghiệp, thành lập các trung tâm tư vấn pháp luật, tư vấn và hỗ trợ hôn nhân có yếu tố nước ngoài, các đề án giáo dục đạo đức phẩm chất cho phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; giáo dục hàng triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt; đề án xóa mù chữ, nâng cao trình độ mọi mặt cho phụ nữ dân tộc. Rõ ràng, Hội đã và đang khẳng định thế mạnh trong các hoạt động bám sát tình hình kinh tế, xã hội của đất nước và nhu cầu nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ.
Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đang bộc lộ những hạn chế, khó khăn. Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu của công tác phụ nữ trong tình hình mới và nhu cầu ngày càng đa dạng của các tầng lớp phụ nữ. Nhận thức về tổ chức và hoạt động của Hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế chưa đầy đủ, các dự báo và định hướng hoạt động của Hội chưa thể hiện tầm nhìn và sự chủ động ứng phó của tổ chức trước những cơ hội và thách thức của bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. Công tác cán bộ của từng cấp Hội thiếu tính chiến lược, phong cách, lề lối làm việc của cán bộ Hội chuyên trách có biểu hiện hành chính, thiếu kỹ năng vận động, tuyên truyền, thuyết phục và sâu sát hội viên phụ nữ; năng lực tham mưu chiến lược của đội ngũ cán bộ Hội cấp Trung ương và cấp tỉnh cũng như năng lực sáng tạo trong triển khai, tổ chức thực hiện của cấp quận, huyện và cơ sở còn hạn chế. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí ngân sách cấp chỉ đủ các hoạt động thường xuyên và một số chương trình mục tiêu quốc gia do Hội đảm nhận. Một phần kinh phí hoạt động chuyên môn và các hoạt động xã hội, chăm lo hội viên đặc thù, khó khăn đều do Hội vận động từ nguồn lực xã hội.
Hội đã tập hợp thu hút hơn 17 triệu hội viên, nhưng vẫn chưa bao phủ được hết các tầng lớp phụ nữ trong cơ cấu xã hội đang thay đổi. Thực tiễn cho thấy, các hoạt động của Hội chủ yếu hướng đến các đối tượng theo địa bàn hành chính, nơi hội viên của Hội đang tập trung đông ở các khu dân cư phụ nữ trung niên là nông dân, tiểu thương, nội trợ, cán bộ hưu trí. Tác động của kinh tế thị trường, đô thị hóa, hội nhập quốc tế, di chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị, lao động nữ tham gia xuất khẩu lao động, phụ nữ lấy chồng nước ngoài... mà số hội viên, phụ nữ ở các địa bàn dân cư biến động lớn, dẫn đến quản lý hội viên phụ nữ gặp nhiều khó khăn, bất cập. Hội đang đứng trước thách thức to lớn từ việc sụt giảm số hội viên, từ chất lượng hội viên và tính đại diện cho các tầng lớp phụ nữ trong một cơ cấu xã hội và phân tầng xã hội đang thay đổi ở nước ta hiện nay.
Một số giải pháp tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ mới
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ ra những vấn đề cốt lõi về phụ nữ là: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tăng cưỡng các chương trình phát triển, hộ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em ”.
Để thực hiện được yêu cầu, chỉ đạo của Đảng, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động trong thời gian tới như sau:
Một là, xác định các tầng lớp phụ nữ là đối tượng đích thực của tổ chức Hội, thì những vấn đề cốt lõi của phụ nữ phải được thể hiện một cách sinh động trong phong trào thi đua, các cuộc vận động, các nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Hội. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để Hội thực sự là tổ chức nòng cốt, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ là người đồng hành trong hành trình nâng cao trình độ mọi mặt cho phụ nữ; là người đề xuất luật pháp chính sách để phát huy vai trò của phụ nữ; giám sát việc thực thi chính sách, luật pháp liên quan đến phụ nữ, bình đẳng giới, có tiếng nói bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp; chăm lo hỗ trợ để phụ nữ hoàn thành tốt thiên chức trong gia đình và đóng góp cho xã hội. Các nội dung hoạt động của Hội phải bám sát thực tiễn, gắn bó chặt chẽ với chuyển động trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, của từng địa phương; lấy mong muốn, nguyện vọng chính đáng của phụ nữ làm cơ sở để đề ra nội dung, phương thức hoạt động cho phù hợp.
Trong nhiệm kỳ này, Hội cần tiếp tục phát huy kinh nghiệm đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng quản lý và sử dụng vốn thông qua hoạt động ủy thác với Ngân hàng chính sách, Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn; quản lý tốt Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo và các loại hình tài chính vi mô do Trung ương quản lý theo luật định; thống nhất hướng dẫn và quản lý hoạt động các quỹ xã hội ở các địa phương; tiếp tục vận động phụ nữ tiết kiệm giúp nhau phát triển kinh tế; khuyến khích và hỗ trợ phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp; chỉ đạo thành lập các tổ hợp tác, tổ liên kết, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, tôn vinh và hỗ trợ các doanh nghiệp lớn... của phụ nữ nhằm tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị trong nền kinh tế thị trường của nước ta hiện nay. Các cấp Hội tham gia đảm nhận và tổ chức các dịch vụ công đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của chị em phụ nữ, gia đình và xã hội, chăm lo xây dựng gia đình bền vững, hạnh phúc; hướng hoạt động của các trung tâm dạy nghề, trung tâm tư vấn pháp luật, trung tâm phụ nữ và phát triển vào các dịch vụ công vừa đáp ứng nhu cầu xã hội, thiết thực hỗ trợ chị em phụ nữ, vừa giúp nhà nước chuyển dần các dịch vụ công sang các tổ chức xã hội. Nghiên cứu, khảo sát để bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho các trung tâm dạy nghề theo hướng đa chức năng hướng đến các nhu cầu của phụ nữ và xã hội.
Hai là, nâng cao năng lực giám sát và phản biện xã hội về các chính sách, pháp luật liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới và tổ chức Hội. Yêu cầu xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, cùng xu hướng dân chủ hóa đời sống xã hội, đòi hỏi sự tham gia ngày càng chất lượng hơn của người dân vào quá trình quản lý và điều hành đất nước. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phải trở thành một thiết chế hiệu quả, là môi trường thuận lợi để hội viên phụ nữ phát huy và thực hành dân chủ góp phần xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tạo sự đồng thuận và sự tiến bộ, công bằng trong xã hội. Để thực hiện nhiệm vụ này, Hội cần đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng liên quan cho cán bộ Hội, đồng thời tập hợp, thu hút các chuyên gia giỏi, cán bộ nữ đang công tác tại các lĩnh vực tham gia, tạo ra các diễn đàn, tọa đàm, hội thảo... để cán bộ Hội tham gia có chất lượng, hiệu quả về giám sát và phản biện xã hội.
Ba là, đa đạng hóa nội dung, phương thức tập hợp và phát triển hội viên phụ nữ. Sức sống của tổ chức Hội chính là ở chất lượng hội viên, thành viên của tổ chức. Bên cạnh hội viên phụ nữ đang sinh sống theo địa bàn dân cư, địa bàn hành chính, cần tập hợp hội viên phụ nữ theo lứa tuổi, nghề nghiệp, tôn giáo, sở thích, trình độ, văn hóa... theo cơ cấu xã hội hiện nay; phát triển thêm các thành viên của Hội: Tổ chức phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài; nữ luật sư, nữ văn nghệ sỹ, nữ giáo chức, nữ lãnh đạo quản lý... Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, xã hội nghề nghệp (Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Tổng Liên đoàn, Hội Luật gia, Hội Người cao tuổi...) có hội viên, đoàn viên là phụ nữ nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp chăm lo tiến bộ và bình đẳng của phụ nữ. Tiếp cận vấn đề tổ chức và hội viên từ cơ cấu xã hội và nhu cầu nguyện vọng của đối tượng, phụ nữ, tránh chồng chéo trong công tác vận động, tập hợp hội viên. Trong phương thức hoạt động của mình, Hội phải đề cao sự sáng tạo, năng động, nhạy bén và tính chủ động của mỗi cấp Hội và cán bộ, hội viên. Lấy hiệu quả làm thước đo đánh giá chất lượng phong trào Hội. Hiệu quả ở đây chính là sự gắn bó, hấp dẫn hội viên phụ nữ bởi tính thiết thực của hoạt động Hội.
Bốn là, củng cố, sắp xếp tổ chức, bộ máy, cán bộ tinh gọn, năng động, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Hội trong tình hình mới.
Rà soát chức năng, nhiệm vụ của từng cấp Hội và các ban, đơn vị của từng cấp để thống nhất phân định nhiệm vụ cụ thể. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Hội các cấp về yêu cầu và những thách thức đặt ra đối với phụ nữ và công tác phụ nữ trong bối cảnh hiện nay. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là vấn đề cấp bách. Nếu không sớm đổi mới Hội sẽ không đáp ứng và bắt kịp yêu cầu phát triển của đất nước cũng như những đòi hỏi của phụ nữ hiện nay. Do đó, cán bộ Hội ở từng cương vị của mình cần thống nhất nhận thức, quyết tâm trong hành động, có bước đi, lộ trình phù hợp để thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của từng cấp Hội cho phù hợp với thực tiễn, điều kiện của từng địa phương, cơ sở.
Xây dựng đội ngũ cán bộ Hội có bản lĩnh chính trị, có năng lực chuyên môn, nhiệt tình, tâm huyết có kỹ năng vận động quần chúng, có phương pháp làm việc khoa học, kế hoạch là chủ thể của quá trình đổi mới. Có cơ chế phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, sử dụng, đề bạt, giới thiệu, tiến cử cán bộ Hội, chuyên gia giỏi; phát huy vai trò tình nguyện của đội ngũ cán bộ Hội và hội viên phụ nữ trong các dịch vụ công và các hoạt động Hội ở cơ sở. Học viện Phụ nữ Việt Nam có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ cho chiến lược đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội trong những năm tới.
Năm là, thực hiện chiến lược truyền thông nhằm tôn vinh phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, quảng bá tôn chỉ, mục đích và các hoạt động của Hội, hướng đến các mục tiêu bình đẳng giới nâng cao nhận thức của xã hội về phụ nữ và tổ chức Hội. Tiếp tục đề xuất, tham mưu các chính sách chăm lo phát triển phụ nữ, nhất là các đối tượng phụ nữ đặc thù, khó khăn; chú trọng thực hiện kinh tế số, xã hội số trong xây dựng cơ sở vật chất phục vụ các dịch vụ công do Hội đảm nhiệm. Đẩy mạnh xã hội hóa, vận động nguồn lực từ các dự án quốc tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, phát huy nội lực của hội viên, phụ nữ và các tổ chức thành viên cho các hoạt động của Hội. Đổi mới việc thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học gắn với những vấn đề đặt ra cho công tác Hội và phong trào phụ nữ, làm cơ sở cho việc xây dựng chiến lược phát triển của Hội cũng như đề xuất chính sách, pháp luật, phản biện chính sách, pháp luật liên quan đến bình đẳng giới, phụ nữ, trẻ em và tổ chức Hội.
Sáu là, tăng cường và đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác phụ nữ và công tác cán bộ nữ. Cần quan tâm xây dựng và thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ nữ trong chiến lược quy hoạch tổng thể về cán bộ của Đảng và hệ thống chính trị ở từng cấp, từng ngành, từng địa phương. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao, cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ thật sự có năng lực và phẩm chất đạo đức tốt, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công cuộc đổi mới đồng bộ, toàn diện đất nước và chủ động hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng, bảo vệ và phát triển nhanh, bền vững đất nước.
Chúng ta tin tưởng rằng, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII - Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, hội nhập, phát triển; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, vì hạnh phúc của phụ nữ, vì sự phồn vinh của đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Chú thích:
1. Luật Bình đẳng giới, Điều 29, 30.
Tài liệu tham khảo
1. Ban Chấp hành Trung ương: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, ngày 3/6/2013 về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới.
2. Bộ Chính trị: Nghị quyết số 11 - NQ/TW ngày 7/4/2007 về công tác phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.
5. Chỉ thị số 48- CT/TW ngày 9/9/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, về lãnh đạo Đại hội đại biểu phụ nữ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII.
6. Chỉ thị số 46- CT/TW ngày 28/7/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, về lãnh đạo Đại hội đại biểu phụ nữ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII.
7. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2013.
8. Luật Bình đẳng giới năm 2006.
9. Học Viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Tài liệu học tập dành cho lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp, tập 5, Những vấn đề cơ bản về khoa học lãnh đạo, Nxb. Chính trị - Hành chính, Hà Nội, 2013.
10. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội, tháng 3/2012.
11. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII tháng 3/2017.
12. Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 10, Luật Bình đẳng giới, số 73/2006/QH11 ngày 29/11/2006.
13. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 2351/QĐ- TTg ngày 24/12/2010 phê duyệt Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020.
14. Chính phủ: Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030, ngày 3/3/2021( kèm theo Nghị quyết số 28/NQ-CP - 2021).
Nguyễn Văn Hùng
TS, nguyên Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương