Tiếp tục hoàn thiện thể chế lĩnh vực lao động và xã hội

Thể chế về lĩnh vực lao động và xã hội nước ta cho đến nay đã đạt được những thành tựu to lớn nhưng vẫn phải tiếp tục hoàn thiện theo yêu cầu của thực tiễn, trước mắt là tiếp tục phát triển thị trường lao động, cải cách chính sách tiền lương và sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội.
Phát triển thị trường lao động

Ngay sau Đại hội XIII của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 176/QĐ-TTg, ngày 5.2.2021 ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030. Quyết định chỉ rõ: Phát triển thị trường lao động toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại, hiệu quả phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng địa phương làm cơ sở, động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhà nước giữ vai trò kiến tạo và hỗ trợ phát triển thị trường lao động thông qua việc hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ chế chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phát triển thị trường lao động, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để hạn chế những rủi ro liên quan đến quyền lợi của người lao động trong bối cảnh diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chủ động hội nhập quốc tế, đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động trong nước gắn với thị trường lao động quốc tế.

Quyết định cũng xác định các chỉ tiêu và bước đi cho từng thời gian, trong đó có các chỉ tiêu rất quan trọng về chất lượng lao động như: tăng số lao động có kỹ năng theo nhu cầu của thị trường lao động (lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ nghề đạt 30% vào năm 2025 và đạt 35-40% vào năm 2030); tạo việc làm tốt hơn cho người lao động, giảm mạnh tỷ lệ thanh niên không có việc làm (duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 3%, ở khu vực thành thị dưới 4%); lao động làm việc trong nông nghiệp đến năm 2025 dưới 30%, và đến năm 2030 dưới 20%...

Để thực hiện định hướng phát triển thị trường lao động, chuyển đổi cơ cấu việc làm và thực thi có hiệu quả các chỉ tiêu quan trọng nêu trên thì giải pháp tổng thể, hàng đầu là, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đồng bộ, thống nhất để thị trường lao động phát triển theo hướng hiện đại, toàn diện và hội nhập quốc tế. Một số công việc cụ thể gồm: Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cung - cầu lao động, kết nối cung - cầu lao động cho phù hợp với quy luật thị trường lao động, phù hợp với công ước, tiêu chuẩn quốc tế mà Việt Nam đã phê chuẩn và phù hợp với lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động.

Cấp bách nhất là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động năm 2019 (vì Nghị định 145/2020/NĐ-CP chỉ mới hướng dẫn được 10 vấn đề về điều kiện lao động và quan hệ lao động). Nay cần hướng dẫn cụ thể rõ ràng, minh bạch Khoản 5, Điều 4 của Bộ luật này, đó là Nhà nước “có chính sách phát triển thị trường lao động, đa dạng các hình thức kết nối cung, cầu lao động”, cần làm rõ nội hàm của Điều, khoản này là như thế nào. Hướng dẫn Điều 5 - Quyền và nghĩa vụ của người lao động và Điều 6 - Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động, trong đó cần cụ thể hóa nghĩa vụ của mỗi bên. Đây là những vấn đề trực tiếp nhất đến phát triển thị trường lao động. Tiếp đó là thực hiện các đề án, chương trình hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động cho các nhóm lao động theo nội dung Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11.1.2022 của Quốc hội về Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó cần đặc biệt chú ý các nội dung quy định về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; về an sinh xã hội, việc làm thúc đẩy hồi phục và phát triển thị trường lao động.

Đẩy mạnh phát triển cung - cầu lao động, quan tâm hơn đến cung - cầu lao động chất lượng cao, cụ thể là: Xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề trước khi đi làm cho những người vừa tốt nghiệp ra trường và các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng cho lao động đang trong quá trình làm việc phù hợp với tính chất đặc thù của từng loại lao động cụ thể. Khuyến khích người sử dụng lao động tham gia vào quá trình giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp. Nâng cao hiệu quả của các công cụ giám sát, đánh giá, công nhận trình độ kỹ năng nghề theo tiêu chuẩn quốc gia, phản ánh chính xác năng lực làm việc thực tế của người lao động. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Hỗ trợ phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động. Trong đó chú trọng xây dựng, triển khai giải pháp số hóa, cập nhật thông tin dữ liệu về người lao động; nâng cấp trang thiết bị phục vụ cho việc thu thập, phân tích, dự báo cung - cầu lao động, cung cấp thông tin theo yêu cầu quản lý và lưu trữ dữ liệu...

 

Xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Theo Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13.6.2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 thì tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10.2023), Quốc hội bắt đầu thảo luận dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Đây là một nhiệm vụ lớn, quan trọng trong công tác thể chế của lĩnh vực lao động và xã hội.

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) hiện hành được Quốc hội Khóa XIII, Kỳ họp thứ Tám thông qua ngày 20.11.2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2016. Sau 7 năm thi hành, Luật đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng cũng đã xuất hiện những hạn chế.

Cụ thể là, diện bao phủ BHXH và quy mô số người tham gia BHXH tuy có tăng lên nhưng vẫn còn thấp. Theo BHXH Việt Nam, tính đến năm 2020 (năm BHXH Việt Nam tròn 25 tuổi), mới chỉ có khoảng 33,5% số người trong độ tuổi lao động tham gia BHXH, do đó, các mốc mục tiêu đã đề ra đến năm 2025 và 2030 về số người trong độ tuổi tham gia BHXH sẽ đạt 45% và 60% là thách thức không nhỏ.

Quỹ BHXH dài hạn (hưu trí, tử tuất) khó bảo đảm cân đối trong dài hạn. Vì chính sách BHXH hiện hành kế thừa chính sách BHXH ở nhiều giai đoạn trước, nhất là thời kỳ kế hoạch tập trung, quan liêu, bao cấp do ngân sách nhà nước bảo đảm cho toàn bộ cán bộ, công nhân viên chức ở cả hai khu vực hành chính, sự nghiệp và sản xuất kinh doanh (tức là người lao động không trực tiếp đóng BHXH), đến nay số lượng người hưởng chế độ BHXH dài hạn rất lớn, chưa thật phù hợp với nguyên tắc đóng - hưởng theo Điều 5 của Luật BHXH hiện hành.

Chính sách BHXH hiện hành vẫn thiếu sự chia sẻ giữa những người tham gia BHXH được quy định tại khoản 1 Điều 5 của Luật. Việc chia sẻ chỉ được thực hiện ở các chế độ BHXH ngắn hạn (ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thai sản). Còn ở các chế độ dài hạn (hưu trí, tử tuất) hầu như không thể thực hiện. Vì nguyên tắc đóng - hưởng được thiết kế không phân biệt giữa những người có mức lương cao với người có mức lương thấp nên không có cách nào để chia sẻ. Chênh lệch thu nhập từ lương hưu giữa những người có mức lương cao nhất với người có mức lương thấp nhất có khoảng cách khá lớn trong khi đã cùng nghỉ việc.

Luật quy định thời gian tối thiểu tham gia BHXH được hưởng lương hưu khá dài, lại có phần khắt khe dẫn đến việc nhiều người đang tham gia BHXH thì dừng lại, và những người đang làm việc không muốn tham gia bảo hiểm, làm hạn chế tốc độ tăng độ bao phủ của BHXH. Trong khi đó điều kiện hưởng BHXH một lần (quy định tại Điều 60 của Luật) lại tương đối dễ dàng nên số người đang tham gia xin hưởng một lần có xu hướng ngày càng tăng lên...

Để khắc phục những hạn chế, bất cập nói trên và để phù hợp với tình hình hiện nay thì phải xây dựng Luật BHXH ở mức độ sửa đổi cơ bản (không dừng ở mức độ sửa đổi, bổ sung một số điều). Luật BHXH (sửa đổi) phải đạt được mục tiêu do Nghị quyết Trung ương 7 Khóa XII xác định, “BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách BHXH tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch.(1) Đây là dự án luật khó vì chi phối trực tiếp đến quyền lợi thiết thân của từng người lao động. Bởi vậy, Chính phủ phải nỗ lực hết sứ để có chuẩn bị một dự thảo luật chất lượng trình Quốc hội.

Tiếp tục triển khai cải cách chính sách tiền lương

Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21.5.2017 của Trung ương chỉ rõ, phải cải cách chính sách tiền lương, trong đó có tiền lương khu vực doanh nghiệp. Nhìn chung, tiền lương của lao động khu vực doanh nghiệp đã được cải thiện từng bước, có thể sẽ tiếp cận được mức sống tối thiểu trong thời gian không xa. Đây là cố gắng rất lớn, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với người lao động. Tuy vậy, do hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19 nên việc làm, tiền lương, thu nhập, đời sống của người lao động bị giảm sút nhiều. Do đó, đi đôi với tổ chức lại sản xuất, tạo việc làm phải tiếp tục cải cách chính sách tiền lương với mục tiêu: Nhà nước định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia. Các doanh nghiệp được thực hiện chính sách tiền lương trên cơ sở thương lượng, thỏa thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động và đại diện tập thể người lao động... Thực hiện quản lý lao động, tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước theo phương thức khoán chi phí tiền lương gắn với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vào năm 2030” (2).

Để thực hiện được mục tiêu trên, Hội đồng tiền lương quốc gia phải tiếp tục tham mưu hoàn thiện tiền lương tối thiểu vùng nhằm nâng cao độ bao phủ tiền lương tối thiểu và đáp ứng tính linh hoạt của thị trường lao động. Trên cơ sở kết quả nghiên quan hệ cung - cầu lao động, việc làm, tốc độ tăng trưởng kinh tế, tốc độ tăng năng suất lao động, khả năng phát triển của doanh nghiệp... để xem xét điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng nhằm tiến đến bảo đảm được mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình người hưởng lương trong thời gian tới (có thể trước năm 2025)(3).

Với khả năng hiện hữu và bề dày kinh nghiệm, tin chắc rằng nhiệm vụ xây dựng thể chế thuộc lĩnh vực lao động và xã hội trong năm 2023 và những năm tiếp theo sẽ được thực thi với tinh thần nghiêm túc, khẩn trương, tích cực nhất, đem lại hiệu quả thiết thực cho lãnh đạo, quản lý và điều hành lĩnh vực; cho người lao động, cho doanh nghiệp và người dân.

___________

(1) Nghị quyết Trung ương Bảy, Khóa XIII: Số 28-NQ/TW, ngày 23.5.2017 về Cải cách chính sách BHXH;

(2) Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 21.5.2017 về Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

(3) Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam công bố trên VOV tháng 4.2018 mức lương tối thiểu đã đáp ứng 80% mức sống tối thiểu của người lao động.

Ts. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Theo Báo Đại biểu Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều