|
Ảnh minh họa (Ảnh: Lan Anh Bộ VHTTDL) |
Tại Hội nghị tọa đàm khoa học “Quan niệm về hạnh phúc của người Việt Nam” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức năm 2017, giới chuyên môn đã đưa ra các quan điểm khác nhau về vấn đề này. Một số ý kiến cho rằng nội hàm gia đình hạnh phúc cần được phác họa thông qua các yếu tố như ăn ngon, mặc đẹp, có nhà riêng, làm việc mình thích, gia đình hòa thuận, con cháu chăm ngoan, có quan hệ họ hàng tốt, …Có ý kiến đề cập đến gia đình hạnh phúc là đảm bảo thực hiện tốt các chức năng gia đình. Trong khi đó, một số tác giả nhấn mạnh đến các giá trị, chuẩn mực như gia đình hòa thuận, các thành viên có ý thức xây dựng gia đình, con cái vâng lời cha mẹ, bình đẳng gia đình là các yếu tố quan trọng để đánh giá, xác định gia đình hạnh phúc.
Nhìn chung, nghiên cứu về gia đình hạnh phúc ở Việt Nam hiện nay còn khá mới mẻ và là một không gian thảo luận học thuật, chính sách khá rộng. Trong bối cảnh đó, Vụ Gia đình – Bộ VHTTDL tiến hành đề tài khoa học cấp bộ “Nghiên cứu xây dựng tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc trong giai đoạn hiện nay”. Nghiên cứu nhằm xác định cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc ở Việt Nam, đánh giá thực trạng gia đình hạnh phúc theo từng tiêu chí được xây dựng từ đó đề xuất và hoàn thiện tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Địa bàn khảo sát của nghiên cứu tại Nam Định và Hải phòng với 200 đại diện hộ gia đình tham gia trả lời phỏng vấn bảng hỏi. Nghiên cứu thực hiện 14 phỏng vấn sâu và 8 thảo luận nhóm (mỗi nhóm 10 người tham gia).
Trong nghiên cứu này, khái niệm gia đình hạnh phúc được hiểu là sự hài lòng của các thành viên gia đình về tổng hòa các yếu tố khách quan, chủ quan về đời sống vật chất, sức khỏe, đời sống tinh thần, mối quan hệ trong gia đình và mối quan hệ của gia đình với dòng họ, cộng đồng.
Để đánh giá được gia đình hạnh phúc, nghiên cứu tiếp cận thông qua ba chiều cạnh chính: (1) Mức độ hài lòng về đời sống vật chất của gia đình; (2) Mức độ hài lòng về mối quan hệ gia đình; (3) Mức độ hài lòng về sức khẻo của các thành viên trong gia đình và (4) Mức độ hài lòng về môi trường sống. Các chiều cạnh này được đo lường thông qua các câu hỏi cụ thể với thang đo đánh giá mức độ hài lòng được tính điểm từ 0 đến 10 tương ứng với rất không hài lòng đến rất hài lòng. Nghiên cứu cũng tìm hiểu quan niệm của đại diện hộ gia đình về điều kiện để có gia đình hạnh phúc.
Quan niệm về tiêu chí gia đình hạnh phúc
Số liệu thu được cho thấy, các yếu tố liên quan đến mối quan hệ gia đình và giá trị gia đình như sự thương yêu, hòa thuận, có nề nếp giữa các thành viên được đánh giá là điều kiện quan trọng nhất tạo dựng gia đình hạnh phúc.Trong số 21 yếu tố được đưa ra, các yếu tố liên quan đến mối quan hệ bên trong gia đình được lựa chọn với số điểm cao nhất (từ 9 điểm trở lên, theo thang điểm 10). Đặc biệt tiêu chí: Con cháu ngoan, lễ phép, chăm chỉ học tập, làm việc; Thành viên gia đình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau được cho là quan trọng khi xác định gia đình hạnh phúc. Bên cạnh đó, các yếu tố liên quan đến quan hệ giữa gia đình với dòng họ và gia đình với cộng đồng cũng được lựa chọn cao. Trong số các yếu tố liên quan đến mối quan hệ bên ngoài gia đình, đáng chú ý tiêu chí có uy tín trong cộng đồng dân cư (hàng xóm) nơi cư trú được lựa chọn cao hơn tiêu chí thành viên gia đình có vị thế trong xã hội.
Các yếu tố liên quan đến điều kiện vật chất cũng được đánh giá là quan trọng nhưng ở mức thấp hơn so với các yếu tố liên quan đến quan hệ gia đình và quan hệ với dòng họ, cộng đồng. Trong số các yếu tố liên quan đến điều kiện vật chất, điều kiện về môi trường sống được thành viên gia đình lựa chọn nhiều hơn so với các yếu tố về tài chính, nhà ở,…. Số liệu cho thấy, việc được sống trong môi trường thân thiện, không có tệ nạn xã hội giúp gia đình hạnh phúc hơn so với sống ở nơi có nhiều dịch vụ có chất lượng tốt. Tiếp đến là tiêu chí có nhà ở, đủ tiện nghi sinh hoạt, có việc làm, có thu nhập ổn định. Về điều kiện liên quan đến ăn mặc, việc ăn ngon mặc đẹp không được đánh giá cao bằng việc được sử dụng thực phẩm an toàn. Điểm số trung bình lựa chọn các tiêu chí thành viên gia đình được ăn ngon, mặc đẹp chỉ ở mức 7 điểm, thấp hơn so với các tiêu chí khác.
Nhìn chung có thể thấy, gia đình hạnh phúc được xác định bởi nhiều yếu tố khác nhau nhưng đặt lên trên hết là yếu tố về chất lượng mối quan hệ của các thành viên gia đình, bao gồm sự yêu thương, gắn kết, chia sẻ, hòa thuận, chăm sóc giữa các thành viên, giữa các thế hệ trong gia đình.
Kết quả nghiên cứu này khá tương đồng với kết quả nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu khoa học về Gia đình và Phụ nữ năm 1995 khi tìm hiểu quan niệm về gia đình hạnh phúc qua các tiêu chí: Đủ ăn đủ tiêu, nhà cửa khang trang, con cái vâng lời, vợ chồng hòa thuận, vợ chồng có văn hóa ứng xử, tiện nghi đầy đủ, mọi người khỏe mạnh, vợ nghe chồng, con cái học giỏi, mọi người độc lập tự do trong các công việc của mình, quan tâm thương yêu, vợ chồng có việc làm, chồng kiếm nhiều tiền, con cái có địa vị trong xã hội.
Kêt quả cũng cho thấy nền tảng của một gia đình hạnh phúc là quan hệ tốt đẹp, hiểu biết, thông cảm và thương yêu lẫn nhau giữa vợ và chồng. Ở vị trí thứ hai là nhóm tiêu chí về con cái. Nhà nào có con cái ngoan ngoãn, vâng lời, học giỏi thì rất hãnh diện và tự hào. Ngược lại, những gia đình có con cái hư hỗn, họ coi đó là nỗi bất hạnh lớn nhất. Nhóm chỉ báo về kinh tế của gia đình đứng ở vị trí thứ ba. Cho dù là có kinh tế vững vàng, sung túc thì một gia đình hạnh phúc vẫn phải dựa trên cơ sở sự thông cảm, hiểu biết lẫn nhau giữa các cặp vợ chồng, nề nếp và đạo đức của những đứa con cũng như một “gia phong” hàm chứa những giá trị truyền thống và hiện đại tốt đẹp nhất có thể có được dưới một mái nhà.
Thực trạng gia đình hạnh phúc qua đánh giá mức độ hài lòng
Đời sống vật chất của gia đình thường được xác định bao gồm ăn, mặc, ở, đi lại, tiện nghi sinh hoạt và tài sản tích lũy của các gia đình. Kết quả phân tích số liệu cho thấy, có 81% đại diện hộ gia đình hài lòng hoặc rất hài lòng về bữa ăn gia đình,về chất lượng bữa ăn gia đình, trong đó, có 45% người trả lời cho biết họ rất hài lòng với chất lượng bữa ăn hiện tại của gia đình. Chỉ có 2,5% người trả lời cho biết, họ chưa thực sự hài lòng với chất lượng bữa ăn hiện tại của gia đình. Đánh giá theo tháng điểm 10, kết quả phân tích số liệu cho thấy, điểm số trung bình đánh giá mức độ hài lòng về chất lượng bữa ăn là 8,13 điểm. Những người sống ở nông thôn có điểm trung bình về mức độ hài lòng chất lượng bữa ăn thấp hơn ở đô thị (7,99 điểm; 8,27 điểm). Xét theo yếu tố mức sống hộ gia đình cho thấy, điểm số hài lòng về chất lượng bữa ăn gia đình tỷ lệ thuận với mức sống gia đình. Điểm số tương ứng với các nhóm có mức sống khá giả, trung bình và dưới trung bình là 8,7 điểm so với 8,0 điểm và 7,1 điểm.
Bên cạnh hài lòng về chất lượng bữa ăn của gia đình, đại diện gia đình cũng đánh giá tích cực về điều kiện ăn mặc của các thành viên. Kết quả phân tích số liệu cho thấy, có 84% người trả lời hài lòng đến rất hài lòng về điều kiện ăn mặc của các thành viên. Sự thay đổi này ngoài yếu tố kinh tế-xã hội thì chính điều kiện kinh tế của gia đình làm thay đổi điều kiện ăn mặc của các thành viên. Các thành viên gia đình không chỉ chú ý đến chất lượng dinh dưỡng bữa ăn mà còn chú ý đến trang phục, không chỉ ăn ngon mà còn phải mặc đẹp, thậm chí là mặc phải theo mốt.
Bên cạnh yếu tố ăn mặc, chỗ ở cũng là những chỉ báo quan trọng để đánh giá về sự hài lòng của cá nhân về đời sống gia đình. Đánh giá về ngôi nhà các hộ gia đình đang ở, có 82,5% đại diện hộ gia đình hài lòng và rất hài lòng, chỉ có 1% không hài lòng và 2,5% hài lòng ở mức thấp. Xét theo thang điểm 10 khi đánh giá mức độ hài lòng về ngôi nhà đang cư trú, nhóm gia đình trẻ và gia đình cao tuổi có mức độ hài lòng khá gần nhau (20 đến 40 tuổi là 8,27 điểm và trên 60 tuổi là 8,28 điểm), trong khi đó, nhóm gia đình trung niên (từ 41 đến dưới 60 tuổi) điểm hài lòng về ngôi nhà chỉ đạt 8,03 điểm. Xét theo địa bàn cư trú của người trả lời cho thấy, những người sống ở nông thôn có điểm số trung bình hài lòng về ngôi nhà của họ đang cư trú cao hơn những gia đình sống ở đô thị (8,41 điểm; 7,96 điểm). Sự khác biệt này có thể do giá trị nhà đất ở nông thôn và đô thị chênh lệch lớn dẫn đến cơ hội sở hữu nhà đất của những gia đình ở đô thị thấp hơn những gia đình ở nông thôn. Vì thế, những gia đình sống ở nông thôn cũng dễ đạt được sự hài lòng hơn về ngôi nhà họ cư trú.
Có việc làm và có thu nhập ổn định dường như là yếu tố quan trọng góp phần thỏa mãn nhu cầu về ăn, mặc, ở và mua sắm các tiện nghi sinh hoạt trong gia đình “ăn ngon, mặc đẹp chưa đủ, để có hạnh phúc phải có việc làm ổn định, sinh đẻ có kế hoạch, phải tự làm ra đồng tiền thì hạnh phúc hơn”. Nhìn chung, người dân hài lòng với công việc của các thành viên mình ở mức khá cao. Mức điểm trung bình thể hiện sự hài lòng là 8,1 điểm. Nhóm có ít nhất 1 thành viên gia đình là công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có mức độ hài lòng cao hơn so với nhóm không có thành viên gia đình làm loại hình công việc này (8,6 điểm trung bình so với 8,0 điểm). Ở một khía cạnh khác, nhóm sống ở khu vực nông thôn có sự hài lòng về công việc của các thành viên cao hơn nhóm sống ở thành thị. Phải chăng, cơ hội việc làm ở thành thị nhiều hơn dẫn đến kỳ vọng có được việc làm tốt, phù hợp nhiều hơn khiến cho người dân thành thị ít hài lòng hơn về công việc của thành viên gia đình.
Mức độ hài lòng về mối quan hệ gia đình được đánh giá trên các chiều cạnh: mức độ hài lòng về đời sống vợ/chồng, mức độ hài lòng về mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, mức độ hài lòng về mối quan hệ họ hàng nên nội, bên ngoại.
Tìm hiểu mức độ hài lòng về đời sống vợ chồng cho thấy, có 83% người trả lời có điểm hài lòng từ 8 điểm trở lên khi đánh giá về đời sống vợ chồng của họ. Đánh giá mức độ hài lòng đời sống vợ chồng theo thang điểm 10 cho thấy, điểm trung bình đạt được là 8,4 điểm. Trong đó, gia đình trẻ (gia đình vợ và chồng có độ tuổi dưới 40) có điểm số hài lòng trung bình cao nhất (8,63 điểm) còn gia đình người cao tuổi có điểm số hài lòng trung bình thấp nhất (8,08 điểm). Mặc dù người dân hài lòng với đời sống vợ chồng hiện tại của họ, song “cái tôi” của một số thanh niên hiện nay khiến không ít người băn khoăn. Theo ý kiến của đại diện Đoàn thanh niên tỉnh Nam Định thì “trong mối quan hệ ứng xử của các cặp vợ chồng trẻ hiện nay, thiếu sự cảm thông và đôi khi nghĩ cho bản thân nhiều hơn nghĩ cho gia đình là những vấn đề đáng lo ngại”. Kết quả phân tích số liệu điều tra cũng cho thấy, các gia đình ở nông thôn có điểm trung bình về mức độ hài lòng với đời sống vợ chồng hiện tại của họ cao hơn ở đô thị (8,62 điểm; 8,17 điểm); nam giới có điểm trung bình hài lòng về đời sống vợ chồng hiện tại cao hơn nữ giới (8,73 điểm; 8,07 điểm).
Đối với mức độ hài lòng về mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, kết quả cho thấy có 94,5% người trả lời hài lòng đến rất hài lòng về mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình với nhau, số còn lại hài lòng ở mức trung bình và thấp (5,5%). Đáng chú ý, mức sống gia đình không có ảnh hưởng tới sự hài lòng về mối quan hệ gia đình theo chiều tỷ lệ thuận. Số liệu cho thấy, những người tự đánh giá mức sống khá giả hay dưới mức trung bình có điểm số hài lòng về mối quan hệ gia đình cao hơn so với những người tự đánh giá mức sống ở mức trung bình. Thông tin định tính cho thấy sự hài lòng về quan hệ gia đình dựa trên sự gắn kết, mối quan hệ tình cảm giữa các thành viên gia đình nhiều hơn.
Về mối quan hệ với họ hàng, có 94,5% người trả lời hài lòng đến rất hài lòng với mối quan hệ gia đình bên bố mẹ đẻ, chỉ có 5,5% đánh giá hài lòng ở mức trung bình và thấp. Còn đối với mức hài lòng về mối quan hệ gia đình bên bố mẹ vợ/chồng của người trả lời,có 92% cho biết họ hài lòng đến rất hài lòng với mối quan hệ gia đình bên nhà vợ/chồng của mình, số còn lại hài lòng ở mức trung bình, thấp và không hài lòng (1,5%). Xét theo điểm số trung bình về mức hài lòng trong mối quan hệ gia đình bố mẹ đẻ của người trả lời với gia đình bố mẹ vợ/chồng của người trả lời cho thấy, điểm trung bình chung của cả hai nhóm này rất hài lòng với mối quan hệ gia đình (9,0 điểm và 8,9 điểm).
Tuy nhiên, có điểm khác biết nhỏ về thang điểm số khi xét theo nhóm tuổi, giới tính hoặc địa bàn cư trú của người trả lời. Theo đó, người trả lời ở nhóm tuổi càng cao mức độ hài lòng càng lớn (20 đến 40 tuổi, 8,8 điểm; từ 41 đến dưới 60 tuổi, 8,96 điểm và trên 60 tuổi 9,13 điểm); song, với điểm số trung bình về mức độ hài lòng với mối quan hệ gia đình bên vợ/chồng thì điểm số đạt cao nhất ở nhóm gia đình trung niên (từ 41 tuổi đến 60 tuổi) đạt 8,92 điểm. Những gia đình sống ở nông thôn có điểm số hài lòng với họ hàng trong gia đình phía nhà bố mẹ đẻ cao hơn gia đình sống ở đô thị (9,05 điểm; 8,95 điểm); sự khác biệt này gia tăng hơn khi người trả lời đánh giá về mối quan hệ của họ với gia đình bên vợ/chồng, cụ thể, gia đình sống ở nông thôn có điểm số hài lòng trung bình là 9,03 điểm và đô thị là 8,77 điểm.
Sức khỏe của các thành viên gia đình cũng được xem xét là một trong số những chỉ báo quan trọng khi đánh giá về gia đình hạnh phúc. Phân tích số liệu điều tra cho thấy, có 75% người trả lời hài lòng cao về tình trạng sức khỏe của bản thân và 76% hài lòng về sức khỏe hiện tại của người chồng/vợ của họ. Về sức khỏe của các thành viên gia đình, mức hài lòng là 88,5%, còn mức hài lòng về sức khỏe của con, cháu của họ là 92,5%. Những người trẻ có điểm số trung bình hài lòng về sức khỏe của bản thân cao hơn những người cao tuổi. Theo đó, nhóm từ 20 đến 40 tuổi có điểm hài lòng là 7,98 điểm, nhóm 41 đến 60 là 7,72 điểm và trên 60 là 7,44 điểm.
Tìm hiểu sự hài lòng về môi trường sống qua thang điểm từ 0-10 cho chất lượng và sự thuận tiện của các dịch vụ xã hội nơi gia đình cư trú cũng như môi trường xã hội nói chung và cộng đồng dân cư, số liệu thu được cho thấy, đa số đại diện hộ gia đình thể hiện sự hài lòng với các tiêu chí về môi trường sống. Mức độ hài lòng (tính từ thang điểm 7 đến thang điểm 8) và rất hài lòng (tính từ thang điểm 9 đến thang điểm 10) được thể hiện cao hơn cả với yếu tố công đồng nơi cư trú, chất lượng và sự thuận tiện của dịch vụ giáo dục. Bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận chưa thực sự hài lòng (tính từ thang điểm 6 trở xuống) về dịch vụ y tế cũng như chất lượng dịch vụ xã hội nói chung.
Như vậy qua kết quả nghiên cứu đã cho thấy các gia đình đề cao các yếu tố tình cảm, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình chứ không phải các yếu tố vật chất. Điều này cho thấy yếu tố vật chất có thể chỉ là điều kiện đảm bảo để xây dựng gia đình hạnh phúc. Khi điều kiện vật chất đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu thì yếu tố quyết định gia đình hạnh phúc chính là các giá trị tinh thần có trong gia đình. Kết quả nghiên cứu gợi ý rằng khi con người còn khó khăn về kinh tế thì việc có cơm ăn no bụng và có áo mặc ấm là hạnh phúc, nhưng khi con người đã nỗ lực để có được cơm no và áo ấm thì “hạnh phúc không chỉ là có cơm ăn và áo mặc. Xây dựng gia đình hạnh phúc không chỉ chú trọng đến yếu tố vật chất của gia đình mà bỏ qua các yếu tố văn hóa-tinh thần, đặc biệt là chất lượng mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình.
Theo TS. Trần Tuyết Ánh / Báo điện tử Đảng Cộng sản