Nhận thức về tham nhũng
Năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thấy nguy cơ của một đảng cầm quyền là vấn đề tham ô của cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị. Theo quan điểm của Người, tham ô nguy hiểm như một loại kẻ địch, như quân thù có thể hạ gục người cán bộ, đảng viên, hạ gục một đảng và cả chính quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như đánh giặc ngoài mặt trận. Người khẳng định: "Ðây là mặt trận tư tưởng và chính trị" rất quan trọng. Thực chất nó là thứ "giặc ở trong lòng", "giặc nội xâm"1.
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 đã thay chữ "tham ô" bằng chữ "tham nhũng". Trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã giải thích thuật ngữ tham nhũng: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi” và Bộ luật Hình sự năm 2015 đã nhận dạng 7 tội phạm về tham nhũng gồm:
1. Tội tham ô tài sản (Điều 253);
2. Tội nhận hối lộ (Điều 354);
3. Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 355);
4. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356);
5. Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 357);
6. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 358);
7. Tội giả mạo trong công tác (Điều 359)2.
Tham nhũng là hành vi phạm tội rất nguy hiểm đối với bất kỳ xã hội nào, bất kể thể chế chính trị nào. Tham nhũng làm mất động lực của sự phát triển kinh tế, nền kinh tế bị lệch lạc không thể cạnh tranh lành mạnh được, vì tham nhũng ngăn cản các luật tự nhiên của nền kinh tế thị trường, làm mục nát bộ máy chính quyền, làm suy giảm niềm tin của người dân vào hệ thống chính trị của quốc gia. Tham nhũng không chỉ ảnh hướng đến sự phát triển hiện tại, mà còn sụp đổ con đường đi tới tương lai của quốc gia. Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) thì nguồn gốc gây ra nghèo đói là tham nhũng: “Chủ tịch TI, ông Peter Egen, cho rằng tham nhũng tiếp tục là nguyên nhân chính gây ra nghèo đói, là rào cản của sự phát triển” và “Chính tham nhũng đã, đang đe doạ mục tiêu thiên niên kỷ và phá hoại nền kinh tế, cản trở đà tăng trưởng mà để tạo ra dù chút ít, phải tốn không biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt của hàng trăm triệu người. Vật chất của hiện tại bị cướp đoạt, nhưng đau đớn hơn, giấc mơ về tương lai cũng bị vùi dập theo đà tham nhũng toàn cầu”3.
Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước nhận thức sâu sắc về tác động nguy hiểm của tham nhũng đối với sự phát triển xã hội cũng như sự tồn vong của chế độ. Năm 1998, Nhà nước ban hành Pháp lệnh Phòng, chống tham nhũng; Năm 2005 ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng; Tiếp đó, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 04 - NQ/TW ngày 21/8/2006 về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng. Năm 2018, Nhà nước ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 thay thế Luật Phòng, chống tham nhũng 2005. Tham nhũng tiếp tục được xác định là một trong những nguy cơ đe dọa sự sinh tử của chế độ: “Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”4. Nhận thấy cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng có vai trò vừa cấp bách vừa lâu dài, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 12/5/2009 Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020. Chiến lược được thực hiện qua 3 giai đoạn: 2009 - 2011; 2011- 2016; 2016 - 2020.
Một số kết quả và những hạn chế của việc thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng
Một là, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng diễn ra rộng khắp, nhiều tầng, nhiều mức độ, bài bản có kế hoạch, có mục tiêu, có giải pháp, có lớp tập huấn. Sau khi Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, các cấp các ngành và toàn xã hội đã nâng cao mức nhận thức về sự nguy hiểm của hành vi tham nhũng, cũng như thấy được vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng, chống tham nhũng. Tất cả các cấp chính quyền từ Trung ương, địa phương, cơ sở, các bộ, ngành đều đưa công tác phòng, chống tham nhũng vào chương trình, nhiệm vụ, kế hoạch công tác hàng năm. Với tầm mức Chiến lược quốc gia nên các bộ, ngành, địa phương đều xây dựng kế hoạch, đặt ra mục tiêu, bố trí nguồn lực, xây dựng các nhóm giải pháp để tiến hành theo các giai đoạn. Mỗi giai đoạn có tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm dưới sự chỉ đạo thống nhất của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và hướng dẫn của Tổng Thanh tra Nhà nước, Ban Nội chính Trung ương. So với trước đây, sau khi ban hành Chiến lược phòng, chống tham nhũng rõ ràng cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã triển khai đồng bộ từ cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh và Trung ương ở tất cả bộ, ban, ngành và ở mỗi một cơ quan, tạo ra không gian đấu tranh rộng lớn ảnh hưởng mạnh mẽ đến toàn thể xã hội.
Hai là, nhờ có quyết tâm chính trị và tiến hành có kế hoạch có tổ chức nên Chiến lược phòng, chống tham nhũng đã đánh trúng, đánh đúng những cá nhân tham nhũng, những nơi có tham nhũng và thu hồi tài sản cho Nhà nước. Thông qua phương tiện công cụ thanh tra, kiểm tra, khiếu nại, tố cáo, điều tra, truy tố, xét xử những hành vi tham nhũng làm cho: “giặc nội xâm” phải hoang mang lo sợ chùn bước. Vừa xử lý trừng trị hành vi tham nhũng, đồng thời thu lại được khối lượng tài sản do tham nhũng mà có, trả lại cho nhân dân và Nhà nước. Mỗi địa phương trong toàn quốc đều có kết quả cụ thể khi thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng giai đoạn từ năm 2009 - đến năm 2020. Đơn cử một số địa phương với các chỉ số Cải cách hành chính ở hạng khác nhau để thêm thông tin tham khảo về sự ảnh hưởng của các nguyên nhân và điều kiện nảy sinh tham nhũng, trong đó chỉ số cải cách hành chính Par Index chỉ là một phần và không phải chỉ số điểm Par Index cao thì tham nhũng luôn luôn giảm (Bảng chỉ số cải cách hành chính Par index năm 2019)5:
Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đã đánh vào cả những “cứ địa”, “boong ke” kiên cố. Nếu như trước đây báo chí, các bài viết, sách chỉ nêu lên nhũng vụ việc tham nhũng ở cấp thấp, cấp địa phương cao nhất là cán bộ cấp tỉnh vì ngại, sợ bị trù dập, không động vào vùng "nhạy cảm", thì nay trong thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đã đánh vào cả những vùng rất cao, rất kiên cố, ở mọi lĩnh vực.
Ba là, thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đã góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, giữ ổn định xã hội, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Về kinh tế, tham nhũng là một trong những nguyên nhân tạo ra môi trường kinh doanh cạnh tranh không lành mạnh, thiếu bình đẳng, khiến doanh nghiệp không cần nâng cao năng lực, chất lượng sản phẩm, chỉ cần có quan hệ với người có chức vụ, quyền hạn là giành được những hợp đồng béo bở, từ đó gây thất thoát, lãng phí tiền của, cản trở sự phát triển nhanh và bền vững của kinh tế đất nước. Việc đấu tranh với các hành vi vụ lợi của người có chức vụ, quyền hạn một cách nhanh chóng, khẩn trương, đã ngăn chặn tài sản bị thất thoát, thu hồi khối tài sản lớn cho Nhà nước, một mặt đã làm lành mạnh thị trường. Điều thực tế ghi nhận là sau khi thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng rút ra các bài học kinh nghiệm nên rất chú ý đến việc thu hồi tài sản cho Nhà nước, tỉ lệ thu hồi tài sản cao hơn so với trước đây (xem bảng dưới đây để so sánh)11:
Về chính trị, xã hội, Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng được xã hội quan tâm đặc biệt, được các phương tiện truyền thông đưa tin thường xuyên với sự chờ đợi của dư luận xã hội. Sau những vụ án tham nhũng lớn được đem ra xét xử đã nhận được sự đồng tình của nhân dân, củng cố niềm tin của người dân vào chính quyền.
Bốn là Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đã góp phần làm trong sạch bộ máy, nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ công chức thông qua việc ngăn chặn, xử lý các hành vi tham nhũng thay thế những tổ chức cá nhân, vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, còn một số hạn chế trong thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng.
Một là, dù rằng đấu tranh chống giặc “nội xâm” là lâu dài, gặp nhiều khó khăn, Đảng và Nhà nước đã xây dựng Chiến lược bài bản, nhưng kết quả chung vẫn không được như mong đợi của xã hội. Công tác phòng, chống tham nhũng ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ rệt. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế, tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp; việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ, cơ quan, đơn vị còn là khâu yếu. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tham nhũng trên nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ ta12.
Hai là, các hành vi tham nhũng đều nhằm mục đích vụ lợi, chủ yếu là lấy tài sản, vật chất thông qua tham nhũng biến thành tài sản cá nhân, nhiều vụ tham nhũng với số tài sản đặc biệt lớn. Dù đã phát hiện xử lý hành vi tham nhũng, nhưng số tài sản thu hồi (chỉ từ 10 - 30 %)13 thì chưa thể gọi là đạt được mục tiêu của chống tham nhũng, có nghĩa là Nhà nước vẫn thất thoát, mà kẻ vi phạm vẫn giữ hoặc tẩu tán tài sản đã chiếm đoạt được, làm cho tính răn đe của luật pháp bị giảm.
Ba là, Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng diễn ra trên không gian rộng lớn, hầu như tất cả các cấp, các nghành, các địa phương đều giành thời gian sức lực, nguồn lực để xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện trong thời gian dài qua ba giai đoạn, nhưng khi báo cáo thì có cơ quan, tổ chức tổng kết không có tham nhũng, hoặc rất ít. Từ thực tiễn trên cho thấy có các khả năng xảy ra, như: hoặc cơ quan, tổ chức hoạt động đúng pháp luật không có tham nhũng, nhưng vẫn phải đầu tư thời gian, nguồn lực cho việc xây dựng và thực hiện Chiến lược, hoặc xây dựng thực hiện Chiến lược kém hiệu quả; hoặc làm qua loa để đối phó, dẫn đến lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến niềm tin của dư luận xã hội.
Nhận thức sâu sắc về tính chất nguy hiểm của “giặc nội xâm” mà Đảng, Nhà nước đã có chủ trương đúng đắn khi chỉ đạo xây dựng Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng. Qua 10 năm thực hiện, chúng ta đã giành được những kết quả ban đầu được ghi nhận trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII: “Đạt nhiều kết quả rất quan trọng, rõ rệt, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ đánh giá cao và quốc tế nghi nhận”14. Kết quả đó được rút ra từ kinh nghiệm, bài học trong suốt quá trình thực hiện cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, nhất là trong quá trình thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, được sự: “lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, toàn diện đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”15.
Một số kiến nghị và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Một là, tiếp tục thực hiện phương châm lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh phòng, chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào để thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, đồng thời chú ý đến các biện pháp thu hồi tài sản.
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho mọi đảng viên, cán bộ, công chức và người dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tính nghiêm trọng, sự nguy hại của tệ tham nhũng và tính cấp thiết, lâu dài, phức tạp, khó khăn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; thấy rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và công dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng. Nâng cao hiểu biết, kiến thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho cán bộ, công chức và người dân.
Ba là, khi xây dựng Chiến lược, nên chọn từng điểm nóng để bố trí trận địa, lực lượng sẽ không bị dàn trải không lãng phí không làm qua loa lấy lệ, bởi vì tham nhũng phải có nguyên nhân, điều kiện, cơ hội mới có thể thực hiện được.
Bốn là, không nên bố trí thủ trưởng cơ quan chỉ đạo, xây dựng, thực kế hoạch Chiến lược phòng, chống tham nhũng, bởi sẽ khó tránh khỏi tình trạng vừa là người tham nhũng vừa là người chỉ đạo phòng, chống tham nhũng. Thay vào đó, nên thiết lập một cơ quan riêng, mà các thành viên được tuyển chọn từ các cơ quan đặc biệt bảo vệ pháp luật dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Quốc hội với vị trí là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.
Năm là, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống không ngừng được nâng lên với giá cả dịch vụ được thay đổi theo thị trường, mức sống của khu vực doanh nghiệp có sự chênh lệch so với khu vực công, do đó, Nhà nước cần chú ý đến cải cách tài chính công, lao động và tiền lương, coi đây là một trong những giải pháp thiết thực khi thiết kế cơ chế ba không: Không thể tham nhũng, Không dám tham nhũng và Không cần tham nhũng.
Sáu là, giải pháp căn cơ bền vững nhất là xây dựng nhà nước pháp quyền văn minh dưới sự lãnh đạo của lực lượng mạnh mẽ và sáng suốt, của giai cấp tiến bộ với đầy đủ các nguyên tắc, quy luật tự nhiên của nó như tính thượng tôn pháp luật, tính kiểm soát quyền lực, tính dân chủ, khách quan… đi sâu nghiên cứu để không cho tham nhũng quyền lực, tham nhũng chính trị tồn tại, chỉ có như vậy mới triệt được gốc rễ của “giặc nội xâm”.
Nguyễn Tất Đạt
PGS. TS, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.7, tr.351-369.
2. Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015.
3. Tiểu Vy. Tham nhũng nguồn gốc của nghèo đói trên thế giới. Vietnamnet. Cập nhật lúc 16:11, thứ Tư, 19/10/2005.
4. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Phát biểu kết luận hội nghị trực tuyến toàn quốc, tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 ngày 14/12/2020.
5. Xuân Thường. Công bố kết quả đánh giá chỉ số Cải cách hành chính năm 2019. Cổng Thông tin điện tử Ủy Ban Dân tộc 02:49 PM ngày 19/5/2020.
6. Nguyễn Công - Minh Phương. Trang thông tin điện tử Đảng bộ Thành phố Hà Nội. Thành phố Hà Nội Tổng kết Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020.
7. Đình Quang - Ngọc Hiếu. Tổng kết Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Trang Thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn, ngày 8/4/2021 13:40
8. Lê Tâm. Đà Nẵng điều tra 16 vụ/41 bị can phạm tội tham nhũng, chức vụ. Bảo vệ pháp luật online. Cập nhật lúc 08:24, thứ Năm, ngày 15/4/2021.
9. Cảnh Kỳ. Cần Thơ thu hồi gần 12 tỷ đồng từ các vụ án tham nhũng. Tiền Phong online, ngày 3/4/2021, 16:37.
10. Thanh Tâm. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Hồ Thị Cẩm Đào dự Hội nghị tổng kết Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020. Trang Thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng, ngày 16/4/2021.
11. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.2, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.210.
12, 13. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Phát biểu kết luận hội nghị trực tuyến toàn quốc, Tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020, ngày 14/12/2020.
14, 15. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội. 2021, tr.206.