|
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cùng đồng bào dân tộc thôn Tân Thành, xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn, tháng 11-2017)_Ảnh: TTXVN |
Đổi mới tư duy trong Đảng
Sau hơn 35 năm đổi mới, “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” luôn là kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng, được mọi tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ và ngày càng phát huy hiệu quả trên thực tế. Để thực sự phát huy quyền làm chủ của nhân dân hơn nữa, Đại hội XIII đã bổ sung nội dung “dân giám sát”, “dân thụ hưởng”. Đây là sự phát triển tư duy lý luận, hoàn thiện chủ trương của Đảng về dân chủ. Sự phát triển, hoàn thiện đó có ý nghĩa thiết thực, quan trọng trong xây dựng và phát huy nguồn lực con người, là động lực, yếu tố sống còn, có ý nghĩa quyết định đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước giai đoạn tiếp theo.
Theo đó, ngày 25/10/2021, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII ban hành Kết luận số 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, trong đó nhấn mạnh phải thực hiện có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
“Dân giám sát” là nhân dân theo dõi, xem xét, đánh giá quá trình thực hiện, kết quả thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án, công việc thực hiện. Giám sát cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình có đúng, có tuân thủ đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật không bằng hình thức trực tiếp, hoặc gián tiếp. Xuất phát từ thực tế, khó phân biệt rõ ràng, rành mạch giữa hoạt động kiểm tra với hoạt động giám sát; lúc nào, việc gì thì kiểm tra và lúc nào, việc gì thì giám sát. Trong đó, nhân dân “giám sát” có phạm vi rộng bao gồm chủ thể quản lý giám sát việc làm của khách thể quản lý trong phạm vi cơ quan, tổ chức, đơn vị; “kiểm tra” có phạm vi hẹp hơn chỉ diễn ra quá trình chủ thể quản lý xem xét việc làm của chủ thể quản lý và tự kiểm tra trong nội bộ, trong bản thân mỗi người theo một cơ chế, quy định nhất định.
Như vậy, khi thực hiện “dân kiểm tra” không chỉ xem xét việc thể chế vấn đề dân trực tiếp giám sát, kiểm tra hoạt động của cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương, cán bộ, công chức, viên chức mà phải xem xét một cách đồng bộ cơ chế giám sát, kiểm tra, thanh tra hệ thống chính trị, xã hội. Chính vì thế, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung khâu công việc “dân giám sát” vào phương châm để tạo thuận lợi cũng như có cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện hiệu quả nhất.
“Dân thụ hưởng” tức là nhân dân được nhận, hưởng thụ thành quả, kết quả của quá trình phát triển về đời sống vật chất, tinh thần mà các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật mang lại sau quá trình tổ chức, thực hiện. Đồng thời, nhân dân thấy được mục đích, động lực thực sự, cuối cùng của chủ trương, chính sách, pháp luật mà Đảng, Nhà nước đề ra và tổ chức thực hiện đều vì nhân dân, bảo đảm quyền con người được thực hiện một cách triệt để, lan tỏa những giá trị nhân văn, tiến bộ đúng với bản chất của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa. Đây là sự phát triển tư duy lý luận, hoàn thiện chủ trương của Đảng về quyền dân chủ của người dân; qua đó, tiếp tục khẳng định nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Khẳng định vị thế làm chủ của nhân dân
Việc thực hiện phương châm “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” đã góp phần tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân theo Hiến pháp năm 2013; gắn quyền công dân với nghĩa vụ và trách nhiệm công dân đối với xã hội đã đạt được những kết quả tích cực.
|
Ông Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gặp gỡ đồng bào các dân tộc xã Quy Mông, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái trong Ngày hội Đại đoàn kết, tháng 11/2022. Ảnh Báo Yên Bái
|
Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước liên quan đến cuộc sống nhân dân, vận mệnh đất nước, dân tộc đều được phổ biến đến quần chúng nhân dân thông qua nhiều hình thức khác nhau, nhất là tuyên truyền để dân hiểu, nắm rõ, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Nội dung tuyên truyền chủ yếu là các văn bản Luật; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; các dự án, công trình đầu tư trên từng địa bàn và tiến độ thực hiện; phương án đền bù, hỗ trợ, tái định cư liên quan đến dự án, công trình trên địa bàn; chủ trương, kế hoạch vay vốn để phát triển sản xuất, xoá đói, giảm nghèo... Tùy theo tính chất, mức độ quan trọng của từng nội dung mà tổ chức công khai bằng một hay nhiều hình thức kết hợp như thông qua hội nghị cán bộ công chức, các buổi họp dân, họp tổ hội đoàn thể tại cơ sở... Đặc biệt, toàn bộ diễn biến, tiến trình các kỳ họp Quốc hội đều được phát thanh, truyền hình trực tiếp để nhân dân theo dõi, đánh giá và góp ý.
Trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan nhà nước cần phải lấy ý kiến, lắng nghe ý kiến của người dân. Đây là quy trình bắt buộc đã được luật hóa trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Người dân trực tiếp tham gia đóng góp ý kiến vào các văn bản dự thảo chủ trương, chính sách, pháp luật thông qua việc lấy ý kiến trực tiếp, các hội nghị, hội thảo, các trang web của các bộ, ban, ngành chủ trì soạn thảo hoặc thông qua các cơ quan dân cử...; được nhân dân bàn bạc tập thể, thống nhất cách thức, biện pháp tổ chức, triển khai thực hiện. Các ý kiến đóng góp của nhân dân đều được lắng nghe, tiếp thu. Đối với những ý kiến chưa xác đáng, chưa phù hợp thì các cơ quan, đơn vị có liên quan tiến hành giải thích, tuyên truyền, thuyết phục để nhân dân hiểu, nắm rõ. Năm 2021, Mặt trận các cấp đã tổ chức gần 21.800 cuộc giám sát, trong đó Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh chủ trì giám sát 454 cuộc, cấp huyện giám sát 3.327 cuộc, cấp xã giám sát 17.947 cuộc. Trong đó, có 3 chuyên đề đó là: giám sát tiếp công dân, giám sát cán bộ, đảng viên và giám sát Luật Đất đai.
Người dân trực tiếp thực hiện, hành động, làm việc, đưa chủ trương, chính sách, pháp luật vào thực tiễn cuộc sống, đảm bảo hiệu quả. Trong đó, cán bộ, đảng viên trước hết làm tốt vai trò là một công dân, với tinh thần là hạt nhân, đi đầu trong tổ chức, triển khai, thực hiện. Toàn dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của Nhà nước. Trong năm 2021, số tội phạm về trật tự xã hội giảm 5.332 vụ; tai nạn giao thông giảm 3.491 vụ so với năm 2020... Bên cạnh đó, Nhân dân thực hiện quyền con người, quyền công dân, trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, dù trong hoàn cảnh đại dịch phức tạp, cử tri cả nước đã nâng cao tinh thần trách nhiệm với gần 70 triệu lá phiếu tại 84.767 khu vực bầu cử (đạt 99,60%).
Trong những năm qua, thông qua cơ chế dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện gián tiếp, vai trò “kiểm tra, giám sát” của nhân dân đã thật sự phát huy hiệu quả cao trong công tác phát hiện, xử lý các vi phạm của cơ quan nhà nước, cán bộ, đảng viên, góp phần nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tạo mọi điều kiện để nhân dân giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân các cấp, ý kiến kiến nghị của cử tri và tình hình hoạt động của các đại biểu Hội đồng nhân dân; việc thu, chi ngân sách, quyết toán các công trình xây dựng do nhân dân đóng góp... Những năm gần đây, dưới sự giám sát của nhân dân, chất lượng các công trình được nâng cao, đồng thời hạn chế thất thoát, lãng phí, tiêu cực. Hiệu quả càng thấy rõ khi sự giám sát được thực hiện qua nhiều hình thức, tổ chức khác nhau; từ khâu bắt đầu đến quá trình thi công rồi bàn giao đưa vào sử dụng các công trình dân sinh như đường giao thông, chợ, nhà văn hóa...
Thực tế từ khi Đảng ta ra đời đến nay, nhân dân đã được thụ hưởng hầu như tất cả những thành quả của cách mạng đưa lại. Đó là những thành quả về vật chất và tinh thần, mà trước hết là quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc, gắn liền với quá trình mở rộng, tăng cường, phát huy quyền làm chủ, quyền con người. Đặc biệt, quyền được đảm bảo an sinh xã hội của người dân không những đã được hiến định tại Điều 34, Điều 59 Hiến pháp năm 2013, mà còn thể hiện ở thực tiễn kết quả xóa đói giảm nghèo. Năm 1993 tỉ lệ hộ nghèo cả nước là 58,1%, năm 2021 con số này chỉ còn 2,23%. Thu nhập bình quân của người nghèo tăng 1,6 lần giai đoạn 2016-2020. Người nghèo có khả năng lao động được hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với nhu cầu. Đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện, nâng lên rõ rệt. Việt Nam đã hoàn thành sớm mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xóa đói, giảm nghèo và được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới. Kết quả trên rất có ý nghĩa, khẳng định ý chí, quyết tâm cao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Đặc biệt, với chiến dịch tiêm chủng vaccin phòng, chống Covid-19 lớn nhất trong lịch sử, Việt Nam trở thành một trong sáu nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân và đưa đất nước trở lại cuộc sống bình thường mới.
Giải pháp về phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong tình hình mới
Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, việc thực thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” còn một số hạn chế. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: “Việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phương châm chưa thực sự thường xuyên. Công tác sơ kết, tổng kết việc thực hiện chưa được chú trọng. Một số văn bản pháp luật liên quan đến dân chủ ở cơ sở chậm được xây dựng và hoàn thiện”. Thực hiện phương châm chưa thực sự đi đôi với giữ gìn trật tự, kỷ cương. Có nơi vẫn còn tình trạng dân chủ hình thức; ý kiến của nhân dân chưa thực sự được lắng nghe; phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” chưa được thể chế hóa một cách cụ thể, đầy đủ, đồng bộ trong hệ thống pháp luật; chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội của tổ chức chính trị, đoàn thể xã hội chưa đều... Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa gương mẫu, chưa thực sự tôn trọng, coi nhẹ ý kiến, kiến nghị của nhân dân, giải quyết chưa kịp thời các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, trong phát huy quyền làm chủ của nhân dân...
Để quán triệt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cần thực hiện tốt một số vấn đề sau:
Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức cho cả hệ thống chính trị và nhân dân trong thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, thực hiện quan điểm của Đảng về phát huy quyền dân chủ của nhân dân. Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến phương châm trên cho phù hợp với tình hình mới hiện nay.
Hai là, làm tốt việc thể chế hóa, cụ thể hóa phương châm của Đảng thành các qui định chặt chẽ, đồng bộ, cụ thể trong hệ thống pháp luật.
Ba là, chú trọng thực hiện tốt công tác cán bộ; đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu. Một trong những yếu tố góp phần thể chế hóa phương châm của Đảng vào đời sống là cán bộ lãnh đạo các cấp chính quyền, người đứng đầu trực tiếp làm nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của dân phải nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo chất lượng công việc.
NGUYỄN VĂN TÚ
Tiến sĩ, Bộ Quốc phòng